Cần tháo gỡ bế tắc về nguồn vốn để các HTX phát triển bền vững!

09:47, 17/07/2012

HGĐT- Những năm qua, phát triển kinh tế tập thể (HTX) đã trở thành một phong trào sâu rộng trên địa bàn tỉnh ta, có gần 700 HTX đã được thành lập và đi vào hoạt động với tổng số vốn điều lệ đã đăng ký trên 300 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động.



                Thiếu vốn, các HTX vẫn phải SXKD bằng máy móc lạc hậu.

Các HTX hoạt động đa dạng trên nhiều lĩnh vực SXKD, đóng góp đáng kể vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, một thực tế đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay là phần lớn các HTX đều hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ, đơn điệu, lạc hậu về kỹ thuật công nghệ, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh thấp... Điều này đặt các HTX trước nguy cơ “chạy bữa”, hoặc phải tạm dừng hoạt động. Đi tìm lời giải cho vấn đề này, nhóm phóng viên chuyên mục “ý kiến cử tri” đã tiếp cận và phản ánh về bức tranh phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh hiện nay.


Tham luận của các HTX tại cuộc Hội thảo về đề tài “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX trên địa bàn tỉnh Hà Giang” do Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với LMHTX tỉnh vừa tổ chức đã chỉ ra hàng loạt các điểm “nghẽn” làm cho các HTX rơi vào tình trạng hoạt động kém hiệu quả như: Trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý không đáp ứng yêu cầu, quy mô của các loại hình HTX quá nhỏ bé, tổ chức lỏng lẻo, hoạt động lúng túng, kỹ thuật lạc hậu, sản phẩm kém chất lượng, thị trường bất ổn... và một nguyên nhân quan trọng được đưa ra để giải trình cho những khó khăn này là thiếu vốn trầm trọng. Không khí cuộc Hội thảo thực sự nóng lên khi vấn đề tháo gỡ nguồn vốn được đưa ra thảo luận. Qua điều tra thực tế, được biết có gần 100% các HTX đều muốn vay vốn để mở rộng SXKD, song việc vay vốn lại gặp nhiều khó khăn, bất cập. Theo Nghị quyết số 03/NQ – TU ngày 29.10.2011 của BTV Tỉnh ủy về việc: Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển kinh tế HTX trong tỉnh thì mỗi HTX đang hoạt động trên địa bàn tỉnh được vay 100 triệu đồng, tỉnh hỗ trợ lãi suất 50% trong 3 năm, nhưng trên thực tế, số HTX tiếp cận được với nguồn vốn này còn rất hạn chế. Đến nay, toàn tỉnh mới có trên 80 HTX được vay vốn với tổng nguồn vốn đã giải ngân là gần 6 tỷ đồng (Trung bình mỗi HTX vay vốn tối đa chưa đến 100 triệu đồng). LMHTX tỉnh đã thực hiện giải ngân nguồn vốn “Qũy quốc gia tạo việc làm kênh Liên minh HTX Việt Nam” với tổng số vốn giải ngân trên 1 tỷ đồng, phối hợp với “Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam” thẩm định dự án và giải ngân nguồn vốn vay từ Quỹ đạt 1,4 tỷ đồng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, hiện nay chỉ mới có trên 50 HTX tham gia vay vốn và có dư nợ tại các ngân hàng thương mại để mở rộng SXKD với tổng vốn dư nợ là trên 25 tỷ đồng. Như vậy, việc cho vay vốn đầu tư của các tổ chức tín dụng trên địa bàn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế hoạt động SXKD của các HTX. Nguyên nhân mà các HTX khó tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng là vì không có tài sản thế chấp có giá trị lớn, phần lớn tài sản thế chấp là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng ở các huyện khó khăn, giá trị này rất thấp nên nguồn vốn được vay quá ít so với nhu cầu thực tế, trong khi các ngân hàng lại không thẩm định tài sản trên đất khiến cho việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng trở thành việc nằm ngoài khả năng của các HTX.


Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại lợn với quy mô trên 800 con, được nuôi theo phương pháp công nghiệp và một hệ thống máy chế biến thức ăn gia súc đang phải chịu cảnh “dầm mưa, giãi nắng” vì không thể đi vào hoạt động, anh Đỗ Đăng Luyện, Chủ nhiệm HTX Phúc Giang, (thôn Đoàn Kết, phường Ngọc Hà) xót xa: “Năm 2011, chúng tôi đã đầu tư trên 4 tỷ đồng để lắp đặt nhà máy chế biến thức ăn gia súc, hy vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu thức ăn tại chỗ cho đàn lợn đông đúc của mình, nhưng cho đến nay, nhà máy đang phải phơi nắng, mưa vì tỉnh và “nhà điện” chưa đồng ý cho lắp trạm điện; hơn nữa, chúng tôi đang thiếu nguồn vốn để nhà máy có thể đi vào hoạt động. Tôi đã đi gõ cửa tất cả các ngân hàng trên địa bàn tỉnh nhưng số tiền được vay quá ít so với nhu cầu thực tế. Các ngân hàng không thẩm định tài sản trên đất mà chỉ cho vay được mấy trăm triệu đồng trong khi mỗi ngày đàn lợn của chúng tôi ăn hết khoảng 30 triệu đồng tiền thức ăn, các HTX nông nghiệp như chúng tôi, nếu không có cơ chế của tỉnh và quỹ bão lãnh với các ngân hàng thì đều rơi vào tình cảnh “chạy bữa”. Cùng chung hoàn cảnh này, Chị Trần Thị Hoa, Chủ nhiệm HTX dịch vụ tổng hợp Hoa Sơn (huyện Bắc Quang) cho biết: HTX của chị hoạt động trên các lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp (cung ứng vật tư, phân bón, giống cây trồng...), vật liệu xây dựng và vận tải. Những năm qua, HTX Hoa Sơn đã góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế chung của huyện, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề về định hướng mở rộng hoạt động SXKD, chị Hoa thở dài: “Từ lâu, chúng tôi có ý định xây dựng một nhà máy sản xuất và chế biến phân bón để phục vụ nông nghiệp, nếu sản xuất được tại chỗ, sẽ ổn định được thị trường, hạ giá thành sản phẩm, giúp người dân giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, nhưng không đủ tiền để đầu tư thiết bị máy móc, nhà xưởng nên mặc dù thành lập từ năm 2003 nhưng đến nay, HTX Hoa Sơn chỉ hoạt động ở những lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp đơn giản, lợi nhuận không cao, thu nhập của xã viên và người lao động không đảm bảo...”.


Có thể khẳng định rằng, các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh ta, đây là một lợi thế để phát huy nguồn lực của địa phương, tạo ra những sản phẩm mang đặc trưng của vùng đất cực Bắc, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, đến thời điểm hiện tại, nhiều HTX trong lĩnh vực này cũng đang phải hoạt động cầm chừng. Anh Đàm Văn Hòa, Chủ nhiệm HTX chế biến lâm sản Hòa An (tổ 9, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang) cho biết: HTX của anh ra đời từ năm 2008, nhưng cho đến nay chỉ hoạt động dựa trên nguồn vốn của xã viên mà chưa nhận được sự hỗ trợ nào từ nguồn vốn của quỹ phát triển HTX, việc tiếp cận vốn với các ngân hàng là điều rất khó, thủ tục lại rườm rà, phức tạp nên HTX Hòa An phải tự đi theo con đường riêng của mình là huy động vốn của xã viên và hợp tác với các thương lái, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để hỗ trợ vốn, cách làm này đẩy việc SXKD của họ rơi vào tình trạng bấp bênh, không chủ động, thậm chí vô hình chung đã biến các HTX trở thành người “làm thuê” cho các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó có nhiều HTX ngay từ khi ra đời đã phải dừng hoạt động vì không có vốn để đầu tư thiết bị, máy móc phục vụ SXKD. Cũng là cái khó giống nhau nhưng các HTX có quy mô hoạt động nhỏ lẻ lại càng khó hơn khi tiếp cận nguồn vốn, và HTX Phước Lộc, hoạt động trong lĩnh vực khai thác vật liệu xây dựng (tổ 6, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang) là một trường hợp như thế. Gặp ông Nguyễn Quang Nhiên tại cuộc hội thảo, sự lo lắng hiện rõ trên gương mặt khắc khổ vì bươn trải với cuộc sống đã nói lên nhiều điều: “Phần lớn các xã viên của HTX Phước Lộc đều nghèo, không có tài sản giá trị để đi vay vốn, quy mô hoạt động lại nhỏ lẻ, kỹ thuật lạc hậu, trình độ quản lý hạn chế nhưng tôi phải cố gắng duy trì hoạt động để tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động đang có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chỉ mong các cấp tạo điều kiện để có thể mở rộng SXKD, phát triển thêm một số ngành nghề khác, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương...”.


Như vậy, thiếu vốn và không tiếp cận được với nguồn vốn vay là nguyên nhân chính mà các HTX đưa ra để giải thích về sự hoạt động yếu kém của mình. Trao đổi về vấn đề này, Ông Phạm Quang Tuyên, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Thực tế, các HTX thời gian qua đã phát triển một cách ồ ạt về chiều rộng mà chưa có chiều sâu, đặc biệt là các HTX ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì lại càng khó khăn trăm bề. Trong đó việc không tiếp cận được nguồn vốn có thể xem là điểm “tắc nghẽn” quan trọng kéo theo sự trì trệ trong hoạt động SXKD của các HTX. LMHTX tỉnh đã có nhiều giải pháp khắc phục tình trạng này nhưng chưa đủ về tiềm lực nên chỉ giải quyết được một cách tạm thời”.


Vậy để giải quyết vấn đề triệt để, giúp các HTX phát triển bền vững, đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh nhà cần những giải pháp nào khác để “vực dậy” nền kinh tế tập thể trong giai đoạn hiện nay? (PV)


Ông Phạm Quang Tuyên: “Nghẽn” ở đâu thì phải gỡ ở đó, LMHTX đã có văn bản trình UBND tỉnh phê duyệt đề án thành lập “Quỹ phát triển HTX tỉnh” nhằm mục đích hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó hoạt động của Quỹ này sẽ làm đa dạng các loại hình tài chính – tín dụng trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ tăng thêm nguồn lực tài chính cho các HTX, huy động nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hoạt động cho vay ưu đãi đối với HTX. Quỹ này đã phát triển ở rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhưng ở tỉnh ta, cho đến nay vẫn chưa được phê duyệt, các HTX vẫn đang phải ...chờ”.


Trong thời gian phải...chờ ấy, gần 700 HTX phải cầm cự hoạt động theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, và đã có 120 HTX không thể... cầm cự thêm được nữa nên phải ngừng hoạt động, và tình trạng này vẫn sẽ tiếp diễn nếu các HTX không được hưởng cơ chế bảo lãnh với các ngân hàng để vay vốn tháo gỡ khó khăn và sự “đỡ đầu” từ Quỹ phát triển HTX của tỉnh...


Nhóm PV

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sớm bàn giao lại đất và hỗ trợ người dân vùng trồng cao su
HGĐT- Chủ trương tạm dừng chương trình trồng cây cao su của BTV Tỉnh uỷ, sau hơn 3 tháng triển khai đã được người dân đón nhận với nhiều tâm trạng. Có mặt tại vùng cao su Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, chúng tôi ghi nhận được tâm tư, nguyện vọng chung của hàng trăm công nhân, hàng nghìn gia đình góp cổ phần bằng đất với Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang.
29/06/2012
Bàn chuyện “cần câu và con cá”...
HGĐT- Là địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn, những năm qua, người dân tỉnh ta đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành nhằm XĐGN và phát triển bền vững thông qua nhiều mô hình, đề án phát triển KT-XH. Qua nhiều mô hình, đề án, có những cái thành công và cả thất bại, không ít người lại bàn nhiều về việc "cho người dân cái cần câu hay con cá?". Và làm thế nào để
28/03/2012
9 hộ dân ở Khu Công nghiệp Bình Vàng cần chấp hành nghiêm chính sách về đền bù, GPMB
HGĐT - "9 hộ gia đình nên noi theo mọi người dân, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của đảng, nhà nước, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong bồi thường, giải phóng mặt bằng (gpmb), bàn giao đất thực hiện các dự án tại khu công nghiệp (kcn) bình vàng. cơ quan nhà nước cũng cần biểu dương cá nhân, gia đình chấp hành tốt, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp
21/05/2012
Mong muốn cán bộ làm việc phải vì lợi ích của nhân dân
HGĐT - Là huyện mới thành lập, Quang Bình đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó có các vấn đề nhạy cảm về đất đai, đền bù, giải toả, giải phóng mặt bằng.
20/04/2012