Họp về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu "không để có tiền mà không tiêu được"

15:20, 21/08/2020

BHG - Sáng 21.8, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Chủ trì hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Vũ Đức Đam, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Dự tại điểm cầu T.Ư có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; lãnh đạo các bộ, cơ quan, ngành T.Ư. Dự và chủ trì tại điểm cầu Hà Giang có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự tại điểm cầu tỉnh ta
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự tại điểm cầu tỉnh ta

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, tổng nguồn vốn ngân sách thực hiện trong năm 2020 trên 630.000 tỷ đồng, trong đó vốn kế hoạch của năm 2020 trên 470.000 tỷ đồng, còn lại là vốn ODA và vốn chuyển nguồn từ năm 2019. Ước hết tháng 8, tiến độ giải ngân các nguồn vốn đạt 41,48% kế hoạch. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay có sự tăng đáng kể. Đã có 5 bộ, 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân từ 90% trở lên. Tuy nhiên còn có 29 bộ, cơ quan T.Ư và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%; 15 bộ, ngành T.Ư và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15%.

Đối với tỉnh ta, tính đến ngày 20.8, tổng vốn đã phân bổ năm 2020 là 4.562,38 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư kế hoạch 2020 là 3.792,38 tỷ đồng; vốn ODA không trong cân đối 770 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân đến nay trên 1.844 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 40,4% kế hoạch.

Những nguyên nhân giải ngân chậm được xác định như: Việc lập kế hoạch chưa sát thực tế nên khả năng phân bổ không đảm bảo; các cấp, ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò của người đứng đầu chưa rõ nét; nguồn vốn ODA có nhiều đặc thù, phải điều chỉnh nhiều chủ trương, hiệp định vay nên không rút được vốn; dịch bệnh Covid – 19 khiến tiến độ nhiều dự án chậm lại. Vướng mắc lớn nhất là giải phóng mặt bằng các dự án kéo dài khiến tiến độ giải ngân chậm.

Nhằm thúc đẩy giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các bộ, ngành, địa phương đã đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp như: Cho điều chuyển vốn giữa các bộ, ngành hoặc địa phương chưa giải ngân được vốn và đã có tiến độ triển khai các dự án; sớm giải quyết các vướng mắc của các dự án lớn, trọng điểm, kéo dài; phân cấp cho các bộ, ngành và địa phương; rà soát hệ thống pháp luật, tháo gỡ các rào cản, khó khăn, tạo điều kiện giải ngân nhanh;  sớm hoàn thành giao chi tiết nguồn vốn các dự án; đẩy nhanh thực hiện các dự án để có khối lượng giải ngân; các chủ đầu tư xác định rõ yếu kém trong các khâu giải ngân vốn để có phương án xử lý; phân công cá nhân theo dõi các dự án để chịu trách nhiệm trước người đứng đầu về tiến độ giải ngân làm căn cứ đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của năm; lựa chọn nhà thầu qua mạng công khai, minh bạch trong đấu thầu; đẩy nhanh ứng dụng CNTT trong kiểm soát chi để rút ngắn thời gian tồn đọng hồ sơ…

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá các bộ, ngành, địa phương được phân bổ vốn đầu tư đã có nhiều cố gắng, tập trung chỉ đạo việc giải ngân. Thể hiện quyết tâm đến cuối năm sẽ hoàn thành từ 90% vốn đầu tư trở lên và có nhiều cách làm mới, hiệu quả trong giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập trong công tác này và nhiều đơn vị, địa phương có tiến độ giải ngân rất thấp. Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công dưới 30% nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát, chấn chỉnh, có biện pháp thúc đẩy giải ngân; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn; Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Bộ trưởng các bộ chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ giải ngân vốn; không để chậm giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền; rà soát lại các quy trình, thủ tục đầu tư thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang vướng mắc để tham mưu tháo gỡ; thường xuyên thông tin, báo cáo tiến độ, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương thường xuyên giao ban, đôn đốc, đưa ra các quyết sách giải quyết vướng mắc của từng dự án; thực hiện đồng bộ các giải pháp của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trong thời gian qua; tập trung giải quyết vướng mắc thực hiện các công trình trọng điểm từ T.Ư đến địa phương; xử lý nghiêm những vấn đề vi phạm ảnh hưởng, gây hậu quả nghiêm trọng đến tiến độ giải ngân vốn và chất lượng các dự án; chuẩn bị đủ vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA; kiên quyết điều chỉnh vốn với các nguồn vốn không thể giải ngân ở các bộ, ngành, địa phương để giải ngân hết vốn được giao; đẩy nhanh công tác thanh toán, quyết toán với các dự án đã hoàn thành hoặc có khả năng trong năm 2020… Thủ tướng nhấn mạnh: Không để có tiền mà không tiêu được, kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương nếu không hoàn thành tiến độ giải ngân trong năm nay.

Tin, ảnh: Duy Tuấn.


Cùng chuyên mục

Hiệu quả từ chính sách trợ giúp xã hội theo Nghị định 136 của Chính phủ

BHG - Nhằm hướng đến mục tiêu bù đắp, đảm bảo mức sống tối thiểu cho đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH); đồng thời, cụ thể hóa Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21.10.2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội (TGXH) đối với đối tượng BTXH...

21/08/2020
Xin ý kiến nhân dân vào Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (Tiếp phần I)

3. HẠN CHẾ, KHUYẾT ĐIỂM, NGUYÊN NHÂN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM:

 3.1. Hạn chế, khuyết điểm . 

 * Về lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh: 12 chỉ tiêu không đạt nghị quyết, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: Liên kết sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo chuỗi giá trị chưa đạt hiệu quả; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm của các làng nghề còn đơn điệu; hiệu quả của kinh tế hợp tác xã, trang trại; mô hình hợp tác xã kiểu mới; tiềm năng, 

21/08/2020
Khẳng định vai trò nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị ở cơ sở

BHG - Tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị ở cơ sở. Việc xây dựng TCCSĐ gắn với nâng cao chất lượng đảng viên sẽ góp phần quan trọng vào sự lớn mạnh của Đảng, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Để TCCSĐ hoàn thành sứ mệnh lịch sử này, công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn TCCSĐ, phát triển, nâng cao chất lượng đảng viên được các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm.

 

20/08/2020
Họp bàn tiến độ thực hiện và công tác khắc phục hậu quả thiên tai Dự án đường giao thông liên kết các vùng

BHG - Sáng 20.8, UBND tỉnh tổ chức họp bàn về tiến độ thực hiện và công tác khắc phục hậu quả thiên tai Dự án đường giao thông liên kết các vùng KT-XH phía Đông tỉnh Hà Giang giáp ranh tỉnh Cao Bằng (đường tỉnh: Ngọc Đường – Tùng Bá – Tráng Kìm). Đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì cuộc họp. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.

 

20/08/2020