Trăn trở trước mỗi tác phẩm báo chí

08:09, 21/06/2008

(HGĐT)- Mỗi tác phẩm báo chí là sự phản ánh con người, sự việc, hiện tượng cụ thể, có thật ở ngoài đời. Chính vì vậy, khi đặt bút viết về vấn đề gì, nhất là những mặt trái của xã hội, chúng ta cần soi xét kỹ từ mọi góc độ, khía cạnh khác nhau.


 
 Lãnh đạo, biên tập viên Phòng Thư ký - Xuất bản chuẩn bị nội dung số báo mới. Ảnh: vân anh

Cũng là một con người, vì sao anh ta lại có hành động đi trái với những giá trị tốt đẹp của xã hội khiến mọi người phải lên án, ẩn ý đằng sau động cơ đó là gì, hoàn cảnh ra sao…nếu hiểu kỹ được những điều đó, tác phẩm sẽ phản ánh có chiều sâu, những cái xấu phải phê phán nhưng điều cơ bản là chỉ được nguồn gốc của vấn đề, khi đó sẽ giúp người đọc nhìn nhận đúng hơn về hành động đó. Hay mỗi khi đặt bút viết về một sự vật, hiện tượng nào đó, ta cần suy xét xem bản chất bên trong của hiện tượng đó là gì, nó vận động theo quy luật khách quan hay có sự tác động từ nhiều phía. Cuộc đời cầm bút, có những trang viết được hoàn thiện trong thời gian ngắn nhưng cũng có nhiều trang viết làm ta trăn trở. Đêm khuya, bản thảo viết xong, vừa đặt lưng xuống giường nhưng cảm thấy có gì đó không ổn lại vùng dậy, lục tìm trong trí nhớ với hàng mớ những thông tin xem có yếu tố nào tích cực hơn, đắt hơn để đưa vào bài viết. Và cũng có khi phải xuống lại cơ sở, tìm hiểu lại những vấn đề mình nêu trong bài báo xem đã khách quan chưa, tác động khi tác phẩm được công bố đối với sự vật, hiện tượng và con người trong bài báo.


Đã mấy năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in những ngày tìm hiểu viết bài về việc lợi dụng chủ trương khai thác tận thu gỗ vùng lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang ở Bắc Mê để phá rừng. Sau một ngày cùng cán bộ kiểm lâm rong thuyền trên sông Gâm, xác định rõ từng vị trí khai thác trên bản đồ và tiến hành thực địa. Về cơ bản đã xác định được nhiều vị trí thiết kế khai thác vượt cốt nước quy định nhưng khi ngồi vào bàn xây dựng bài, thấy có điều gì đó chưa ổn, trang bản thảo đang viết dở, đành tạm để lại. Mấy ngày sau, trời mưa như trút nước, tôi vẫn quyết định quay lại vùng lòng hồ kiểm tra lần nữa. Khi vào đến Minh Ngọc (Bắc Mê) thì gặp đoàn cán bộ của huyện Bắc Mê cũng đi xác minh những thông tin chúng tôi đã trao đổi khi thực địa lần đầu. Chuyến vào rừng này, tôi cùng đoàn cán bộ huyện đi ngược dòng sông Ma (tên gọi người dân địa phương) tiến vào khu rừng già. Tại đây, chúng tôi đã xác định chính xác những gốc cây ngỗ nghiến bị chặt hạ cao hơn rất nhiều so với đường viền dâng nước thuỷ điện. Tại khu rừng thuộc xã Minh Ngọc, có nhiều cây gỗ quý với hàng trăm năm tuổi bị chặt hạ. Sau 2 lần đi thực tế, kiểm chứng thông tin, 2 bài báo ra đời phản ánh đúng sự thật về việc lợi dụng chủ trương của tỉnh để phá rừng. Khi dư luận lên tiếng, các cơ quan chức năng vào cuộc, việc khai thác được dừng lại, những khuất tất được đưa ra ánh sáng. Nhưng điều làm chúng tôi vui nhất là nhiều cây gỗ hàng trăm năm tuổi đã thoát khỏi “án tử hình”. Hay khi tìm hiểu viết bài về những việc “lình xình” ở Liên minh HTX cách đây mấy năm. Một vụ việc ăn chặn tiền của học viên, chi sai mục đích với số tiền hơn trăm triệu đồng. Tài liệu nắm trong tay, nghiên cứu vài tháng, gặp gỡ học viên của những lớp đào tạo cán bộ do Liên minh HTX tổ chức, có đủ căn cứ khẳng định việc xảy ra hoàn toàn có chủ ý nhưng khi gõ từng chữ trên trang bản thảo sao cứ thấy nặng trĩu tâm tư. Bản thảo viết cân nhắc từng câu, từng chữ, sau nhiều ngày đấu tranh tư tưởng, bản thảo được trình lên BBT. Báo đăng, sự việc được nhiều người biết, có người không vui nhưng sau vụ đó, Liên minh HTX được kiện toàn với ban lãnh đạo mới hoạt động nhịp nhàng hơn, hiệu quả hơn.


Mấy năm làm phóng viên tờ báo của Đảng bộ tỉnh, tôi cảm thấy mình chín chắn trong suy nghĩ, sự tĩnh tâm trước mọi sự việc, hiện tượng, để từ đó nhìn thấu đáo bản chất của nó. Cuộc sống là cả một dòng chảy, nhưng không phải ai cũng xuôi theo dòng chảy đó. Có người bơi ngược, người rẽ sang ngang nhưng không phải thế mà cứ nhìn những gì không tuân theo quy luật, xuôi theo dòng chảy là có vấn đề. Bất kỳ sự việc, hiện tượng nào cũng vậy, có căn cơ của nó. Khi ta nhìn thấu điều đó thì sẽ phản ánh khách quan hơn, trung thực hơn, cung cấp đến độc giả thông tin chính xác hơn. Mỗi trang viết phải là cả sự suy tư, trăn trở thì mới đi đến tận cùng của vấn đề, mới phản ánh sự việc khách quan, trung thực nhưng giàu tính nhân văn, nhân ái.


Thiên Thanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những nẻo đường phóng viên
(HGĐT)- Làm phóng viên, công việc chính của họ là đi và viết. Muốn viết được thì phải đến cơ sở tìm hơi thở cuộc sống, gặp những điển hình tiên tiến trong mọi lĩnh vực. Muốn viết hay, phản ánh được mọi mặt của xã hội thì ngoài năng khiếu, trình độ, năng lực, sự am hiểu cuộc sống... thì người phóng viên cần có sức khỏe tốt, đôi chân săn chắc, dẻo dai để chinh phục những nẻo
21/06/2008
Niềm vui bài báo đầu tiên và nỗi niềm cộng tác viên
(HGĐT)- Tốt nghiệp đại học, tôi may mắn được trở về công tác tại huyện nhà, là người thích tìm hiểu, theo dõi tình hình của địa phương nên tôi rất hay đọc báo.
21/06/2008
Báo Hà Giang điện tử với bạn đọc gần xa
(HGĐT)- Báo điện tử Hà Giang ra mắt hơn một năm nay đã bước đầu tạo được dấu ấn trong lòng bạn đọc trong và ngoài tỉnh.
18/06/2008
Phải làm tốt công tác phóng viên ở cơ sở
(HGĐT)- Nhớ ngày mới vào nghề, khi xuống cơ sở hoặc đến các cơ quan thu thập thông tin, làm rõ chủ đề của vấn đề cần thông tin, trong quá trình làm việc do công tác phóng viên còn nhiều bỡ ngỡ, kiến thức chuyên môn về đề tài tìm hiểu bị hạn chế, nên tôi thường thụ động ít có câu hỏi làm rõ thông tin.
18/06/2008