Đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu của xã hội

08:04, 31/10/2011

Các trường sư phạm phải đặt đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu của xã hội là một trong những nhiệm vụ chính; có biện pháp, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, chủ động hơn nữa trong việc phối kết hợp đào tạo giáo viên với các địa phương trên cả nước.


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội thảo khoa học: “Đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu của xã hội” được ĐH Sư phạm- ĐH Thái Nguyên tổ chức hôm nay (30/10), tại TP.Thái Nguyên. Đây là một hoạt động trọng tâm nằm trong chuỗi sự kiện của nhà trường thiết thực kỷ niệm 45 năm ngày thành lập (31/10/1966 - 31/10/2011). 

 Đoàn chủ tịch, chủ trì hội thảo. Ảnh, gdtd.vn

Dự Hội thảo còn có sự góp mặt của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu khoa học giáo dục trong và ngoài nước; đại diện lãnh đạo các ĐH vùng, các trường sư phạm trên cả nước và đông đảo CBGV- học viên của nhà trường.

Hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng tích cực và hiệu quả từ các trường CĐ-ĐH, các VNC, cơ sở sử dụng nguồn nhân lực và cơ sở giáo dục từ nhiều địa phương trên cả nước. Đã có 60 báo cáo tham luận được gửi tới Hội thảo từ các nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục và đông đảo GV, học viên cao học, nghiên cứu sinh của ĐH Sư phạm- ĐH Thái Nguyên.

Nhiệm vụ lớn của các trường sư phạm

PGS.TS Phạm Hồng Quang- Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm- ĐH Thái Nguyên khẳng định: Đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT là một trong những khâu quan trong để thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đại hội lần thứ XI của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành, có căn cứ khoa học, đáp ứng sự mong đợi của toàn xã hội.

Để chuẩn bị tham gia đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT sau năm 2015 và bồi dưỡng năng lực cho giáo viên các cấp, nhiệm vụ trong tâm cơ bản của các trường sư phạm là đổi mới chương trình đào tạo giáo viên (ĐTGV); trong đó, chương trình sư phạm là yếu tố cốt lõi thể hiện mục tiêu chiến lược, là điều kiện cơ bản để đổi mới phương pháp ĐTGV.

PGS.TS Phạm Hồng Quang cho rằng, điểm hạn chế của CT hiện nay là nặng, chủ yếu dựa vào khả năng thực tế của giảng viên với nội dung truyền thống, ít có sự sáng tạo môn học mới; cách dạy chưa đổi mới căn bản; hoạt động của người học tại môi trường PT còn hạn chế; yêu cầu mới của thực tiễn GDPT chưa được phản ánh đậm nét vào nhà trường sư phạm từ nội dung đến phương pháp giáo dục. Nhiều CT ĐTGV chưa phải là kết quả, sản phẩm của một công trình nghiên cứu khoa học giáo dục được đầu tư công phu.

Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ- Ban Tuyên giáo Trung ương: hiện nay, chất lượng GD Việt Nam đã có những bước tiến bộ, nhưng còn yếu kém so với thế giới, chưa đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của việc hội nhập WTO. 

Sự tăng trưởng mạnh mẽ đội ngũ nhà giáo đã khắc phục được tình trạng bất hợp lý trong cơ cấu đội ngũ nhà giáo theo cấp học, bậc học, theo chuyên môn, ngành nghề và vùng miền. Cụ thể, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ đưa ra con số, năm học 2009-2010 trong các trường ĐH-CĐ có 68.581 giảng viên; đạt tỉ lệ ĐH 31 SV/1 giảng viên, CĐ là 26/1. Tuy nhiên, tình trạng thiếu giảng viên ĐH-CĐ vẫn chưa được khắc phục, đặc biệt với các chuyên ngành đào tạo mới, môn học mới…

Theo ông, để khắc phục tình trạng trên phải làm tốt công tác đào tạo đội ngũ nhà giáo theo nhu cầu của xã hội. Muốn hoàn thành nhiệm vụ này, phải bám sát tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra (một trong ba khâu đột phá) “phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân”.

Nhu cầu lớn về đào tạo, đào tạo lại và nâng chuẩn giáo viên

Theo PSG.TS Phạm Việt Đức- Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm- ĐH Thái Nguyên, khảo sát sơ bộ cho thấy nhu cầu đào tạo, đào tạo lại và nâng chuẩn giáo viên và cán bộ quản lý hiện nay rất lớn, đặc biệt là các tỉnh miền núi, trong số này lại nổi lên là các giáo viên cấp mầm non và Tiểu học có nhu cầu học Đại học và giáo viên THPT có nhu cầu học sau ĐH. (Xem bảng số liệu tham khảo) 

Nguồn: ĐH trường Sư phạm- ĐH Thái Nguyên

Hiệu trưởng trường CĐ sư phạm Yên Bái Phạm Xuân Thuỷ cũng cho biết: Hiện nay, nhu cầu đào tạo lại và nâng chuẩn giáo viên và cán bộ quản lý tỉnh Sơn La và các tỉnh lân cận rất lớn. Do vậy, trong định hướng kế hoạch đào tạo của nhà trường là làm sao xác định đúng số lượng, nhu cầu học theo từng năm để có kế hoạch tổ chức dạy học có chất lượng. 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng nhấn mạnh: Đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội phải nắm bắt được số lượng giáo viên xã hội cần là bao nhiêu, nhu cầu về cơ cấu giáo viên ở các cấp học, các bộ môn như thế nào. Trong vấn đề này thậm chí phải nắm sâu hơn nữa cơ cấu về nội dung sẽ đào tạo. 

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã biểu dương và đánh giá cao nỗ lực tổ chức Hội thảo của nhà trường bởi đây là nhiệm vụ không mới nhưng rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, đào tạo năng lực của người giáo viên. Ở đây đề cập không chỉ riêng đối với giáo viên là sinh viên sư phạm mới ra trường mà còn bao gồm cả giáo viên tại chức cần phải được tiếp tục đào tạo và bồi dưỡng để đáp ứng nhu cầu công việc hiện nay và sắp tới. Hiện đào tạo giáo viên là rất lớn, các trường sư phạm phải làm sao tiếp cận được nhu cầu này.

Đến năm 2020, toàn bộ học sinh Tiểu học và một phần THCS chuyển sang mô hình dạy học cả ngày đồng thời thực hiện đưa dạy và học ngoại ngữ vào giáo dục tiểu học nên số lượng giáo viên sẽ tăng lên rất lớn, do vậy, các trường phải có phương pháp xác định cho sát với nhu cầu trước khi xây dựng kế hoạch.

Thứ trưởng gợi mở, nắm bắt nhu cầu đào tạo của giáo viên phổ thông còn có thể căn cứ vào kết quả đào tạo giáo viên trước đây của mỗi nhà trường. Có thể xem xét lại giáo viên sau khi ra trường đã được trang bị những mảng kiến thức nào, còn thiếu những mảng nào để mở lớp đào tạo lại cho số lượng giáo viên này.

 Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh, gdtd.vn

Các trường phải nhạy bén hơn nữa với thực tế giáo dục phổ thông để lên kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cho giáo viên. Trên thực tế, nhu cầu giảng dạy, trang bị kĩ năng sống, lối sống đạo đức cho học sinh đang rất lớn; tuy nhiên các trường sư phạm chưa quan tâm đến năng lực để đáp ứng nhu cầu này của sinh viên mới ra trường.

Ngành giáo dục đang tích cực triển khai đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá. Trong khi đó các trường sư phạm lại hoàn toàn không chú ý đào tạo cho giáo viên về thế nào là kiểm tra đánh giá, kiểm tra đánh giá không đơn giản như chấm và cho điểm theo cách thông thường. Đây chính là do tự thân các trường đã bỏ đi một mảng kiến thức trong đào tạo giáo viên cần phải được khắc phục trong thời gian tới.

Trong hệ thống giáo dục quốc dân có giáo dục chính quy và giáo dục không chính quy. Giáo dục không chính quy ngày càng quan trọng để người dân học tập suốt đời. Trong đó giáo dục thường xuyên đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, từ trước đến nay, các trường lại không đào tạo giáo viên cho hình thức học tập này; hoặc như nhu cầu giảng dạy cho trẻ em khuyết tật nằm trong xu hướng hoà nhập nhưng các trường cũng chưa thực sự chú trọng nhu cầu này…

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển mong muốn, bên cạnh việc trang bị đạo đức lối sống cho học sinh, các trường sư phạm phải đặc biệt chú trọng hơn nữa trong việc trang bị năng lực, phẩm chất chính trị, tâm huyết nghề nghiệp, đây là yếu tố quyết định đến chất lượng đội ngũ giáo viên mà xưa nay các trường chưa thực sự chú trọng.

Cơ hội và thách thức mới 

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, hiện nay, đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu của xã hội trong các trường sư phạm đang đứng trước có hội mới và thách thức mới. 

Vì từ trước đến nay, đào tạo giáo viên không có quy hoạch nên số lượng giáo viên hiện nay rất đông đảo nhưng không đồng đều về cơ cấu, và theo vùng miền. Đây là vấn đề phổ quát, không riêng ngành sư phạm mà tất cả các ngành đều có chung tình trạng đào tạo không có quy hoạch, không có chiến lược. Chúng ta đã có Chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho đến năm 2020, song song với đó, trong thời gian tới, các địa phương trên cả nước cũng phải đưa ra kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương mình trong định hướng phát triển. 

Đây là một cơ hội. Tuy nhiên, mạng lưới các trường sư phạm phải gắn kết được với quy hoạch nhân lực của ngành, của địa phương và các địa phương lân cận. Bởi một địa phương không chỉ có một trường đào tạo giáo viên và một trường sư phạm lại đào tạo giáo viên cho nhiều địa phương khác nhau. Do vậy việc xác định nhu cầu đào tạo theo hướng này là một vấn đề mới, từ trước đến nay, các trường chưa có kinh nghiệm, đấy là một thách thức.

Trong thời gian tới, các trường sư phạm và các sở GD-ĐT phải tìm biện pháp phối kết hợp, có cơ chế gắn kết tốt bồi dưỡng giáo viên cho các địa phương để nâng cao chất lượng giáo viên ở đây nhằm đáp ứng việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. 


gdtd.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thỏa thuận ngừng bắn mới ở Dải Ga-da
Ai Cập đã giúp môi giới một lệnh ngừng bắn mới giữa các nhóm vũ trang ở Dải Ga-da, sau khi bạo lực bùng phát làm chín người Pa-le-xtin và một người I-xra-en thiệt mạng.
31/10/2011
Libya 27/10: Chuỗi trả thù tàn bạo của NTC đã bắt đầu?
Gia đình Gaddafi hiện đang muốn khởi kiện NTC lên Toà án Hình sự Quốc tế (ICC) giữa lúc rộ tin Thái tử Saif - người vừa lên truyền hình tuyên bố sẽ trả thù cho cha - đang muốn thương lượng với ICC, còn Thủ tướng Nga cảm thấy ghê rợn trước những hình ảnh thảm khốc vào phút cuối đời của nhà cựu lãnh đạo Libya này.
28/10/2011
Các trường đề xuất tuyển sinh 'ba chung' và 'một riêng'
Cải tiến chứ không bỏ "ba chung", tiến hành "ba chung" và "một riêng" là đề xuất được nhiều trường đưa ra trong hội thảo kiến nghị đổi mới thi và tuyển sinh của Hiệp hội các trường ĐH,CĐ ngoài công lập.
27/10/2011
Phát hiện con trai ông Muammar Gaddafi ở Niger
Các nguồn tin quân sự cho biết sáng 26/10, người ta đã phát hiện ra Saif al-Islamm, con trai của cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi và là người đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) truy nã, tại thị trấn Arlit (cách thành phố Agadez khoảng 400 km về phía Bắc), thuộc miền Bắc của Niger.
27/10/2011