Gặp các anh ở Khoa A10

10:07, 29/04/2017

BHG - Những ngày tháng Tư lịch sử, cả dân tộc ta tưng bừng kỷ niệm 42 năm Chiến thắng 30.4 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối. Những người lính tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt những người tham gia đoàn quân giải phóng Sài Gòn càng háo hức hướng về ngày kỷ niệm thiêng liêng ấy với những ký ức hào hùng và những kỷ niệm một đời lính chiến góp phần làm nên lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Tôi gặp các anh ở mọi nơi, mọi lĩnh vực trong đời sống thường ngày. Nhưng hôm nay được gặp 2 trong những người con Hà Giang có mặt tại Sài Gòn trưa 30.4.1975 ở một nơi khá đặc biệt – Khoa khám, chữa bệnh A10. (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Anh Chẩu Thanh Quý, người xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên; anh Nông Trần Tiến, xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê. Thêm vào câu chuyện của chúng tôi thật bất ngờ đầy cảm động có anh Lê Hoàng, người con của tỉnh Quảng Ngãi. Các anh vào nằm viện điều trị với nhiều bệnh khác nhau: Thời tiết chuyển mùa Xuân sang Hè làm những vết thương lại hoành hành các anh, cùng với bệnh của tuổi già và thời gian. Tôi không biết các anh đánh vật với đau đớn, bệnh tật như thế nào nhưng toa thuốc của các anh đều có kháng sinh liều cao, thuốc giảm đau và thuốc ngủ. Người nhà đến thăm và trông “giữ” các anh luôn có nét mặt lo âu, ái ngại. Còn các anh, trên sắc mặt không mảy may bi quan. Sau đợt tiêm, phát thuốc các anh vịn theo thành giường, bờ tường, bậc cửa đến với nhau kể chuyện chiến đấu, chuyện chiến dịch. Có những chuyện họ giấu đến bây giờ mới kể, lúc hào hứng, trầm lắng, nghẹn ngào theo từng câu chuyện chợt ùa về.

Anh Nông Trần Tiến kể rằng, đi bộ đội từ năm 1964 lúc mới gần 18 tuổi. Sau nhiều năm huấn luyện ở miền Bắc, anh hành quân vào Nam cùng đơn vị đặc công; tham gia hầu hết các chiến dịch: Quảng Trị, Đắc Tô - Tân Cảnh, Tây Nguyên và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 30.4.1975, anh có mặt trong đoàn quân giải phóng Sài Gòn. Thời kỳ tham gia các chiến dịch đánh Mỹ và quân chủ bầu ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên anh “đã được” chính quyền ngụy treo giải 7 cây vàng nếu ai bắt được hoặc giết được anh. Trong một trận đánh, trước khi vào trận anh được kết nạp vào Đảng, sau trận đánh ấy anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 2, được phong Dũng sỹ diệt mỹ và chư hầu. Sau đó anh phải kết nạp Đảng lần thứ 2 vì lần trước không có hồ sơ văn bản gì. Vừa kể anh vừa cười, hai vai gồng lên ho cơn ho dài... Năm 1979 anh lại có mặt ở mặt trận Yên Minh, là Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 3 Yên Minh đánh quân “Bành trướng” bảo vệ biên cương Tổ quốc. Lúc ấy ai cũng biết tên anh vì chiến đấu dũng cảm trên các điểm cao và giành được trái tim của cô giáo xinh đẹp, hoa khôi của huyện Yên Minh lúc bấy giờ. Sau chiến công đánh giặc khắp chiến trường, đất nước hòa bình anh về với quê hương, trên thân mình vô vàn vết thương. Anh nói 9 lần bị thương, nhưng không chịu chết. Thương binh hạng 2/4 Nông Trần Tiến về quê làm đủ nghề nuôi vợ con và làm giàu, làm Chủ tịch Cựu chiến binh xã  Minh Ngọc nhiều khóa. Ở Bắc Mê và nhiều người biết “Tiến km 31”, Nông Trần Tiến cựu chiến binh, Nông Trần Tiến linh hoạt, thích ứng mọi hoàn cảnh làm giàu, không cam chịu đói nghèo, một Nông Trần Tiến gần gũi, thẳng thắn, yêu thương mọi người. Vào viện đã hơn một tuần, anh xin ra viện sớm. Tôi vừa gặp anh thay bộ áo viện bằng bộ quân phục. Tôi tiêm xong gọi điện cho anh, anh đã ở Km 31 Bắc Mê. Khi viết bài này, tôi điện thăm và xin ý kiến anh. Ở đầu máy bên kia anh nói khe khẽ: “Đang họp” – Họp gì đấy anh? - “Họp cựu chiến binh kỷ niệm 42 năm giải phóng miền Nam”. Vâng anh họp đi ạ – Em chúc anh khỏe. Anh: Ờ.

Anh Chẩu Thanh Quý năm nay đã 70 tuổi, người con dân tộc Tày, xã Ngọc Minh (Vị Xuyên) vào bộ đội 1968. Tham gia các chiến dịch từ Đắc Tô – Tân Cảnh, chiến dịch Tây Nguyên; Thừa Thiên Huế, rồi trưa 30.4.1975 anh có mặt trong đoàn quân giải phóng Sài Gòn. Lúc đó anh là Đại đội trưởng Đại đội 3 bộ binh, là lính của Tướng Phạm Xuân Thệ - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Anh nói, ngày ấy vui không kể xiết, nghẹn ngào nhớ quê, nhớ đồng đội đã nằm lại trên đường truy kích và cảm ơn đời đã cho anh sống, chiến đấu. Hòa bình, anh trở lại Hà Giang và là Thị đội Phó Thị đội Hà Giang đến khi nghỉ hưu. Trên mình đầy vết thương nhưng đều phần mềm, bị sức ép và bị thương vỡ xương cằm. Nhưng do giấy tờ mất hết đến nay chưa được hưởng chế độ thương binh mặc dù đã khai báo làm các thủ tục hồ sơ. Bản chất bộ đội và với tác phong nhanh nhẹn, dáng đẹp thư xinh, mẫn cảm với công việc về phường Minh Khai anh làm nhiều công việc của phường và khu phố. Đang tiêm có điện thoại anh nghe xong, nói: “Chi đoàn Tổ dân phố mời Bí thư Chi bộ đi dự và phát biểu chỉ đạo đại hội đấy chú ạ”. Tiêm và uống thuốc, nằm viện đã đến ngày thứ 7, anh xin ra viện. Các Bác sỹ đồng ý. Anh nói đùa: Tốt rồi, mai ốm lại vào nằm tiếp. Nhưng phải sau 30.4 vì từ nay đến 30.4, bạn bè, đồng ngũ, đồng chiến dịch Căm-pu–chia, đồng ngũ lính Trường Sơn, Tây Nguyên gặp mặt. Tôi chúc anh khỏe, gặp mặt anh em, đồng đội nhân ngày đất nước độc lập thống nhất mà các anh đã góp mồ hôi, xương máu.

Anh Lê Hoàng – người con Quảng Ngãi vì tuổi cao, bệnh chắc là nặng đã chuyển viện về Hà Nội. Khi vào A10 Hà Giang anh mặc com lê, đi giầy đen rất phong độ, đã 86 tuổi, mắt mờ, tai nghe không rõ, anh kể với tôi ra Bắc từ trước năm 1960. Là Công an vũ trang lúc nhớ lúc quên. Tiền thưởng 50 năm tuổi Đảng anh chia 2 phần. Phần cho vợ, phần anh giữ, phần anh giữ anh quên không biết để ở đâu. Đến khi được 60 năm tuổi Đảng; anh lấy bộ quần áo com lê ra mặc thì thấy tiền đó trong túi... Tôi dìu anh nằm để Bác sỹ thăm khám, sau đó anh vào nằm viện ngày hôm sau anh đi Hà Nội. Tôi thầm mong anh khỏe, lành bệnh, cùng con cháu mừng ngày thống nhất non song.

Những ngày nằm việc cùng, tôi thấy các anh vô tư, đầy sức sống. Đồng đội các anh đã đến thăm. Anh Quý có đến 12 đoàn đồng ngũ, anh Tiến cũng đến hơn chục đoàn hội đồng ngũ, đồng chiến dịch và chính quyền, đoàn thể thăm các anh. Đặc biệt các y, bác sỹ Khoa A10: Nguyễn Bá Giang, Hoàng Thị Hiền, Lộc Thị Uyên, Nguyễn Thị Hiền... chăm sóc, thăm khám, chữa trị tận tình như những người em, người con ruột thịt mong các anh mau bình phục.

Tôi đã gặp các anh như thế trước ngày kỷ niệm lớn của dân tộc!

Hoàng Kiệm


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giao lưu văn nghệ hưởng ứng "Tháng công nhân năm 2017"

BHG - Tối 27.4, tại tại sân Quảng trường 26.3, Cụm giao ước thi đua số 3 - khối công đoàn ngành và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Giang phối hợp tổ chức đêm giao lưu văn nghệ hưởng ứng "Tháng công nhân năm 2017". 

28/04/2017
Đánh giá công tác phối hợp triển khai lập Quy hoạch đầu tư phát triển du lịch Công viên ĐCTC CNĐ Đồng Văn và TP Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035

BHG - Chiều 28.4, tại trụ sở UBND tỉnh, UBND tỉnh phối hợp với Công ty Mckinsey & Company Việt Nam tổ chức họp đánh giá công tác phối hợp triển khai lập Quy hoạch phát triển du lịch Công viên ĐCTC CNĐ  Đồng Văn và TP Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. 

28/04/2017
Trường THCS xã Bằng Lang hoàn thiện các tiêu chí chuẩn Quốc gia, giai đoạn 2016 – 2020

BHG- Trong những ngày cuối tháng 4, chúng tôi có dịp về thăm thầy và trò Trường THCS xã Bằng Lang; đây là một trong các trường có chất lượng giáo dục tốt trong khối các trường THCS trên địa bàn huyện Quang Bình. 

27/04/2017
Trường Tiểu học Bạch Đích tích cực đưa học sinh về trường chính

BHG- Đưa học sinh (HS) về học tập trung ở một điểm trường hay về trường chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho HS và giáo viên trong công tác dạy và học, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục là quyết tâm lớn của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và ngành Giáo dục tỉnh ta trong những năm qua.

27/04/2017