Di tích nhà Vương có dịp giới thiệu đầy đủ về mình

16:27, 22/11/2013

HGĐT - Nếu ông Vương Chính Đức (1865- 1947) được người Mông suy tôn là “Vua” thì chúng ta có thể gọi ngôi nhà ở xã Sà Phìn, Đồng Văn của ông là dinh, hoặc sang trọng hơn là... “lâu đài”. Sau nhiều năm nép mình trong đá, ngày 26 - 11 tới đây, trong khuôn khổ Tuần du lịch Di sản văn hóa các dân tộc Hà Giang năm 2013, “lâu đài” của ông lại có dịp giới thiệu đầy đủ về mình.


“Vua Mèo” Vương Chính Đức được biết đến như “thủ lĩnh” của người Mông ở Đồng Văn dưới thời Pháp thuộc. Hiện, Bảo tàng tỉnh chưa tìm được tài liệu xác định chính xác thời điểm ông cho xây dựng “lâu đài”. Nhưng được biết, đến năm 1993, công trình xây dựng trong tám năm, gồm hai vòng thành đầy lỗ châu mai cùng 64 buồng được làm bằng đá xanh, đất, gỗ... tiêu tốn 150.000 đồng bạc này đã được Nhà nước công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật.

 

     
                                Di tích nhà Vương

Trong một tài liệu do người cháu của ông Vương Chính Đức cung cấp được xuất bản vào năm 2007 cho hay, để bảo vệ lãnh thổ trong bối cảnh thủ lĩnh một số dân tộc ra sức tranh giành, cát cứ, đồng thời bảo vệ công việc làm ăn, cũng như tăng cường ảnh hưởng, ông đã cho xây dựng một đội lính người Mông, gọi là là đội lính huynh đệ. Đội lính này được ở, sinh hoạt cùng với gia đình ông trong “lâu đài” kể trên.

 

Với các nhà nghiên cứu văn hóa thì “lâu đài” của “Vua Mèo” Vương Chính Đức được nhìn nhận như một pháo đài với hệ thống tường đá bao quanh. Trong đó, ông cho dựng hai chiếc lô cốt ngay phía trên kho thuốc phiện và kho cất giữ tài sản. Nhiều tư liệu đề cập đến việc “Vua Mèo” làm việc cho người Pháp, và sau đó đã tìm cách đánh đuổi họ ra khỏi vùng đất này nhưng không thành công. Đã có vài cuộc đụng độ giữa người Mèo với binh lính Pháp, song không rõ đã có bao nhiêu cuộc đọ súng xảy ra quanh ngôi nhà của vua Mèo.

 

Vì người Mèo không sống trong xã hội phong kiến tập quyền nên khái niệm “Vua Mèo” ở đây không giống như khái niệm “vua” của các dân tộc khác. “Vua Mèo” Vương Chính Đức không có người hầu. Phục vụ cơm nước, áo quần cho ông là người vợ thứ ba. Ông còn được biết đến dưới vai trò người chồng khéo léo khi xử lí hài hòa mối quan hệ giữa các người vợ, trong đó có một người không có con cái.

 

Là nhân vật có ảnh hưởng ở vùng cực Bắc Tổ quốc trong một giai đoạn nhất định, nhưng như nhiều ông vua, bà chúa khác, “Vua Mèo” Vương Chính Đức không để lại nhiều tư liệu liên quan đến “chốn hậu cung”. Vì thế những thói quen sinh hoạt hàng ngày, phép ứng xử giữa các bà vợ của “Vua Mèo” với nhau, với đội quân huynh đệ, hay nói khác đi là những quy định, phép tắc sau bốn bức tường đá của dinh thự như thế nào, đến nay vẫn đang được phủ một “lớp bóng mờ”.

 

Theo ông Hoàng Văn Kiên, Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong khuôn khổ Tuần du lịch Di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hà Giang năm 2013, BTC chỉ đơn thuần diễn lại cảnh sinh hoạt hàng ngày của “Vua Mèo”, như buổi sáng thức dậy ông làm gì, gặp gỡ những ai, có những gì đặc biệt trong ngôi nhà...? Cạnh đó, BTC cũng đã cho dựng lại hoạt động lao động sản xuất gắn liền với tập quán người Mông từng diễn ra trong khu vực “nhà Vương” để tạo thêm sinh khí cho di tích vốn đã “im lặng” giấu mình trong miền đá từ sau ngày được trùng tu vào năm 2004 cho đến nay.

 

Việc trình diễn lại sinh hoạt của “Vua Mèo” đang được những người tổ chức ở địa phương kì vọng, sẽ tạo thêm một sản phẩm du lịch phục vụ du khách khi đến thăm “lâu đài”, như kiểu “vào Đại Nội Huế được mặc hoàng bào, đóng vai vua”, ông Kiên nói.


Bài, ảnh: Quang Tiến

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Sẽ có màn nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn với lượng người tham gia đông nhất từ trước tới nay”
HGĐT- Đó là thông tin của Giám đốc Sở VHTT&DL Hoàng Văn Kiên tiết lộ khi nói về Lễ khai mạc Tuần du lịch di sản văn hóa và công bố 5 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia của tỉnh ta, diễn ra tại huyện Quang Bình vào tối23.11 tới đây.
31/10/2013
Tái hiện chợ nổi Nam Bộ và chợ vùng cao tại Hà Nội
Không gian văn hóa chợ nổi Nam Bộ và chợ vùng cao phía Bắc sẽ được tái hiện trong Tuần lễ "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam".
29/10/2013
Vải lanh – sản phẩm văn hóa độc đáo trong đời sống người Mông ở Mèo Vạc
HGĐT- Nói đến người Mông ở Mèo Vạc là nói đến một cộng đồng dân tộc có nền văn hoá rất phong phú, giàu bản sắc và có truyền thống từ lâu đời. Trong đời sống tinh thần của đồng bào Mông, bên cạnh một số nét văn hóa đặc sắc thì có lẽ vải lanh là một sản phẩm đặc trưng, chứa đựng một ý nghĩa đặc biệt quan trọng với sự độc đáo không thể pha trộn.
24/10/2013
Bí thư Tỉnh ủy thăm lớp truyền dạy kỹ năng thổi và múa khèn Mông
HGĐT- Ngày 22.10, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã đến thăm lớp truyền dạy kỹ năng nghệ thuật thổi và múa khèn Mông do Sở VHTT&DL phối hợp với UBND huyện Đồng Văn tổ chức tại Khu di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn. Cùng đi có đồng chí Ly Mí Lử, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Sèn Chỉn Ly,
23/10/2013