Người dân Khâu Vai mong đền bù thỏa đáng

07:50, 17/12/2013

Nhà máy Thủy điện Nho Quế 3 đi vào hoạt động được xem là bước “đột phá” đối với huyện nghèo Mèo Vạc. Tuy nhiên, việc phá hỏng tuyến đường, không thực hiện sửa chữa theo cam kết, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân lại cần phải nhìn nhận một cách đúng đắn. Đặc biệt, 9 hộ gia đình ở xã Khâu Vai do nền nhà bị nứt lớn bởi ảnh hưởng của việc vận chuyển vật liệu đang sống trong cảnh nơm nớp lo sợ nhiều năm qua, trong khi đó công tác đền bù không thỏa đáng lại một lần nữa đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của Công ty Bitexco – Nho Quế.


Tuyến đường từ thị trấn Mèo Vạc vào xã Khâu Vai dài 24km sau khi hoàn thành đã tạo điều kiện giao thông thuận lợi cho người dân huyện nghèo Mèo Vạc trao đổi hàng hóa, vươn lên XĐGN. Tuy nhiên, sau khi công trình Nhà máy thủy điện Nho Quế 3 đi vào xây dựng đã làm cho tuyến đường bị hư hỏng nặng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Theo tìm hiểu, tuyến đường từ thị trấn Mèo Vạc vào xã Khâu Vai do công ty TNHH Hà Trang thi công từ năm 2000 và hoàn thành, nghiệm thu hạng mục vào năm 2007. Tuyến đường chạy qua địa bàn các xã: Cán Chu Phìn, Lũng Pù, Khâu Vai. Trong thời gian này, công trình Nhà máy thủy điện Nho Quế 3 đang trong quá trình chuẩn bị khởi công xây dựng và gặp khó khăn trong việc vận chuyển máy móc, thiết bị. Do đó, để đảm bảo tiến độ thi công, Công ty Cổ phần Bitexco – Nho Quế đã có công văn cam kết phải chịu trách nhiệm khắc phục những hư hại đã gây ra hoặc chi trả kinh phí sửa chữa cho Công ty TNHH Hà Trang. Tuy nhiên, sau khi Nhà máy thủy điện Nho Quế 3 hoàn thành hơn một năm nay, Công ty Cổ phần Bitexco – Nho Quế vẫn chưa có động thái nào để hoàn trả hiện trạng tuyến đường theo đúng cam kết.



Nền nhà của 9 hộ dân xóm Khâu Vai A, xã Khâu Vai đều trong tình trạng bị nứt lớn.


Đặc biệt, khi mở tuyến đường mới tránh chợ Khâu Vai để vào thủy điện Nho Quế 3 đã làm cho nhà của 9 hộ dân xóm Khâu Vai A, xã Khâu Vai bị lún, nứt nền nhà và hư hỏng một số công trình phụ trợ. Sau nhiều lần người dân kiến nghị, Sở Xây dựng đã có buổi làm việc với các đơn vị liên quan và báo cáo kết quả giải quyết đề nghị của UBND huyện Mèo Vạc theo ý kiến, kiến nghị của cử tri. Theo hiện trạng, toàn bộ nhà của 9 hộ dân được xây dựng từ năm 1994 – 1997. Các nhà được xây dựng trên nền đất, một phần là đất nguyên thổ, một phần đất đắp. Sau khi thi công tuyến đường vào năm 2007, toàn bộ các nền nhà của 9 hộ dân đều có các vết nứt dọc nhà và song song với tim đường tránh chợ và đường vào chợ có bề rộng vết nứt từ 1 – 4 cm. Bà Nông Thị Háo, một trong 9 gia đình bị ảnh hưởng cho biết: “Gia đình chúng tôi làm nhà từ năm 1995 không có vấn đề gì xảy ra. Đến năm 2007, nhà máy thủy điện làm đường qua, không chỉ làm cho bể nước bị nghiêng, cột chuồng bò bị gẫy mà nền nhà cũng bị nứt. Gia đình đã bỏ tiền mua xi măng về láng lại nhưng sau vài lần xe của nhà máy chạy qua thì vết nứt lại như cũ. Giống như gia đình tôi, các hộ còn lại dọc theo con đường này đều trong tình trạng tương tự”. Điều đó cho thấy, trong quá trình mở đường mới và vận chuyển vật liệu xây dựng Nhà máy thủy điện Nho Quế 3 đã làm cho 9 hộ dân ở xóm Khâu Vai A bị ảnh hưởng là điều không thể phủ nhận.


Trong báo cáo của Sở Xây dựng cũng đã nêu rõ trách nhiệm bên đơn vị thi công đường tránh chợ Khâu Vai. Do đường trước khi thi công không có khảo sát địa chất và đánh giá hiện trạng các công trình liền kề (không có biện pháp để phòng tránh gây lún, nứt đến công trình liền kề. Không có tính toán so sánh cao độ nền nhà của các nhà dân so với cao độ nền đường; khối lượng đất đắp nền đường là quá lớn, đất đã qua lu lèn có tác động gây lún, nứt đến công trình liền kề. Việc sử dụng máy đầm rung gây tác động trực tiếp đến phần đất đắp của các nhà dân. Từ các nguyên nhân và hiện trạng đó thì một phần thuộc về Công ty Cổ phần Bitexco – Nho Quế. Thế nhưng, ông Nguyễn Phú Xuyên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bitexco – Nho Quế lại cho rằng: “Do các hộ dân làm nhà trên các nền đất mượn nên bị lún nứt là hiển nhiên. Còn công ty cũng chỉ hỗ trợ chứ nói đúng ra thì công ty không chịu trách nhiệm về việc này”.


Trao đổi về vấn đề này, anh Lê Văn Quý, Bí thư Đảng ủy xã Khâu Vai cho biết: “Sau khi tiếp thu ý kiến kiến nghị của người dân, xã đã có văn bản kiến nghị lên huyện. Ngoài ra, trong các kỳ cuộc họp HĐND, cử tri cũng bày tỏ nhiều bức xúc khi chưa nhận được đền bù thỏa đáng. Bởi thực tế, với một số gia đình thì mức đền bù như hiện nay chẳng khác nào trò trẻ con”. Theo tìm hiểu, sau khi kiểm tra chi tiết những hư hại, đưa ra phương án xử lý, tính toán chi phí, Công ty Cổ phần Bitexco – Nho Quế đã hỗ trợ các gia đình để khắc phục hư hỏng. Tuy nhiên, có gia đình chỉ được hỗ trợ 3kg xi măng hoặc 200 nghìn đồng thì thật đáng... buồn cười. Anh Nông Văn Chóong (gia đình chỉ nhận được hỗ trợ 3kg xi măng), cho biết: “Gia đình có nghèo nên được hỗ trợ như thế nào cũng cảm ơn rất nhiều, nhưng với mức 3kg xi măng thì thà để gia đình tự mua chứ lấy về lại thành mang tiếng. Chính vì thế mà khi bên thủy điện gọi lên lấy hỗ trợ, gia đình chúng tôi nhất quyết không nhận”.


Nói thêm về con đường từ thị trấn Mèo Vạc vào xã Khâu Vai, đây được xem là con đường huyết mạch đến với trung tâm diễn ra lễ hội Chợ tình hàng năm. Việc mặt đường bị hư hỏng như hiện nay không chỉ gây trở ngại cho người dân mà còn khiến cho công tác phát triển du lịch của huyện Mèo Vạc gặp nhiều khó khăn. Về phía Công ty Cổ phần Bitexco – Nho Quế, ông Nguyễn Phú Xuyên cho biết: “Do kinh tế gặp khó khăn nên chỉ sửa chữa để đảm bảo cho việc vận chuyển vật liệu xây dựng Nhà máy thủy điện Nho Quế 2 và sau khi hoàn thành nhà máy này (theo dự kiến năm 2015) công ty sẽ tiến hành sửa chữa theo cam kết”. Nói như vậy thì người dân sẽ phải “chờ” thêm... vài năm nữa?! Rất mong Công ty Cổ phần Bitexco – Nho Quế và các đơn vị liên quan sớm có giải pháp hoàn trả lại hiện trạng tuyến đường và làm sao để người dân nhận được mức đền bù thỏa đáng.


KIM TIẾN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Nỗi niềm” nhà công vụ giáo viên
HGĐT- “Mùa gieo chữ” đã đến, bên những gương mặt háo hức, hồn nhiên của học trò, chúng tôi bắt gặp những nỗi niềm trăn trở của thầy, cô giáo đang công tác tại các bản làng xa xôi, heo hút núi.
28/08/2013
Người dân thôn Hạ mong có cầu treo
HGĐT- Trong nhiều lần đi tiếp xúc cử tri cùng đồng chí Chủ tịch HĐND huyện Quang Bình tại các xã, chúng tôi được biết, cơ sở vật chất của nhiều thôn còn rất khó khăn. Thôn Hạ (xã Vĩ Thượng) là một trong những thôn như vậy, người dân nơi đây mong muốn Nhà nước hỗ trợ vật liệu để xây dựng cầu treo qua suối, giúp nhân dân đi lại thuận lợi hơn.
28/02/2013
Nà Chì cần nơi đổ rác hợp lý
HGĐT- Nà Chì là xã nằm trên trục Tỉnh lộ 178 nối từ Quốc lộ 279 (ngã 3 huyện Quang Bình) đi Xín Mần, cách trụ sở UBND xã khoảng gần cây số. Trên trục đường đi Xín Mần, có con suối mang tên Nậm Nhang chảy dọc theo, nước trong xanh.
26/06/2013
Trăn trở về cây cầu “nối những bờ vui” ở Tân Thành
HGĐT- Những ngày đầu, chúng tôi có dịp về xã Tân Thành (Bắc Quang). Cùng những thông tin phấn khởi về nỗ lực phát triển KT – XH của địa phương, chúng tôi còn được phản ánh những khó khăn về giao thông đang đặt ra cho cuộc sống hàng ngày của bà con các dân tộc 4 thôn bên sông là Tân Lợi, Tân Tiến, Bản Cưởm và Bản Tân.
26/03/2013