Chút tâm sự với người yêu nghề báo

09:37, 22/06/2013

HGĐT- Có lẽ trong rất nhiều ước ao nghề nghiệp của các cô cậu học trò còn ngồi trên ghế nhà trường, có người ước trở thành nhà báo.


Nghề báo, hai từ nghe đơn giản, chất chứa sức hút, nhưng khi bước vào nghề, đó mới thực sự là một cuộc hành trình thử thách ý chí, tâm can của người đã lựa chọn nghề này. Có rất nhiều người học báo, làm báo, nhưng không phải ai cũng đều trở thành nhà báo. Cuộc sống luôn kỳ lạ khi ban tặng cho bất kỳ ai những món quà mà mình không ngờ tới. Có những người không học báo, nhưng có ước mơ và ý chí, họ trở thành nhà báo với những thành công đầy bất ngờ...

 


Phóng viên trẻ Báo Hà Giang và Báo Tuyên Quang trao đổi với cán bộ Đồn Biên phòng Lũng Cú.


Điểm quân số những người làm báo ở tỉnh ta hiện nay, có nhiều người không phải xuất thân từ các trường dạy làm báo. Có những người khởi đầu nghề đặc biệt này từ những tấm bằng trung cấp địa chất, trung cấp nông lâm, kỹ thuật đến những tấm bằng sư phạm, bằng thuộc các chuyên ngành khoa học xã hội nhân văn... Nhiều người trong số đó đã và đang bám trụ được với nghề, khẳng định được cái duyên làm báo của mình. Trong khi đó, chúng ta cũng thấy một thực tế, có những người được đào tạo bài bản từ các trường làm báo, nhưng cái duyên thì lại chưa bén với nghề.

 

Làm gì để có thể bước vào nghề báo và trụ được với nghề này!?. Sẽ chẳng có câu trả lời nào chính xác hơn ngoài năng khiếu, sự ham học hỏi, đam mê nghề báo cả. Nghề báo không lựa chọn những người thiếu năng lượng sống, thiếu kiến thức xã hội, thiếu tinh thần xông xáo và sáng tạo. Chính vì thế, các cơ quan như Báo Hà Giang, Đài PT – TH tỉnh là những nơi có rất nhiều các bạn trẻ đến học việc, thử việc, đa phần trong số đó phải ra đi vì thiếu những tố chất cần thiết của nghề Báo. Đặc biệt là những người có suy nghĩ bám nghiệp viết chỉ để mong có được một cái nghề, như thế là thất bại.

 

Làm báo không thể ai cũng giống ai, tất cả các phóng viên nếu giống nhau về phong cách tác nghiệp, về sản phẩm báo chí thì không thể làm nên bữa ăn tinh thần thịnh soạn trên tờ báo. Chính vì thế, mỗi người đến với nghề báo, trụ với nghề là một cá tính riêng, một phong cách riêng. Những cá tính riêng sẽ hòa chung trong một nhịp đập để tạo thành một cá tính chung của mỗi tờ báo. Ngược lại, những tay viết mang phong cách “đều đều, khá khá, tốt tốt” sẽ chỉ dừng lại ở hình ảnh một người làm nghề viết, thậm chí có người vui miệng còn gọi là “bồi viết”. Cứ duy trì “phong cách” như vậy, sẽ tạo nên một hình ảnh của sự đơn điệu, dập khuôn, máy móc, suy giảm “phong độ” tờ báo.

 

Làm báo phải có kiến thức xã hội phong phú, kiến thức ấy sẽ phải không ngừng được bổ sung bằng việc “học, học nữa, học mãi”. Có người làm báo mới vào nghề có suy nghĩ thiển cận, mình đã... giỏi, đã là “ông sao”, hay vào nghề báo đương nhiên là... nhà báo. Hoặc có người sau một vài năm làm báo với mấy tác phẩm có chút tiếng vang, đã tự mãn rằng mình đã là nhà báo. Suy nghĩ ấy khiến họ không bao giờ bước lên bậc thang tiếp theo của nghề. Rất nhiều người bước vào nghề với sự thiếu thốn đủ thứ không chỉ là bản lĩnh nghề nghiệp, sức sáng tạo, mà còn thiếu cả vốn... ngôn ngữ mẹ đẻ. Chính vì thế, có những bài báo mà người viết không thể diễn tả được cái mình muốn phản ánh, sử dụng những ngôn từ ngây ngô khiến người đọc bình dân nhất cũng phải buồn cười.

 

Nghề báo là nghề cần cù đặc biệt. “Ngọc bất trác bất thành khí”, người làm báo vừa phải rèn viên ngọc trong chính tâm mình, vừa phải “rèn” cả những tác phẩm báo chí như người thợ kim hoàn rèn đúc trang sức. Tác phẩm báo chí sẽ tồn tại trong lòng độc giả nếu có tâm, có tầm của người viết gửi gắm vào đó. Thực tế cuộc sống, trong nghề, có những tác phẩm báo chí chưa có tên ở những giải thưởng nào đó. Nhưng có một ngày về những miền quê yên bình, có những người dân vẫn nhắc đến nội dung, ý nghĩa cuộc sống của bài báo đó. Là người viết có tâm, có tầm, như thế đã là giải thưởng lớn, là niềm vui vô hạn rồi.


HUY TOÁN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho HS cứu sống 5 em nhỏ
Sáng 20/6, Trường THCS Thanh Ngọc (huyện Thanh Chương, Nghệ An) tổ chức tuyên dương em Lê Văn Được, người dũng cảm cứu sống 5 em nhỏ thoát khỏi chết đuối hôm 17/6.
21/06/2013
Tác nghiệp nơi vùng lũ Giáp Trung
HGĐT- 5 giờ sáng ngày thứ 7 (23.6.2012), chuông điện thoại kêu liên hồi, phía đầu dây bên kia, giọng đồng chí Chánh văn phòng UBND huyện Bắc Mê hớt hải: “Em ơi, đêm qua lũ quét trên diện rộng, chưa thống kê được thiệt hại nhưng nhiều vùng đang bị cô lập, chưa thể tiếp cận được...”. Nhận được thông tin lũ quét, tôi lập tức báo cáo lãnh đạo phòng, chuẩn bị đồ nghề và lập tức
20/06/2013
Đạo đức nghề làm báo đòi hỏi sự khiêm tốn và cầu thị
HGĐT- Làm nghề gì chẳng có chuyện vui, chuyện buồn, riêng nghề báo cũng vậy, đầy ắp những chuyện vui, nhưng cũng không ít những chuyện buồn. Hy vọng những chuyện tôi ghi lại sau đây sẽ là những bài học kinh nghiệm cho chính bản thân mình và những người đang làm báo. Bởi đạo đức nghề làm báo đòi hỏi sự khiêm tốn và cầu thị.
20/06/2013
Nghị quyết 30a - “nhọc nhằn” đường về đích
HGĐT- Nghị quyết 30a đến với người dân 6 huyện nghèo của tỉnh đã thổi luồng sinh khí mới, từng bước tạo ra sự thay đổi trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thế nhưng, sau một thời gian triển khai, nhiều chính sách đã bộc lộ bất cập, một số chỉ tiêu kết quả đạt rất thấp... Điều này cho thấy, nếu không có giải pháp kịp thời, các huyện 30a khó hoàn thành mục tiêu giảm nghèo
19/06/2013