Văn hóa đọc ở Trường Sa

09:33, 26/10/2022

BHG - Đến với Trường Sa vào những giờ nghỉ, ngày nghỉ hay những phút giải lao trên thao trường, bãi tập, chúng tôi luôn bắt gặp hình ảnh quen thuộc của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) chăm chú đọc những cuốn sách, báo, tạp chí. Điều đó khẳng định, văn hóa đọc ở huyện đảo từng bước đi vào nền nếp.

Đọc Báo Hà Giang ở đảo Sơn Ca.                                                                        Ảnh: Như Tuyến
Đọc Báo Hà Giang ở đảo Sơn Ca. Ảnh: Như Tuyến

Hiện nay, hầu hết các đơn vị đóng quân trên huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) đều được trang bị tủ sách pháp luật, Phòng Hồ Chí Minh và phòng đọc. Hàng năm, Phòng Chính trị Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân đều bảo đảm cấp phát, luân chuyển giữa các đảo một số lượng lớn các đầu sách, báo, tạp chí phong phú với nhiều loại như: Sách về chính trị - xã hội, pháp luật, văn học, lý luận; các loại báo như: Nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật, Hải quân, Khánh Hòa… và các loại tạp chí, tài liệu, thông tin trên mọi lĩnh vực phục vụ tốt nhu cầu tìm hiểu thông tin, sự kiện, nghiên cứu cho bộ đội.

Dẫn chúng tôi thăm Phòng Hồ Chí Minh trên đảo Trường Sa, Thượng tá Nguyễn Công Chính, Chính trị viên đảo cho biết: “Hiện nay, phòng có khoảng 2.500 đầu sách với hơn 4.000 bản sách; ở đảo có tổ hoạt động Phòng Hồ Chí Minh do Chính trị viên phó đảo làm tổ trưởng. Trong đó, có các nhóm nghiệp vụ như: Nhóm thông tin tuyên truyền cổ động; nhóm sách, báo nội bộ; nhóm hoạt động văn nghệ; nhóm vui chơi giải trí, thể dục thể thao. Các thành viên trong nhóm không chỉ có nhiệm vụ theo dõi, bảo quản, kiểm kê mà còn là hạt nhân đẩy mạnh văn hóa đọc ở đơn vị.

Hàng tuần, tổ hoạt động Phòng Hồ Chí Minh của các đảo đề ra hoạt động cụ thể, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn đều có hoạt động mới mẻ, thiết thực như: Thi tìm hiểu sự kiện và nhân vật lịch sử, trưng bày giá sách mới, hưởng ứng Ngày hội đọc sách, phổ biến kiến thức pháp luật, tổ chức cuộc thi văn hóa đọc, thành lập các nhóm đọc sách. Các hoạt động đã lôi cuốn cán bộ, chiến sĩ tham gia đông đảo, nhờ đó việc đọc sách, báo đã trở thành nhu cầu hàng ngày của bộ đội.

Sách, báo, tạp chí đến với cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông.			  Ảnh: NGUYỄN NINH
Sách, báo, tạp chí đến với cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông. Ảnh: NGUYỄN NINH

Với đặc thù môi trường học tập, công tác ở đảo xa, CBCS không có điều kiện được sử dụng các thiết bị điện tử kết nối internet, do vậy, sách, báo là nhu cầu thiết yếu không thể thiếu, phục vụ đời sống tinh thần trong giờ nghỉ, ngày nghỉ và đây cũng là con đường quan trọng để tiếp nhận tri thức, các thông tin bên ngoài. Qua đó, góp phần xây dựng tinh thần, ý chí chiến đấu, bản lĩnh vững vàng của Bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ Hải quân trong thời kỳ mới.

Binh nhất Nguyễn Minh Chiến, chiến sĩ đảo Sinh Tồn bộc bạch: Tôi có thói quen đọc sách từ nhỏ, nhất là các loại sách về pháp luật, tạp chí, tiểu thuyết, truyện ngắn…Vào những giờ nghỉ, ngày nghỉ, ngoài việc chăm sóc cây cối, rau xanh, chúng tôi thường lên thư viện của đảo mượn sách về đọc. Sách ở đây rất phong phú. Khi đọc sách báo tôi hiểu biết nhiều hơn, tư duy hơn và được thư giãn hơn, giúp ích cho bản thân trong học tập, công tác nơi đảo xa.

Ở các đảo đá, mặc dù không gian phục vụ cho hoạt động của phòng đọc không được rộng rãi, nhưng vẫn được trang trí bảng ảnh, khánh tiết đầy đủ, rất hài hòa và đúng quy định. Sách, báo được trưng bày, bố trí ở những khu vực sinh hoạt tập trung, được phân loại, sắp đặt theo các chủ đề ngăn nắp trong tủ, theo đầu mục nội dung bảo đảm cho CBCS dễ tìm, dễ thấy, dễ kiểm tra và tạo hứng khởi cho người đọc.

Đại úy Hoa Ngọc Ánh, Chính trị viên đảo Lúi Ne, chia sẻ: Tôi thường tìm đọc những cuốn sách viết về lịch sử, Bác Hồ, biển đảo, tâm lý học quân sự và những tác phẩm văn học mang tính giáo dục cao… Đây là những tư liệu quý giúp tôi thực hiện tốt vai trò là người anh, người chị, người bạn, người thầy của chiến sĩ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng tại đơn vị.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Ngoài việc duy trì hiệu quả hoạt động đọc sách, báo, các đơn vị còn triển khai nhiều hoạt động sáng tạo như: Làm clip giới thiệu sách; tổ chức tọa đàm sách, gắn phong trào đọc sách, báo với mô hình “mỗi ngày một câu hỏi, mỗi tuần một điều luật”... Vì vậy, số lượng CBCS thường xuyên tìm đến tủ sách pháp luật và Phòng Hồ Chí Minh mượn, đọc sách, báo tăng lên đáng kể.

Đối với thầy giáo Trần Thành Tâm, Trường Tiểu học xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, trong những giờ dạy học, giờ đọc truyện luôn là tiết học ngoại khóa được các em học sinh trên đảo yêu thích nhất. Có chứng kiến niềm vui sướng của các em nhỏ nơi đây khi nhận được bút chì, giấy màu và truyện tranh mới thấy hết được niềm ham mê đọc và vẽ của những mầm non nơi đảo xa. Thầy giáo Tâm chia sẻ: Ở Trường Sa, nơi không có đầy đủ các phương tiện, dịch vụ internet thì giá trị của sách, báo vô cùng quan trọng. Thư viện sách, báo trở thành trung tâm văn hóa tinh thần cho CBCS và nhân dân trên đảo, là kho tri thức hiệu quả. Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, tôi thường đến Phòng Hồ Chí Minh của đảo để tham khảo, tìm những nội dung phù hợp, phục vụ quá trình dạy học cho học sinh. Thầy và trò chúng tôi coi việc đến phòng đọc của đảo như buổi học ngoại khóa, vừa học vừa giải trí.

Thượng tá Tiên Quang Sự, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146 cho biết: “Nâng cao văn hóa đọc cho bộ đội, đặc biệt cho bộ đội Trường Sa là việc làm rất cần thiết và hữu ích nhằm bồi dưỡng, tích lũy thêm kiến thức, tăng khả năng tư duy cũng như giúp CBCS thư giãn sau những giờ huấn luyện căng thẳng. Vào những ngày nghỉ cuối tuần tại Lữ đoàn thực sự trở thành ngày hội gắn kết tuổi trẻ đơn vị, mang lại những hiệu quả tích cực trong công tác quản lý, giáo dục bộ đội. Hiện tại, trên huyện đảo Trường Sa, mỗi đảo đều có phòng đọc được trang bị từ 1.000 đến trên 4.000 đầu sách và các loại báo, tạp chí. Sách, báo thường được bổ sung mới từ đất liền và các đoàn công tác ra thăm và tặng CBCS trên đảo. Ngoài ra, định kỳ 6 tháng một lần, đơn vị sẽ luân chuyển sách, báo giữa các đảo, để bộ đội được đọc nhiều loại sách khác nhau, phong phú hơn về kiến thức.

Những cuốn sách ở Trường Sa được bộ đội, nhân dân nâng niu, trân trọng làm phong phú thêm đời sống tinh thần, góp phần nâng cao kiến thức trong cuộc sống, lan tỏa nét đẹp văn hóa đọc ở Trường Sa.

NGUYỄN NINH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Viết tiếp bài ca mở đường trên biển - Kỳ cuối: Nghĩa tình quân dân vùng dịch

BHG - Đóng quân ở thành phố Thủ Đức (trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh), trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Từ tháng 4.2021, đây là địa bàn trọng điểm của Thành phố Hồ Chí Minh về dịch bệnh Covid-19, nên nguy cơ lây nhiễm vào đơn vị rất cao. Cùng với các lực lượng Quân đội, Lữ đoàn 125 là một trong những đơn vị tích cực tham gia cùng cả nước trong công cuộc chống dịch bệnh Covid-19.

31/10/2021
Viết tiếp bài ca mở đường trên biển - Kỳ I: Xứng đáng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

BHG - Phát huy truyền thống 60 năm "Đường Hồ Chí Minh trên biển" - con đường đi vào huyền thoại - lớp lớp cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Lữ đoàn 125 (Vùng 2 Hải quân) đã và đang tiếp tục tô thắm thêm những trang sử "Đoàn tàu không số" anh hùng; đoàn kết một lòng, ra sức học tập, rèn luyện, xây dựng Lữ đoàn vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. 

29/10/2021
Xuân về nơi đảo xa
BHG  - Một mùa Xuân mới đang về với Trường Sa, không khí chào đón năm mới đang tràn ngập khắp quần đảo. Gác lại niềm riêng tư, cán bộ, chiến sĩ nơi đây đang cùng nhau đón một cái Tết ấm tình đồng đội; luôn giữ chắc tay súng để bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc thân yêu.
29/01/2022
Giữa trùng khơi, Sơn Ca vẫn hát- Kỳ cuối: Màu xanh trên đảo
BHG - Giữa màu xanh của biển, khắp trên đảo Sơn Ca, đâu đâu cũng tràn ngập màu xanh, màu xanh của hàng Bàng vuông, dừa được trồng khắp lối đi, màu xanh của Phong ba, Bão táp, tra và nhiều cây ăn quả, cây cảnh, thấp thoáng màu xanh của áo lính. Trước khi ra đảo, các anh chỉ huy Lữ đoàn 146 cho biết: Sơn Ca là một trong những đảo nhiều cây xanh nhất trong các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
25/04/2022