Xin ý kiến nhân dân vào Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (Tiếp phần I)

10:33, 21/08/2020
 

3. HẠN CHẾ, KHUYẾT ĐIỂM, NGUYÊN NHÂN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

3.1. Hạn chế, khuyết điểm 

* Về lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh: 12 chỉ tiêu không đạt nghị quyết, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: Liên kết sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo chuỗi giá trị chưa đạt hiệu quả; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm của các làng nghề còn đơn điệu; hiệu quả của kinh tế hợp tác xã, trang trại; mô hình hợp tác xã kiểu mới; tiềm năng, lợi thế về kinh tế rừng chưa được khai thác. Một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới chưa thực sự bền vững. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, tổng sản phẩm bình quân đầu người so với các tỉnh trung du và miền núi phía bắc còn ở mức thấp(22).

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống chưa rõ nét, chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Kết quả thực hiện một số chương trình trọng tâm còn thấp so với mục tiêu đề ra như: Chương trình phát triển kinh tế biên mậu, Chương trình phát triển cây dược liệu. Thu hút, đầu tư kết cấu hạ tầng các cửa khẩu còn gặp nhiều khó khăn. Hoạt động xuất, nhập khẩu thiếu bền vững, chưa có nhiều sản phẩm của địa phương. Sự phối hợp giữa các ngành, lực lượng trong quản lý xuất nhập khẩu có lúc chưa chặt chẽ, kịp thời.

Khai thác tài nguyên, chế biến khoáng sản chưa hiệu quả, công nghệ kém hiện đại; một số dự án thủy điện triển khai chậm; quản lý tài nguyên đất đai, khoáng sản còn nhiều bất cập, còn để xảy ra nhiều vi phạm. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội còn thiếu và yếu, nhất là hạ tầng giao thông, nhiều tuyến đường giao thông xuống cấp chậm được sửa chữa, nâng cấp. Chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch, trật tự đô thị, kiểm tra, giám sát chất lượng xây dựng các công trình còn nhiều hạn chế, bất cập.

Phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng. Sản phẩm phục vụ du lịch chưa đa dạng, phong phú, dịch vụ và hoạt động du lịch thiếu chuyên nghiệp. Cơ chế, chính sách, sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương trong vùng động lực chưa mang lại hiệu quả thiết thực.

Chất lượng giáo dục và đào tạo còn thấp; phương pháp giáo dục chậm đổi mới, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả thiếu thực chất, còn biểu hiện bệnh thành tích; một bộ phận cán bộ, giáo viên yếu về chuyên môn nghiệp vụ, cá biệt còn một số trường hợp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp để xảy ra sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Hạ tầng và công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân tuyến cơ sở còn yếu; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn khá cao, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa được khắc phục hiệu quả. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, số hộ tái nghèo và số hộ cận nghèo còn cao; sự chênh lệch về mức hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, miền còn lớn, chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng. Thiết chế văn hóa còn thiếu, một số giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc bị mai một.

Việc triển khai xây dựng một số công trình trọng điểm trong khu vực phòng thủ tỉnh còn chậm. Công tác phòng ngừa tội phạm và hoạt động của một số mô hình tự quản về an ninh, trật tự có nơi chất lượng hiệu quả thấp; an ninh nông thôn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp; quản lý xuất nhập cảnh, người lao động qua biên giới chưa chặt chẽ.

Các hoạt động đối ngoại gắn với xúc tiến đầu tư, thương mại chưa hiệu quả, việc thực hiện một số thỏa thuận hợp tác còn chậm tiến độ, quan hệ hợp tác về kinh tế với các đối tác quốc tế đã được quan tâm, nhưng chưa thực sự đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực phục vụ cho hội nhập quốc tế còn thiếu và yếu.

* Về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị: Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ có nơi, có mặt còn hạn chế; một số chỉ thị, nghị quyết triển khai còn chậm; việc nâng cao chất lượng sinh hoạt, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo, tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình ở một số chi bộ, đảng bộ còn yếu. Công tác kiện toàn cán bộ chủ chốt các sở, ngành, luân chuyển cán bộ chưa kịp thời, hiệu quả không cao; còn để nhiều cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu vi phạm kỷ luật Đảng. Chất lượng công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, kỹ năng, nghiệp vụ của một số cán bộ còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng hiệu quả chưa cao, việc nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng, dư luận của nhân dân có lúc, có việc chưa kịp thời. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt, còn hình thức dẫn đến cán bộ vi phạm pháp luật.

Cải cách hành chính ở một số khâu còn chậm, hiệu quả chưa cao; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn ở mức thấp; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn yếu. Công tác chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết các vấn đề bức xúc tồn đọng tại địa phương có lúc chưa kiên quyết, thiếu chủ động; một số cán bộ, công chức, viên chức còn biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà trong thực thi công vụ. Tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài vẫn còn xảy ra, việc giải quyết ý kiến cử tri và kiến nghị sau giám sát một số nội dung tồn đọng chưa dứt điểm.

Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp có lúc, có nơi chưa sâu sát. Chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động của một số cơ sở còn thấp. Công tác giám sát, phản biện xã hội còn yếu, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đề ra.

3.2. Nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm

Nguyên nhân khách quan

Là tỉnh vùng cao, miền núi, biên giới, xuất phát điểm về kinh tế - xã hội thấp, chủ yếu là dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không cao; địa hình chia cắt mạnh, thiếu đất canh tác và nước cho sản xuất, sinh hoạt; hậu quả của chiến tranh biên giới còn ảnh hưởng rất lớn; hệ thống kết cấu hạ tầng yếu kém; hệ thống giao thông thuộc quyền quản lý của Bộ Giao thông - Vận tải chậm được cải tạo, nâng cấp; tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến bất thường. Các phương tiện thông tin trực tiếp tác động đa chiều, ngày càng phức tạp nhưng có lúc chưa được định hướng kịp thời đã tác động trực tiếp đến người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới. Một số cơ chế, chính sách của Trung ương chưa thực sự phù hợp với điều kiện của tỉnh vùng cao, biên giới, cuộc sống của đồng bào dân tộc. Nguồn lực đầu tư cho Hà Giang mặc dù đã được Trung ương quan tâm, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của tỉnh.

Nguyên nhân chủ quan

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ của một số cấp ủy đảng thiếu sâu sát, kịp thời, chưa thực sự quyết liệt, thường xuyên, toàn diện. Cán bộ quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực còn buông lỏng, yếu kém, nhũng nhiều, phiền hà; tổ chức thực hiện gắn với kiểm tra, đôn đốc vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục; năng lực cán bộ triển khai cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng chưa đáp ứng được yêu cầu; triển khai thực hiện một số đề án, chương trình về phát triển kinh tế - xã hội chưa có đầy đủ nguồn lực thực hiện và điều kiện thực tế của của từng địa phương, còn biểu hiện chủ quan, nóng vội.

Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong triển khai, thực hiện một số chủ trương, nhiệm vụ chưa đồng bộ, hiệu quả thấp. Vai trò tham mưu, đề xuất của một số ngành, địa phương chưa chủ động, thiếu sáng tạo. Công tác thông tin xử lý chưa kịp thời, chất lượng dự báo thấp.

Thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy chưa nghiêm; vai trò, trách nhiệm, tính nêu gương của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự được phát huy; còn tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều, làm ít. Một số nội dung trong công tác cán bộ ở một số nơi còn bất cập: Đánh giá, nhận xét còn hình thức; quy hoạch còn khép kín, thụ động; luân chuyển, điều động, đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với quy hoạch và sử dụng.

Ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm công vụ của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn yếu; năng lực tổ chức thực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, bệnh lãng phí, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi dẫn đến vi phạm pháp luật.

Hình thức, nội dung tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao. 

3.3. Bài học kinh nghiệm

Một là, phải thường xuyên quan tâm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải đảm bảo thực sự đoàn kết, thống nhất, tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ; trong chỉ đạo phải bám sát vào chủ trương, đường lối của Trung ương, vận dụng sáng tạo vào tình hình thực tiễn của địa phương, xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân nhưng phải đảm bảo quy định.

Hai là, khi tổ chức thực hiện phải có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, coi trọng chất lượng và hiệu quả thực tế; phân công đúng người, đúng việc, đề cao trách nhiệm, tính tiên phong gương mẫu của người đứng đầu; khắc phục bệnh nôn nóng, bệnh thành tích, bệnh hình thức; lựa chọn và thực hiện tốt những nhiệm vụ mang tính đột phá, trọng điểm chính sách để đầu tư phát triển nhưng hướng về cơ sở, đời sống thực tế của Nhân dân. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện để kịp thời chấn chỉnh. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào chỉ đạo, điều hành tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng Nhân dân các dân tộc, coi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng, là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là, luôn gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững với ứng dụng khoa học công nghệ và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ tài nguyên môi trường, giữ vững sự ổn định chính trị để phát triển. Chú trọng công tác đối ngoại, nhất là đối ngoại với các địa phương của nước láng giềng để gắn đối ngoại về phát triển kinh tế, đối ngoại nhân dân với bảo đảm chủ quyền biên giới quốc gia; chủ động, tích cực hợp tác giao lưu và hội nhập quốc tế.

Bốn là, thường xuyên quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, chú trọng chất lượng đạo đức cán bộ; quan tâm mạnh dạn giao nhiệm vụ, phân công cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ và cán bộ người dân tộc thiểu số để đào tạo, bồi dưỡng cơ bản. Tăng cường tự phê bình và phê bình, kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phải hiệu quả sát thực tiễn. Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Năm là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, công tác dân vận chính quyền. Tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân; phát huy vai trò của người có uy tín, hội nghệ nhân dân gian; giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, hệ thống chính trị, làm hạt nhân đoàn kết toàn dân.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, BCH Đảng bộ tỉnh rút ra 5 bài học kinh nghiệm:

Một là, phải thường xuyên quan tâm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Hai là, phải có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, coi trọng chất lượng và hiệu quả thực tế; phân công đúng người, đúng việc, đề cao trách nhiệm, tính tiên phong gương mẫu của người đứng đầu; khắc phục bệnh nôn nóng, thành tích, hình thức.

Ba là, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển KT-XH nhanh, bền vững với ứng dụng KHCN và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Bốn là, thường xuyên quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, chú trọng chất lượng đạo đức cán bộ.

Năm là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, công tác dân vận chính quyền.

(Còn nữa)

(22) Năm 2019, so với 14 tỉnh trung du và miền núi phía bắc, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 2.289 tỷ đồng, xếp thứ 9/14, tổng sản phẩm bình quân đầu người 28,1 triệu đồng, xếp thứ 14.

Các ý kiến góp ý gửi theo địa chỉ:

Thư điện tử:

Thukybhg@gmail.com

Vptuhgdh17@gmail.com

Thoisuhg@gmail.com

Thư tay tiêu đề ghi: Góp ý dự thảo Báo cáo Chính trị. Gửi về một trong các địa chỉ sau:

Báo Hà Giang: số 5 đường Nguyễn Huệ, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang.

Văn phòng Tỉnh ủy Hà Giang: số 547 đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang.

Văn phòng Đài PT-TH tỉnh: số 126 đường Nguyễn Thái Học, tổ 7, phường Trần Phú, thành phố Hà Giang

(Toàn văn dự thảo Báo cáo Chính trị đăng trên Báo Hà Giang điện tử: baohagiang.vn)

[links()]


Cùng chuyên mục

Xin ý kiến nhân dân vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (phần I)

BHG - Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đại hội có nhiệm vụ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; đề ra quan điểm chỉ đạo, định hướng phát triển, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, giải pháp trong 5 năm tới. Báo Hà Giang điện tử xin giới thiệu nội dung Dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI, trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 để được trân trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh. Sau đây, Báo Hà Giang điện tử xin gửi tới bạn đọc và nhân dân nội dung tiếp theo trong phần I của Dự thảo Báo cáo.

20/08/2020
Xin ý kiến nhân dân vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (phần I)

BHG - Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đại hội có nhiệm vụ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; đề ra quan điểm chỉ đạo, định hướng phát triển, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, giải pháp trong 5 năm tới. Báo Hà Giang điện tử xin giới thiệu nội dung Dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI, trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 để được trân trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh. Sau đây, Báo Hà Giang điện tử xin gửi tới bạn đọc và nhân dân phần I của Dự thảo Báo cáo.

19/08/2020
Các ý đóng góp xin gửi về các địa chỉ dưới đây

1. Văn phòng Tỉnh ủy: Email: vptuhgdh17@gmail.com. Hoặc gửi thư tay theo địa chỉ: Số 547, đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Trãi, T.p Hà Giang

2. Báo Hà Giang: Email: thukybhg@gmail.com. Hoặc gửi thư tay theo địa chỉ: Tòa soạn Báo Hà Giang, số 5, đường Nguyễn Huệ, phường Nguyễn Trãi, T.p Hà Giang.

3. Đài PT – TH Hà Giang: Email: thoisuhg@gmail.com. Hoặc gửi thư tay theo địa chỉ: Văn phòng Đài PT-TH Hà Giang, số 126, đường Nguyễn Thái Học, tổ 7, phường Trần Phú, T.p Hà Giang.

18/08/2020
Toàn văn Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025

BHG - Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đại hội có nhiệm vụ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; đề ra quan điểm chỉ đạo, định hướng phát triển, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, giải pháp trong 5 năm tới và những năm tiếp theo; kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI; thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII và bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng...

18/08/2020