Nghị quyết 30a - “nhọc nhằn” đường về đích

08:11, 19/06/2013

HGĐT- Nghị quyết 30a đến với người dân 6 huyện nghèo của tỉnh đã thổi luồng sinh khí mới, từng bước tạo ra sự thay đổi trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thế nhưng, sau một thời gian triển khai, nhiều chính sách đã bộc lộ bất cập, một số chỉ tiêu kết quả đạt rất thấp... Điều này cho thấy, nếu không có giải pháp kịp thời, các huyện 30a khó hoàn thành mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững vào năm 2015.


Tỉnh ta có 6 huyện gồm: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Hoàng Su Phì, Xín Mần thuộc nhóm 62 huyện nghèo nhất nước, được thụ hưởng chính sách đầu tư đặc biệt theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, nhằm giảm nghèo nhanh (GNN), bền vững. Đề án giảm nghèo của 6 huyện được UBND tỉnh phê duyệt với tổng kinh phí trên 17,6 nghìn tỷ đồng, hơn 27 nghìn tấn gạo. Trong đó, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng chiếm phần lớn, trên 11,4 nghìn tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 6,2 nghìn tỷ đồng. Trong tổng nguồn vốn rót vào các huyện nghèo, ngân sách T.Ư đảm nhiệm gần 17 nghìn tỷ đồng và toàn bộ số gạo, ngân sách địa phương trên 294 tỷ đồng.

 


Nhờ nguồn vốn đầu tư theo Nghị quyết 30a, xã nghèo Nàng Đôn (Hoàng Su Phì) đã có đường bê tông nối đến trung tâm, tạo thuận lợi cho việc giao lưu, trao đổi hàng hóa của nhân dân.


Một tín hiệu tích cực khi triển khai Nghị quyết đó là có sự vào cuộc, hỗ trợ ngay giai đoạn đầu của 10 doanh nghiệp (DN) T.Ư với tổng vốn cam kết 355 tỷ đồng. Đến nay, các DN đã hỗ trợ 295 tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch vốn cam kết. Vốn hỗ trợ của các DN chủ yếu dành xóa nhà tạm, xây nhà lưu trú học sinh, xây cầu, trường mầm non, hỗ trợ đào tạo cho con em các huyện nghèo. Ngoài ra, các DN còn tài trợ giấy vở học sinh, xe cứu thương, thiết bị y tế, giáo dục.

 

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 30a, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, có gần 23,6 nghìn hộ dân được giao khoán bảo vệ, khoanh nuôi, phục hồi, chăm sóc hàng trăm nghìn ha rừng; trợ cấp 7.383 tấn lương thực cho trên 12,6 nghìn hộ nghèo nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng; gần 50 nghìn hộ được hỗ trợ tiền giống, phân bón, chuyển đổi cây trồng; hơn chục nghìn hộ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất 0%, hỗ trợ làm chuồng trại, mua giống, trồng cỏ chăn nuôi gia súc... Nguồn vốn đầu tư đã tạo sự thay đổi lớn về kết cấu hạ tầng các huyện, xã nghèo. Đối với cấp huyện, có 167 công trình đã được đầu tư, trong đó 91 công trình đường kết nối giao thông từ tỉnh đến huyện và từ trung tâm huyện đến xã, liên xã; 38 trường học và cơ sở dạy nghề; 25 bệnh viện huyện, bệnh viện khu vực, trung tâm y tế dự phòng đạt tiêu chuẩn; 12 công trình trung tâm cụm xã. Ở cấp xã, thôn bản có 751 công trình được đầu tư. Nguồn vốn 30a đầu tư trên địa bàn 6 huyện nghèo, đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo khu vực này giảm xuống còn gần 46% theo chuẩn nghèo mới.

 

Những chính sách đầu tư mang tính đặc biệt của Nghị quyết 30a, đã tạo sự đổi thay lớn ở các vùng quê nghèo. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn không đáp ứng được yêu cầu, khiến nhiều mục tiêu khó đạt tiến độ đề ra. Nếu như không có những giải pháp đồng bộ, không có sự đầu tư theo hướng ưu tiên thì rất khó đạt được các mục tiêu của Nghị quyết 30a là đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo của 6 huyện giảm xuống còn 25%; lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 40%, mỗi năm xuất khẩu trên 200 lao động ra nước ngoài.

 

Thực tế triển khai ở cơ sở cho thấy, một số mục tiêu đạt tiến độ đề ra, nhưng chưa thể giúp người dân thoát nghèo như: Chính sách hỗ trợ thông qua khoán chăm sóc, bảo vệ rừng đang áp dụng mức 200 nghìn đồng/ha quá thấp, chưa khuyến khích người dân tham gia, hơn nữa quỹ đất rừng giao cho hộ nghèo các huyện phía Bắc bình quân 3 ha/hộ, như vậy người dân không thể thoát nghèo từ rừng; việc hỗ trợ 1 lần lãi suất 0% để mua gia súc với mức 5 triệu đồng, hộ nghèo không thể mua được 1 con trâu, hoặc bò để phát triển sản xuất.

 

Cùng với sự tham gia, hỗ trợ của các DN T.Ư, tỉnh cũng phân công 90 DN sản xuất, kinh doanh có hiệu quả (tại thời điểm bắt đầu triển khai Nghị quyết 30a) đỡ đầu 35 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, nhằm trợ giúp các xã đẩy mạnh hoạt động GNN, bền vững. Thời gian đầu, các DN rất tích cực giúp xã nghèo, nhưng về sau do nguồn vốn khó khăn, việc làm ăn không thuận lợi, khiến trách nhiệm xã hội, trách nhiệm hỗ trợ các xã GNN, bền vững không được chú trọng. Nhiều DN ngày đó làm ăn hiệu quả, giờ đang tạm dừng hoạt động, hoặc có hoạt động cũng rất thoi thóp nên họ không mặn mà với công tác hỗ trợ, đỡ đầu xã nghèo.

 

Một trong những chỉ tiêu đạt rất thấp, ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu chung của Nghị quyết đó là: Tổng nhu cầu vốn đầu tư trên địa bàn các huyện nghèo rất lớn, nhưng từ năm 2009 đến hết 2012, mới có trên 1.117 tỷ đồng được rót về cơ sở, trong đó vốn đầu tư phát triển chỉ đạt trên 804 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 214 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu của Nghị quyết, nhu cầu vốn đầu tư đòi hỏi phải được huy động khá lớn và tập trung chủ yếu từ năm 2010-2015 mới đảm bảo tiến độ. Tuy nhiên, quá trình phân bổ vốn hàng năm của T.Ư không đáp ứng được yêu cầu của đề án đã phê duyệt, còn chênh lệch quá lớn. Cũng vì hạn chế về nguồn vốn nên đến hết năm 2012, tổng số công trình cơ sở hạ tầng các xã nghèo thực hiện mới chỉ đạt 5,6% so với số đã đăng ký, tổng vốn bố trí kể cả nguồn vốn lồng ghép cũng chỉ đạt gần 13% so với nhu cầu thực tế. Việc bố trí nguồn vốn đầu tư nếu không được cải thiện, các địa phương nghèo không thể thực hiện đạt mục tiêu của Nghị quyết. Mặt khác, tuy tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn các huyện 30a nhanh, bình quân 7%/năm nhưng chưa thực sự bền vững, số hộ tái nghèo và cận nghèo vẫn còn cao.

 

Nhìn lại 4 năm thực hiện Nghị quyết 30a, kết quả đạt được rất đáng khích lệ, nhưng nó cũng cho thấy, con đường GNN, bền vững cũng khá... nhọc nhằn!


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xét duyệt kết quả rà soát thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi
HGĐT- Chiều 17.6, Hội đồng tư vấn (HĐTV) xét duyệt thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã thuộc vùng dân tộc và miền núi (DT&MN) của tỉnh tổ chức Hội nghị xét duyệt thôn ĐBKK, xã thuộc vùng DT&MN giai đoạn 2012-2015. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch HĐTV xét duyệt thôn ĐBKK, xã thuộc vùng DT&MN của tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội
19/06/2013
Nhân thêm những ngôi nhà Đại đoàn kết
HGĐT- Ngồi trong ngôi nhà 3 gian mới dựng, chị Vàng Mí Dình, dân tộc Mông, thôn Tùng Lùn, xã Lùng Tám (Quản Bạ) không giấu nổi niềm vui. Nhà dột nát, chật hẹp là những gì gia đình chị Dình đã phải trải qua trong nhiều năm qua. Nay được sự quan tâm của Nhà nước, gia đình chị đã có chỗ ở mới giúp gia đình chị yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
18/06/2013
Ngày hội Prudential tại thành phố Hà Giang
HGĐT- Ngày 16.6, tại Thành phố Hà Giang, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential đã tổ chức chương trình tri ân khách hàng.
17/06/2013
Khảo sát hỗ trợ xây dựng trường mầm non và xóa nhà tạm tại Mèo Vạc
HGĐT- Ngày 15.6, tại 2 xã Khâu Vai và Sủng Trà (Mèo Vạc), Báo Hà Giang và Đoàn từ thiện TP Hà Nội đã đi khảo sát một số hộ nghèo đặc biệt khó khăn và thôn bản có nhiều trẻ em chưa có trường mầm non để đầu tư hỗ trợ xây dựng trường và xóa nhà tạm. Đoàn từ thiện TP Hà Nội do bà Trần Thị Ánh Tuyết và bà Phạm Thị Thanh Vân (Việt kiều Nga) làm trưởng đoàn cùng các thành viên. Về
17/06/2013