Bật mí bí quyết học và thi của các thủ khoa ĐH

08:50, 31/03/2009

Bốn thủ khoa ở các khối thi của kỳ tuyển sinh ĐH 2007 - 2008 sẽ bật mí đến các bạn những bí quyết học và thi của họ. Trong đó có những bí quyết rất đơn giản và bạn hoàn toàn có thể học hỏi, thực hành và nghĩ về danh hiệu thủ khoa.


* Nguyễn Lâm Trúc - dự thi khối A vào ĐH Bách khoa TP.HCM, đạt 30/30 điểm.

Hiện là SV ĐH Bách khoa TP.HCM: không học thêm, tự học là chính. Mỗi môn thi có cách học riêng. Bám sát sách giáo khoa. Học với niềm hứng thú.

Nguyễn Lâm Trúc - thủ khoa 30/30 điểm của ĐH Bách khoa TP.HCM kỳ tuyển sinh 2007-2008 - Ảnh: Trung Uyên

Tôi học kỹ các kiến thức trong sách giáo khoa, cố gắng hiểu cặn kẽ các kiến thức đó. Cố gắng tìm những suy luận nhỏ từ những vấn đề đã học.

Tôi không đi học thêm mà tự học là chính. Mỗi ngày tôi dành khoảng 6 giờ tự học. Trong thời gian đó tôi thường chia ra học nhiều môn để không bị nhàm chán. Khoảng 30 phút học tôi lại nghỉ 5 phút.

Tôi có thêm may mắn là cha mẹ đều là giáo viên và gia đình tôi ở trong khu tập thể giáo viên nên khi có vấn đề nào khó khăn trong học tập tôi thường tranh thủ chạy đi hỏi các thầy cô.

Buổi tối tôi ngủ sớm để đầu óc thoải mái, sẵn sàng học tập trong ngày hôm sau.

Đối với môn toán tôi cố gắng nắm vững các định lý (ví dụ như về đạo hàm, khảo sát hàm số, tính tích phân...), các phương pháp giải các bài toán cơ bản theo mẫu của đề thi.

Hầu hết bài toán trong đề thi đều được dựa trên những bài tập trong sách giáo khoa và có thêm yếu tố cần sự suy luận thêm. Quan trọng là biết cách vận dụng những bài toán cơ bản vào những bài toán đó.

Sau khi giải xong một bài toán, tôi thường không dừng lại ở đó mà nghĩ thêm liệu còn cách nào khác không. Tôi cố gắng tập trung vào mẫu từng bài trên đề thi để ôn tập, làm những dạng toán liên quan.

Đối với môn lý thi trắc nghiệm nên cần phải làm nhanh, chính xác. Bí quyết của tôi là trước hết phải nắm rõ, nắm kỹ các hiện tượng vật lý, các công thức.

Đối với môn hóa tôi học cách giải nhanh các bài toán bằng phương pháp bảo toàn khối lượng, electron, điện tích. Lý thuyết của môn hóa chủ yếu dựa trên thực nghiệm nên tôi học theo các hiện tượng trong sách giáo khoa.

Tôi cũng tham khảo thêm nhiều sách, tìm hiểu các trang web bổ ích như www.thuvienvatly.com. Nhưng quan trọng là phải chắc rằng đã hiểu tất cả những gì viết trong sách giáo khoa trước khi tham khảo các sách khác.

* Trần Thị Thạnh - thủ khoa khối C (26 điểm) của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM: Học theo dàn ý, tự tạo sơ đồ tư duy phù hợp. Tự ra đề thi để kiểm tra chính mình. Chơi thể thao.

Trần Thị Thạnh - thủ khoa khối C (26 điểm) của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM

Tôi cho rằng để thi khối C tốt thì điều quan trọng là phải có kế hoạch ôn thi khoa học, học theo dàn ý và tự tạo cho mình những sơ đồ tư duy phù hợp.

Tôi có kế hoạch học tập ôn thi ĐH từ đầu cấp III. Thời gian luyện thi được phân ra: sáng học ở trường, chiều luyện thi tại trường, tối ôn tập tại ký túc xá.

Với tôi, thời gian học tốt nhất là buổi sáng sớm vì lúc đó yên tĩnh, dễ tập trung. Tôi thường đi ngủ sớm và thức dậy vào 4g sáng học bài.

Để học mau thuộc và nhớ lâu, tôi thường lập bản đồ tư duy cho các môn học. Tìm hiểu vấn đề và chia theo từng ý lớn để dễ thuộc. Tôi cũng hay so sánh các bài học với nhau, nhờ đó nắm bài kỹ và nhớ rất lâu. Theo cách này chỉ cần nhớ một bài, bạn có thể suy luận ra các bài khác. Không nên học dồn và học “gạo” vì bạn sẽ không hiểu cặn kẽ vấn đề và không linh động khi làm bài thi.

Ôn thi, tôi cũng không quên quan tâm đến sức khỏe. Tôi hay chạy bộ buổi sáng, chơi bóng chuyền buổi chiểu để rèn luyện sức khỏe.

Để chuẩn bị tinh thần tốt khi vào phòng thi, tôi tự ra đề thi và làm bài. Trường tôi cũng thường tổ chức thi thử ĐH cho học sinh 12. Nhờ thi thử nhiều lần mà tôi tự tin khi thi thật.

Tôi dành ngày trước ngày thi để nghỉ ngơi. Vào những ngày thi tôi ăn sáng thật no, ổn định tâm lý, hít sâu và thở ra chầm chậm, không quan tâm nhiều đến các bạn xung quanh để giữ tập trung.

Tôi luôn đọc kỹ đề thi, làm dàn ý cẩn thận, cuối cùng là “tung hết sức” làm bài. Tôi cho rằng thi môn lý thuyết, đặc biệt môn văn, dàn ý rất quan trọng. Tôi thường dành hơn 20 phút viết dàn ý trước khi làm vào giấy thi. Đó là cách để tôi có được một bài viết logic, đầy đủ ý, tránh sa đà và sạch sẽ.

* Nguyễn Phú Cường, dự thi khối A ngành công nghệ thông tin, đạt 29,75 điểm, được làm tròn 30/30 điểm, hiện là SV ĐH KHTN TP.HCM: Chủ động trong học tập, lập chỉ tiêu cho bản thân. Quản lý thời gian khi làm bài thi.

Nguyễn Phú Cường - sinh ngày 25-6-1990, quê quán Mỹ Tho, Tiền Giang - SV năm 1 khoa công nghệ thông tin Đại học Khoa học tự nhiên - Ảnh: CTV

Bí quyết của tôi là đọc nhiều bí quyết, phương pháp học tập của các anh chị đi trước. Mỗi bí quyết có điểm hay riêng và cũng tùy trường hợp, hòan cảnh riêng mỗi người mà tôi áp dụng.

Trước mỗi học kỳ tôi đều dành một buổi để lập bảng chỉ tiêu cần thực hiện và phương hướng thực hiện.

Năm cuối cấp rất căng thẳng với áp lực thi cử nên tôi cũng chú trọng đến vấn đề dinh dưỡng và thể thao.

Tôi cố gắng luôn chủ động trong việc học: phát biểu trong giờ học, sẵn sàng xung phong lên bảng làm bài để vừa tỉnh ngủ vừa hiểu bài, rèn thói quen tổng kết bài học, ghi nhớ các mẹo nhớ công thức toán, lý, hóa.

Ôn thi ĐH không phải là học mới, do đó chỉ cần lướt qua các điểm nhấn trọng tâm của từng bài, làm lại các dạng toán đặc sắc, giải đề như đang thi ĐH thật sự, sau đó tự chấm và rút kinh nghiệm.

Cách ngày thi một ngày tôi không học nữa mà đi dạo, nghe nhạc hay chơi thể thao. Khi nhận đề thi, tôi đọc lướt đề, chắc chắn giải được bài nào thì giải trước, bài nào còn băn khoăn thì để sau. Tôi thường phân bổ thời gian cho mỗi câu trong bài thi. Khi làm bài trắc nghiệm tôi tự chia thời gian tối đa cho một câu, quá thời gian quy định phải “nhảy” qua câu tiếp theo và không quên chừa thời gian để kiểm tra lại bài.

Nguyên tắc làm bài thi của tôi là: “Chậm mà chắc, làm được phần nào là chắc điểm phần đó”.

* Võ Thị Thảo Nguyên - thủ khoa khối V (30,5 điểm, môn vẽ đạt 9 điểm) của Trường ĐH Sư phạm kỹ Thuật TP.HCM: Ôn thi trải dài. Vẽ thật nhiều. Giữ gìn sức khỏe.

Võ Thị Thảo Nguyên - thủ khoa khối V 30,5 điểm của ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - Ảnh: Vy Dung

Bí quyết của tôi chỉ đơn giản là ôn thi trải dài ngay từ đầu, không học dồn, học tủ. Riêng đối với môn vẽ, tôi chỉ có một cách là hãy vẽ thật nhiều.

Thời gian đầu mỗi tuần tôi luyện ba buổi, mỗi buổi 3 giờ vẽ cho quen tay. Sang học kì II tôi học vẽ cả sáng lẫn chiều và bất cứ lúc nào có hứng. Các bạn thi khối năng khiếu thường làm việc rất tùy hứng, đã hứng lên là có thể vẽ miệt mài.

Bên cạnh việc ôn luyện cho thuần thục, tôi cố gắng có sức khỏe tốt và tâm lý thoải mái trong quá trình ôn thi. Tôi không thức khuya quá 24g, ăn uống đầy đủ, làm việc tối thì nên ăn thêm một buổi… Tôi thư giãn bằng cách nghe nhạc hay xem phim.

Vào phòng thi quan trọng nhất là thật bình tĩnh. Riêng môn năng khiếu tôi chuẩn bị rất kỹ các dụng cụ. Để tâm lý thoải mái, nghĩ đến một chuyện vui và… cười thật tươi. Khi vẽ tôi cũng xác định nhanh sẽ vẽ họa tiết gì và bắt tay ngay, không quá đắn đo.

Việc vẽ nháp và giữ bài thi sạch sẽ rất quan trọng, tôi chia phần hình vẽ, vẽ nháp rồi scan lên bài thi. Có thể dùng một trang giấy cắt viền theo hình vẽ, chèn lên trên trong lúc vẽ sẽ không sợ bị lem.


Tuổi trẻ

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Nóng" chuyện tranh chấp chủ quyền Bắc Cực
Sau khi Nga đưa quân đến Bắc Cực, lực lượng vũ trang Canada đã thành lập một đơn vị gồm 4 nhóm quân dự bị có quân số 480 người để tiến hành những chiến dịch ở Bắc Cực. Ngoại trưởng Canada tuyên bố Canada không nhượng bộ trong vấn đề chủ quyền ở Bắc Cực.
30/03/2009
Công bố các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2009
Sáng 27-3, Thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Bành Tiến Long ký quyết định công bố các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2009.
27/03/2009
Người biểu tình lại bao vây tòa nhà chính phủ
Sáng 26-3, Thủ đô Băng Cốc (Thái Lan) lại phủ đầy sắc đỏ bởi hàng chục nghìn người ủng hộ cựu Thủ tướng bị lật đổ Thặc-xỉn Xin-vắt tiếp tục đổ ra đường biểu tình đòi lật đổ Chính phủ của Thủ tướng A-bị-xịt.
27/03/2009
Nga - Ukraina lại căng thẳng về khí đốt
Tổng thống Nga Medvedev hôm 24/3 đã quyết định đình chỉ cuộc tham khảo ý kiến cấp Thủ tướng với phía Ukraina sau khi Kiev ký tuyên bố chung với Liên minh châu Âu (EU) về hiện đại hóa hệ thống vận chuyển khí đốt tại nước này mà không có Nga tham gia.
26/03/2009