“Nỗi niềm” nhà công vụ giáo viên

07:48, 28/08/2013

HGĐT- “Mùa gieo chữ” đã đến, bên những gương mặt háo hức, hồn nhiên của học trò, chúng tôi bắt gặp những nỗi niềm trăn trở của thầy, cô giáo đang công tác tại các bản làng xa xôi, heo hút núi.



Thầy giáo Phạm Xuân Hồng, điểm trường Bó Pèng đã 15 năm nay vẫn theo đuổi nghiệp trồng Người trong những căn phòng tạm.

Sau những ngày nghỉ hè thoải mái, họ đang phải trở lại với cuộc sống đầy khó khăn, thiếu thốn trong những căn phòng công vụ tạm bợ, tồi tàn, rét mướt và hiểm nguy. Trước thềm năm học mới, phóng viên Báo Hà Giang đã có cuộc khảo sát tại một số trường học trên địa bàn tỉnh để kịp thời phản ánh những nỗi niềm về nhà công vụ cho giáo viên hiện nay.


Hạn đích của Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008 – 2012 theo Quyết định số 20/2008/QĐ – TTg ngày 01.02.2008 của Thủ tướng Chính phủ đã hết, nhưng tỉnh ta mới hoàn thành 69% số nhà công vụ giáo viên so với kế hoạch được duyệt của Đề án. Toàn tỉnh hiện có 3.801 phòng công vụ giáo viên và hiện đang có nhu cầu xây dựng thêm 3.598 phòng mới đáp ứng được nhu cầu chỗ ở cho hàng nghìn giáo viên từ cấp giáo dục mầm non đến các cấp học phổ thông hiện nay, chưa kể những phòng công vụ đã được kiên cố hóa nhưng đang bị xuống cấp nghiêm trọng do kém chất lượng. Như vậy, có hàng nghìn giáo viên vẫn đang cần mẫn theo đuổi sự nghiệp “trồng người” giữa đại ngàn trong điều kiện sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Có mặt tại điểm trường mầm non và tiểu học thôn Lũng Vầy, xã Minh Sơn (Bắc Mê), chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến cảnh các thầy, cô và học sinh đang phải học tập và sống trong 3 gian nhà tạm, nền nhà gồ ghề phủ dày bụi đất, nhão nhoét sau cơn mưa đêm bị nước hắt vào, nhà công vụ của giáo viên được thưng bằng những phên gỗ trống hoác. Tại điểm trường Bó Pèng, sau giờ tan lớp, thầy giáo Phạm Xuân Hồng tiếp chúng tôi trong căn phòng khiêm tốn nép bên vệ đường, giản đơn đến mức chẳng thấy có thứ đồ dùng nào giá trị. Thầy Hồng nở nụ cười ấm áp khi nhìn thấy học trò đang chơi phía ngoài sân, nhưng tôi bắt gặp trong thẳm sâu đôi mắt nhiều điều trăn trở: “Thương các em ở nhiều điểm trường cũng đang phải học trong những căn phòng đầy bụi đất, gió lùa bốn bên. Tôi đã có 15 năm đứng lớp, luân chuyển qua nhiều điểm trường xa xôi và việc sống trong những căn phòng tạm đã trở nên quen thuộc. Vì các em học sinh, mình chẳng ngại vất vả, nhưng khổ những ngày mưa, cái rét ngọt miền sơn cước và cả những “cơn thịnh nộ” của tự nhiên. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời là trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Phải chờ đợi thôi...”. Toàn xã Minh Sơn hiện chỉ có 3/17 thôn có nhà công vụ giáo viên được kiên cố hóa. Ông Ma Văn Tỏe, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Mê cho biết thêm: “Bắc Mê hiện có 44 trường thuộc các cấp học và có trên 100 điểm trường tại các thôn, bản. Cơ sở vật chất cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu dạy học cho học sinh, tuy nhiên nhà ở công vụ cho giáo viên tại các điểm trường vẫn còn rất thiếu thốn; chỉ mới có khoảng 61% số phòng công vụ trên địa bàn huyện được kiên cố hóa. Các điểm trường hầu hết đều ở xa trung tâm xã, có những điểm trường phải đi bộ nhiều giờ liền mới đến nơi, nên phần lớn các thầy, cô giáo phải lưu trú thường xuyên để đảm bảo công tác giảng dạy, vì vậy việc phải sống trong những căn phòng tạm, tồi tàn một phần có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục bởi các thầy, cô chưa yên tâm và luôn lo lắng khi mùa đông, mùa mưa bão về; đặc biệt là các giáo viên trẻ, mới ra trường phải về công tác tại các điểm trường như thế. Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn đến đời sống của cán bộ, giáo viên để yên tâm công tác và cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà...”.


Trong báo cáo giám sát kết quả thực hiện đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên của HĐND tỉnh năm 2012 có đưa ra các nguyên nhân khiến đề án không về đích đúng lộ trình như: Thời gian lập dự án quá ngắn; nguồn vốn hạn chế trong khi giá cả nguyên vật liệu thường xuyên biến động gây nhiều khó khăn trong lập dự toán, xác định giá dự thầu, giá trúng thầu; địa hình đồi núi phức tạp, đường giao thông vận chuyển vật liệu gặp nhiều trở ngại, công tác giải phóng mặt bằng vướng nhiều giai đoạn; nhiều địa phương không nắm được hồ sơ các công trình được đầu tư xây dựng; công tác phối hợp giữa chủ đầu tư, nhà thầu thi công và địa phương chưa đồng bộ, thiếu thông tin đa chiều; Đề án được thực hiện bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ và vốn đối ứng của địa phương nhưng Hà Giang là một tỉnh nghèo nên việc huy động các nguồn vốn đối ứng để triển khai thực hiện Đề án gặp nhiều hạn chế, hồ sơ quyết toán còn nhiều thủ tục rườm rà khiến các công trình bị quyết toán chậm; thực tế trên địa bàn tỉnh ta, có rất ít đơn vị tư vấn làm các thủ tục đầu tư khiến cho công đoạn này bị mất rất nhiều thời gian... Để giải quyết bài toán khó này, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng tập trung kiểm tra, rà soát, sửa chữa các công trình bị hư hỏng trước ngày khai giảng năm học mới, xây dựng thêm một số phòng lớp học và nhà công vụ giáo viên bằng nguồn vốn xã hội hóa... để nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng đến nay, số lượng phòng công vụ cần được kiên cố hóa vẫn là con số hàng nghìn đáng quan tâm.


Trả lời phỏng vấn phóng viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Lương Văn Sòong đánh giá: “Mặc dù tỉnh và ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc đảm bảo cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó nhà công vụ giáo viên; cơ bản, hàng nghìn giáo viên đã có chỗ ở để yên tâm dạy học; tuy nhiên, nhiều điểm trường vùng sâu, vùng xa, nói là có chỗ ở cho giáo viên nhưng chỉ là những căn nhà tạm bợ, tồi tàn, được người dân trong thôn giúp dựng lên, che chắn bằng phên tre, nứa, nền đất gồ ghề, mái lợp lá cọ. Nhu cầu kiên cố hóa nhà công vụ cho giáo viên trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn rất lớn, nhưng khó khăn trong việc bố trí nguồn kinh phí xây dựng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục của tỉnh nhà”.


Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, chẳng thể điểm hết những khó khăn, vất vả, thiếu thốn mà các thầy, cô giáo trên địa bàn tỉnh đang phải chịu đựng để hy vọng gieo con chữ trương lai cho trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa. Xin gửi những nỗi niềm, ánh mắt dõi theo đượm buồn của họ trong giây phút chia tay với nhóm phóng viên đến các cơ quan chức năng, để trên mỗi gương mặt của những người “gieo chữ” hôm nay có được niềm tin trọn vẹn.


BIỆN LUÂN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người dân thôn Hạ mong có cầu treo
HGĐT- Trong nhiều lần đi tiếp xúc cử tri cùng đồng chí Chủ tịch HĐND huyện Quang Bình tại các xã, chúng tôi được biết, cơ sở vật chất của nhiều thôn còn rất khó khăn. Thôn Hạ (xã Vĩ Thượng) là một trong những thôn như vậy, người dân nơi đây mong muốn Nhà nước hỗ trợ vật liệu để xây dựng cầu treo qua suối, giúp nhân dân đi lại thuận lợi hơn.
28/02/2013
Một Dự án ổn định dân cư đang được người dân mong chờ
HGĐT- Gần 1 năm kể từ khi Dự án ổn định dân cư, định canh, định cư (ĐCĐC) tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Lâm, xã Đồng Tâm (Bắc Quang) được khởi công, nhiều hạng mục đã và đang triển khai, 47/47 ngôi nhà được dựng lên, gần 30/47 hộ sống rải rác, khó khăn ở thôn Lâm, thôn Nhạ đã chuyển về đây với mong muốn có một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
27/09/2012
Nà Chì cần nơi đổ rác hợp lý
HGĐT- Nà Chì là xã nằm trên trục Tỉnh lộ 178 nối từ Quốc lộ 279 (ngã 3 huyện Quang Bình) đi Xín Mần, cách trụ sở UBND xã khoảng gần cây số. Trên trục đường đi Xín Mần, có con suối mang tên Nậm Nhang chảy dọc theo, nước trong xanh.
26/06/2013
Trăn trở về cây cầu “nối những bờ vui” ở Tân Thành
HGĐT- Những ngày đầu, chúng tôi có dịp về xã Tân Thành (Bắc Quang). Cùng những thông tin phấn khởi về nỗ lực phát triển KT – XH của địa phương, chúng tôi còn được phản ánh những khó khăn về giao thông đang đặt ra cho cuộc sống hàng ngày của bà con các dân tộc 4 thôn bên sông là Tân Lợi, Tân Tiến, Bản Cưởm và Bản Tân.
26/03/2013