Thắm tình yêu Hà Nội

15:10, 05/10/2010

Sau mười tháng phát động, hôm 4-10, ban chỉ đạo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Trung ương Đoàn và UBND TP Hà Nội đã tổng kết và trao giải cuộc thi “Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến và anh hùng”.


Bài thi độc đáo của anh Stevent, một người nước ngoài tham gia cuộc thi - Ảnh: Lâm hoài

Cuộc thi đã để lại nhiều dấu ấn khó quên về các tác giả, tác phẩm tham dự, thắm đượm tình yêu về thủ đô 1.000 năm tuổi.

Ấn tượng

“Những tác giả, tác phẩm tiêu biểu thể hiện sâu sắc tình yêu với Thăng Long - Hà Nội, kết tinh trí tuệ và tấm lòng của đồng bào cả nước dành cho thủ đô yêu dấu” - ông Nguyễn Bắc Son - phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, trưởng ban chỉ đạo cuộc thi - nhận định tại buổi tổng kết và trao giải.

Sau 10 tháng phát động, ban tổ chức đã thu được hơn 3,2 triệu bài dự thi trên cả nước gửi về. “Nhiều bài dự thi rất ấn tượng, tác giả dự thi cũng rất đặc biệt khiến ban tổ chức mừng vui và không khỏi ngỡ ngàng” - một thành viên ban tổ chức cho biết. Đoàn TN Công ty Cavico mang đến cuộc thi bài dự thi in trên hình con rồng màu vàng, cao tới 2,2m, dài 28m.

Bài dự thi của Đoàn cơ sở Trung đoàn B38 có kích thước khổng lồ in trên khổ giấy A0. Còn Stevent, hiện là chuyên gia công nghệ thông tin của dự án Tăng cường năng lực tình nguyện vì sự phát triển ở Việt Nam (VDVN), lại chọn cách thể hiện bài dự thi trên năm chiếc nón lá - nét đặc trưng duyên dáng, dịu dàng của văn hóa Việt Nam. Bài dự thi của tác giả Nguyễn Thị Thủ, chi đoàn Đài truyền thanh thị xã Từ Sơn và tác giả Chu Thị Hồng Ánh - giáo viên Trường THCS Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) - có số lượng hơn 1.000 trang!...

Ngoài ra nhiều bài dự thi được in trên các tấm mica, giấy dó, lụa; nhiều bài thi sưu tầm công phu, độc đáo các hình ảnh, tư liệu, bài báo viết về Hà Nội các thời kỳ, trong những chấm son lịch sử Thăng Long - Hà Nội...

Nơi nơi hướng về Hà Nội

Thiếu tá Võ Văn Minh - trợ lý thanh niên - Ban thanh niên Quân khu V (đơn vị có tác phẩm đoạt giải đặc biệt) - cho biết cán bộ chiến sĩ trong đơn vị đã hăng hái tham gia, người góp vài cuốn tư liệu về Hà Nội, người gửi dăm ba tấm ảnh. “Điều lớn nhất mà chúng tôi muốn gửi gắm vào tác phẩm đó là niềm tự hào về truyền thống dân tộc, về nền văn hiến lâu đời của thủ đô, từ đó truyền cho anh em chiến sĩ ý chí kiên cường, tinh thần sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc”.

Từ nơi xa xôi đang ngày đêm canh giữ chủ quyền Tổ quốc nhưng đại úy Nguyễn Tất Thắng, phó bí thư Đoàn cơ sở đoàn Trường Sa (Khánh Hòa), vẫn hăng hái tham gia cuộc thi. Được biết đại úy Thắng phải mất hàng tháng trời hoàn thành bài thi, rồi cũng chừng đó thời gian chờ những chuyến tàu cập đảo để gửi bài dự thi về đất liền.

Nhiều tác giả dự thi khiến nhiều người khâm phục về nghị lực. Em Nguyễn Duy Khanh (lớp 2A Trường Nguyễn Đình Chiểu) dù mắt không nhìn thấy ánh sáng nhưng hay tin về cuộc thi đã nằng nặc đòi bố mẹ cho tham dự. Bố mẹ Khanh trở thành “trợ thủ” đắc lực thay nhau rong ruổi tới thư viện, ra hiệu sách, lên mạng Internet tìm tài liệu giúp Khanh. Khanh đã phải mất gần hai tháng hoàn thành bài dự thi súc tích, vẻn vẹn trong ba trang giấy in chữ nổi Braille.

Bạn Nguyễn Thị Xiêm dù phải ngồi xe lăn, đi lại khó khăn nhưng vẫn kiên trì tham gia cuộc thi với mong muốn góp tiếng nói của Liên đoàn Thể thao người khuyết tật mừng thủ đô tròn 1.000 năm tuổi. Tay chống gậy run run xuất hiện trên sân khấu nhận giải, cụ Vũ Duy Bính (Tây Hồ, Hà Nội) tròn 100 tuổi khiến cả khán phòng vỗ tay khâm phục vì sức yếu, mắt kém nhưng vẫn hoàn thành bài dự thi hàng chục trang viết tay.

Stevent cho hay anh hào hứng tham gia cuộc thi vì quá ngưỡng mộ bề dày truyền thống lịch sử và đặc sắc về văn hóa của Hà Nội. “Chính cuộc sống, con người Hà Nội đã truyền lửa và cảm hứng để tôi tham gia cuộc thi này”, Stevent chia sẻ. Tại buổi lễ, ban tổ chức đã trao 131 giải cho tập thể, cá nhân xuất sắc.

Trao giải cho các cá nhân, tập thể đoạt giải - Ảnh: Lâm Hoài

GS sử học Lê Văn Lan (chủ nhiệm ban giám khảo cuộc thi):

Hàng triệu bài dự thi tâm huyết và rất công phu, đầu tư nhiều thời gian, công sức, chất xám. Qua đó mới thấy được sự hồ hởi, nồng nàn, tấm lòng và cả sự kỳ vọng của người con đất Việt khắp mọi miền dành cho trái tim của cả nước lớn đến chừng nào.

Cuộc thi có nhiều dấu ấn riêng. Là ban giám khảo, chúng tôi đã cài cắm nhiều thử thách, nhiều cái “bẫy” trong câu hỏi dành cho giới trẻ nhưng không ngờ rất ít người dính “bẫy” mà hầu hết đều vượt qua một cách ngoạn mục, đó là niềm vui khôn tả của những người làm công tác tổ chức. Cuộc thi cũng cho thấy giới trẻ rất quan tâm đến lịch sử nước nhà.


Tuổi trẻ

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lễ hội đường phố của Tuổi trẻ mừng Đại lễ
Được sự đồng ý của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (TNCSHCM) sẽ tổ chức chương trình Lễ hội đường phố của Tuổi trẻ chào mừng Đại lễ vào tối ngày 8/10.
30/09/2010
Nhìn lại chặng đường 60 năm thiết lập quan hệ hai nước Việt - Trung
HGĐT- Tròn 60 năm trước, ngày 18.1.1950, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đã chính thức được thiết lập. Sự kiện này diễn ra chưa đầy 3 tháng kể từ khi Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa ra đời (ngày 1.10.1949) và chỉ sau 4 ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố “... sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền
29/09/2010
Gần 1.000 gia đình trẻ lập nghiệp tại làng TNLN
Vừa qua, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện dự án xây dựng 18 làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) dọc đường Hồ Chí Minh, vùng biên giới và các xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2006-2010.
27/09/2010
30 suất quà dành cho trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi AIDS
HGĐT- Nhân dịp Tết Trung thu năm 2010, có 30 suất quà đã được gửi đến các trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi AIDS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh. Gần 30 trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi AIDS được vui Tết Trung thu hoà nhập cộng đồng do Trung tâm Y tế huyện Vị Xuyênđăng cai tổ chức.
27/09/2010