Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng

07:32, 29/12/2016

BHG- Những tác động lớn của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã, đang và tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến thời tiết trên địa bàn tỉnh; khiến hiện tượng thiên nhiên cực đoan xảy ra với tần suất nhiều hơn. Qua theo dõi của cơ quan chuyên môn, điều dễ nhận thấy nhất do tác động của BĐKH chính là lượng mưa năm nay ít hơn so với bình quân hàng năm. Tuy chưa bước vào tâm điểm của mùa khô, nhưng tại nhiều địa phương trong tỉnh, người dân đã bắt đầu cảm nhận được sự khốc liệt, cỏ cây đang dần héo úa, nhiều vùng đất khô khốc do thiếu nước... Diễn biến phức tạp của thời tiết cũng khiến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) thêm khó khăn, phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa xóa xổ những cánh rừng. Tỉnh ta được xếp vào nhóm địa phương có diện tích rừng lớn, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành cả nước, với trên 437,2 nghìn ha, tương đương độ che phủ 54%. Nếu không có giải pháp PCCCR phù hợp, hiệu quả, thích ứng trong điều kiện BĐKH tác động mạnh mẽ thì rất khó bảo toàn, phát triển diện tích rừng của tỉnh.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác PCCCR, trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực cho các lực lượng chức năng, phát huy tốt tinh thần “4 tại chỗ”, ứng phó kịp thời khi có các vụ việc xảy ra. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí có hạn, nên việc mua sắm trang thiết bị, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ PCCCR mới chỉ tập trung được ở những vùng trọng điểm, dễ xảy ra cháy nhưng vẫn còn thiếu; chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo ghi nhận của lực lượng chức năng, mùa khô 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra gần 40 vụ cháy; trong đó, có 31 vụ cháy rừng và 6 vụ cháy trảng cỏ. Các địa bàn xảy ra nhiều như Hoàng Su Phì với 8 vụ cháy rừng và trảng cỏ, gây thiệt hại gần 115 ha, trong đó có gần 12 ha rừng trồng, trên 42 ha rừng tự nhiên, trên 59 ha cây bụi, trảng cỏ; huyện Xín Mần xảy ra 7 vụ, gây thiệt hại 24 ha rừng trồng, trên 9 ha rừng tự nhiên; huyện Yên Minh xảy ra 6 vụ, thiệt hại gần 11 ha rừng...

Theo ông Bùi Văn Đông, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, với những tác động tiêu cục của BĐKH toàn cầu như hiện nay, diễn biến cháy rừng sẽ ngày càng phức tạp, xảy ra trên diện rộng. Vì vậy, công tác PCCCR cần phải được tiếp tục đầu tư nhằm nâng cao năng lực cho lực lượng Kiểm lâm, bổ sung trang thiết bị để kịp thời ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy ra cháy. Trước yêu cầu cấp bách đó, vừa qua UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nâng cao năng lực PCCCR giai đoạn 2016-2020, tổng mức đầu tư gần 88 tỷ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư hỗ trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác. Số tiền trên được sử dụng để mua sắm phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ, xây dựng cơ bản, thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện, nâng cao nhận thức.

Mục tiêu đặt ra của dự án: Nâng cao năng lực trong dự báo, cảnh báo và chỉ huy PCCCR; nâng cao năng lực của Kiểm lâm, nhận thức của người dân và các cấp chính quyền trong PCCCR; hình thành và phát triển lực lượng PCCCR tới thôn, bản. Đồng thời, tăng cường đầu tư phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho việc PCCCR, nâng cấp trụ sở làm việc của Ban chỉ đạo PCCCR, Hạt Kiểm lâm, Đội Kiểm lâm cơ động - PCCCR, trạm bảo vệ rừng. Quy mô đặt ra, nâng cấp hệ thống cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh và kết nối đến từng huyện, thành phố nhằm cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng kịp thời, xác định chính xác các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, hòa mạng hệ thống cảnh báo, dự báo tại Cục Kiểm lâm T.Ư; nâng cấp hệ thống phát hiện sớm lửa rừng bao gồm xác định điểm cháy trên diện rộng bằng ảnh viễn thám đặt tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các khu cực trọng điểm có nguy cơ cháy cao...

Dự án cũng chú trọng củng cố, kiện toàn tổ chức cho lực lượng PCCCR chuyên ngành của Kiểm lâm, thực hiện đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về nghiệp vụ và trang bị các phương tiện, thiết bị chữa cháy rừng; tổ chức trực ban theo dõi tình hình PCCCR trong mùa khô; lực lượng chữa cháy rừng chuyên ngành phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội để ứng cứu, dập tắt những vụ cháy trong vùng trọng điểm và những vụ cháy rừng có nguy cơ lan rộng trên địa bàn tỉnh... Với các giải pháp được triển khai đồng bộ, từ nay đến năm 2020 tỉnh ta sẽ thực hiện tốt việc kiểm soát, kịp thời phát hiện, huy động lực lượng ứng cứu, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Kinh nghiệm hay trong vận động xã hội hóa an sinh xã hội ở Mậu Long

BHG- Chỉ trong năm 2016, xã Mậu Long (Yên Minh) đã huy động được gần 4,3 tỷ đồng hỗ trợ từ các đoàn từ thiện cùng với sự đóng góp của nhân dân với gần 900 ngày công, trên 240 triệu đồng và hiến trên 25.000m2 đất để xây dựng 10 điểm trường, một cây cầu cứng, làm quỹ đất dự phòng cho UBND xã và mở mới gần 10 km đường giao thông nông thôn.

28/12/2016
Thành phố Hà Giang với chủ đề năm "Kỷ cương văn minh đô thị"

BHG- Năm 2016 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và của tỉnh, tiêu biểu là Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020; Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021; Kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh và 25 năm Ngày tái lập tỉnh... 

27/12/2016
Ý nghĩa của việc xây dựng trường học không khói thuốc lá

BHG- Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi ngày trên thế giới có từ 80.000 – 100.000 thanh, thiếu niên bắt đầu hút thuốc. Điều đáng lo ngại đó là, thanh, thiếu niên có thể dễ dàng nghiện thuốc lá chỉ sau khi hút vài điếu và đã có rất nhiều em phải gánh chịu những căn bệnh do thuốc lá gây ra.

27/12/2016
Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017

BHG – Ngày 26.12, Báo Hà Giang Điện tử nhận được Chỉ thị số 3235/CT-UBND của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, Báo Hà Giang Điện tử đăng tải toàn văn Chỉ thị.

26/12/2016