Thượng Sơn mong điện về

14:45, 03/02/2016

BHG- Thượng Sơn là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Vị Xuyên với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm trên 50%. Hiện nay, 10/12 thôn, bản của xã với gần 90% dân số chưa được sử dụng điện lưới Quốc gia. Gần đến Tết Nguyên đán Bính Thân, người dân Thượng Sơn đang từng ngày mong mỏi điện lưới về với bản để đón một cái Tết đủ đầy và ấm cúng hơn với những ánh đèn và hoa xuân rộn ràng.

Trong cái rét ngọt của mùa đông vùng cao, những hạt mưa bụi bay lất phất, vài cành đào phai của đồng bào đã chớm nụ, chúng tôi lần theo con đường dốc đá lởm chởm để đến thôn Bó Đướt. Đây là nơi có Thủy điện Thượng Sơn, đã được đưa vào sử dụng nhưng hiện tại đã dừng hoạt động được hơn 2 năm nay. Theo tìm hiểu của phóng viên, Nhà máy Thủy điện Thượng Sơn (thuộc Chương trình năng lượng nông thôn Việt Nam – Thụy Điển) được khởi công xây dựng từ năm 2009, đến năm tháng 4.2010 hoàn thiện và đưa vào sử dụng, cung cấp điện lưới cho 4 thôn của xã là: Bó Đướt, Khuổi Luông, Cao Bành và Đán Khao. Công trình có tổng đầu tư trên 12,7 tỷ đồng với công suất 114 kW, gồm 7 trạm biến áp. Sau trận lũ quét hồi tháng 7.2013, Nhà máy buộc phải ngừng hoạt động do bị sạt lở, đất đá vùi lấp kênh mương và xói mòn chân Nhà máy. Từ đó đến nay, người dân sống gần khu vực Nhà máy Thủy điện nhưng vẫn phải thắp đèn dầu hay sử dụng máy phát điện nhỏ dùng sức nước để có điện sinh hoạt. Những thiết bị phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân như: ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện, máy thái rau chăn nuôi, máy xay xát... cũng đành “đắp chiếu” để trong xó nhà.

Nhà máy Thủy điện Thượng Sơn đóng cửa đã hơn 2 năm nay, cỏ dại mọc cao quá đầu người.	 Ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Nhà máy Thủy điện Thượng Sơn đóng cửa đã hơn 2 năm nay, cỏ dại mọc cao quá đầu người. Ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Chỉ vào chiếc ti vi bám đầy bụi trên kệ, chị Pảo Thị Hưởng, thôn Bó Đướt chia sẻ: “Điện nước yếu lắm, mấy nhà chung một máy phát nhỏ nên không mở được ti vi. Buổi tối, bọn trẻ con muốn học bài nhưng điện chập chờn không học được. Có mấy nhà còn bán cả trâu, bò đi để mua dây về tự kéo điện nhưng chưa được mấy ngày thì đã hỏng, mà thấy bảo mất nhiều tiền để mua dây điện lắm. Thấy tiếc của, tiếc trâu, bò quá...”. Vẻ tiếc nuối hiện lên trên khuôn mặt sạm nắng gió cùng giọng nói lơ lớ của người phụ nữ dân tộc Tày khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Người dân nơi đây đang mong mỏi điện sớm về với bản để cuộc sống sinh hoạt, sản xuất phần nào vơi bớt những khó khăn. Theo chân Trưởng thôn Bó Đướt Vương Văn Thân, chúng tôi men theo con dốc nhỏ xuống bờ suối để tận mắt xem những chiếc máy phát điện mini tự chế của người dân. Theo quan sát, chỉ trên một đoạn suối ngắn đã có hàng chục chiếc máy phát điện tự chế được người dân ghép bằng tre và gỗ, tua bin phát điện được đặt ở giữa dòng chảy. Từ những chiếc máy phát điện này, những đoạn dây điện được kéo hết sức sơ sài để bắc điện về nhà, nhiều chỗ còn để lộ phần ruột dây bên trong rất nguy hiểm. Người dân trong thôn cho biết, mỗi chiếc máy phát điện tự chế chạy bằng sức nước này có giá từ 1 - 4 triệu đồng và đối với nhiều hộ nghèo trong bản thì họ phải tích cóp rất lâu mới mua được. Tuy nhiên, vào mùa mưa lũ, khi lượng nước từ thượng nguồn đổ về đã cuốn trôi không ít máy phát điện của người dân. Cuốn theo đó là cả tài sản của họ và niềm ước ao có điện về với bản làng.

Chủ tịch UBND xã Lý Văn Sinh cho biết: “Trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, xã cũng đã kiến nghị rất nhiều lần, mong muốn cấp trên và các ngành chức năng sớm có phương án đầu tư, kéo điện lưới cho 6 thôn còn lại của xã và sửa chữa, đưa Nhà máy Thủy điện Thượng Sơn hoạt động trở lại để cung cấp điện cho 4 thôn là: Bó Đướt, Khuổi Luông, Cao Bành và Đán Khao. Thượng Sơn có thương hiệu chè Shan tuyết nổi tiếng, đây cũng là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Hiện nay toàn xã có đến vài trăm máy sao chè mini nhưng vì không có điện nên việc chế biến chè tươi thành chè khô để xuất bán của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Từ đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị kinh tế của địa phương...”.

Đêm về nơi “núi cao” Thượng Sơn. Ánh sáng le lói hắt ra từ những gia đình có máy phát điện mini cùng ánh đèn dầu bập bùng không đủ soi tỏ mặt người khiến không gian như đặc quánh lại. Những đứa trẻ ê a học bài, nhìn chúng lom khom “tìm chữ” bên ánh đèn mờ ảo mới thấy quý biết bao dòng điện sáng rực nơi phố phường của thành phố. Chẳng biết đến bao giờ mơ ước có điện về bản của người dân ở 10 thôn của xã Thượng Sơn mới trở thành hiện thực?.

NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sẽ nhanh chóng giải quyết đền bù thiệt hại cho người dân

BHG- Sau khi bài viết "Người dân mong được đền bù thiệt hại khi mở tuyến đường Cao Bồ - Thượng Sơn" của tác giả Thành Nhân, đăng trên mục "Ý kiến người dân – Cử tri" của Báo Hà Giang điện tử và Báo Hà Giang số 2096 ngày 25.8.2015 

27/08/2015
Người dân mong được đền bù thiệt hại khi mở tuyến đường Cao Bồ – Thượng Sơn

BHG- Thời gian vừa qua, người dân 2 xã Thượng Sơn và Quảng Ngần (Vị Xuyên) đã có kiến nghị, phản ánh về việc trong quá trình thi công tuyến đường Cao Bồ - Thượng Sơn đã làm thiệt hại đến hoa màu, cây cối, ruộng, mương nước tưới tiêu, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân tại một số thôn của 2 xã trên. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, người dân vẫn đang chờ câu trả lời của ngành chức năng về việc đền bù thiệt hại do mở đường. 

25/08/2015
Cần sớm khắc phục sự cố cháy Trạm biến áp thôn Pó Tò và Mo Pải Phìn, xã Sủng Là

BHG- Trạm biến áp cấp điện cho thôn Pó Tò và Mo Pải Phìn, xã Sủng Là (Đồng Văn) do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Đồng Văn làm chủ đầu tư; được xây dựng và đóng điện đưa vào vận hành từ tháng 1.2015. Công trình có tổng số tiền đầu tư trên 2,8 tỷ đồng, cấp điện cho 115 hộ dân.

22/07/2015
Đường Ba Khá bao giờ mới... khá?

BHG- Dù chiều dài chỉ trên 10km nhưng đường Ba Khá nối các thôn: Khá Hạ, Khá Trung, Khá Thượng của xã Tân Lập (Bắc Quang) trở thành nỗi cơ cực của hàng trăm hộ dân khi lưu thông trên đường, bởi độ khó và nguy hiểm. Rồi niềm vui đường Ba Khá được nâng cấp, góp phần thúc đẩy KH-XH phát triển trong tương lai gần, nhanh chóng... "mất tín hiệu", khiến lòng dân như "nắng hạn" chờ mãi "mưa rào".

21/07/2015