Tăng cường truyền thông tới người dân
BHG - Hiện nay các cấp, ngành của tỉnh đang nỗ lực phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi và sâu keo mùa thu. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa hiểu đúng sự nguy hại, ảnh hưởng của dịch bệnh, chưa linh hoạt trong công tác truyền thông, cung cấp thông tin tới người dân để chung tay phòng, chống dịch.
Phun thuốc khử trùng ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Sơn Vĩ. Ảnh: Công Sơn (Đồn Biên phòng Sơn Vĩ) |
Ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên trên địa bàn tỉnh được phát hiện ngày 19.5 tại xã Tân Trịnh (Quang Bình). Đến nay, đã có thêm gần chục ổ dịch bùng phát ở các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Đồng Văn, Mèo Vạc và thành phố Hà Giang. Thiệt hại trước mắt lên tới hàng tỷ đồng, nhưng lâu dài sẽ ảnh hưởng lớn tới sự tăng trưởng của ngành chăn nuôi. Đối với sâu keo mùa thu, tổng diện tích ngô bị gây hại khoảng 4.000 ha. Tình trạng mất mùa trên những diện tích ngô nhiễm sâu nặng và gây lại lớn là khó tránh khỏi.
Dịch tả lợn châu Phi và sâu keo mùa thu đang diễn biến rất khó lường với tốc độ lây lan nhanh. Nếu như sâu keo mùa thu đã có những biện pháp ban đầu để diệt trừ bằng các loại thuốc hay bắt bằng tay, với tỷ lệ chết ghi nhận ở huyện Mèo Vạc lên tới 100% thì dịch tả lợn châu Phi hiện chưa có thuốc chữa. Lợn nhiễm bệnh có tỷ lệ chết 100%. Virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao; tồn tại 2 - 4 tháng trong cơ sở bị nhiễm bệnh, 5 - 6 tháng trong thịt bị nhiễm bệnh, trong giăm bông 140 ngày, thịt khô 300 ngày, thịt đông lạnh 1.000 ngày, da/mỡ 300 ngày; chỉ chết khi nấu ở nhiệt độ 56 độ C trong 70 phút và sau 20 phút khi nấu ở nhiệt độ 60 độ C…
Tình hình dịch bệnh đang lan rộng, nhưng theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đặng Ái Xoan, công tác tuyên truyền phòng, chống dịch ở các địa phương, nhất là thôn, xã chưa thực sự quyết liệt, thiếu linh hoạt; nhiều nơi chưa nhận được tài liệu tuyên truyền về dịch bệnh, chưa cung cấp thông tin kịp thời tới người dân. Ngay tại thành phố Hà Giang, nhiều thôn, tổ dân phố chưa tổ chức họp, tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch bệnh, cũng như cách phòng, chống cho người dân.
Khảo sát tại chợ trung tâm thành phố và chợ xép phường Minh Khai, các tiểu thương cho biết mới nắm tình hình dịch bệnh qua các ngành chức năng khi kiểm tra sản phẩm từ thịt lợn bày bán tại chợ, còn tổ dân phố chưa thấy thông báo. Nhiều hộ dân ở tổ 2 phường Minh Khai thông tin: Chúng tôi cập nhật diễn biến về dịch tả lợn châu Phi hoàn toàn qua báo chí, mạng xã hội.
Cuối tháng 5 vừa qua, trong cuộc họp bàn đợt tuyên truyền cao điểm về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và sâu keo mùa thu, các ý kiến đều cho rằng: Ngoài thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần tăng cường truyền thông trực tiếp tới người dân thông qua các cuộc họp thôn, tổ dân phố hay truyền thanh lưu động tới từng thôn, xóm, cụm dân cư.
Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc