Cần giải quyết nhu cầu tách công - tơ điện cho người dân

08:46, 25/10/2012

HGĐT- Vừa qua, Báo Hà Giang nhận được phản ánh từ nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh về việc họ phải dùng chung công tơ điện với nhiều hộ khác nên phải chịu chung giá điện cao, đồng thời dẫn đến tình trạng quá tải điện, không sử dụng được các thiết bị điện. Từnhiều năm nay, họ có nhu cầu tách công - tơ điện riêng nhưng vẫn chưa được “Nhà điện” giải quyết. Nhóm phóng viên Chuyên mục “Ý kiến cử tri” đã “mục sở thị” tại một số địa phương để tìm hiểu về vấn đề này.



Trên 500 bộ hồ sơ về điện của người dân gửi đến UBND xã Linh Hồ xin được tách công - tơ điện riêng đủ cho thấy tính cấp thiết của vấn đề.


Có mặt tại xã Linh Hồ (Vị Xuyên), nhìn thấy trên 500 bộ hồ sơ của người dân gửi đến xã xin xác nhận đã tách hộ, có đất ở lâu dài không tranh chấp vàđơn xin tách công - tơ điện dùng riêng để tiết kiệm điện... mới hiểu được vấn đề điện đang trở nên cấp thiết như thế nào. Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các hộ dân này đều là những người đã tách hộ từ năm 2002 đến nay, có đất ở riêng nhưng vẫn dùng chung công - tơ điện với bố mẹ, anh, em trong một gia đình... khiến cho tổng số lượng điện tiêu thụ tăng cao. Anh Nguyễn Xuân Lực, thôn Nà Khà (Linh Hồ), thôn có đến 87 hộ cần tách công - tơ điện, đã ra ở riêng từ năm 2011, hiện tại gia đình anh đang dùng chung công - tơ điện với gia đình bố mẹ và anh trai. Số tiền điện sử dụng cả ba gia đình có tháng lên đến 800 ngàn đồng. Gia đình anh Lực chỉ dùng các thiết bị điện là bóng đèn, nồi cơm điện nhưng mỗi tháng chia ra cũng phải đóng trên 100 ngàn đồng. Trao đổi với phóng viên, anh Lực bày tỏ: “Gia đình tôi và nhiều hộ dân trong thôn đều có nguyện vọng tách công - tơ điện riêng để mua điện tại nhà. Vừa có thể tiết kiệm điện, sử dụng giá điện ưu đãi cho hộ có thu nhập thấp theo quy định của Nhà nước, lại không bị quá tải vì phải dùng chung đường dây, nhiều hôm nấu nồi cơm cho hai vợ chồng ăn mà cả tiếng đồng hồ vẫn chưa chín”. Đến thăm ngôi nhà của anh Sạch Văn Chiến, thôn Nà Pồng, thấy đường dây, hàng cột điện chạy ngang trước nhà nhưng anh vẫn phải kéo điện từ nhà bố mẹ cách xa gần 200 mét. Hỏi về nguồn điện gia đình đang sử dụng, anh Chiến cho biết: “Vì quá tải đường dây nên điện rất yếu, tôi mong được tách công - tơ điện riêng để tiết kiệm điện và không bị quá tải nữa. Vào giờ cao điểm, chỉ thắp một bóng đèn tiết kiệm điện cũng không đủ ánh sáng...”. Đây cũng là ý kiến của trên 500 hộ dân/tổng số 1.765 hộ dân của toàn xã Linh Hồ và các hộ dân ở các thôn: Minh Thượng, Minh Lập, Lung Chu, Thôn Chúa, Thôn Nái, Thôn Khiếm... (xã Quang Minh, Bắc Quang), thôn Lũng Phục (Phong Quang, Vị Xuyên), và nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh đã gửi đến đại biểu HĐND các cấp qua các kỳ tiếp xúc cử tri nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

 

Thông tin từ xã Linh Hồ cho biết thêm, hiện nay trên địa bàn 16 thôn của xã đã có 6 trạm biến áp, tuy nhiên do diện tích rộng, người đông, nhiều thôn bản ở quá xa và các hộ dân sống không tập trung nên tình trạng quá tải điện và dùng chung công - tơ điện vẫn đang xảy ra ở tất cả các thôn. Trong bất kỳ cuộc họp nào của xã, vấn đề về tách công - tơ điện luôn được người dân đề cập và mỗi ngày, cán bộ xã phải tiếp hàng chục người dân đến gửi hồ sơ và hỏi về tình hình tách công - tơ điện. Trước sự cấp thiết của vấn đề và nhận thấy đây là nhu cầu chính đáng của người dân, UBND xã Linh Hồ đã kiến nghị lên các cấp và có nhiều buổi làm việc với Chi nhánh Điện lực thành phố Hà Giang và Công ty Điện lực tỉnh để tìm hướng giải quyết. Đồng chíLưu Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Linh Hồ lật giở cho chúng tôi xem chồng hồ sơ điện của người dân gửi đến xã để xác nhận về hộ khẩu, quyền sử dụng đất lâu đời và cho biết: “Việc tách công - tơ điện dùng riêng lànguyện vọng cấp thiết hiện nay của đông đảo người dân trong toàn xã. Hiện tại xã đã làm việc với ngành điện để tìm giải pháp giúp người dân, tuy nhiên do nhu cầu dùng điện lớn, các hộ dân ở xa nhau, nên rất khó để ngành điện có thể đáp ứng ngay nhu cầu này, giải pháp được đưa ra là nhiều hộ dùng chung công - tơ điện thì có thể giảmsố lượng xuống còn hai gia đình; khảo sát để xây dựng thêm 3 trạm biến áp... Những giải pháp này cơ bản sẽ giải quyết được nhu cầu về quá tải điện và một số hộ dân sẽ được tách công tơ điện riêng. Chúng tôi cũng đưa vấn đề này vào trong chương trình thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới của xã, tuy nhiên rất mong các cấp, các ngành vào cuộc kịp thời để nhu cầu cấp thiết của người dân sớm được giải quyết”. Đưa vấn đề vì sao các hộ sử dụng điện chung công tơ dù thuộc diện hộ nghèo, hộ thu nhập thấp vẫn không được hưởng giá điện bậc thang theo quy định về giá bán lẻ điện của Chính phủ trao đổi với Công ty Điện lực Hà Giang; chúng tôi nhận được câu trả lời là phía Công ty Điện lực không ký hợp đồng mua bán điện qua công - tơ tổng với bất kỳ trường hợp nào mà chỉ ký hợp đồng mua bán điện với hộ đầu tiên đứng ra chịu trách nhiệm. Các hộ dùng chung công - tơ không được hưởng giá bán điện bậc thang theo quy định là do các hộ này đều tự ý kéo điện dùng chung công - tơ mà không có hợp đồng mua bán điện với ngành Điện lực. Từ tháng 3.2011, Điện lực TP Hà Giang đã có thông báo gửi đến các địa phương sử dụng điện trên địa bàn về việc đăng ký sử dụng điện đối với hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, theo đó đối với bên mua điện sinh hoạt có các hộ sử dụng điện dùng chung công - tơ thì mức sử dụng điện áp dụng biểu giá bán lẻ sinh hoạt được tính bằng sản lượng bình quân cho mỗi hộ. Chính sách thì đã rõ nhưng không hiểu sao gần hai năm nay, người dân trên địa bàn vẫn ít ngườiđến đăng ký để sử dụng giá điện theo đúng quy định ? Được biết hiện tại, ngành Điện cũng đang nỗ lực để tìm giải pháp tháo gỡ vấn đề, tuy nhiên vì dân cư thưa thớt, nhiều hộ dân ở cách quá xa trạm biến áp (trên 2km) nên các hộ phải dùng chung một công - tơ điện và một đường dẫn theo quy định của ngành Điện. Công ty cũng đang tích cực phối hợp với địa phương khảo sát và có kế hoạch xây dựng thêm các trạm biến áp để giải quyết một phần về sự quá tải nguồn điện và có thể tách được một số công - tơ điện cho người dân. Nhưng để làm được điều này cần phải có nguồn vốn lớn và lộ trình hợp lý?

 

Nhu cầu của người dân và mức độ cấp thiết của vấn đề thì đã rõ; giải pháp cũng đã được đưa ra... Nhưng người dân thì không biết vẫn đang phải chờ đợi đến bao giờ? Ý kiến của đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh về vấn đề này xin gửi tới các cơ quan chức năng để sớm giúp người dân ổn định cuộc sống...

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sớm bàn giao lại đất và hỗ trợ người dân vùng trồng cao su
HGĐT- Chủ trương tạm dừng chương trình trồng cây cao su của BTV Tỉnh uỷ, sau hơn 3 tháng triển khai đã được người dân đón nhận với nhiều tâm trạng. Có mặt tại vùng cao su Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, chúng tôi ghi nhận được tâm tư, nguyện vọng chung của hàng trăm công nhân, hàng nghìn gia đình góp cổ phần bằng đất với Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang.
29/06/2012
Bàn chuyện “cần câu và con cá”...
HGĐT- Là địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn, những năm qua, người dân tỉnh ta đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành nhằm XĐGN và phát triển bền vững thông qua nhiều mô hình, đề án phát triển KT-XH. Qua nhiều mô hình, đề án, có những cái thành công và cả thất bại, không ít người lại bàn nhiều về việc "cho người dân cái cần câu hay con cá?". Và làm thế nào để
28/03/2012
Một Dự án ổn định dân cư đang được người dân mong chờ
HGĐT- Gần 1 năm kể từ khi Dự án ổn định dân cư, định canh, định cư (ĐCĐC) tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Lâm, xã Đồng Tâm (Bắc Quang) được khởi công, nhiều hạng mục đã và đang triển khai, 47/47 ngôi nhà được dựng lên, gần 30/47 hộ sống rải rác, khó khăn ở thôn Lâm, thôn Nhạ đã chuyển về đây với mong muốn có một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
27/09/2012
“Sự vào cuộc kịp thời của cấp ủy, chính quyền giúp chúng tôi thêm vững tin...”
HGĐT- Cuộc đối thoại gần đây của cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Mê với người dân thôn Nà Bó, xã Giáp Trung về vấn đề thu hồi đất để quy tụ dân cư, di dân khỏi vùng sạt, lở đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của các hộ dân có đất diện thu hồi.
25/08/2012