Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở thị xã - chuyện dài nói mãi

16:46, 14/07/2008

(HGĐT)- Là trung tâm kinh tế, văn hoá, chính trị của tỉnh, những năm qua, nhân dân các dân tộc thị xã Hà Giang đã phát huy nội lực, cùng với sự đầu tư của T.Ư, tỉnh và đạt những thành tựu quan trọng với mục tiêu phấn đấu xây dựng thị xã Hà Giang đến năm 2010 đạt đô thị loại III.


 

 Toàn bộ vỉa hè, thậm chí cả lòng đường khu vực tổ 8, đường Nguyễn Thái Học, phường Trần Phú (TXHG) đều đã bị các hộ lấn chiếm để kinh doanh.


Song, một thực tế đang diễn ra hàng ngày trên tất cả các trục đường trong đó là: Việc sử dụng vỉa hè, lòng đường để làm điểm kinh doanh buôn bán không những gây mất vệ sinh đường phố mà còn làm mất đi vẻ đẹp vốn có của một thị xã vùng sơn cước.


Hiện chưa có con số thống kê chính xác về số người bám sống trên vỉa hè, lòng đường. Nhưng trên thực tế cho thấy, số người đó không phải ít. Có những nghề chỉ diễn ra trên vỉa hè như: Bán vé số, cắt tóc, bơm lốp xe, ép dẻo và đồ giải khát... Những nghề này họ chỉ cần một chiếc bàn nhỏ hoặc cái dù che là đủ. Dọc các hè đường Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu thuộc phường Nguyễn Trãi, dưới các tán cây là hàng dài những quán nước, hàng ăn nhanh như bánh bao, bánh mỳ ba - tê... Còn dọc các tuyến phố chính như: Đường Nguyễn Trãi (phường Nguyễn Trãi); đường An Phú, Minh Khai, Trần Phú, Nguyễn Thái Học (phường Minh Khai); đường Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo, Trần Phú (phường Trần Phú) và đường Lý Thường kiệt, đoạn từ đầu cầu 3 - 2 lên đến ngã tư (phường Ngọc Hà)... hầu hết các hộ kinh doanh không chỉ trưng biển mà còn bầy bán đủ các mặt hàng trên vỉa hè, từ vải, quần áo may sẵn, hàng xe máy, xe đạp, bồn chứa nước, vật liệu xây dựng, sửa chữa ô - tô, xe máy cho đến cả hàng ăn uống...; thậm chí không ít hộ còn dùng vỉa hè, lòng đường làm ga - ra để ô - tô và nơi đón trả khách của gia đình...


Không biết có kinh tế vỉa hè không, nhưng rõ ràng có biết bao người bữa ăn hàng ngày của họ đều trông cả vào gánh hàng bám vào hè phố. Những người lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán kinh doanh đâu chỉ riêng những người có thu nhập thấp hay không có công ăn, việc làm hoặc nông dân ra thị xã bán mớ rau, con tép...; mà số hộ kinh doanh tại gia lại đều là những hộ có điều kiện và khá giả, mặc dù họ đều biết lấn chiếm lòng đường, vỉa hè là phạm pháp. Chuyện chợ họp trên vỉa hè, lòng đường ở thị xã đã có nhiều ý kiến, dư luận, báo chí cũng tốn không ít giấy mực. Còn những người làm công tác quản lý đô thị và các cơ quam chức năng của tỉnh, thị xã đã bỏ nhiều công sức tuyên truyền, vận động, ký cam kết rồiđến cưỡng chế tháo dỡ các biển quảng cáo, không cho phép sử dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh buôn bán... mà rồi như “bắt cóc bỏ đĩa”, chỉ gọn được vài hôm, thậm chí chỉ sau có vài gìơ đồng hồ đâu lại vào đấy(!). Đặc biệt hàng ngày vào cuối buổi chợ, hầu hết những người bán rau quả, thịt, cá và đồ ăn chín ở các chợ trong khu vực thị xã, tất cả lại tràn ra vỉa hè, lòng đường, không những gây mất vệ sinh đường phố mà còn làm ảnh hưởng đến trật tự giao thông, trật tự đô thị, thậm chí tại khu vực chợ Yên Biên đã xảy ra không ít vụ va quệt. Anh bạn hàng xóm nhà tôi vốn là người hay lý sự cùn và thường đi chợ mua bán thay vợ lại cho rằng: “Chợ cóc, chợ vỉa hè hay chợ họp dưới lòng đường” đứng về mặt nào đó lại rất thuận tiện cho người mua vì bây giờ người đi chợ bằng “hai chân” thì ít mà đi “hai bánh, bốn bánh” lại nhiều. Người mua thì yêu cầu nhanh gọn, khẩn trương, chẳng ai muốn vào chợ, vừa mất thì giờ lại mất tiền gửi xe... Chính vì thế người bán dĩ nhiên phải ra ngoài đường hoặc các hộ kinh doanh buôn bán càng bày hàng sát đường bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu... Nghe anh hàng xóm lý sự về chợ, rồi hàng hoá kinh doanh trên vỉa hè, lòng đường...,tôi thấy nặng lòng, vì bây gìơ hàng hoá thật đa dạng, phong phú nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh buôn bán. Xem ra, các giải pháp giải toả tình trạng này những năm qua chưa mấy hiệu quả.


Để trả lại vẻ đẹp vốn có của một thị xã vùng sơn cước và cho một đô thị trong tương lai cũng như giải quyết hiệu quả vấn đề vỉa hè, lòng đường trên địa bàn thị xã; cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu và tự giác chấp hành. Đồng thời, cần có những biện pháp kiên quyết, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm và nên sử dụng lực lượng quần chúng tại chỗ để tự quản...


Phan Hùng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Gia đình Việt Nam đang biến động lớn
Đây là một phần nội dung trong kết quả điều tra Gia đình Việt Nam năm 2006 vừa được Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) công bố sáng nay.
27/06/2008
Chủ động phòng, chống lụt bão
(HGĐT)- Thiên tai hay diễn biến bất thường, ít theo quy luật nhất định, nếu chủ quan lơ là sẽ gánh chịu hậu quả khôn lường.
27/06/2008
Quản Bạ: Mưa lớn làm sạt trên 1km đường
(HGĐT)- Đêm 20, rạng ngày 21.6, do mưa lớn kéo dài, tuyến đường nối trung tâm huyện Quản Bạ với các xã Thanh Vân, Nghĩa Thuận và Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận đã bị sạt lở 1km.
25/06/2008
Khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động hè cho trẻ em
(HGĐT)- Khi phượng nở đỏ sân trường báo hiệu mùa hè tới, các em học sinh tạm xa mái trường, xa lớp học thân yêu về nghỉ 3 tháng hè với gia đình. Đây là dịp để các em nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm miệt mài học tập. Vậy khi về với gia đình, sinh hoạt tại địa phương, các em có được sinh hoạt, vui chơi để thực sự có kỳ nghỉ hè bổ ích không?
23/06/2008