"Đất cằn nhả ngọc" - Kỳ 2: Những thành quả bước đầu
BHG - Với sức sáng tạo không ngừng, khắp nơi trong toàn tỉnh dâng cao khí thế thực hiện Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh với nhiều cách làm linh hoạt, thay đổi căn bản cách nghĩ của người dân về tư duy giảm nghèo lẫn khát vọng làm giàu, mở ra hướng phát triển kinh tế đầy triển vọng nơi cực Bắc.
Bằng sự sáng tạo, người dân vùng Cao nguyên đá Đồng Văn mở rộng đất canh tác bằng phương pháp bù đất, lấp đá. Trong ảnh: Mảnh vườn sau khi cải tạo của anh Chứ Mí Pó, thôn Há Đề, xã Sính Lủng (Đồng Văn). Ảnh: Duy Tuấn |
So với các huyện vùng thấp, Cao nguyên đá Đồng Văn có địa hình canh tác đặc thù, đá nhiều hơn đất. Biến khó khăn thành hành động, những con người trên miền đá một lần nữa khẳng định tinh thần mạnh mẽ, bám đá vươn lên. Nằm ở “cửa ngõ” vùng Công viên Địa chất toàn cầu - huyện Quản Bạ được đánh giá đi đầu trong quá trình cải tạo vườn tạp (CTVT), trở thành hình mẫu cho nhiều địa phương đến tham quan, học tập. Trong 146 hộ đang CTVT, hiện có trên 30 hộ tại xã Thanh Vân, Đông Hà, thị trấn Tam Sơn mở rộng đất canh tác bằng phương pháp bù đất, lấp đá, diện tích đạt 6 ha. Một số nơi CTVT gắn với cải tạo, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm ở khu dân cư kiểu mẫu; bố trí kinh phí cho các hộ vay vốn theo hình thức có thu hồi; có những hộ vừa được xóa nhà tạm, vừa tham gia CTVT. Đây là điều hết sức nhân văn, tạo sự thống nhất chung trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân để cùng chung sức giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo CTVT - đồng chí Hoàng Đình Phới, Bí thư Huyện ủy Quản Bạ cho hay.
Chị Phàn Thị Liệt, thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ) quy hoạch lại mảnh vườn để làm du lịch sinh thái kết hợp với dịch vụ homestay. |
Là một trong những hộ CTVT làm du lịch sinh thái nhà vườn kết hợp với dịch vụ homestay, chị Phàn Thị Liệt, thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ chia sẻ: “Gia đình tôi đã cải tạo mảnh vườn rộng 2.000 m2 để trồng 300 cây mận, đào và trồng rau theo mùa, nuôi thêm gà, cá. Những cây trồng này là đặc sản, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng. Du khách đến đây, vừa được hòa mình vào nét văn hóa truyền thống, thưởng thức những món ăn của đồng bào dân tộc Dao, vừa được trải nghiệm làm vườn, thu hái quả. Tôi hi vọng hướng đi này sẽ tạo ra điểm nhấn khác biệt, mới mẻ, thu hút khách du lịch và nâng cao thu nhập cho gia đình”.
Mang theo những niềm vui đến vùng đất phía Tây, chúng tôi đến thăm mô hình CTVT của hộ nghèo Hoàng Văn Xạ, thông Làng Thượng, xã Khuôn Lùng (Xín Mần). Sắp xếp, quy hoạch lại mảnh vườn, ông Xạ trồng xen canh 850 m2 cây Hoài sơn, Chanh tứ mùa, rau và bí thơm. Trong những cây trên, Hoài sơn là loại dược liệu quý để điều chế thuốc chữa bệnh, có giá bán trung bình từ 100 - 120 nghìn đồng/kg. Ở khu đất khác, ông đào ao, thả 30 kg cá giống, quy hoạch chuồng trại nuôi gà, lợn. Như vậy, quá trình CTVT thành một chu trình khép kín, phát triển kinh tế tổng hợp theo hướng vườn, ao, chuồng. Bằng sự nhạy bén, nắm bắt cơ hội thị trường, ông Xạ đã hợp đồng cung ứng rau lâu dài cho trường học bán trú trên địa bàn xã.
Không chỉ tạo điểm nhấn cho nông nghiệp, nông thôn ở các huyện vùng cao; Nghị quyết 05 đã thêm “màu no ấm” trên những mảnh vườn thuộc vùng động lực của tỉnh. Là hộ cận nghèo, nhiều năm loay hoay tìm “bài toán” phát triển kinh tế nhưng chưa thành công, năm 2021, ông Nguyễn Văn Chung, thôn Tân Bình, xã Tân Trịnh (Quang Bình) được xã định hướng cải tạo vườn cam, chè cằn cỗi, thoái hóa để làm chuồng nuôi dê. Được gỡ khó về vốn, ông mua 3 cặp dê bố mẹ và trồng 2 sào cỏ ngọt xen lẫn cây sắn, ngô để chủ động nguồn thức ăn cho gia súc. Nhờ có cán bộ hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, đàn dê không mắc dịch bệnh, sinh sản được 2 con. Tìm thấy con đường thoát nghèo không xa, ông Chung quyết tâm phấn đấu nhân rộng quy mô nuôi dê để tăng thu nhập cho gia đình.
Từ điểm khởi đầu ở huyện Vị Xuyên, đến nay, Chương trình CTVT dần thấm sâu và “đánh thức” tư duy làm vườn của người dân, nhất là hộ nghèo và cận nghèo. Từ đây, các hộ đã bố trí lại cấu trúc không gian vườn hộ khoa học, hợp lý, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn, tạo sự liên kết giữa nhà ở, khu vực chăn nuôi, vườn hộ. Hơn nữa, việc đưa các cây, con giống có thế mạnh, năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, góp phần đa dạng các sản phẩm đặc thù của địa phương, đưa diện mạo nông thôn, nông nghiệp ngày càng thay đổi.
Bài, ảnh: MỘC LAN - PHAM HOAN
Kỳ cuối: Hành trình bền bỉ, lâu dài
[links()]