Thôn Sảng Tủng nỗ lực xóa mù chữ

08:42, 04/05/2017

BHG - Ngày nắng cũng như ngày mưa, lớp học xoá mù chữ (XMC) ở thôn Sảng Tủng, xã Sảng Tủng (Đồng Văn) cũng không còn một chỗ trống; rộn ràng tiếng nói, tiếng cười. Ánh mắt mỗi người ánh lên niềm vui bất tận vì đã viết, đã đọc được tên mình, tên làng, tên bản...

Các học viên đủ mọi lứa tuổi ở Lớp xoá mù chữ của xã Sảng Tủng.
Các học viên đủ mọi lứa tuổi ở Lớp xoá mù chữ của xã Sảng Tủng.

Men theo con đường rải đá nhấp nhô, chúng tôi đến căn nhà nhỏ là nơi có gần 40 học viên đủ lứa tuổi đang đánh vần và nắn nót từng con chữ. Trên bục, cô giáo Vũ Thị Gấm, hướng dẫn học viên đọc bài “Việt Nam quê hương ta” của Nguyễn Đình Thi.  Âm thanh líu lô, hơi ngọng hoà với tiếng thở đều đều của những em bé theo mẹ đến lớp, ngủ say trên tấm lưng gầy. Lớp XMC của xã được mở ra từ tháng 12.2016 đã kết thúc khoá học đầu tiên, gần 40 học viên khoá trước giờ đã có thể đọc và viết thành thục. Đây là lớp học thứ 2, người dân trong xã tự động xin đi học lấy cái chữ mà không cần giáo viên hay cán bộ đi vận động. Cô Gấm cho biết: “Bà con đều mong mỏi lắm được viết tên mình, nên sau khi kết thúc khoá học đầu, họ tự động bảo nhau thu xếp công việc làm nương để đến đây. Có nhà cả gia đình, gồm vơ, chồng và con đều đến lớp”. Lớp sẽ học khoảng 3 – 4 tháng, và học vào tất cả các buổi sáng trong tuần nên buổi chiều bà con vẫn có thể làm việc nhà. Tại đây, có những em gái 15 -16 tuổi; vì lỡ lấy chồng khi mặt chữ còn chưa biết, nên giờ các em mang theo cả con đến lớp. Cùng với đó, cũng có các mẹ, các bà đã gần 60 tuổi; tất cả đều mong có thể viết được cái tên cha, mẹ đã đặt cho.

Chị Thào Thị Mỷ, năm nay 32 tuổi, khi thấy chúng tôi, chị lật trang vở khoe nét mực còn chưa khô. Nét chữ gọn gàng, rất sạch sẽ. Đồng chí cán bộ xã khéo khen: “Chữ Mỷ đẹp quá, đẹp hơn chữ cô phóng viên rồi!” làm chị vui cười không ngớt. Chị tâm sự: “Lớn lên là bố, mẹ đã gả chồng rồi; có biết đến cái chữ đâu. Rồi sinh con đẻ cái, quanh quẩn với ruộng nương, bây giờ phải đi học chữ thôi. Mừng lắm, vì giờ không cần phải dùng tay điểm chỉ nữa, ký tên mình được rồi. Biết chữ làm gì cũng dễ hơn nhiều lắm”. Những khuôn mặt già trước tuổi bởi nắng mưa, đôi tay gầy guộc vẫn nắn nót từng nét chữ. Dường như, với họ, viết chữ còn khó hơn cả việc cầm cày, cầm cuốc, tra hạt trên nương. Lần đầu tiên tôi cảm nhận hết được ý nghĩa của việc XMC và niềm vui của bà con khi được viết, được đọc và được đi học!

Sảng Tủng là một xã còn nhiều khó khăn do đường đi lại còn hạn chế, lại cách khá xa trung tâm, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện, tỷ lệ mù chữ của xã vẫn còn rất cao, khoảng 46% người dân ở độ tuổi 16 – 60 chưa biết chữ. Cùng với một số xã khác trong huyện, xã cũng mở các lớp XMC theo đúng chủ trương của huyện. Tuy nhiên, với nỗ lực từ bản thân của người dân nơi đây, lớp XMC của xã được đánh giá là hiệu quả nhất, làm mẫu cho rất nhiều xã trên địa bàn huyện học tập và làm theo. Anh Cháng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “XMC là một việc làm hết sức quan trọng để nâng cao dân trí. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng đáng mừng là người dân trong xã luôn có ý thức cực kỳ tốt trong việc học, hầu như chúng tôi không phải vận động nhiều. Những lớp học XMC này còn có ý nghĩa nhân văn rất lớn, nó giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số tự tin giao tiếp hơn. Và đặc biệt là giúp cán bộ địa phương thuận lợi hơn khi tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong thời gian tới, xã vẫn tổ chức mở liên tục các lớp để giúp người dân trong xã có thể đọc, viết thành thạo tiếng phổ thông”. Đây có lẽ cũng là mong muốn của rất nhiều người trên miền đá xám.Lúc chúng tôi rời đi, giọng cô, trò nhỏ tuổi vẫn vang lên câu thơ trong bài “Việt Nam quê hương ta”. Tôi cảm nhận rõ sự vui mừng của mọi người trong lớp khi kết thúc câu thơ cuối. Họ đã có thể đọc lưu loát bài thơ về quê hương đất nước và cả tương lai của mọi người sau khi học được con chữ, cũng sẽ tươi sáng hơn rất nhiều. Tiếng đánh vần, tiếng đọc đồng thanh, tiếng viết bảng của các học trò đặc biệt hoà vào âm thanh của núi rừng như tạo nên thứ thanh âm của hy vọng cho đồng bào dân tộc nơi địa đầu Tổ quốc.

          Bài, ảnh: My Ly


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giao lưu các CLB Khiêu vũ chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam và 131 năm ngày Quốc tế Lao động

BHG - Tối 29.4, tại Quảng trường 26.3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức Chương trình "Giao lưu các CLB Khiêu vũ trong và ngoài tỉnh" lần thứ nhất năm 2017, nhằm hướng tới kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4. 2017) và Ngày Quốc tế lao động (1.5.1886 – 2017).

30/04/2017
Đặc sắc đêm Nghệ thuật chào mừng Giải bán marathon tại Đồng Văn

BHG - Tối 29.4, tại Thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Du lịch huyện tổ chức Chương trình Nghệ thuật chào mừng Giải bán marathon "Chạy trên cung đường Hạnh phúc" tỉnh Hà Giang lần thứ nhất, mở rộng năm 2017. 

30/04/2017
Kiến trúc truyền thống, sức hút của Công viên đá Cao nguyên đá (CNĐ)

BHG - Đồng Văn được biết đến với những giá trị kiến trúc xây dựng truyền thống hết sức độc đáo. Chúng ta có thể tự hào khi giới thiệu về vùng đất này với kiến trúc Nhà Vương; phố chợ cổ Đồng Văn; những dãy phố cũ khá đẹp ở thị rấn Phố Bảng hay nhiều ngôi nhà trình tường, lợp ngói máng với bờ rào đá và chiếc cổng gỗ của người Mông ở 4 huyện CNĐ. 

29/04/2017
Gặp các anh ở Khoa A10

BHG - Những ngày tháng Tư lịch sử, cả dân tộc ta tưng bừng kỷ niệm 42 năm Chiến thắng 30.4 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối. Những người lính tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt những người tham gia đoàn quân giải phóng Sài Gòn càng háo hức hướng về ngày kỷ niệm thiêng liêng ấy với những ký ức hào hùng và những kỷ niệm một đời lính chiến góp phần làm nên lịch sử vẻ vang của dân tộc.

29/04/2017