Để người khuyết tật tự tay bỏ lá phiếu bầu cử
BHG - Trong 540.803 cử tri bầu Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh; 540.166 cử tri bầu đại biểu HĐND cấp huyện và 534.533 cử tri bầu đại biểu HĐND cấp xã thì có 3.860 cử tri là hội viên người khuyết tật, những người đặc biệt nhất của xã hội và được quyền bình đẳng như công dân lành lặn. Bằng nhiều hình thức khác nhau, cử tri là những người khuyết tật sẽ hoàn thành quyền và nghĩa vụ của mình trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra vào ngày 23.5.
Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có trên 12 nghìn người khuyết tật, trong đó số người tham gia hội viên Hội Người khuyết tật tỉnh là 3.860, sinh hoạt ở 10/11 hội người khuyết tật huyện, thành phố.
Để triển khai công tác bầu cử trong người khuyết tật, ngay từ những ngày đầu năm, Hội Người khuyết tật tỉnh đã thông qua các hoạt động của hội để lồng ghép, tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp đến với hội viên biết và hiểu. Xây dựng kế hoạch để hội người khuyết tật ở các huyện, thành phố phối hợp với Ủy ban Bầu cử huyện tuyên truyền cũng như tham mưu các hình thức tổ chức bỏ phiếu cho người khuyết tật một cách thuận lợi nhất.
Lãnh đạo hội người khuyết tật các huyện, thành phố thể hiện quyết tâm trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên đi bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. |
Ông Nguyễn Đình An, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Giang cho biết: Trong tuyên truyền, vận động cử tri là người khuyết tật đi bầu cử, chúng tôi xác định, nếu người khuyết tật ngồi xe lăn mà có thể đi lại được thì chúng tôi luôn động viên anh em cố gắng đến điểm bỏ phiếu bầu cử. Còn những anh em không thể đi vì sức khỏe yếu thì hội người khuyết tật các huyện, thành phố sẽ tham mưu, có ý kiến với các điểm bầu cử sử dụng hòm phiếu phụ để giúp người khuyết tật thực hiện được quyền bầu cử của mình.
Trong quá trình tuyên truyền, lãnh đạo hội các cấp luôn đưa nội dung về quyền bình đẳng đến với hội viên. Trong quyền bình đẳng đối với người khuyết tật thì có quyền được bầu cử, đây cũng là nội dung được quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Qua đó những người khuyết tật có sự tự tin mà không tự ty.
Đặc biệt, trong số những người khuyết tật đủ điều kiện được đi bầu cử thì khó khăn nhất là đối tượng người mù lòa. Họ không thể nhìn thấy để đọc, để hiểu các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Trong khi hệ thống chữ nổi để cử tri là người mù lòa đọc hiểu thì chưa có.
Tranh cổ động về người khuyết tật đi bỏ phiếu bầu cử của học sinh Bảo Quyên, Trường THCS Yên Biên (TP Hà Giang). |
Bà Vũ Thị Hằng, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, chia sẻ: Hiện nay toàn tỉnh có gần 200 hội viên là người mù, họ là những đối tượng thiệt thòi, ít được giao tiếp với xã hội nên hiểu biết về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về chuyển biến của xã hội còn nhiều hạn chế. Người mù tỉnh Hà Giang lại không sống tập trung, mà sống với gia đình, nên việc tuyên truyền để hội viên nắm rõ về Luật Bầu cử chủ yếu là yêu cầu các hội viên nắm qua loa phát thanh và các chương trình phát thanh của báo, đài. Bên cạnh đó, Hội cũng có ý kiến với phòng Lao động TB&XH các huyện, thành phố triển khai tới các xã, phường, thị trấn, trưởng các thôn, bản, tổ dân phố tuyên truyền, vận động tới hội viên là người mù cố gắng đến bầu cử để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Về việc lựa chọn các ứng cử đại biểu, người mù cần phải có người sáng đưa đi kèm, hoặc cán bộ phụ trách các điểm bầu cử đọc danh sách, tiểu sử các ứng cử viên để người mù nghe và lựa chọn bầu…
Mặc dù tỷ lệ cử tri là người khuyết tật chiếm không cao, tuy nhiên, với mong muốn tất cả các bậc cử tri là người khuyết tật đều có thể tự tay bỏ lá phiếu của mình ủng hộ các ứng cử viên đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, lãnh đạo Hội Người khuyết tật từ tỉnh đến các cấp hội đang nỗ lực vận động, tuyên truyền người khuyết tật cố gắng đến điểm bỏ phiếu, có như vậy ngày bầu cử mới thực sự là ngày hội non sông.
Lê Lâm
Ý kiến bạn đọc