Hướng đến phát triển du lịch tâm linh, về nguồn

15:42, 12/02/2023

BHG - Hiện nay, du lịch đã trở thành một trong những hoạt động không thể thiếu của phần lớn người dân trong xã hội. Con người tìm đến du lịch không chỉ để thỏa mãn các nhu cầu về tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng,... mà còn để thể hiện niềm tin về tôn giáo, tín ngưỡng. Chính từ những nhu cầu gắn liền với tôn giáo, tín ngưỡng,... của du khách đã hình thành nên loại hình du lịch tâm linh.

Du khách tham quan Đền Mẫu (thành phố Hà Giang).
Du khách tham quan Đền Mẫu (thành phố Hà Giang).

Tiềm năng du lịch tâm linh của Hà Giang rất lớn, song gần đây, khi công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, kinh tế phát triển, đời sống tinh thần của người dân được nâng cao, giao thông thuận tiện, thì loại hình du lịch này mới có nhiều khởi sắc.

Tỉnh ta tự hào có các công trình kiến trúc độc đáo, mang đậm nét văn hóa, giàu giá trị lịch sử và gắn liền với đời sống tinh thần của người dân như: Quảng trường 26.3, đây là công trình văn hóa gìn giữ những kỷ niệm về Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Hà Giang nhân ngày 26.3.1961 là thời khắc lịch sử của người dân Hà Giang khi được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm; Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên và Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ tại điểm cao 468 xã Thanh Thủy (Vị Xuyên); Di tích lịch sử Quốc gia Căng Bắc Mê...

Ngoài những địa điểm du lịch nổi tiếng như trên, Hà Giang còn được biết đến với những điểm đến tâm linh như: Chùa Sùng Khánh, thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức; chùa Bình Lâm, xã Phú Linh (Vị Xuyên); chùa Quan âm, Đền Mẫu (thành phố Hà Giang); khu di tích kiến trúc nghệ thuật dinh thự nhà Vương, xã Sà Phìn (Đồng Văn)…

Du khách thăm đền thờ 468 Thanh Thủy (Vị Xuyên)
Du khách thăm Đài tưởng niệm các Liệt sĩ trên  điểm cao 468 xã Thanh Thủy (Vị Xuyên). ảnh: Quỳnh Hương

Du lịch tâm linh không chỉ thỏa mãn được các nhu cầu về tinh thần của con người thông qua hoạt động du lịch mà còn góp phần quan trọng trong giáo dục văn hóa, ý thức của người dân địa phương cũng như du khách trong quá trình tổ chức hoạt động du lịch. Lễ hội giúp cho người tham gia hiểu rõ hơn về truyền thống của dân tộc, tinh thần yêu nước, sự hy sinh và ý chí quật cường của thế hệ cha ông. Những lễ hội từ tôn giáo, dân gian cho đến hiện đại đều có tác dụng nhắc nhở, khôi phục các giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc và giúp thế hệ tương lai cảm thấy tự hào hơn về quê hương, đất nước.

Theo ông Lại Quốc Tĩnh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh: “Chúng tôi thường xuyên xây dựng các sản phẩm du lịch mới, chú trọng phát triển du lịch tâm linh, về nguồn, tham quan các chiến trường xưa, nghĩa trang liệt sĩ... Mỗi du khách đến với Hà Giang ngoài tham quan về cảnh quan thì du khách sẽ được tìm hiểu và hiểu hơn về lịch sử Hà Giang nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Đây là sản phẩm mang tính nhân văn, chạm được đến cảm xúc trái tim nhiều du khách”.

Chị Nguyễn Vân Anh, du khách đến từ Thành phố Hà Nội chia sẻ: “Khi du lịch Hà Giang, ngoài cảnh đẹp, ẩm thực hấp dẫn, con người thân thiện, nơi đây còn có quần thể di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc và hấp dẫn. Mỗi di tích đều mang đến cho tôi cảm xúc rất riêng, đặc biệt là khi đến Điểm cao 468, tìm hiểu lịch sử đấu tranh kiên cường, anh dũng của cha ông ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới năm xưa. Đây sẽ là một điểm đến lý tưởng đối với bất cứ du khách nào muốn tìm hiểu nguồn cội của dân tộc”.

Cùng với nhiều loại hình khác, du lịch tâm linh, về nguồn ngày càng được nhiều du khách lựa chọn để khám phá, trải nghiệm những nét văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh về những vùng đất mới, mở ra cơ hội phát triển đa dạng sản phẩm cho ngành Du lịch tỉnh nhà.

Du lịch tâm linh, về nguồn không chỉ là sản phẩm du lịch đơn thuần mà mang “giá trị kép”, vừa thúc đẩy phát triển ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, vừa góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa, giá trị di sản. đồng thời lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, kết nối cộng đồng, xây dựng khối đại đoàn kết cùng nhau phát triển.

Bài, ảnh: Nguyễn Dịu


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Du lịch Đồng Văn khởi sắc những ngày đầu năm
BHG - Trong năm 2022, tổng lượng khách đến tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện Đồng Văn đạt 690.550 lượt khách, bằng 1.534,6% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu từ du lịch dịch vụ đạt 765,7 tỷ đồng, bằng 455,8% so với cùng kỳ năm trước. Từ đó từng bước khẳng định vị thế của “ngành công nghiệp không khói”, nâng cao đời sống cho nhân dân
31/01/2023
6 cung đường đẹp nhất Việt Nam để ngắm cảnh

Cung Hà Giang, Cao Bằng - Bản Giốc hay đèo Hải Vân là những đoạn đường ngắm cảnh thiên nhiên đẹp nhất Việt Nam. “Dài và ngoằn ngoèo như rắn thần trong truyền thuyết, Việt Nam uốn quanh bờ biển phía đông của Đông Nam Á. Hai đô thị lớn Hà Nội và TP HCM trải dài trên cung đường hơn 1.100 km với núi non, rừng rậm, bãi biển cùng nhiều di tích lịch sử. Nói cách khác, đây là đất nước hoàn hảo cho những chuyến đi phượt”, tạp chí du lịch Australia Lonely Planet miêu tả về Việt Nam.

31/01/2023
Về Khuôn Lùng dự hội giỗ tổ
BHG - Xã Khuôn Lùng (Xín Mần) là vùng đất sinh sống lâu đời của người Tày, Dao với nét văn hóa đặc trưng. Người dân tộc Tày ở đây có một đền thờ riêng gọi là Đình Mường, hằng năm ngày 17 tháng Giêng người dân sẽ mở hội để dâng lễ vật lên Tổ tiên đã có công khai khẩn, lập đất và cầu mong năm mới may mắn, sức khỏe, mùa màng bội thu.
12/02/2023
Những nét văn hóa đặc sắc ngày Xuân ở Mèo Vạc
BHG - Dân tộc Mông chiếm hơn 78% dân số trên địa bàn huyện Mèo Vạc. Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, người Mông ở Mèo Vạc luôn giữ gìn và bảo tồn những nét văn hóa truyền thống để truyền lại cho thế hệ sau.
12/02/2023