Trải nghiệm tuyến du lịch số 4 trên Cao nguyên đá

13:50, 12/10/2022

BHG - Sau khi Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là thành viên mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO, tỉnh ta đã xây dựng và đưa vào khai thác 3 tuyến đường du lịch trải nghiệm từ Hà Giang đến Mèo Vạc. Con đường du lịch trải nghiệm từ Mèo Vạc đến xã Du Già, huyện Yên Minh (tuyến du lịch số 4) được UBND tỉnh xây dựng từ đầu năm 2021 với các điểm đến mới cung cấp cho du khách những trải nghiệm, khám phá thú vị.

Du khách checkin tại cua chữ M.
Du khách checkin tại cua chữ M.

Trước đây, tuyến du lịch số 4 vẫn được du khách quốc tế lựa chọn khi đến với Cao nguyên đá Đồng Văn bởi nhiều thắng cảnh và di tích địa chất, lịch sử, văn hóa như: Cua chữ M; chợ phiên Lũng Phìn; chè Shan tuyết cổ thụ Lũng Phìn, Ngam La; hang Nà Luông; đèo gió Sa Lỳ; Đồn Pháp, tường thành Lũng Hồ, Di tích Sùng Chứ Đa; các thác nước tuyệt đẹp ở xã Du Già, Lũng Hồ. Đặc biệt là sự yên bình trong các bản làng, sự hùng vĩ của Vườn quốc gia Du Già – Cao nguyên đá; quần thể Voọc mũi hếch – loài linh trưởng quý hiếm trong sách đỏ thế giới…

Theo thống kê của xã Du Già từ 2016 – 2019, toàn xã đón trên 36.500 lượt khách quốc tế tới lưu trú, tham quan, trải nghiệm. Riêng 9 tháng năm 2022, xã đón khoảng 5.000 lượt.

Cung đường đèo gió Sa Lỳ.
Cung đường đèo gió Sa Lỳ.

Anh Martin, du khách đến từ Ireland chia sẻ: Trước khi tới Hà Giang, chúng tôi đã tìm hiểu về tuyến đường này qua những bài viết, review của du khách khi đến CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn. Mọi người đều khuyên khi tới Đồng Văn, Mèo Vạc nên về Du Già nghỉ, sau đó theo đường Minh Sơn, Minh Ngọc (Bắc Mê) về thành phố Hà Giang. Vì thế hôm nay chúng tôi di chuyển về đây, được lái xe mô tô trên cung đường này là một trải nghiệm tuyệt vời. Những con đèo uốn lượn quanh sườn núi mang hình dáng đặc sắc, độc đáo và rất thú vị. Trên tuyến đường này cũng có rất nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, các nét văn hóa đặc sắc của người dân và một số di tích lịch sử để chúng tôi khám phá.

Di tích lịch sử Đồn Pháp nằm trên tuyến du lịch số 4.
Di tích lịch sử Đồn Pháp nằm trên tuyến du lịch số 4.

Qua nhiều lần khảo sát, đánh giá, chuyên gia Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản Việt Nam đề xuất tỉnh xây dựng tuyến du lịch số 4 với 14 điểm dừng chân, khám phá, ngắm cảnh, trải nghiệm gồm: Thiết giao long phá thạch, làng cổ Lũng Phìn, cua chữa M, rừng chè Shan tuyết cổ thụ Ngam La, điểm ngắm toàn cảnh xã Lũng Hồ, hẻm Nậm Lang, HTX dệt người Tày, thác núi Ba Tiên, rừng Voọc mũi hếch... Đây là các điểm, cụm điểm có tiềm năng tốt để cải thiện đưa vào khai thác.

Tuyến du lịch mới này được đầu tư hạ tầng thông tin với sự đổi mới, hướng tới mở ra cánh cửa cho CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn trong tương lai cũng như tiếp tục là hình mẫu cho các CVĐCTC khác như: Sử dụng công nghệ cao với mã QRcode; áp dụng mô hình hướng dẫn viên điện tử thông qua công nghệ định vị GPS, 4-5G và file thông tin âm thanh trực tuyến; xây dựng tại các điểm du lịch với trang phục và bối cảnh văn hóa của dân tộc địa phương, mang lại sự tự hào cho đồng bào các dân tộc…

Du khách quốc tế trải nghiệm ở Du Già - Điểm cuối tuyến du lịch số 4.
Du khách quốc tế trải nghiệm ở Du Già - Điểm cuối tuyến du lịch số 4.

Hứa hẹn trong mùa du lịch cuối năm, lượng khách đến tỉnh sẽ tăng cao. Đến nay, quá trình đầu tư các điểm dừng chân, hệ thống thông tin, biển báo… trên tuyến du lịch số 4 của CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn đã cơ bản hoàn thiện. Các điểm dừng chân ngắm cảnh, cổng chào khu vực phía Nam, trung tâm thông tin đã được đầu tư, hạ tầng giao thông đang được nâng cấp, hoàn thiện sẽ là tuyến du lịch trải nghiệm thú vị cho du khách trong hành trình khám phá Cao nguyên đá Đồng Văn.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Minh Nguyễn Văn Hiệp cho biết: Tuyến du lịch số 4 phần lớn nằm trên địa bàn huyện nên cấp ủy, chính quyền rất quan tâm. Hiện nay các hạng mục đầu tư xây dựng đã sẵn sàng phục vụ du khách trong mùa du lịch năm nay. Hy vọng khi chính thức đưa vào khai thác tuyến du lịch số 4 sẽ là điểm nhấn thu hút du khách lưu trú, trải nghiệm, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương và nâng cao đời sống bà con nhân dân vùng du lịch.

Bài, ảnh: Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tổng kết công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao giai đoạn 2016 – 2020; triển khai chương trình hỗ trợ giai đoạn 2021 – 2025
BHG - Sáng 30.9, tại Vĩnh Phúc, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao, giai đọan 2016-2020; triển khai chương trình hỗ trợ, giai đoạn 2021-2025. Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cùng gần 250 đại biểu đến từ 25 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố miền Bắc...
30/09/2022
Bay thử nghiệm khinh khí cầu tại thành phố Hà Giang
BHG - Trong các ngày từ 27 - 29.9, Sở Văn hóa TT&DL phối hợp Công ty TNHH Khinh khí cầu Quốc tế Ballooning và một số đơn vị, sở, ngành, thành phố Hà Giang tổ chức bay thử nghiệm khinh khí cầu tại Quảng trường 26.3. Được biết, đây là lần đầu tiên khinh khí cầu bay trên bầu trời thành phố Hà Giang.
30/09/2022
14 tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc

Ngày 28-9, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo thông tin về Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II-2022. Ngày hội sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 8-10 tại tỉnh Thái Nguyên, với sự tham gia của 2.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng từ 14 tỉnh có đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc, trong đó, nổi bật nhất là các hoạt động diễn xướng các loại hình nghệ thuật của đồng bào dân tộc Dao; trình diễn trang phục dân tộc; trình diễn chế biến và giới thiệu văn hóa ẩm thực; trưng bày, quảng bá sản phẩm du lịch, văn hóa...


30/09/2022
“Làn gió tươi mới” trong đời sống tinh thần của đồng bào vùng cao - Kỳ II: “Làn gió” của sự đổi mới
BHG - Trong những năm qua, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh được quan tâm, đầu tư, hỗ trợ phát triển bằng nhiều chương trình, chính sách, dự án của Đảng, Nhà nước, đời sống nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong đồng bào còn tồn tại nhiều tập quán lạc hậu trong hôn nhân, tang ma, lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt gia đình và sản xuất. Ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cộng đồng, cản trở sự phát triển KT-XH… dẫn tới nghèo đói!
29/09/2022