Trường Chính trị tỉnh 60 năm xây dựng và phát triển

07:51, 26/04/2017

BHG - Ngày 10 tháng 4 năm 1957, Trường Đảng tỉnh Hà Giang được thành lập và đi vào hoạt động. Đến năm 1976, khi sáp nhập hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, trường sáp nhập với Trường Đảng Tuyên Quang thành trường Đảng Hà Tuyên. Sau khi tái lập tỉnh Hà Giang, tháng 3 năm 1992, Tỉnh ủy Hà Giang quyết định thành lập Trường Đào tạo - bồi dưỡng cán bộ tỉnh Hà Giang, đến tháng 11 năm 1995 đổi tên thành Trường Chính trị tỉnh Hà Giang. Tháng 01 năm 2008, Tỉnh ủy Hà Giang quyết định lấy ngày 10 tháng 4 năm 1957 là ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Hà Giang, nay là Trường Chính trị tỉnh Hà Giang.

60 năm qua, dưới sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, ngành, các Đảng bộ trực thuộc tỉnh, Trường Chính trị tỉnh Hà Giang đã vượt lên nhiều khó khăn, thử thách, tích cực, chủ động, không ngừng phát triển và trưởng thành về mọi mặt, gắn liền với tinh thần quyết tâm “Dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt”, thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu đó là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật, quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác. Nhà trường đã có nhiều đóng góp trong đào tạo, bồi dưỡng hàng chục ngàn cán bộ, phục vụ nhiệm vụ cách mạng từ sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, đấu tranh thống nhất nước nhà, bảo vệ chủ quyền biên giới phía Bắc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đổi mới toàn diện và đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Quy mô đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của trường qua từng thời kỳ không ngừng tăng lên. Năm 1957 khi mới thành lập, Trường chỉ mở được 1 lớp bồi dưỡng chính trị cho 68 đồng chí là cấp ủy viên và đảng viên , thì gần đây mỗi năm Trường đã mở trên 20 lớp với nhiều loại hình như: Đào tạo tập trung, vừa làm vừa học, bồi dưỡng nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, cập nhật bổ sung kiến thức mới. Liên kết đào tạo cử nhân, cao cấp Lý luận chính trị - Hành chính; đại học các chuyên ngành Nông - lâm nghiệp, Luật, Kinh tế, Báo chí tuyên truyền; bồi dưỡng cán bộ cấp sở, cấp phòng... Chỉ tính riêng từ khi tái thành lập tỉnh Hà Giang năm 1991 đến nay, Trường đã đào tạo được 140 lớp trung cấp Lý luận chính trị - hành chính với 10.066 học viên, 2 lớp trung cấp Hành chính - văn thư, 01 lớp trung cấp Luật; liên kết đào tạo 13 lớp cử nhân, cao cấp Lý luận chính trị - hành chính và 5 lớp đại học; đồng thời tổ chức hàng trăm lớp bồi dưỡng các loại... Những cán bộ do nhà trường đào tạo, bồi dưỡng đã và đang phát huy tốt vai trò của mình, nhiều người đã trở thành những cán bộ chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở.

Thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới công tác giáo dục lý luận, chính trị; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong nhiều năm qua nhà trường đã luôn lấy học viên làm trung tâm trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thường xuyên đổi mới, cập nhật nội dung đào tạo một cách phù hợp; quan tâm tới các hoạt động chuẩn bị bài giảng, dự giờ, đánh giá giảng viên và học viên; hàng năm đều tổ chức thao giảng cấp khoa, thi giảng viên giỏi cấp trường; đội ngũ giảng viên luôn tích cực đổi mới phương pháp, ứng dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại vào giảng dạy qua đó ngày một đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học.

Đồng thời, công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn đã luôn được xác định là một nhiệm vụ quan trọng của trường, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Đặc biệt, từ năm 2000 đến nay, công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của nhà trường đã có bước đổi mới rõ rệt. Đã thực hiện 03 đề tài khoa học cấp tỉnh đó là: “Điều tra, khảo sát đánh giá cán bộ chủ chốt cấp cơ sở tỉnh Hà Giang, đề xuất nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng...”, “Đào tạo cán bộ lãnh đạo chủ chốt cơ sở miền núi”, “Bộ tài liệu tiếng dân tộc Tày”; thực hiện 49 đề tài khoa học cấp trường. Biên soạn nhiều tài liệu cập nhật tình hình nhiệm vụ địa phương phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng; biên soạn và xuất bản 4 số Nội san của trường. Mỗi năm tổ chức từ 2 đến 3 Hội thảo khoa học cấp trường; đồng thời tham gia tổ chức nhiều hội thảo, hội thi của tỉnh. Các hoạt động có tính chất nghiên cứu như tọa đàm, sinh hoạt chuyên môn, hội nghị học tốt, tham gia viết tin, bài cho các báo, tạp chí, trang Thông tin điện tử của trường đã được duy trì đều đặn.

Hằng năm đội ngũ giảng viên của trường đều hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu thực tế. Hoạt động nghiên cứu thực tế của các lớp đào tạo được đổi mới theo hướng phù hợp với yêu cầu của chương trình, phù hợp với đối tượng, vị trí công tác, điều kiện kinh tế của học viên; đảm bảo học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn.

Khi thành lập, toàn trường chỉ có 12 người gồm: Ban Giám hiệu, bộ phận Giáo vụ và bộ phận Hành chính, trong suốt một thời gian dài, để tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng trường đều phải mời đội ngũ giảng viên kiêm chức. Hiện nay tổ chức bộ máy của trường gồm có Ban Giám hiệu, 4 khoa chuyên môn và 3 phòng chức năng với 46 công chức, viên chức và người lao động, trong đó có 34 giảng viên chiếm 74%, có 42 đảng viên chiếm 91,3%. Xác định con người là chủ thể, là nhân tố trung tâm, yếu tố quyết định của sự phát triển, nhiều năm qua nhà trường đã rất coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ, hiện nay đội ngũ công chức, viên chức và người lao động đã cơ bản đạt chuẩn về trình độ theo yêu cầu của vị trí việc làm; 18/34 giảng viên có trình độ thạc sĩ, chiếm 53%, đội ngũ công chức, viên chức quản lý từ phó các khoa, phòng trở lên cơ bản có trình độ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính và tương đương trở lên. Có thể nói, trường Chính trị tỉnh Hà Giang hiện nay đã có một đội ngũ được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu để chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao.

Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội luôn được quan tâm, trú trọng. Tinh thần “Trí tuệ - đoàn kết - đổi mới - phát triển”  đã trở thành truyền thống của trường. Đảng bộ hiện có 2 chi bộ đảng viên sinh hoạt chính thức là công chức, viên chức, người lao động và các chi bộ đảng viên sinh hoạt tạm thời là học viên các khóa học. Đảng bộ, các chi bộ đã phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo mọi mặt các hoạt động của trường. Công đoàn trường đã tích cực trong phong trào lao động sáng tạo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động; hội viên Cựu chiến binh luôn gương mẫu, phát huy truyền thống bộ đội cụ Hồ; tổ chức Đoàn luôn năng động, sáng tạo với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ; Hội Chữ thập đỏ luôn tích cự tham gia các phong trào tương thân, tương ái, nhân đạo, từ thiện... Qua đó, nhiều năm liên tục Đảng bộ được công nhận là tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, Trường được công nhân là cơ quan văn hóa, các tổ chức trong trường đều được xếp loại vững mạnh. Đây chính là những điều kiện tiên quyết giúp trường vững bước đi.

Với những thành tích đã đạt được, Trường Chính trị tỉnh Hà Giang đã được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1997, hạng Nhì năm 2006; Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ Thi đua các năm 2006, 2012 và 2015. Có 3 cá nhân được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; nhiều tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Chính phủ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; nhiều cá nhân đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, Chiến sỹ thi đua toàn quốc...

Phạm Sỹ Hùng (Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lời hẹn ước Khâu Vai

BHG - Những ngày tháng Tư, khi những triền ngô trên nương xanh mướt, người dân gác lại bộn bề công việc để đến với "Chợ tình" theo lời ước hẹn. Sau ba ngày trải nghiệm ở Khâu Vai, tôi thực sự cảm nhận được một hình ảnh về cuộc sống yên bình, nhìn thấy góc nhỏ trong tâm hồn mỗi con người miền núi đá. "Chàng ơi xuống núi cùng em/ Hãy mang theo ngựa và đi một mình" – lời bài hát gắn liền với phiên "Chợ tình" như chất chứa nỗi khao khát được yêu, được sẻ chia, tâm tình.

26/04/2017
"Mê cung đá" – Kiệt tác của thiên nhiên

BHG - Nằm giữa lòng Công viên ĐCTC CNĐ Đồng Văn, "Mê cung đá" thuộc xã Khâu Vai (Mèo Vạc) mang dáng dấp của Vịnh Hạ Long thu nhỏ. Với kiến tạo độc đáo về mặt địa chất, địa mạo, "Mê cung đá" không chỉ được xem là kiệt tác của thiên nhiên mà nơi đây còn gắn liền với câu chuyện tình yêu huyền thoại giữa Chàng Ba và Nàng Út – nguồn cội của phiên "Chợ tình" trên miền cực Bắc. 

25/04/2017
"Chợ tình" Khâu Vai: Nơi gìn giữ nét văn hóa đặc sắc

BHG - Khi cao nguyên đá Đồng Văn khoác lên mình chiếc áo mới với những nương ngô xanh mướt thì cũng là lúc người dân vùng cao Mèo Vạc xúng xính trên người với bộ quần áo sặc sỡ xuống chợ tình Khâu vai để hẹn hò. 

24/04/2017
Các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội "Chợ tình" Khâu Vai năm 2017

BHG- Trong chuỗi các sự kiện của lễ hội "Chợ tình" Khâu Vai năm 2017, diễn ra từ ngày 21 – 23.4, có nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như: Thi chọi chim Họa mi, Lễ dâng hương Miếu Ông, Miếu Bà; giao lưu văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống... thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương.

24/04/2017