Dấu ấn một "Ngày hội"

10:17, 24/02/2016

BHG- Sau hai ngày tổ chức, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông huyện Mèo Vạc lần thứ hai đã khép lại và thành công tốt đẹp. Mọi người đã trở về với công việc đời thường, để lại đằng sau vẻ lưu luyến, bịn rịn và sự lắng đọng trong tâm hồn du khách và mỗi con người nơi đây.

Du khách người Thụy Sĩ chăm chú tìm hiểu quy trình dệt vải lanh.
Du khách người Thụy Sĩ chăm chú tìm hiểu quy trình dệt vải lanh.

Năm nay, huyện Mèo Vạc tiếp tục tổ chức “Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông” với quy mô cấp huyện, theo nội dung chương trình phong phú, như: xếp tường rào đá; se lanh dệt vải; Lễ hội Gầu tào, đan quẩy tấu, tung còn, chọi dê, chọi chim họa mi, cắt mía, kéo co, thi leo dốc, hay giới thiệu các món ăn đặc trưng của đồng bào Mông như mèn mén, thắng cố cùng nhiều hoạt động văn hóa thể thao dân gian khác. Điểm mới tại Ngày hội Văn hóa năm nay, đó là huyện Mèo Vạc còn tổ chức triển lãm ảnh “Đất và Người Mèo Vạc”, tái hiện không gian phiên chợ truyền thống ngày xuân, giới thiệu về đời sống sinh hoạt và trải nghiệm cuộc sống lao động của người đàn ông Mông, người phụ nữ Mông trong một ngày; Giao lưu văn hóa Khèn Mông và trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Mông của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Để tổ chức thành công Ngày hội, Ban tổ chức đã xây dựng kế hoạch, nội dung kịch bản chi tiết và chương trình được sắp xếp theo chuỗi sự kiện, công phu và đặc sắc. Vì vậy, chỉ diễn ra trong thời gian 1,5 ngày nhưng du khách được hòa mình trong không gian văn hóa độc đáo của đồng bào Mông. Chị Khuất Minh Hạnh, du khách đến từ Hà Nội tâm sự: “Lần đầu tiên đến với Mèo Vạc, thật hạnh phúc khi tôi được hiểu thêm nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông, mà trước đó chỉ xem qua ti vi. Điều thú vị hơn là còn được tham gia trải nghiệm xay ngô, dệt vải lanh và thưởng thức món ăn thắng cố”.  Nhưng có lẽ không chỉ riêng chị Hạnh có cảm nhận vậy, mà hầu hết du khách từ các nơi đến đều rất ấn tượng với nét văn hóa đặc trưng đa sắc màu của đồng bào Mông còn giữ lại nguyên vẹn, không bị tác động bởi nền kinh tế thị trường.

 Dạo quanh các khung cửi dệt vải, hai du khách Thụy Sĩ đã dành nhiều thời gian tìm hiểu tỉ mỉ về quy trình dệt lanh của đồng bào Mông, hay cảm phục trước những bàn tay khéo léo, nhanh nhẹn đan quẩy tấu của các nghệ nhân xã Giàng Chu Phìn và chiêm ngưỡng những bức ảnh của các “nghệ sĩ không chuyên” như để hiểu hơn về “Đất và Người Mèo Vạc”. Vì vậy, có thể khẳng định nhu cầu muốn khám phá, trải nghiệm nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc vùng cao của du khách là rất lớn. Đây sẽ là hướng đi mới trong việc bảo tồn, phát triển văn hóa gắn với du lịch ở Mèo Vạc. Ông Vàng Mí Sử, Chủ tịch UBND xã Lũng Chinh nhận định: “Ngày hội Văn hóa năm nay đã có sự đổi mới, nhiều tiết mục múa khèn Mông của các nghệ nhân biểu diễn rất ấn tượng. Các lời giới thiệu, phát biểu khai mạc của lãnh đạo huyện đều được dịch ra tiếng Mông nên rất thuận lợi cho người dân đến xem. Tuy nhiên, cần tổ chức các hội thảo mời các nghệ nhân am hiểu sâu sắc văn hóa Mông để đóng góp ý kiến, sưu tầm, bổ sung thêm các nét văn hóa mới cho ngày hội. Có như vậy, lượng du khách sẽ đến với Mèo Vạc ngày càng nhiều hơn”.

Bên cạnh công tác chuẩn bị chu đáo của Ban tổ chức thì sự đóng góp vào thành công của Ngày hội, đó là lượng du khách và nhân dân đến tham dự đông kỷ lục. Theo thống kê, có khoảng hơn 3000 người tham gia lễ hội, trong đó du khách trong nước 276 người và du khách nước ngoài 53 người; tăng gấp rưỡi so với Ngày hội văn hóa lần thứ Nhất. Ngoài ra, với hệ thống cơ sở dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn được đầu tư, nâng cấp với số lượng lớn nhất trong các huyện vùng công viên, cũng là điều kiện thuận lợi để huyện Mèo Vạc tổ chức các sự kiện có quy mô lớn và đáp ứng tốt nhu cầu ăn, nghỉ của du khách.

Một ngày hội đã trôi qua, nhưng dấu ấn đậm nét của nó vẫn còn đọng lại mãi trong tâm trí mỗi người. Hy vọng với sự thành công này, sẽ là kinh nghiệm quý báu để huyện Mèo Vạc tổ chức các sự kiện văn hóa tiếp theo mang tính quy mô và chuyên nghiệp hơn; nhằm góp phần xây dựng hình ảnh một Mèo Vạc “điểm đến hấp dẫn” trong lòng du khách thập phương.

Quỳnh Lưu


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Nụ" Xuân trên Cao nguyên đá

BHG- Khi cánh hoa đào lung linh sắc thắm, cành mận trắng tinh khôi cũng là thời điểm Cao nguyên đá Đồng Văn khoác lên mình vẻ đẹp yêu kiều của mùa Xuân mới. Dưới ánh nắng rót mật vàng, "bức tranh" Xuân trên Cao nguyên đá còn được tô điểm bởi ánh mắt, nụ cười duyên của bao em nhỏ vùng cao, xúng xính trong những bộ váy áo rực rỡ sắc mầu.

24/02/2016
Thị trấn Phó Bảng đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài

BHG - Xác định rõ khuyến học, khuyến tài (KHKT) là yếu tố quan trọng góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục địa phương. Thời gian vừa qua, Hội Khuyến học thị trấn Phó Bảng (Đồng Văn) đã đẩy mạnh công tác KHKT tạo được sức lan tỏa đến từng gia đình, thôn bản và đơn vị trường học trên địa bàn.

23/02/2016
Ngày thơ Việt Nam lần thứ XIV

BHG- Ngày 21.2, Hội VHNT thành phố Hà Giang phối hợp với trường THPT Chuyên tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XIV (Nguyên Tiêu Bính Thân 2016) với chủ đề "Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng thành phố Hà Giang đổi mới". Đến dự có các ông Hoàng Trung Luyến, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh; Hạng Mí De, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh; các văn, nghệ sỹ thành phố và đông đảo các em học sinh trường THPT Chuyên.

22/02/2016
Lễ hội chọi trâu truyền thống xã Trung Thành năm 2016

BHG- Trong 2 ngày, 20 và 21.2, xã Trung Thành (Vị Xuyên) tổ chức Lễ hội chọi trâu truyền thống lần thứ 9. Tới dự và cổ vũ có đồng chí Vi Hữu Cầu, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Vị Xuyên, các đồng chí lãnh đạo huyện Vị Xuyên cùng đông đảo bà con nhân dân và du khách gần xa trong và ngoài tỉnh. 

22/02/2016