Cần nhân rộng mô hình quản lý nước dựa vào cộng đồng ở Lùng Tám

08:04, 26/11/2014

HGĐT- 3 thôn của xã Lùng Tám (Quản Bạ), hàng tháng luôn có một đội đi kiểm tra đồng hồ nước và thu tiền sử dụng của các hộ dân không khác nào ở các thành phố lớn; các sự cố, hỏng hóc liên quan đến công trình được chính các nông dân quanh năm chân lấm, tay bùn sửa chữa không khác gì các kỹ sư, người sử dụng nước không mất bất kỳ khoản chi phí thù lao nào... Đó là hoạt động của mô hình quản lý nước (QLN) dựa vào cộng đồng ở xã.



Tổ quản lý, vận hành công trình cấp nước ở thôn Mỏ Nhà Thấp kiểm tra đồng hồ nước sử dụng trong tháng của các hộ dân.

Từ năm 2006, Dự án phát triển cộng đồng tổng hợp của huyện Quản Bạ do tổ chức Caritas – Thụy sỹ tài trợ đã hỗ trợ xây dựng 6 công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân ở 5 thôn của xã Lùng Tám. Sau vài năm đưa vào sử dụng, một phần do thiên tai, một phần do ý thức của người dân kém khiến các công trình bị xuống cấp và hỏng, không đem lại hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, cuối năm 2012, xã Lùng Tám phối hợp với tổ chức Caritas xây dựng mô hình QLN dựa vào cộng đồng tại thôn Mỏ Nhà Thấp nhằm nâng cao ý thức tiết kiệm nước và bảo vệ các công trình cũng như tăng hiệu quả sử dụng cho người dân. Sau gần 2 năm, mô hình này đã cho thấy hiệu quả thiết thực rất cần được nhân rộng.


Chủ tịch UBND xã Lùng Tám, Cao Xuân Nghì cho biết: “Thực hiện Mô hình QLN dựa vào cồng đồng, tổ chức Caritas đã hỗ trợ kinh phí xây, lắp đường ống dẫn nước, đồng hồ đo lượng nước sử dụng cho 52 hộ của thôn Mỏ Nhà Thấp. Sau khi hoàn thành, thôn họp bàn và bầu ra 4 người thành một Tổ quản lý, vận hành và sửa chữa công trình trong quá trình sử dụng. Tổ này được tìm hiểu thiết kế các hạng mục công trình cấp nước, được tham gia tập huấn các kỹ năng quản lý, sửa chữa, lắp đặt và hỗ trợ một bộ thiết bị gồm: Bộ hàn nhiệt, bộ tiện ren đường ống... để tự chủ động kiểm tra, sửa chữa, lắp đặt khi công trình gặp sự cố nhỏ mà không cần thuê bên ngoài. Sau tập huấn, các công trình được giao thẳng cho thôn và Tổ vận hành quản lý”. Nhằm nâng cao ý thức và gắn trách nhiệm trực tiếp đến từng người dân, gia đình, thôn đã họp bàn và ra quy chế, quy ước cụ thể như các hộ sử dụng nước phải đóng tiền hàng tháng cho Tổ quản lý, vận hành với mức phí chia theo 2 mùa, trong đó mùa khô 1.500 đồng/m3 và mùa mưa 1.000 đồng/m3; xử phạt 50 nghìn đồng đối với mỗi cá nhân lãng phí nước như không khóa vòi nước sau khi sử dụng (nếu là trẻ em thì bố mẹ phải đứng ra nộp phạt cho con), 200 nghìn đồng đối với gia đình tự ý cắt nối đường ống trước đồng hồ đo nước; gia đình nào không nộp tiền nước quá 3 tháng sẽ bị cắt nước và phải nộp phạt nếu muốn tiếp tục sử dụng... số tiền này được trích 40% cho Tổ quản lý, vận hành, còn lại nộp vào quỹ để duy trì bảo dưỡng, sửa chữa công trình.


Anh Cháng Mí Bình, thành viên Tổ quản lý, vận hành nước ở thôn Mỏ Nhà Thấp chia sẻ: “Gần 2 năm thực hiện mô hình này, ý thức tiết kiệm nước, bảo vệ nguồn nước và công trình của người dân đã thực sự được nâng lên rõ rệt. Các gia đình đều tuân thủ quy chế, quy ước, nộp tiền đầy đủ hàng tháng, không có trường hợp vi phạm về lãng phí nước và phá hoại công trình nên luôn có đủ nước sử dụng ngay cả trong mùa khô; nguồn nước được tận dụng tối đa và các hộ dân không phải bỏ số tiền hàng triệu đồng để tự kéo nước từ các khe về dùng như trước”. Chính vì vậy, từ 52 hộ dân ban đầu đã có thêm 19 hộ ở thôn Mỏ Nhà Thấp tham gia vào mô hình và được lắp đặt đường nước. Cùng với đó, mô hình này được nhân rộng thêm tại 2 thôn Lùng Tám Thấp và Hợp Tiến và một số thôn của xã Tùng Vài. Đặc biệt, việc xây, lắp đường dẫn nước, đồng hồ nước cho các hộ phát sinh thêm và 2 mô hình mới đều do các Tổ quản lý, vận hành thực hiện, đảm bảo yêu cầu, chất lượng.


Hiện nay, 262 hộ dân ở 3 thôn thực hiện mô hình, xã Lùng Tám đã được lắp đặt, sử dụng nước, chiếm gần 1/3 tổng số hộ dân toàn xã, gấp 5 lần so với thời điểm ban đầu mới thực hiện. Con số này một lần nữa khẳng định hiệu quả và thành công của mô hình QLN dựa vào cộng đồng ở Lùng Tám. Chủ tịch UBND xã Lùng Tám, Cao Xuân Nghì khẳng định: Trong thời gian tới, xã tiếp tục mở rộng mô hình này ở các thôn khác của xã và sẽ hỗ trợ một phần kinh phí lắp đặt đường ống dẫn nước và đồng hồ nước cho các hộ phát sinh mới.


Với đặc thù là tỉnh miền núi, nhiều địa phương luôn trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt, Nhà nước phải đầu tư, hỗ trợ nhiều tỷ đồng để xây dựng các hồ chứa nước, bể chứa nước và đường dẫn nước từ sâu trong núi đến các hộ dân. Thế nhưng nhiều nơi, sau khi công trình hoàn thành và đi vào sử dụng không lâu, không được quan tâm tu sửa thường xuyên, thậm chí một số người dân ý thức kém đã làm hư hỏng gây lãng phí tiền của Nhà nước. Mô hình QLN dựa vào cộng đồng ở Lùng Tám có thể sẽ là lời giải cho việc quản lý và tăng hiệu quả sử dụng các công trình cấp nước rất cần được nhân rộng tại các địa phương trong huyện Quản Bạ nói riêng, toàn tỉnh nói chung.


DUY TUẤN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồn BPCK Quốc tế Thanh Thủy: Phát động chương trình “Nâng bước các em tới trường”
HGĐT- Sáng ngày 25.11, Đồn BPCK Quốc tế Thanh Thủy tổ chức lễ phát động chương trình “Nâng bước các em tới trường”, tổ chức đỡ đầu 2 học sinh trong địa bàn có hoàn cảnh khó khăn, học tới Đại học hoặc Trung cấp, Cao đẳng.
26/11/2014
Tặng áo ấm mùa đông cho học sinh trường Tiểu học Tả Ván
HGĐT- Ngày 24.11, Nhóm Thiện Nguyện “Kết nối Yêu thương Hà Giang” kết hợp Công ty TNHH Kiên Trung (Hà Nội) do bà Huỳnh Thu Thuỷ, Chủ tịch HĐQT Công ty đã đến và trao tặng áo ấm mùa đông cho các em học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Tả Ván, huyện Quản Bạ.
25/11/2014
Nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
HGĐT- Bảo vệ môi trường (BVMT) đang là một trong những đòi hỏi bức thiết, cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, tổ chức xã hội và mọi người dân. Đối với tỉnh ta - một địa phương đất chưa chật, người chưa đông, công nghiệp chưa thực sự phát triển nhưng áp lực BVMT sống đang đặt ra những yêu cầu bức thiết. Rác thải trong sinh hoạt hàng ngày, khói bụi, tiếng ồn các nhà máy, nước
25/11/2014
Bình yên vùng đá... “nở hoa”!
HGĐT- Cao nguyên đá Đồng Văn, Công viên địa chất Toàn cầu - di sản thế giới đang được mọi người ngày càng biết đến. Từ đầu năm đến nay, huyện Đồng Văn đã đón 14.105 đoàn khách, với 80.632 lượt khách đến tham quan, du lịch. Lượng DU khách tăng mỗi ngày kéo theo nhiều vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo ANTT ở địa phương.
25/11/2014