Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh

16:18, 16/12/2009

HGĐT- Dự án Phân cấp giảm nghèo nông thôn (DPPR) được đầu tư tại tỉnh ta với mục đích cải thiện tình hình kinh tế – xã hội của các xã nghèo, các xã vùng sâu, vùng xa ít được đầu tư các chương trình dự án, từng bước ổn định và cải thiện chất lượng cuộc sống của các hộ nghèo một cách bền vững, nâng cao vai trò của người dân thông qua việc phát triển phân cấp một cách sâu rộng đến các xã và thôn, bản để người dân có khả năng làm chủ cuộc sống của chính mình và góp phần phát triển cộng đồng.


 
 Chị em phụ nữ vùng sâu, vùng xa được vay vốn từ Dự án DPPR để mua lanh dệt vải tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Ảnh: CTV

Trong qúa trình triển khai thực hiện, Dự án đã và đang trao quyền cho các cộng đồng người nghèo thông qua việc thành lập và nâng cao năng lực cho các Ban quản lý dự án xã, tổ quản lý thôn, bản để họ có đủ năng lực cũng như quyền hạn cần thiết trong việc quản lý và thực hiện dự án, đảm bảo an toàn, an ninh lương thực cho các hộ nghèo thông qua việc hỗ trợ sản xuất và đào tạo nghề cho các hộ, cải thiện cơ sở hạ tầng thôn bản, chuyển giao kiến thức quản lý cho cán bộ các cấp... Từ mục đích thiết thực đó mà những năm gần đây, Dự án DPPR tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực triển khai thực hiện các công việc được giao, đạt kết quả tốt, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội tại mỗi địa phương, góp phần đưa chất lượng cuộc sống của người dân ngày một cao, bớt đi phần nào những khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Có thể khẳng định rằng, Dự án đã và đang đầu tư một cách hiệu quả tại cơ sở thông qua nhiều mô hình hỗ trợ trực tiếp cho người dân cũng như cho các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh.


Thôn Lủng Pủng B và Há Lìa là hai trong số những thôn điển hình của xã Sủng Thài (Yên Minh) được Dự án hỗ trợ sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Dự án DPPR được triển khai tại xã và đến với người dân 12 thôn bắt đầu từ năm 2007, với 690 hộ tham gia. Hiệu quả và lợi ích trực tiếp đến với người dân trong thôn được thông qua việc triển khai các mô hình của dự án. Những mô hình điển hình mang lại lợi ích mà chúng tôi được tận mắt chứng kiến đó là mô hình điểm trường học và mô hình bò sinh sản. Điểm trường Lủng Pủng B là một ví dụ, đây là điểm trường được Dự án đầu tư với tổng mức giá trịlà 384 triệu đồng (trong đó nhân dân đóng góp 10 triệu cộng với san ủi mặt bằng), trường gồm 2 phòng học, 2 phòng lưu trú giáo viên, có bể nước và hệ thống công trình phụ… Hiện tại điểm trường đã được đưa vào sử dụng. Theo lãnh đạo xã và thôn cho biết: Điểm trường đã giúp cho gần 50 học sinh (cả Tiểu học và Mẫu giáo) của 3 xóm là Đờ Khá, Lủng Pủng A và B. Điểm trường được xây dựng tại trung tâm của 3 thôn cho nên học sinh đi học rất đầy đủ kể cả những ngày mưa, gió; giúp học sinh có chỗ học, chỗ chơi thoải mái, mưa nắng yên tâm, không như trước đây điểm trường này được làm bằng nhà trình tường, mái lợp rạ lụp sụp nên nhiều khi mưa to các em học sinh không thể học nổi. Bà con trong xóm rất vui và phấn khởi do vậy đã động viên con em đi học một cách đầy đủ... Như vậy với mô hình đầu tư trên cơ bản đã đáp ứng được mong muốn của các nhà thiết kế Dự án, của Ban chỉ đạo và của Ban quản lý Dự án tỉnh là làm sao để người dân được hưởng lợi trực tiếp thông qua việc tổ chức thi công các công trình này.


Mô hình bò sinh sản tại thôn Há Lìa cũng đã giúp cho người dân có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Gia đình anh Sùng Sè Pó được Dự án hỗ trợ 1 con bò cái, sau một thời gian ngắn đã sinh sản được 1 con bê và hiện tại con bò mẹ đã được luân chuyển đưa sang cho hộ nghèo khác nuôi. Được hưởng lợi một con bê anh Pó mừng lắm, anh mong có nhiều người được hưởng lợi như mình nên rất tích cực trong việc truyền đạt cho những hộ dân được luân chuyển về kỹ thuật nuôi bò sinh sản và nhân giống tại địa phương. Theo thống kê từ năm 2007 đến nay, xã Sủng Thài được Dự án hỗ trợ trên 30 con bò cái sinh sản, chỉ cần số bò này đẻ hết rồi tiếp tục luân chuyển bò mẹ nuôi quay vòng cho người dân thì xã sẽ có một số lượng bò khá lớn, vừa đáp ứng nhu cầu hỗ trợ sản xuất của nhân dân, vừa kích thích phát triển chăn nuôi hàng hóa tại địa phương. Từ thực tế đó cho thấy, hỗ trợ sản xuất là một trong những hoạt động quan trọng của Dự án DPPR, nó rất thiết thực và phù hợp với đời sống thực tế của người dân địa phương. Nhiều hoạt động hỗ trợ sản xuất thuộc Dự án DPPR đầu tư trên địa bàn tỉnh đã có hiệu quả khá tốt trong việc thúc đẩy sản xuất và tăng thu nhập cho người dân như mô hình hỗ trợ bò sinh sản vừa nêu là một ví dụ. Các công cụ sản xuất, vật tư, giống cây và giống gia súc do Dự án cung cấp đã được người dân quản lý, sử dụng có hiệu quả. Việc hỗ trợ công cụ sản xuất đã giúp người dân tiết kiệm được thời gian và làm giảm công lao động nên người dân có thêm nhiều thời gian đầu tư cho phát triển sản xuất. Việc cung ứng giống cây, giống con và vốn vay tín dụng bước đầu có hiệu quả đáng kể trong việc mở rộng sản xuất và làm tăng thu nhập cho nhiều hộ dân.

Có thể nói, đây mới chỉ là hai trong rất nhiều mô hình tiêu biểu được đầu tư hiệu quả ở cơ sở. Sự đầu tư đó đã mang lại cơ hội “đổi đời” của người dân nghèo nói chung và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh nói riêng.


Quỳnh Mai

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Huyện Quang Bình Với cuộc vận động “quyên góp hỗ trợ giống gia súc nuôi luân chuyển”
HGĐT- Là huyện mới được được thành lập, xuất phát điểm thấp nên tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Song những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Quang Bình đã luôn xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách là: Tập trung lãnh đạo các tổ chức đoàn thể, nhân dân đẩy mạnh phát triển KT - XH để XĐGN.
30/11/2009
Chuyển lửa niềm tin cho thế hệ trẻ
Ngày 28.11, tại căn cứ địa cách mạng Bắc Tây Ninh, Câu lạc bộ truyền thống Đoàn thanh niên các cơ quan T.Ư Cục miền Nam đã tổ chức họp mặt Thắp sáng ước mơ các thế hệ thanh niên.
30/11/2009
Báo Hà Giang và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam trao 20 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi huyện Mèo Vạc
HGĐT- Ngày 25.11.2009, tại trường Tiểu học thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc), Báo Hà Giang phối hợp cùng Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam tổ chức trao học bổng cho 20 học sinh nghèo vượt khó học giỏi của trường Tiểu học thị trấn Mèo Vạc và trường THCS huyện Mèo Vạc, mỗi suất học bổng trị giá 500.000 đồng.
27/11/2009
Chung tay vì Đồng Văn gian khó
HGĐT- Nói đến Đồng Văn ai cũng nghĩ đến Cột cờ Lũng Cú, nghĩ đến Dinh thự nhà Vương, đến phố cổ, đến Cao nguyên đá xám mênh mông… những địa danh du lịch nổi tiếng không những của tỉnh mà của cả nước. Và ai cũng biết, đây là một huyện khó khăn vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh về địa lý, khí hậu cũng như đời sống kinh tế, xã hội của đồng bào các dân tộc nơi đây.
27/11/2009