Từ một chương trình mục tiêu Quốc gia

19:12, 01/03/2021

BHG - Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN); phát triển thị trường lao động, việc làm; tăng cường an toàn, vệ sinh lao động đã trở thành nhóm giải pháp trọng tâm của tỉnh trong thực hiện Chương trình mục tiêu GDNN – Việc làm và An toàn lao động, giai đoạn 2016 – 2020 (theo Quyết định số 889/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm và xây dựng môi trường làm việc an toàn nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc.

Vận hành nhà máy thủy điện là 1 trong 10 nghề trọng điểm quốc gia được đào tạo tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh.
Vận hành nhà máy thủy điện là 1 trong 10 nghề trọng điểm quốc gia được đào tạo tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh.

Nỗ lực thực hiện Chương trình, tỉnh ta tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN. Từ đây, 569 lượt chương trình, giáo trình được các cơ sở GDNN quan tâm, chỉnh sửa, bổ sung nội dung cho phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, danh mục nghề được mở rộng, tập trung đào tạo theo nhu cầu của người học và thực tiễn phát triển KT-XH của từng huyện, với các nghề như: Y tế thôn, bản; dệt thổ cẩm; du lịch cộng đồng; trồng cây có múi; nuôi và phòng, trị bệnh cho trâu, bò… Bên cạnh đó, Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú (DTNT) – Giáo dục thường xuyên (GDTX) Bắc Quang còn được đầu tư gần 29 tỷ đồng mua sắm thiết bị đào tạo theo 10 nghề trọng điểm quốc gia, như: Hàn, lâm sinh, thú y, công nghệ ô tô, vận hành nhà máy thủy điện... Nhiều cơ sở GDNN không ngừng đổi mới, sáng tạo, thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, như: Trường Trung cấp DTNT – GDTX Bắc Quang; Trung tâm GDNN – GDTX các huyện Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh, Bắc Mê. Qua đó, góp phần nâng tổng số mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả của toàn tỉnh lên 143 mô hình. Tiêu biểu như: Nuôi và phòng, trị bệnh cho trâu, bò; trồng rau an toàn; xây dựng dân dụng… Từ đây, thu nhập của gia đình có người lao động tham gia học nghề tăng bình quân từ 1,2 – 1,6 triệu đồng/người/tháng so với mức thu nhập trước khi học nghề. 

Qua học nghề giúp người dân xã Việt Vinh (Bắc Quang) có thêm kiến thức chăm sóc vật nuôi.
Qua học nghề giúp người dân xã Việt Vinh (Bắc Quang) có thêm kiến thức chăm sóc vật nuôi.

Đi liền với đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN, tỉnh ta đặc biệt quan tâm tìm kiếm, mở rộng thị trường để đưa lao động đi làm việc. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhiều biên bản cung ứng lao động Hà Giang cho các khu công nghiệp lớn, thuộc thành phố Hải Phòng, các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên được ký kết; nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn lên Hà Giang tuyển dụng lao động, như: Tập đoàn Sam Sung, Canon; Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam… Qua đó, đưa gần 40,4 nghìn lao động Hà Giang đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước (chiếm 43,5% số lao động được giải quyết việc làm toàn tỉnh). Không dừng ở kết quả này, nhận định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một hình thức giải quyết việc làm, giảm nghèo hiệu quả. Do đó, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo về công tác XKLĐ cũng như cơ chế, chính sách hỗ trợ người tham gia XKLĐ. Đặc biệt hơn, UBND tỉnh còn chủ động đàm phán với nước láng giềng Trung Quốc để phối hợp quản lý lao động dịch chuyển vùng biên và mở rộng thị trường lao động. Theo đó, Thỏa thuận về quản lý lao động qua biên giới giữa tỉnh Hà Giang với châu Văn Sơn và thành phố Bách Sắc (Trung Quốc), giữa Sở Lao động, TB&XH Hà Giang với Ban Quản lý Khu kinh tế Hà Khẩu (Trung Quốc) được ký kết. Trên cơ sở đó, không chỉ mở rộng thị trường để đưa lao động Hà Giang sang Trung Quốc làm việc, nhất là lao động khu vực biên giới mà còn bảo vệ việc làm, quyền lợi của người lao động, hạn chế lao động tự do. Giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh có gần 2.200 lượt lao động sang Trung Quốc làm việc và hàng nghìn lao động đi làm việc tại thị trường: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…

Để góp phần xây dựng môi trường làm việc an toàn, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Trong đó, nội dung tuyên truyền tập trung vào quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động trong công tác an toàn, vệ sinh lao động; hướng dẫn sử dụng máy móc, thiết bị đảm bảo an toàn lao động. Thông qua hoạt động của “Tháng Công nhân”, “Tháng an toàn vệ sinh lao động”, các cấp, ngành còn lồng ghép nội dung hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp về các hoạt động hướng đến công nhân, người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mô hình văn hóa an toàn kết hợp với các giải pháp kỹ thuật để cải thiện điều kiện làm việc trong khu vực sản xuất… Kết quả này đã góp phần đưa tần suất tai nạn lao động gây tử vong trong các ngành có nguy cơ cao về tai nạn lao động, giảm bình quân 4,1%/năm.

Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về GDNN – Việc làm và An toàn lao động đã góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54% (tăng 9% so với năm 2015); giải quyết việc làm cho gần 93 nghìn lao động (tăng 17,5% so với giai đoạn 2011 – 2015). Hơn nữa, cơ cấu lao động, việc làm chuyển dịch theo hướng tích cực: Giảm tỷ lệ lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp, tăng tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; thêm vào đó, môi trường làm việc từng bước đảm bảo an toàn. Đây chính là tiền đề quan trọng tạo thuận lợi cho KT-XH phát triển…

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những ngày tháng không quên nơi "điểm nóng" chống đại dịch Covid-19

BHG - Cùng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, từ năm 2020 đến nay Hà Giang ghi nhận 2 ca bệnh. Đồng thời gặp nhiều khó khăn, áp lực do dòng người xuất nhập cảnh và di chuyển từ các vùng có dịch đến. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, đặc biệt là nỗ lực của đội ngũ y bác sỹ, như lời Bác Hồ dạy "thầy thuốc như mẹ hiền", đã góp phần mang đến sự an toàn cho xã hội, giúp tỉnh thực hiện tốt "mục tiêu kép"...

27/02/2021
Những ngôi nhà ấm tình biên cương

BHG - Thời gian qua, ngoài bảo vệ vững chắc, vẹn toàn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, BĐBP tỉnh còn tích cực chăm lo, hỗ trợ đời sống, đặc biệt là chung tay giúp đỡ gia đình người có công (NCC), cựu chiến binh (CCB) nghèo, hộ nghèo nơi biên giới xây dựng nhà ở. Những ngôi nhà ấm tình biên cương đã tiếp thêm động lực để người dân ổn định, vươn lên phát triển kinh tế, tạo dựng cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn.

26/02/2021
Bộ CHQS tỉnh làm tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

BHG - Hà Giang là tỉnh vùng cao biên giới, cực Bắc của Tổ Quốc. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Hà Giang là chiến trường diễn ra các trận đánh ác liệt, nóng bỏng. Đặc biệt, những năm 1981, 1982 và 1984 đến 1986, trên địa bàn tỉnh có khoảng 16 Sư đoàn, 4 Lữ đoàn cùng một số Trung đoàn bộ đội địa phương, Bộ CHQS các tỉnh tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới. Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hài cốt các Anh hùng Liệt sĩ vẫn còn chưa được tìm thấy và quy tập.

26/02/2021
Chăm lo tết cho người nghèo

BHG - Tết đến, Xuân về cũng là dịp để mọi người thể hiện tình yêu thương, sự chia sẻ với những người nghèo khó, những người có hoàn cảnh khó khăn. Agribank Hà Giang cũng vậy, với mong muốn mọi người, mọi nhà đều có tết, không để ai bị bỏ lại phía sau, những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Agribank Hà Giang lại gói ghém những món quà tết từ sự đóng góp, tiết kiệm của đơn vị chia sẻ với cộng đồng, góp thêm niềm vui, sự ấm áp cho những gia đình khó khăn trên địa bàn tỉnh.

25/02/2021