Bao giờ Khâu Lừa có điện?

08:09, 11/08/2015

BHG- Xã Minh Ngọc (Bắc Mê) có 11 thôn, trong đó có 3 thôn vùng III; thôn Khâu Lừa là thôn duy nhất của xã đến nay chưa có điện. Mong mỏi có điện về thôn của người dân nơi đây vẫn đang trong hy vọng và chờ đợi. Liệu rằng một năm nữa, điện sáng có về được thôn đặc biệt khó khăn này không?

Người dân sử dụng tua bin đặt ở các khe suối để tạo ra điện năng.  						Ảnh: VĂN QUÂN
Người dân sử dụng tua bin đặt ở các khe suối để tạo ra điện năng. Ảnh: VĂN QUÂN

Con đường từ huyện Bắc Mê đến trung tâm xã, với nhiều đoạn leo đèo rồi đổ dốc khiến nhiều người phải chóng mặt vì những khúc cua gấp. Quan sát dọc bên đường liên xã, chúng tôi thấy những hàng cột và dây điện được nối dài qua địa bàn của thôn đã nhiều năm nay. Tuy nhiên, đường dây điện chỉ đi ngang qua thôn còn chưa đến được với thôn. Theo chân anh Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Minh Ngọc, chúng tôi men theo con đường đất đá gồ ghề đến thôn Khâu Lừa giữa cái nắng chiều oi ả. Thời tiết mùa Hè, mưa nắng thất thường, chúng tôi cố nhanh chân đến nhà Bí thư Chi bộ thôn khi trời vừa sầm tối; những ánh đèn dầu le lói được thắp sáng trong bóng tối của núi rừng. Những ngôi nhà lợp tranh hay prô-xi măng cũng khó có thể phân biệt được khi màn đêm buông xuống. Trong ngôi nhà nhỏ của ông Giàng Xuân Nghênh, Bí thư Chi bộ thôn,; chúng tôi chỉ nhìn thấy một vài đồ dùng sinh hoạt, còn mọi thứ đều bị bóng tối che khuất. Bữa cơm đạm bạc của gia đình ông vừa kết thúc, người vợ bê vội để tạm một chỗ chờ trời sáng mới rửa. Ông Nghênh chia sẻ: “Đời sống của bà con nơi đây là thế đấy, mọi sinh hoạt của buổi tối đều diễn ra trong chốc lát và hầu như phải mò mẫm thôi”. Sống trong cảnh không có điện từ thế hệ này sang thế hệ kia, người dân trong bản có lúc tưởng chừng đã quen với cuộc sống ấy, nhưng khi nhìn dòng điện thắp sáng ở các thôn khác trong xã, bà con ước mong được kéo điện về nhà để xua đi bóng tối, xua đi những hủ tục lạc hậu vì không có kiến thức, thông tin. Thôn Khâu Lừa hiện có 58 hộ với 294 khẩu, đều là dân tộc Mông; từ bao đời nay, nguồn thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào việc làm nương rẫy. Diện tích đất nông nghiệp của thôn không nhiều, chỉ có khoảng 30ha, trong khi nhân khẩu ngày một tăng thêm. Do vậy, cuộc sống người dân ở đây không ổn định, 56/58hộ dân thôn Khâu Lừa vẫn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Nhìn cảnh bà con sinh hoạt không có điện mới thấu hết được những khó khăn, vất vả mà họ đã và đang chịu đựng bao năm qua. Ông Giàng Văn Quang, một hộ dân trong thôn bộc bạch: Chưa có điện, chúng tôi ở đây chịu nhiều thiệt thòi lắm. Hiện nay, toàn thôn vẫn chưa có lấy một chiếc tivi để xem, trẻ nhỏ trong bản phải học dựa vào ánh đèn dầu. Nếu không có điện thì ở đây vẫn còn nghèo mãi, cơm chưa đủ ăn, ai dám mua máy phát điện về dùng và chẳng biết đến cái ti vi như thế nào, nói gì đến việc nắm bắt thông tin. Ông Quang cho biết thêm: “Không có tivi để xem thời tiết, mỗi khi có mưa giông, gió bão... chúng tôi cũng chẳng biết để mà tránh gió lốc, nhiều gia đình bị tốc mái khổ lắm”.

Theo anh Lò Văn Cháng, Trưởng thôn Khâu Lừa cho biết: “Tôi đã nhiều lần đại diện cho người dân Khâu Lừa kiến nghị trong các cuộc họp của xã, mong các cấp chính quyền quan tâm kéo điện về cho dân nhưng đến nay điện vẫn chưa về và cũng chẳng biết bao giờ điện mới về đến thôn này(?). Để có điện sinh hoạt, người dân Khâu Lừa cũng đã tìm cách sử dụng tua bin đặt ở các khe suối tạo ra điện năng. Tuy nhiên, giải pháp này không mấy hiệu quả, bởi suối ở khu vực này đều là suối nhỏ, lưu lượng nước chảy không đủ để phát điện. Trong thôn chỉ có 5 hộ là sắm được tua bin để tạo ra điện năng, nhưng mỗi tua bin đó chỉ đủ phục vụ cho một bóng điện chiếu sáng. Vào mùa khô nước không có, thì việc sử dụng tua bin phát điện cũng trở nên vô ích. Do vậy, bao đời nay, người dân Khâu Lừa vẫn phải chấp nhận tình trạng chung là sử dụng đèn dầu thắp sáng về đêm. Gia đình tôi chỉ mong có điện sớm để cải thiện đời sống sinh hoạt”.

Mong rằng Khâu Lừa sớm được Nhà nước quan tâm đầu tư để có điện, góp phần nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần, từng bước xóa nghèo cho đồng bào Mông ở vùng sâu, vùng xa này.

VĂN QUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ưu tiên kinh phí sửa chữa Nhà máy Thủy điện Tiên Nguyên

HGO- Cử tri xã Tân Trịnh (Quang Bình) đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng có giải pháp xử lý đối với các công trình thủy điện nhỏ được xây dựng trên địa bàn huyện Quang Bình đến nay đã hỏng, không có tổ chức, cá nhân nào quản lý.

31/01/2015
Đường điện thôn Sủng Cáng sẽ sớm được đấu nối

HGO- Sau khi bà con thôn Sủng Cáng, xã Sủng Trà (Mèo Vạc) có ý kiến kiến nghị về tình trạng hệ thống đường điện đã kéo về thôn nhưng hơn một năm nay vẫn chưa đóng điện cho người dân sử dụng điện lưới phục vụ sinh hoạt và sản xuất. 

31/01/2015
Đường làm xong, dân chưa được đền bù giải phóng mặt bằng(!)

BHG- Đây là vấn đề xảy ra trên một số công trình đường giao thông tại địa bàn huyện Yên Minh. Điều này khiến người dân nảy sinh nhiều bức xúc và kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng vẫn chưa được giải quyết.

23/05/2015
Người dân 12 thôn, bản xã Tiên Nguyên mong có điện lưới Quốc gia

BHG- Tiên Nguyên là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Quang Bình, cách trung tâm huyện lỵ 25km. Toàn xã có 14 thôn bản, với gần 900 hộ dân, gần 5.000 nhân khẩu của 5 dân tộc Dao, Tày, Kinh, Nùng, Mông sinh sống, trong đó dân tộc Dao chiếm 87% tổng số dân. 

23/04/2015