Ý kiến người dân:

9 hộ dân ở Khu Công nghiệp Bình Vàng cần chấp hành nghiêm chính sách về đền bù, GPMB

17:27, 21/05/2012

HGĐT - "9 hộ gia đình nên noi theo mọi người dân, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của đảng, nhà nước, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong bồi thường, giải phóng mặt bằng (gpmb), bàn giao đất thực hiện các dự án tại khu công nghiệp (kcn) bình vàng. cơ quan nhà nước cũng cần biểu dương cá nhân, gia đình chấp hành tốt, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp cố tình cản trở, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án tại kcn". nhiều người dân thôn làng mới, làng trần, làng khẻn... xã đạo đức (vị xuyên) đã chấp hành nghiêm chính sách về đền bù, gpmb bày tỏ chính kiến của mình như vậy.


KCN Bình Vàng được triển khai trên địa bàn xã Đạo Đức (Vị Xuyên) đã tác động lớn đến đời sống của đại bộ phận người dân vùng dự án. Qua 5 năm triển khai, có nhiều hạng mục công trình được đầu tư, nhiều nhà máy đang xây dựng, thế nhưng việc bồi thường, GPMB vẫn chưa được hoàn tất. Trong khi đa phần những hộ dân thuộc diện phải di dời đã bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư, vẫn còn một bộ phận nhỏ dù đã nhận tiền, nhận đất tái định cư nhưng lại không chấp hành, thậm chí có hành động cản trở công tác GPMB. Hành động này dẫn đến việc triển khai các dự án trong KCN không đạt được tiến độ đề ra, và vô hình chung ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh, quá trình thu hút đầu tư vào KCN gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, BQL các KCN, huyện Vị Xuyên, cùng các ngành chức năng đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB, bàn giao đất thực hiện dự án. Mới đây, huyện Vị Xuyên cũng tổ chức đối thoại với các hộ dân nhằm tìm tiếng nói chung, sự đồng thuận nhưng cũng không đạt kết quả như mong muốn.Nguyên nhân từ đâu, do người dân, hay do chính quyền địa phương?

 

Khi triển khai Dự án Đường rẽ Quốc lộ 2 vào KCN Bình Vàng và Dự án Tái định cư giai đoạn I, gia đình ông Đào Văn Thông, thôn Làng Khẻn có trên 6.418 m2 thuộc diện phải thu hồi, GPMB, trong đó có trên 1.275 m2 đất ở, trên 5.142 m2 đất nông nghiệp. Kết quả tính toán của Hội đồng đền bù (HĐĐB) huyện Vị Xuyên xác định, gia đình ông được Nhà nước bồi thường gần 740 triệu đồng, được cấp 400 m2 đất ở, 400 m2 đất chuyển đổi ngành nghề. Gia đình ông đã nhận đủ diện tích đất trên và hơn 709 triệu đồng, số tiền còn lại hơn 30 triệu đồng, ông Thông tách cho ông Đào Văn Đức, hiện nay ông Đức chưa nhận. Mặc dù đã nhận tiền, nhận đất, nhưng gia đình ông Thông chỉ bàn giao phần đất thuộc Dự án Đường rẽ Quốc lộ 2 vào KCN, đồng thời liên tục đưa ra yêu cầu cấp thêm đất tái định cư. Những kiến nghị của gia đình đã được HĐĐB huyện Vị Xuyên giải thích thấu đáo dựa trên các căn cứ, chính sách của Nhà nước. Và giá trị bồi thường, diện tích đất được Nhà nước bố trí như vậy là hợp lý, gia đình nên chấp hành nghiêm, sớm bàn giao đất cho các nhà đầu tư. Yêu cầu phi lý này không được chấp thuận, ông phản ứng bằng cách không giao phần đất thuộc dự án Tái định cư, lại còn đang xây dựng nhà kiên cố, không chuyển đến nơi tái định cư đã được Nhà nước cấp. Việc làm này dẫn đến, một phần các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở đầu tư tại Dự án Hạ tầng dịch vụ khu Tái định cư phải chậm tiến độ.

 

Cũng với yêu sách đòi được giao thêm một suất đất, được đưa vào diện nghèo, giá trị bồi thường đất của gia đình phải cao hơn các hộ khác vì đã có Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất... gia đình ông Hoàng Văn Thạch, thôn Đức Thành đã nhận đủ số tiền trên 431 triệu đồng nhưng vẫn không chấp hành các quy định của Nhà nước. Tại Dự án Đường rẽ Quốc lộ 2 vào KCN Bình Vàng, gia đình ông Thạch có 237 m2 đất ở, tại Dự án Tái định cư giai đoạn 1 có 163 m2 đất ở, trên 2.025 m2 đất nông nghiệp nằm trong diện thu hổi, bàn giao mặt bằng. Kết quả kiểm đếm, tính toán bồi thường, gia đình ông được nhận trên 431,669 triệu đồng, được cấp 400 m2 đất ở và 200 m2 đất chuyển đổi ngành nghề. Số tiền đền bù gia đình ông Thạch đã nhận đủ, nhưng khi HĐĐB huyện Vị Xuyên phối hợp với chủ đầu tư, UBND xã Đạo Đức 3 lần tổ chức trao quyết định giao đất và giao đất ngoài thực địa gia đình ông đều không nhận, chưa bàn giao diện tích đất phải thu hồi dự án khu tái định cư, lại tiến hành gieo trồng trên diện tích đất đã bị thu hồi.

 

Ngoài ra, còn các hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tụ, Trịnh Quang Đạo, Vũ Thị Nhủ, thôn Đức Thành; Nguyễn Văn Hành, Đoàn Văn Sùng, Hoàng Văn Phương thôn Làng Khẻn; Nguyễn Văn Hó, thôn Làng Trần cũng đã nhận tiền, hoặc nhận đất tái định cư nhưng lại không bàn giao mặt bằng. Việc làm của các hộ dân đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án. Cụ thể là tuyến đường D1 chạy qua Nhà máy sản xuất Feromangan của Công ty TNHH Ban Mai và Công ty Cổ phần Mangan Việt Bắc đang thi công đã phải dừng lại do 2 hộ dân cản trở không giao mặt bằng; đường điện 35 Kv có 3 vị trí móng vướng mặt bằng, 9 vị trí chưa có mặt bằng thi công... Đây chỉ là hai trong nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ hoạt động của các nhà máy, nếu không triển khai được sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, đặc biệt là hai Nhà máy sản xuất Feromangan, Silicomangan chuẩn bị hoạt động trong tháng 6 tới.

 

Dự án đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Bình Vàng giai đoạn 1, có tổng diện tích đất phải thu hồi là 142,2 ha tại các thôn Làng Trần, Làng Mới và Bình Vàng; Dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tái định cư và dịch vụ KCN Bình Vàng giai đoạn 1 được triển khai trên địa bàn 2 thôn Đức Thành, Làng Khẻn với diện tích 25,98 ha. Để có mặt bằng thực hiện các dự án, 231 hộ gia đình với 983 khẩu thuộc các thôn trên phải chuyển đến vị trí khác, bàn giao đất cho nhà đầu tư. Thực hiện các quyết định của UBND tỉnh, UBND huyện Vị Xuyên đã ban hành các quyết định thu hồi đất chi tiết của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án, HĐĐB huyện tổ chức họp dân, tuyên truyền, lấy ý kiến, đồng thời tiến hành kiểm đếm vật kiến trúc, đất đai, cây cối, hoa màu và xây dựng phương án bồi thường cho từng hộ dân. HĐĐB đã tính toán, lập phương án bồi thường chi tiết, công khai đến người dân đơn giá đất, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc đã được UBND tỉnh điều chỉnh với tính chất đặc thù và có sự hỗ trợ thêm để người dân ổn định cuộc sống như hỗ trợ 36 tháng hộ nghèo, 24 tháng ổn định đời sống với số tiền hơn 50 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, huyện Vị Xuyên còn hỗ trợ thêm 6,6 triệu đồng/hộ, trong đó 3,6 triệu đồng tiền làm nhà, 3 triệu đồng lắp đặt điện, nước, hỗ trợ các hộ dân có con em đi học... Tổng kinh phí bồi thường của dự án trên 80,6 tỷ đồng.




 

Hệ thống đường giao thông vào dẫn từ Quốc lộ 2 vào KCN Bình Vàng. Ảnh mang tính chất minh họa.

Với sự điều chỉnh kịp thời về đơn giá đất, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc, cùng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, 222 hộ dân năm trong vùng dự án đã chấp hành, sớm nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng, nhận đất, làm nhà trên khu tái định cư. Vì vậy, đã có 10 nhà đầu tư đăng ký triển khai dự án trong KCN Bình Vàng với tổng vốn trên 4.242 tỷ đồng, tổng diện tích đất đăng ký trên 146 ha, dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho 2.520 lao động. Đến nay, có 8/10 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận (GCN) đầu tư, 2/10 dự án đang tiến hành các thủ tục cấp GCN đầu tư. Thế nhưng, bên cạnh sự tích cực, chủ động, gương mẫu chấp hành chính sách của 222 hộ dân, vẫn còn 9 gia đình cố tình gây khó khăn cho việc triển khai dự án. Dù đã được tổ chức tuyên truyền, đối thoại nhiều lần, nhưng họ vẫn không chấp thuận, liên tục đưa ra yêu sách đòi được cấp thêm đất tái định cư, được hưởng chế độ hộ nghèo, thắc mắc về giá đền bù giữa đất đã có Giấy chứng nhận Quyển sử dụng đất và chưa có giấy chứng nhận... Dù biết những yêu cầu đó, không có cơ sở để giải quyết, đi ngược lại số đông người dân nhưng họ vẫn cố tình “không hiểu, không biết, không hợp tác” cản trở việc thực hiện các dự án tại KCN Bình Vàng.

 

Các hộ dân xã Đạo Đức có đất đai, hoa màu, công trình kiến trúc nằm trong dự án, đã chấp hành quy định của Nhà nước về bồi thường, GPMB khi biết vẫn còn 9 hộ không chấp hành, làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án đã bất bình và mong muốn họ nên nghiêm chỉnh thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước; đồng thời đề nghị các cấp chính quyền cần cùng với giải thích công bằng, đúng luật, thì phải có giải pháp kiên quyết có lý, có tình, để các dự án được triển khai đúng tiến độ, góp phần thúc đẩy KT-XH trong khu vực và của tỉnh phát triển, từng bước nâng cao thu nhập, tạo việc làm, cải thiện đời sống người dân.


Nhóm phóng viên chuyên đề

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bàn chuyện “cần câu và con cá”...
HGĐT- Là địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn, những năm qua, người dân tỉnh ta đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành nhằm XĐGN và phát triển bền vững thông qua nhiều mô hình, đề án phát triển KT-XH. Qua nhiều mô hình, đề án, có những cái thành công và cả thất bại, không ít người lại bàn nhiều về việc "cho người dân cái cần câu hay con cá?". Và làm thế nào để
28/03/2012
Mong muốn cán bộ làm việc phải vì lợi ích của nhân dân
HGĐT - Là huyện mới thành lập, Quang Bình đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó có các vấn đề nhạy cảm về đất đai, đền bù, giải toả, giải phóng mặt bằng.
20/04/2012
Khi lòng dân đồng thuận
HGĐT- Xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nay đã không còn mới. Bởi, sau một thời gian triển khai, bắt tay vào thực hiện thì nó đã thật sự rất gần gũi với người dân. "Nó" được ví như cơm ăn, áo mặc, hơi thở cuộc sống hàng ngày của chính mỗi cá thể đã, đang sinh sống trên mảnh đất quê hương.
15/03/2012