Gặp lại vị Đại biểu Quốc hội độc đáo của Hà Giang

07:55, 01/02/2016

(Xuân 2016)- Ông Vừ Mí Kẻ là đại biểu Quốc hội 5 khóa liên tiếp từ khóa II đến khóa VII của tỉnh Hà Giang.

Ông Vừ Mí Kẻ.
Ông Vừ Mí Kẻ.

Sinh năm 1929 ở xã Sà Phìn trên cao nguyên Đồng Văn, ngay từ nhỏ, ông Vừ Mí Kẻ đã có tiếng là một cậu bé Mông khỏe mạnh, thông minh, có bản lĩnh. Năm 1944, cậu bé 15 tuổi Mí Kẻ được “Vua Mèo” Vương Chính Đức đưa về làm công việc “coi ngựa” ở dinh Sà Phìn. Dù chỉ là người giúp việc, theo cách gọi trước đây là kẻ ăn người ở, nhưng Mí Kẻ vẫn được cả nhà Vương quý mến vì chăm chỉ và rất biết việc.

Năm 1945, Cách mạng Tháng 8 thành công đã tạo nên bước ngoặt quan trọng trong lịch sử dân tộc, từ đây, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới. Tổng bộ Việt Minh đã mời ông Vương Chính Đức về thăm Thủ đô Hà Nội và thăm Hồ Chủ Tịch, song do tuổi cao sức yếu, Bộ tham mưu của người Mèo quyết định cử Vương Chí Sình đi thay. Năm 1946, Vương Chí Sình thay mặt cha về Hà Nội diện kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vừ Mí Kẻ được Vương cho đi tháp tùng. Tại Hà Nội, Vừ Mí Kẻ được cùng Vương Chí Sình vào Phủ Chủ tịch, được chứng kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh làm lễ kết nghĩa với Vương Chí Sình và trao tặng người anh em kết nghĩa họ Vương thanh bảo kiếm có khắc tám chữ đầy ý nghĩa: “Tận trung báo quốc, bất thụ nô lệ”.

Sau lễ kết nghĩa với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vương Chí Sình trở về Sà Phìn thu gom gần như toàn bộ tài sản tham gia tuần lễ vàng, ủng hộ Chính phủ để kiến thiết quốc gia. Việc “áp tải” số vàng bạc gồm 22 vạn đồng bạc Đông Dương và 9kg vàng (tương đương 234 lượng) về Hà Nội được ông chủ họ Vương tin tưởng giao cho Vừ Mí Kẻ. Vượt qua chặng đường gần 500km trong đó có tới gần 300km đường rừng núi đèo dốc nằm trong vùng hoạt động của các nhóm thổ phỉ còn sót lại sau Cách mạng, chàng thanh niên 17 tuổi đã đưa số tài sản trên về tới Hà Nội an toàn, giao cho chính phủ đầy đủ, không hề suy suyển. Thành công đó của Vừ Mí Kẻ đã khẳng định sự lựa chọn đúng đắn, khẳng định niềm tin của Vương Chí Sình vào tài năng, lòng trung thành và tấm lòng của chàng thanh niên Mông giàu nhiệt huyết với Cách mạng.

Năm 1950, khi 21 tuổi, Vừ Mí Kẻ được giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Uỷ ban hành chính kháng chiến xã Sà Phìn quê hương ông, Mí Kẻ đã hoàn thành xuất sắc công việc được giao, được dân bản yêu mến, tin tưởng. Năm 1957, Chủ tịch huyện Vương Chí Sình lúc đó 71 tuổi, xin nghỉ vì tuổi đã cao, từ đó Vừ Mí Kẻ đảm nhiệm chức vụ này. Ba năm sau, miền Bắc bầu cử Quốc hội khóa II, cả cụ Vương Chí Sình và ông Chủ tịch huyện Đồng Văn họ Vừ đều được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội. Và ông Vừ Mí Kẻ, anh chàng coi ngựa của Vương gia năm xưa được nhân dân bầu làm đại biểu Quốc hội năm khóa liên tiếp.

Trước năm 1960, đường từ Hà Giang lên Đồng Văn vô cùng khó khăn, đi lại, vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng ngựa trên đường mòn. Nhằm cải thiện giao thông để nâng cao đời sống cho đồng bào vùng cao, Chính phủ đã đầu tư mở con đường ô tô lên Cao nguyên đá, con đường được Bác Hồ đặt tên là “Đường Hạnh Phúc”. Ông Vừ Mí Kẻ - Vị Chủ tịch huyện Đồng Văn đã rất sung sướng và tự hào được tham gia Ban Chỉ huy công trường, góp phần điều hành mở con đường lịch sử lên vùng cao.

Cung đường Hà Giang - Đồng Văn  đầy mê hoặc với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Ảnh: TƯ LIỆU
Cung đường Hà Giang - Đồng Văn đầy mê hoặc với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Ảnh: TƯ LIỆU

Tháng 6 năm 1965, lễ khánh thành con đường Hạnh Phúc được tổ chức trọng thể tại huyện lỵ Đồng Văn, chấm dứt nạn “mù đường” từ ngàn năm, nhân dân vô cùng phấn khởi. Bằng công sức của công nhân, dân công 18 dân tộc 8 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Hải Dương, Nam Định với hai triệu ngày công phá đá bạt núi, con đường dài 164km qua 4 huyện vùng cao Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc đã hoàn thành. Một kỳ tích của tinh thần đoàn kết và sự hy sinh cao cả của các dân tộc anh em - có sự đóng góp công sức của ông Chủ tịch huyện Đồng Văn Vừ Mí Kẻ.

Rồi ông Vừ Mí Kẻ được bầu làm Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh Hà Giang. Sau khi sáp nhập Hà Giang với Tuyên Quang, ông giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tuyên, rồi Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tuyên đến khi nghỉ chế độ.

Nghỉ hưu, huyền thoại một thời của miền Cao nguyên đá Đồng Văn sống bình dị trong căn nhà nhỏ với con trai là thượng tá Vừ Mí Na công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang và các cháu. Mỗi khi bạn bè đến thăm, ông vẫn đãi khách bằng rượu ngô quê hương. Mùa Xuân này ông đã bước sang tuổi 87, nhưng vẫn minh mẫn, khỏe mạnh, ngày ngày vẫn làm vườn, chăn nuôi, sống vui cùng con cháu.

An nhiên, tự tại, sống bình dị không một chút biểu hiện công thần, đó chính là hình ảnh của ông Vừ Mí Kẻ - vị đại biểu Quốc hội độc đáo ở Hà Giang.

PHƯƠNG HÀ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thách thức đang thử sức bền mỗi người dân miền Tây

(Xuân 2016)- Năm mới 2016 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tiền đề vững chắc tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo, chính vì vậy BCH Đảng bộ Hoàng Su Phì xác định ngay từ ngày đầu, tháng đầu phải tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, đảm bảo duy trì, tăng tổng giá trị sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. 

30/01/2016
UBND tỉnh họp phiên tháng 1.2016

BHG- Chiều 29.1, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh đã tiến hành phiên họp tháng 1. 

30/01/2016
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh chúc Tết Công an thành phố

BHG- Trong không khí vui tươi, phấn khởi chào đón Tết cổ truyền Bính Thân 2016, ngày 30.1, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đến chúc Tết và giao nhiệm vụ cho Công an Thành phố Hà Giang. 

30/01/2016
Nhanh chóng đưa Nghị quyết Đảng bộ huyện vào cuộc sống

(Xuân 2016)- Phát huy truyền thống đoàn kết, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng; tranh thủ thuận lợi, chủ động khắc phục khó khăn, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Mèo Vạc đang nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 vào cuộc sống.

30/01/2016