Hà Giang

Những mầm xanh vươn mình nơi biên giới

10:25, 23/04/2021

BHG - Vẫn là những mảnh ruộng, thửa vườn bao đời gắn bó với người dân xã biên giới Minh Tân (Vị Xuyên), nhờ “cú hích” từ Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025; đã biến những mảnh đất cằn cỗi hồi sinh, vươn lên những mầm xanh căng tràn nhựa sống.

Lãnh đạo xã Minh Tân kiểm tra vườn cây của gia đình anh Hầu Mí Vương, thôn Mã Hoàng Phìn.
Lãnh đạo xã Minh Tân kiểm tra vườn cây của gia đình anh Hầu Mí Vương, thôn Mã Hoàng Phìn.

Đến thăm gia đình anh Hầu Mí Vương, thôn Mã Hoàng Phìn đúng lúc anh đang chăm sóc vườn cây ăn quả. Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn rộng hơn nghìn mét vuông, anh Vương chia sẻ: Trước kia khu vườn này cằn cỗi, đất sườn đồi, chủ yếu trồng ngô và cỏ cho gia súc. Thực hiện chủ trương của tỉnh, gia đình tôi đã cải tạo lại đất, thiết kế vườn khoa học với từng khu riêng; đồng thời trồng các loại cây có giá trị như Hồng không hạt, ổi Đài Loan... Hiện, trên 100 cây hồng, 60 cây ổi của gia đình đang sinh trưởng, phát triển tốt.

Cũng như anh Vương, gia đình anh Lý Sào Sơn, thôn Phìn Sảng thuộc diện hộ nghèo của thôn. Do thiếu nước, nên trước đây diện tích đất của gia đình chỉ trồng được 1 vụ lúa, vụ còn lại trồng các loại cây tạp, hiệu quả kinh tế không cao. Khi được cấp ủy, chính quyền vận động cũng như tìm hiểu qua sách báo, anh đã mua hơn 100 cây hồng về trồng thay thế các loại cây tạp. Hiện những cây hồng của gia đình anh đang nảy mầm tươi tốt, hứa hẹn mang lại hiệu quả cao. 

Minh Tân là xã biên giới, người dân chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp. Hầu hết các hộ đều có diện tích vườn gần nhà, thuận lợi cho việc trồng rau và cây ăn quả. Tuy nhiên, những năm qua kinh tế vườn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; năng suất các loại cây trồng không cao, chưa tạo ra được hàng hóa. Bên cạnh đó, phong tục, tập quán sản xuất của các hộ dân còn mang tính thuần túy, đơn giản; việc lựa chọn các loại giống cây trồng và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế… 

Thực hiện Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh, với quan điểm “Không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau”, Đảng ủy, UBND xã Minh Tân đã tổ chức họp triển khai và thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng quy chế hoạt động, thành lập tổ thẩm định và xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai chương trình cải tạo vườn tạp. Phân công thành viên Ban chỉ đạo phụ trách từng thôn, bản; tuyên truyền nội dung, chủ trương, chính sách đến người dân và đăng ký nhu cầu vay vốn theo Nghị quyết đối với các hộ nghèo và cận nghèo. Phân công cán bộ chuyên môn tư vấn, hướng dẫn vẽ sơ đồ cải tạo vườn cho các hộ tham gia. 

Năm 2021 xã Minh Tân có 20 hộ đăng ký thực hiện cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ; trong đó có 2 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo, còn lại là hộ trung bình, với nhu cầu vay vốn 150 triệu đồng. Đến thời điểm này, đã có 10 hộ triển khai, diện tích được cải tạo 10.600 m2, chủ yếu trồng các loại cây: Hồng không hạt, ổi, cam và chăn nuôi gia cầm… Xã đã tổ chức tuyên truyền cho người dân được 24 buổi với trên 850 lượt người tham gia. Ngoài ra, lực lượng đoàn viên, thanh niên tham gia giúp đỡ các gia đình phát dọn được 80 công lao động.

Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền và sự hưởng ứng của người dân, chỉ trong thời gian ngắn, những mảnh đất cằn cỗi đã được thay thế bằng những mầm xanh căng tràn nhựa sống của các loại cây trái, báo hiệu cho những niềm vui mới, thành công mới nơi mảnh đất biên thùy.

Bài, ảnh: THANH THỦY

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng Nông thôn mới

BHG - Với mục tiêu thay đổi tư duy sản xuất, tạo sinh kế giúp người dân thoát nghèo từ mảnh vườn của gia đình, huyện Mèo Vạc đang thực hiện cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng NTM; hình thành vùng sản xuất tập trung và xây dựng phương án bao tiêu sản phẩm cho người dân.

30/03/2021
Vươn lên từ những mảnh vườn

LTS: "Vươn lên từ những mảnh vườn", là chuyên mục được Báo Hà Giang mở để tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025.

 

23/02/2021
Giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất cho người dân Cao nguyên đá

BHG - Một trong những nguyên nhân khiến đời sống người dân 4 huyện vùng Cao nguyên đá khó thoát khỏi đói, nghèo chính là thiếu đất sản xuất. Công viên Địa chất toàn cầu (ĐCTC) - Cao nguyên đá (CNĐ) Đồng Văn có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, KT – XH đặc biệt khó khăn nhưng có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển KT – XH và QP – AN của tỉnh. CNĐ có 17 dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Mông, Tày, Giấy, Pu Péo, Dao, Nùng, Hoa, Lô Lô...

22/04/2021
Tạo sinh kế bền vững từ du lịch ở Hoàng Su Phì

BHG - Mảnh đất phía Tây của tỉnh – Hoàng Su Phì từ lâu đã nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên hữu tình cùng những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp đã được công nhận di sản cấp quốc gia. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền trong việc tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã góp phần đem đến diện mạo mới cho cuộc sống của đồng bào nơi đây. Những bản làng bình yên nằm dưới thung sâu đang dần được đánh thức bởi bước chân của du khách…

 

21/10/2020