Lễ cúng Tổ tiên của người Lô Lô xã Lũng Cú

08:18, 27/11/2013

HGĐT- Người Lô Lô, xã Lũng Cú (Đồng Văn) hiện có 86 hộ với 371 nhân khẩu, 7 dòng họ cùng sinh sống là Vàng, Sình, Dìu, Làn, Mùng, Giầu, Sính. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, thời gian, nhưng người dân nơi đây vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong đó phải kể đến một nghi thức quan trọng của đồng bào là Lễ cúng Tổ tiên.


Người Lô Lô thường cư trú quây quần thành chòm, xóm, có bộ trống đồng (báu vật dòng họ). Những dòng họ có từ 3 bộ trống đồng trở lên là dòng họ lớn, có vị thế trong làng, mỗi bộ trống đồng của người Lô Lô thường có một trống đực và một trống cái. Theo quan niệm của họ, trống đực thường có uy thế đại diện cho đàn ông và cũng là đại diện cho dòng họ, còn trống cái là đại diện cho đàn bà, thể hiện sự sinh sôi nảy nở của dòng họ. Mỗi dòng họ có tộc trưởng đứng đầu, người này cũng là thầy cúng, đảm trách việc cúng bái cho cả dòng họ, duy trì sự gắn bó trong dòng họ. Quan hệ giữa các dòng họ trong làng bản thường được thể hiện qua các nghi lễ thờ cúng chung của làng. Mỗi dòng họ được phân công và chịu trách nhiệm những phần việc riêng biệt, tuỳ theo sự phân công sắp xếp của trưởng họ hoặc chủ tế, nhưng các dòng họ của người Lô Lô đều có sự quan tâm đến nhau khi họ nào đó có việc lớn như cúng tổ tiên, tang ma, cưới hỏi, hoặc làm nhà mới...

 

Trưởng họ Sình Dỉ Pai - người có hơn 30 năm làm nghề thầy cúng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn), ông cũng là một trong số ít người hiểu, biết về những bản sắc văn hoá, phong tục truyền thống của người Lô Lô kể rằng: Lễ cúng Tổ tiên của người Lô Lô được tổ chức hàng năm tại gia đình trưởng họ, mở đầu vào ngày 14. 7 âm lịch và kết thúc vào ngày 30.7 âm lịch và không làm lễ ngoài những ngày đó. Cũng như nhiều dân tộc khác, người Lô Lô tin rằng con người có hai phần, thể xác và linh hồn, phần thể xác là cuộc sống nơi trần gian và mang tính tạm thời, ngược lại phần hồn mới thuộc cõi vĩnh hằng, người thân sau khi chết sẽ thuộc về thế giới khác, và nó tác động đến đời sống vật chất, tinh thần của con cháu trên trần gian. Vì vậy hàng năm con cháu và những người thân thuộc thường tổ chức Lễ cúng Tổ tiên để tưởng nhớ những người đã khuất và để bày tỏ tấm lòng thành kính tổ tiên của con cháu. Theo phong tục của người Lô Lô, khi gia đình có người chết từ 3 - 4 năm, người con trưởng trong gia đình mới có quyền lập bàn thờ tổ tiên, tức bàn thờ ông tổ “Duỳ khế” (theo tiếng Lô Lô nghĩa là cùng thờ chung một ông tổ), việc lập bàn thờ được tiến hành tuần tự theo đúng nghi thức. Đầu tiên, một người trong dòng họ đi chặt cây sa mộc mang về làm con bài (hình nhân), người đã khuất rước lên bàn thờ. Thầy cúng được mời đến để làm lễ lập bàn thờ. Lễ vật bắt buộc phải có để dâng cúng tổ tiên gồm: 1 con bò, 1 con lợn, 1 con gà, xôi, rượu, tiền vàng, đèn dầu, đôi trống đồng. Dù ở trong nhà sàn hay nhà trình tường, bàn thờ tổ tiên của người Lô Lô cũng đều được bố trí ở phần giáp vách của gian giữa, ngoài bàn thờ tổ tiên, trong ngôi nhà của họ còn có “Khoan li” (chỉ nơi thờ những người chết bất đắc kỳ tử) được coi là khá linh thiêng và đặt ở góc nhà phía dưới bàn thờ tổ tiên hoặc ở gian trái (nơi có lò bếp, gia cụ và nông cụ lao động), trừ chủ nhà, không ai được phép lui tới hoặc quét dọn nơi thờ cúng này. Người Lô Lô cho rằng tổ tiên là những người thuộc tất cả các tế hệ trước đã sinh ra mình và chia làm tổ tiên gần (Duỳ khế) gồm các ông tổ 3 - 4 đời; tổ tiên xa (Pờ xi) gồm những ông tổ từ đời thứ 5 hoặc thứ 6 trở lên. Điều đặc biệt trong nghi Lễ cúng Tổ tiên, hay trong lễ cúng Ma cho người đã khuất bắt buộc phải có người nhảy múa nghi lễ hoá trang trang phục cỏ rừng. Họ quan niệm, “người rừng” hay “ma cỏ” đó là nguồn cội của tổ tiên xưa ở trên rừng, lấy cây cỏ làm quần áo, nên ngày nay làm lễ muốn tổ tiên về được thì phải có “ma cỏ”là người dẫn đường, là cầu nối giữa con cháu trên trần gian với tổ tiên, người chết mới có người dẫn đường chỉ lối về nhận tổ tiên ở thế giới bên kia. Chính vì vậy mà truyền thống đó trong các nghi Lễ cúng Tổ tiên, tang ma đều có hoá trang ma cỏ, đây là nghi lễ riêng, độc đáo, là phong tục cổ truyền của dân tộc Lô Lô (Đồng Văn) hiện vẫn còn được các dòng họ (Sía hộ) duy trì và tuân theo đúng những nghi thức, nghi lễ truyền thống. Cũng chính nét độc đào này mà Lễ cúng Tổ tiên của người Lô Lô được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia năm 2012.

 

Ngoài nét văn hoá độc đáo của Lễ cúng Tổ tiên, người Lô Lô, xã Lũng Cú hiện còn gìn giữ nhiều phong tục tập quán truyền thống như trang phục truyền thống, tiếng nói, các nghi lễ dân gian truyền thống như múa trống đồng, dân ca (Ló chế), dân vũ, các câu chuyện cổ dân gian được truyền miệng, các bài tang ma... Đây là những nét văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc đang được các thế hệ người Lô Lô lưu truyền, gìn giữ.


HOÀNG NGỌC

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Sẽ có màn nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn với lượng người tham gia đông nhất từ trước tới nay”
HGĐT- Đó là thông tin của Giám đốc Sở VHTT&DL Hoàng Văn Kiên tiết lộ khi nói về Lễ khai mạc Tuần du lịch di sản văn hóa và công bố 5 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia của tỉnh ta, diễn ra tại huyện Quang Bình vào tối23.11 tới đây.
31/10/2013
Tái hiện chợ nổi Nam Bộ và chợ vùng cao tại Hà Nội
Không gian văn hóa chợ nổi Nam Bộ và chợ vùng cao phía Bắc sẽ được tái hiện trong Tuần lễ "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam".
29/10/2013
Du lịch Di sản văn hóa tại Mèo Vạc
HGĐT- Nằm trong khuôn khổ các nội dung của Chương trình “Tuần du lịch Di sản văn hóa các dân tộc Hà Giang năm 2013”, ngày 25.11, huyện Mèo Vạc tổ chức Liên hoan dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc và trình diễn lễ hội truyền thống lần thứ 3. Đồng thời tổ chức các hoạt động trải nghiệm tại xã Sủng Trà.
26/11/2013
Du lịch Di sản văn hóa tại Quản Bạ, Yên Minh
HGĐT- Trong ngày 23 – 24.11, tiếp tục Chương trình “Tuần du lịch Di sản văn hóa các dân tộc Hà Giang năm 2013” được diễn ra tại huyện Quản Bạ và Yên Minh.
25/11/2013