Ấn tượng đêm khai mạc “Tuần du lịch Di sản Văn hóa các dân tộc”

08:29, 27/11/2013

HGĐT- Sau nhiều ngày kỳ công chuẩn bị, đêm khai mạc “Tuần du lịch Di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hà Giang năm 2013” tại huyện Quang Bình đã diễn ra hoành tráng, ấn tượng trước sự chứng kiến của các đại biểu đến từ Trung ương, tỉnh bạn và cán bộ nhân dân các dân tộc trong tỉnh.


Đặc biệt, chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2 Đài truyền hình Việt Nam để nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế biết đến Hà Giang; một trong những tỉnh có rất nhiều cảnh quan đặc sắc. Năm 2010, Cao nguyên đá Đồng Văn là công viên đầu tiên của Việt Nam và cũng là công viên thứ 2 của Đông Nam Á được gia nhập mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu; đây là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân các dân tộc Hà Giang.

 


Tiết mục mang chủ đề “Di sản Hà Giang hội nhập và phát triển”.


Trong đêm khai mạc, hàng nghìn đại biểu và nhân dân các dân tộc huyện Quang Bình được chứng kiến và thưởng thức một chương trình nghệ thuật ngợi ca và tôn vinh giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tỉnh Hà Giang với tựa đề “Hà Giang lung linh sắc mầu văn hóa” do gần 200 diễn viên của Đoàn nghệ thuật của tỉnh Hà Giang và Đoàn nghệ thuật “Cánh đồng vàng” của huyện Quang Bình biểu diễn. Tiết mục mở màn hoành tráng đầy ấn tượng, ca ngợi vẻ đẹp của quê hương Quang Bình nói riêng và Hà Giang nói chung, đã tạo được sự chú ý của khán giả ngay từ phút đầu tiên trong tiếng nhạc của bộ tổ hợp khèn Mông, thanh la, chuông, kèn pí lè, chùm sóc nhạc... cùng với ánh đèn rực rỡ sắc màu của sân khấu hiện đại; các diễn viên trong trang phục của dân tộc Pà Thẻn, Dao, Tày... đã tạo thành tổ hợp múa rộn ràng khắc họa cảnh núi rừng, sương sớm, ánh nắng ban mai và cảnh ngày hội đông vui rộn ràng thân thiện cởi mở mến khách...

 


Tiết mục múa của người Pà Thẻn.

Với nhiều tác phẩm của nhiều tác giả chuyên nghiệp, trong Chương 2 của chương trình nghệ thuật, sau phần lễ là chủ đề “Hà Giang Lung linh sắc màu văn hóa”, với thời lượng 24 phút; trên sân khấu chính, các diễn viên nam trong trang phục dân tộc Pà Thẻn nhảy múa tái hiện Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn; các hình tượng múa khắc họa nét sinh hoạt của dân tộc Pu Péo, hình ảnh Lễ cúng rừng của dân tộc Pu Péo; trong tác phẩm “Lời ru chiều vàng”, “gọi mặt trời”, “Trống hội Lô Lô” các diễn viên nam, nữ trong trang phục dân tộc Dao, Lô Lô múa trên nền ca khúc mô phỏng Lễ hội cấp sắc của dân tộc Dao; hình ảnh Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô. Đặc biệt, trong tác phẩm “Khát mưa” các diễn viên trong trang phục dân tộc Mông, lưng đeo ống bương đựng nước múa cầu mưa, diễn tả sự khát khao mong mỏi nguồn nước tự nhiên do ông trời ban tặng. Cảnh phấn khởi hân hoan khi đạt được ước nguyện của người dân nơi vùng Cao nguyên đá, điển hình là đồng bào dân tộc Mông...

Trong phần cuối của chương trình nghệ thuật là Chương 3, với chủ đề “Di sản Hà Giang hội nhập và phát triển” được thể hiện qua 2 tác phẩm “Hà Giang nơi điểm hẹn” và “Hà Giang quê hương tôi”; các diễn viên múa xuất hiện từ 2 bên sân khấu với các dải lụa tạo nên một bức tranh sống động, nên thơ với những tâm hồn trong sáng bình dị, diễn tả vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Hà Giang mến khách, như một lời mời gọi bạn bè muôn phương cùng về đây tụ hội; một điểm hẹn, một điểm đến vô cùng thơ mộng và hấp dẫn. Các điệu múa,lời ca tái hiện những nét sinh hoạt độc đáo của các dân tộc được lưu truyền qua các thế hệ đã trở thành di sản văn hóa của địa phương cùng hội nhập và phát triển cùng đất nước. Tất cả đều được thể hiện qua lời hát và ngôn ngữ múa hình thể để tạc dựng nên những hình tượng nghệ thuật sân khấu. Kết thúc chương trình nghệ thuật, lửa được chuyền từ 2 bên cánh gà của sân khấu vào cho các diễn viên và được chia làm 2 hàng tiến về phía trước sân khấu và đưa vào 2 đống củi to đang được đốt ở 2 bên sân khấu tượng trưng cho châm lửa và Lễ hội nhảy lửa bắt đầu... Lễ hội nhảy lửa được 100 nghệ dân tộc Pà Thẻn biểu diễn, bởi đối với đồng bào dân tộc Pà Thẻn quan niệm vị thần tối cao nhất là thần lửa và ngọn lửa mang lại sự may mắn cho họ và xua đi nỗi sợ hãi; chỉ có những người mạnh mẽ mới nhảy được vào đống lửa thiêng...

 


Nhảy lửa tại đêm khai mạc.

Đêm khai mạc “Tuần du lịch Di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hà Giang năm 2013” đã khép lại đã để lại cho đồng bào các dân tộc Hà Giang, bạn bè trong nước và quốc tế những ấn tượng sâu sắc về một vùng đất đa sắc dân tộc, có nhiều bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc. Điều đặc biệt quan trọng nhất đó là 5 di sản văn hóa phi vật thể như Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Lễ cấp sắc của người Dao, Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô, Lễ hội Gầu Tào của người Mông, Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo đã chính thức được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là niềm tự hào chung của nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, đồng thời minh chứng cho sự tồn tại, phát triển và khả năng sáng tạo tuyệt vời của đồng bào các dân tộc một tỉnh vùng cao cực Bắc của Tổ quốc...


HIẾN CHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Sẽ có màn nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn với lượng người tham gia đông nhất từ trước tới nay”
HGĐT- Đó là thông tin của Giám đốc Sở VHTT&DL Hoàng Văn Kiên tiết lộ khi nói về Lễ khai mạc Tuần du lịch di sản văn hóa và công bố 5 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia của tỉnh ta, diễn ra tại huyện Quang Bình vào tối23.11 tới đây.
31/10/2013
Tái hiện chợ nổi Nam Bộ và chợ vùng cao tại Hà Nội
Không gian văn hóa chợ nổi Nam Bộ và chợ vùng cao phía Bắc sẽ được tái hiện trong Tuần lễ "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam".
29/10/2013
Lễ cúng Tổ tiên của người Lô Lô xã Lũng Cú
HGĐT- Người Lô Lô, xã Lũng Cú (Đồng Văn) hiện có 86 hộ với 371 nhân khẩu, 7 dòng họ cùng sinh sống là Vàng, Sình, Dìu, Làn, Mùng, Giầu, Sính. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, thời gian, nhưng người dân nơi đây vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong đó phải kể đến một nghi thức quan trọng của đồng bào là Lễ cúng Tổ tiên.
27/11/2013
Du lịch Di sản văn hóa tại Mèo Vạc
HGĐT- Nằm trong khuôn khổ các nội dung của Chương trình “Tuần du lịch Di sản văn hóa các dân tộc Hà Giang năm 2013”, ngày 25.11, huyện Mèo Vạc tổ chức Liên hoan dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc và trình diễn lễ hội truyền thống lần thứ 3. Đồng thời tổ chức các hoạt động trải nghiệm tại xã Sủng Trà.
26/11/2013