Chị Pản Thị Sinh đi đầu cải tạo vườn tạp
BHG - Những luống rau xanh mướt trước sân nhà, đàn gà, đàn dê đang lớn đều là “trái ngọt” ban đầu của gia đình chị Pản Thị Sinh, thôn Đồng Tâm, xã Yên Thành (Quang Bình) sau gần 4 tháng thực hiện Chương trình Cải tạo vườn tạp theo Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh. Đây cũng chính là động lực để gia đình chị hiện thực hóa ước mơ thoát nghèo, lập nghiệp vững chắc ngay trên mảnh đất quê hương.
Vườn rau xanh của gia đình chị Pản Thị Sinh. |
Cũng như bao gia đình nông thôn trong vùng, xung quanh nhà là vườn, là ruộng, đất đai rộng rãi, phì nhiêu nhưng do thiếu vốn, thiếu kiến thức, những năm trước, mảnh vườn của chị Sinh chỉ trồng một số cây lấy bóng mát, nuôi thêm ít gà phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường ngày. Vì không có nghề phụ, quanh năm chỉ dựa vào mấy sào ruộng nên thu nhập của gia đình ít ỏi, cuộc sống chật vật, khó khăn. Nhiều lần, chị Sinh trăn trở, loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế nhưng chưa được như mong đợi.
Gia đình chị Pản Thị Sinh chăm sóc đàn dê để phát triển kinh tế. (Ảnh chụp trước ngày 25.4.2021) |
Trong lúc đang cần vốn để tu sửa lại chuồng trại, mua con giống chăn nuôi, gia đình chị là hộ cận nghèo được cấp ủy, chính quyền địa phương lựa chọn làm điểm triển khai Chương trình Cải tạo vườn tạp. Cuối tháng 2.2021, xã Yên Thành đã tổ chức phát động, huy động cán bộ, đảng viên và nhân dân giúp đỡ vợ chồng chị sắp xếp, cải tạo lại toàn bộ mảnh vườn rộng trên 500 m2 theo đúng bản đồ quy hoạch. Ngay sau đó, chị được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân vốn vay 30 triệu đồng không lãi trong vòng 30 tháng để thực hiện những dự định đã ấp ủ bấy lâu nay.
Chị Sinh bày tỏ: “Gỡ được cái khó, vợ chồng tôi mừng lắm. Vợ chồng tôi đã bàn bạc, thống nhất làm lại chuồng trại chăn nuôi kiên cố, mua 100 con gà Ri - lai, 1 con dê Boer lai và 5 con dê giống địa phương, trồng vườn rau để cải thiện bữa ăn gia đình”. Đất không phụ công người, những luống rau trong vườn vươn lên xanh tốt, mỡ màng, đủ nguồn rau sạch cho cả nhà. Đến nay, đàn dê sinh sản thêm được 2 con, đàn gà phát triển ổn định.
Theo hình thức lấy ngắn nuôi dài đi đôi với tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, chị Sinh nhận thấy: “Nuôi dê là triển vọng nhất bởi dê ăn tạp các loại cỏ, lá cây nên tận dụng được nguồn cỏ tự nhiên. Hơn nữa, nuôi dê không quá vất vả, tôi nuôi theo phương pháp bán chăn thả để bổ sung thêm thức ăn, quan sát, phòng bệnh cho đàn dê. Thường thì dê có vốn đầu tư vừa phải, quay vòng vốn nhanh, dễ tiêu thụ, tạo cơ hội cho người dân vươn lên thoát nghèo”.
Ở tuổi 30, chị nông dân người Dao, Pản Thị Sinh đã và đang tìm ra lối đi phát triển kinh tế ngay trên chính mảnh vườn của mình. Chị kỳ vọng một ngày nào đó không xa sẽ nhân rộng mô hình nuôi dê lên hàng chục con, không chỉ dừng lại ở việc thoát nghèo mà còn trở thành hộ khá giả.