Quy định về việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2020

08:05, 29/08/2011

QUY ĐỊNH

Về việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2020.

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1747/QĐ-UBND ngày 19 tháng 8năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang)


CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

1.Quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt, nhiệm vụ và đồ án quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng nông thônmới trong phạm vi ranh giới hành chính xã.

2. Đối tượng lập quy hoạch xây dựngnông thôn mới bao gồmquy hoạch xây dựng xã nông thôn mới và quy hoạch trung tâm xã theo tiêu chí Nông thôn mới.

Điều 2. Tổ chức lập, thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

1. Cơ quan lập và trình phê duyệt quy hoạch: Uỷ ban nhân dân xã là cơ quan có trách nhiệm lập quy hoạch và trình UBND cấp huyện, thành phố phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

2. Cơ quan thẩm định và phê duyệt quy hoạch:

a) Cơ quan thẩm định quy hoạch: Ủy ban nhân dân huyện, thành phố ra quyết định thành lập tổ công tác làm nhiệm vụ thẩm định quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới, giao cho phòng Công thương làm tổ trưởng, các thành viên là cán bộ các phòng: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT, Tài chính - Kế hoạch và các phòng ban liên quan.

b) Cơ quan phê duyệt: Uỷ ban nhân dân huyện là cơ quan phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện.

1. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từng vùng và quy hoạch phát triển ngành; gắn liền với định hướng phát triển hệ thống đô thị, các vùng kinh tế và phù hợp với Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và bộ tiêu chí bổ sung của tỉnh Hà Giang.

2. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải có sự tham gia của người dân, cộng đồng dân cư, từ ý tưởng quy hoạch đến huy động nguồn vốn, tổ chức thực hiện và quản lý xây dựng.

3. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với nguồn vốn đầu tư và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; định hướng, giải pháp, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội, môi trường, điểm dân cư, hạn chế tối đa những ảnh hưởng do thiên tai.

4. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải bảo đảm hiện đại, văn minh nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của từng vùng, từng dân tộc và ổn định cuộc sống dân cư; giữ gìn bảo tồn di sản và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể.

Điều 4. Quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

1. Người có thẩm quyền phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới căn cứ đồ án quy hoạch xây dựng được phê duyệt ban hành Quy định về quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

2. Uỷ ban nhân dân xã có trách nhiệm quản lý quy hoạch thuộc địa giới hành chính do mình quản lý; tổ chức công bố, công khai quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo quy định tại khoản 4 Điều 38 và 39 của Nghị định số 08/2005/NĐ-CP.

3. Căn cứ vào hồ sơ mốc giới được duyệt, việc tổ chức thực hiện cắm mốc chỉ giới xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 08/2005/NĐ-CP.

4. Việc cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng được thực hiện theo Điều 41 Nghị định 08/2005/NĐ-CP.

5. Hồ sơ nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt gồm: thuyết minh tổng hợp, các bản vẽ đúng tỷ lệ theo quy định, đĩa CD lưu toàn bộ nội dung thuyết minh và bản vẽ được lưu trữ tại cơ quan quản lý xây dựng cấp tỉnh, huyện và Uỷ ban nhân dân xã.

CHƯƠNG II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1: Lập nhiệm vụ quy hoạch xã nông thôn mới

Điều 5. Sự cần thiết và các cở sở lập nhiệm vụ quy hoạch.

1. Sự cần thiết:

a) Cần nêu rõ lý do cấp thiết phải lập quy hoạch, vị trí của xã trong huyện, tiềm năng và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho sản xuất, dân sinh của xã.

b) Đối với đồ án quy hoạch mới: Xác định rõ mục tiêu, yêu cầu của phát triển để đáp ứng Bộ tiêu chí Nông thôn mới dẫn đến sự cần thiết lập đồ án.

c) Với đồ án điều chỉnh quy hoạch: Nêu tóm tắt vấn đề chính đang tồn tại của xã, của đồ án Quy hoạch trước đó và các yếu tố mới tác động, dẫn đến vực cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch.

2. Các cơ sở lập nhiệm vụ quy hoạch:

Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tiềm năng, yêu cầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất, dân sinh của từng địa phương, Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới được ban hành tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân xã lập nhiệm vụ quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

a) Căn cứ pháp lý: Các văn bản trung ương và địa phương có liên quan.

b) Các ý kiến chỉ đạo, lãnh đạo địa phương, các sở ban ngành... và thực trạng kinh tế - xã hội của các địa phương.

c) Căn cứ liên quan: Các tài liệu sử dụng để nghiên cứu đồ án như: Quy hoạch hoặc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các quy hoạch chuyên ngành; các tài liệu, số liệu, bản đồ hiện trạng kế thừa của các kỳ quy hoạch trước...

Điều 6. Nội dung lập nhiệm vụ quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.

1. Phân tích đánh giá hiện trạng.

a) Đánh giá các điều kiện về tự nhiên: Vị trí địa lý, địa hình, khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng ... và các điều kiện tự nhiên khác.

b) Đánh giá điều kiện kinh tế - xã hội: Các thế mạnh, tiềm năng và các hạn chế trong phát triển kinh tế: Lợi thế và hạn chế về các mặt, dân số, lao động và việc làm trong xã.

c) Đánh giá về sử dụng đất đai: Thực trạng xây dựng, kiến trúc, cảnh quan; đặc trưng về bản sắc địa phương.

d) Đánh giá về hạ tầng kỹ thuật và môi trường: Hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước và vệ sinh môi trường ...

e) Đánh giá về các dự án có liên quan: Các dự án, đồ án chuẩn bị triển khai, các dự án đang làm...

f) Đánh giá công tác quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới: Quy định, quy chế trong quản lý xây dựng theo quy hoạch …

g) Dự báo phát triển Nông thôn mới: Những định hướng phát triển kinh tế - xã hội; dự báo quy mô dân số, dự báo sử dụng quỹ đất xây dựng cho từng điểm dân cư, dự báo những khó khăn vướng mắc trong quá trình quy hoạch xây dựng.

2. Định hướng lập nhiệm vụ quy hoạch xây dựng Nông thôn mới.

a) Đối với phạm vi toàn xã: xác định ranh giới, quy mô sử dụng đất, dự báo quy mô dân số, quy mô xây dựng trên địa bàn toàn xã và của các thôn, bản theo từng giai đoạn quy hoạch; các yêu cầu về bố trí mạng lưới dân cư, mạng lưới các công trình công cộng, công trình phục vụ sản xuất; mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật kết nối các thôn, bản với nhau, với vùng sản xuất và các khu động lực có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của xã; yêu cầu về bảo đảm vệ sinh môi trường trong các thôn, bản.

b) Đối với phạm vi trung tâm xã, các thôn, bản: xác định vị trí, ranh giới, quy mô đất xây dựng, nội dung cần cải tạo, chỉnh trang, xây dựng mới; yêu cầu xây dựng, định hướng kiến trúc đặc trưng, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu của khu trung tâm xã, các công trình công cộng cấp xã, công trình phục vụ sản xuất, dịch vụ công cộng và nhà ở từng thôn, bản làm cơ sở để triển khai Quy hoạch chi tiết.

Mục 2: Lập đồ án quy hoạch xã nông thôn mới

Điều 7. Báo cáo thuyết minh.

1. Phần mở đầu.

a) Sự cần thiết phải lập quy hoạch: Vị trí của xã trong huyện, lý do phải lập quy hoạch, tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế – xã hội của xã, xác định rõ các yêu cầu của phát triển để đáp ứng Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới được ban hành tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/04/2009 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 647/QĐ-UBND ngày 12 tháng 03 năm 2010 của UBND tỉnh Hà Giang.

b) Mục tiêu: Nêu rõ mục tiêu, quan điểm phát triển ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật xây dựng xã Nông thôn mới theo Bộ tiêu chí Quốc gia và bộ tiêu chí của tỉnh.

c) Phạm vi quy hoạch: Xác định quy mô sử dụng đất, dự báo quy mô dân số, quy mô xây dựng trên địa bàn toàn xã và của các thôn, bản theo từng giai đoạn quy hoạch; các yêu cầu về bố trí dân cư, các công trình công cộng, công trình phục vụ sản xuất; công trình hạ tầng kỹ thuật kết nối các khu dân cư với nhau, với vùng sản xuất và các khu động lực có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của xã; yêu cầu về bảo đảm vệ sinh môi trường.

d) Các căn cứ pháp lý và cơ sở để lập quy hoạch:

- Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/04/2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới;

- Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

- Thông tư 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới;

- Thông tư 07/2010/TT-BNNPTNT ngày 8/2/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cấp xã theo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới;

- Thông tư 09/2010/TT-BXD ngày 4/8/2010 của Bộ Xây dựng quy định việc lập thẩm định nhiệm vụ, đồ án quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới;

- Quyết định số 315/QĐ-BGTVT ngày 23/02/2011 của Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020;

- Thông tư 26/2011/TTLT- BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13/4/2011 của liên bộ: Nông nghiệp và PTNT - Kế hoạch và Đầu tư - Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Quyết định số 647/QĐ-UBND ngày 12/3/2010 của UBND tỉnh Hà Giang về phê duyệt và ban hành bộ tiêu chí xã đạt chuẩn Nông thôn mới của tỉnh Hà Giang;

- Căn cứ các cơ sở sử dụng để nghiên cứu đồ án quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội;

- Căn cứ các quy định liên quan khác.

2. Đặc điểm điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội.

a) Điều kiện tự nhiên:

- Nêu vị trí địa lý, địa hình địa mạo, khí hậu, thuỷ văn

- Tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên nhân văn, tài nguyên khoáng sản và thực trạng môi trường.

- Những thuận lợi, khó khăn.

b) Điều kiện kinh tế - xã hội:

- Dân số, số hộ, lao động, cơ cấu lao động, trình độ dân trí, thành phần dân tộc, công tác xóa đói giảm nghèo theo tiêu chí mới. Đánh giá lợi thế và hạn chế về mặt dân số, lao động, việc làm trong xã.

- Tình hình phân bố dân cư, mật độ dân số trung bình toàn xã ở thời điểm hiện trạng.

- Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, làng nghề truyền thống: Thống kê các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mai dịch vụ, làng nghề truyền thống hiện có: số cơ sở, loại ngành nghề, loại hình tổ chức sản xuất, số lao động tham gia, nguyên liệu và thị trường …

- Thu nhập và đời sống của nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới của Bộ LĐTB&XH.

- Đánh giá về thông tin văn hóa, giáo dục, y tế và an ninh, quốc phòng.

- Đánh giá khả năng khai thác và phát huy giá trị văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán địa phương.

- Đánh giá những mặt đã đạt được và các mặt chưa đạt được và nguyên nhân tồn tại trong việc thực hiện các loại quy hoạch trước đây.

3. Đánh giá thực trạng phát triển sản xuất nông nghiệp.

a) Đánh giá tổng quát các chỉ tiêu kinh tế và phát triển sản xuất nông nghiệp.

- Kết quả sản xuất các loại sản phẩm chính của ngành nông nghiệp, giai đoạn 05 năm gần nhất trên các lĩnh vực: Nông nghiệp, lâm nghiêp, thủy sản …;

b) Đánh giá một số vấn đề chủ yếu có liên quan đến phát triển ngành nông nghiệp: Các hình thức tổ chức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, dồn điền, đổi thửa (ở các huyện vùng thấp), chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi …;

c) Tổng hợp đánh giá những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong sản xuất nông nghiệp.

4. Đánh giá hiện trạng hạ tầng cơ sở, văn hóa xã hội.

a) Đánh giá hiện trạng hạ tầng cơ sở: Thống kê hiện trạng, so sánh với các yêu cầu về tiêu chí của hệ thống cơ sở hạ tầng theo Quyết định 491/QĐ-TTg; Quyết định số 647/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Giang. Bao gồm các công trình: giao thông, thủy lợi, công sở, điện, bưu điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, nhà ở dân cư, môi trường.

b) Đánh giá về tình hình văn hóa xã hội; thông tin, văn hóa, thể thao và du lịch, giáo dục, y tế, an ninh - quốc phòng, hệ thống chính trị ở xã.

c) Đánh giá chung hiện trạng không gian kiến trúc, cảnh quan, tính chất phát triển kinh tế chủ đạo và các đặc trưng khác như về dân tộc, ảnh hưởng thiên tai thường xuyên ...

5. Hiện trạng sử dụng đất, biến động các loại đất.

a) Đánh giá hiện trạng sử dụng các loại đất.

- Đất sản xuất nông nghiệp: đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm.

- Đất lâm nghiệp: Đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng …

- Đất phi nông nghiệp: đất xây dựng cơ sở hạ tầng …

- Đất chưa sử dụng.

b) Biến động các loại đất trong giai đoạn 5 năm để so sánh đánh giá cụ thể.

- Biến động loại đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất phi nông nghiệp; đất chưa sử dụng:

- Những tồn tại trong việc sử dụng đất.

c) Đánh giá tiềm năng đất đai: tiềm năng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản;

- Đánh giá tiềm năng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, xây dựng khu dân cư nông thôn;

- Phát triển du lịch;

- Chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và phát triển cơ sở hạ tầng.

6. Dựbáo các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

- Định hướng phát triển kinh tế xã hội chủ đạo và các đặc trưng phát triển khác của xã; trong đó: Dự báo quy mô dân số và lao động; cơ cấu sử dụng đất; Chỉ tiêu tăng trưởng, quy hoạch phát triển các ngành kinh tế; Dự báo nhu cầu tiêu dùng; dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm; về tiến bộ khoa học, kỹ thuật; về tác động của sản xuất nông nghiệp tới môi trường; Chỉ tiêu phát triển khu dân cư nông thôn;

- Chỉ tiêu phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (theo Bộ tiêu chí nông thôn mới đã được ban hành).

7. Quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới đến năm 2020.

a) Định hướng quy hoạch phát triển không gian xã nông thôn mới.

- Định hướng quy hoạch sản xuất nông nghiệp:

+ Trồng trọt: Bố trí diện tích đất sản xuất các loại cây trồng chủ yếu trên địa bàn xã: quy mô, vị trí từng loại cây trồng ngắn và dài ngày; dự báo khả năng sản xuất, sản lượng thu hoạch các loại cây trồng; định hướng đầu ra cho sản phẩm. Xây dựng vùng sản xuất hàng hoá tập trung để đầu tư sản xuất. Dự báo năng suất, sản lượng cho các loại cây trồng chủ yếu theo từng giai đoạn. Các biện pháp áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng và giảm tổn thất sau thu hoạch.

+ Chăn nuôi: Xác định những vật nuôi chủ yếu và có lợi thế trên địa bàn xã, quy hoạch phát triển chăn nuôi vật nuôi chủ yếu theo từng giai đoạn. Các biện pháp để phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung sản xuất hàng hóa.

- Định hướng quy hoạch sản xuất lâm nghiệp: Căn cứ vào quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh, xác định rõ diện tích các loại rừng trên địa bàn xã, diện tích đất có khả năng trồng rừng để bố trí trồng rừng và quản lý rừng. Dự báo sản lượng cho các cây trồng chủ yếu theo từng giai đoạn.

- Định hướng quy hoạch sản xuất thuỷ sản: Diện tích đất nuôi trồng thuỷ sản gắn với từng phương thức nuôi và điều kiện trên từng địa bàn. Dự báo sản lượng cho các loại thuỷ sản chủ yếu theo từng giai đoạn.

- Định hướng quy hoạch phát triển công nghiêp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống, cần phát triển mở rộng ra không, hay đề xuất xây dựngcông trình mới. Định hướng phát triển ngành nghề nông thôn, nhất là ngành nghề truyền thống sản xuất hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng.

- Định hướng quy hoạch hệ thống khu trung tâm xã, khu trung tâm thôn, bản và các công trình phục vụ cho mục đích công cộng.

- Định hướng phân bổ hệ thống dân cư thôn, bản. Hình thành điểm dân cư mới nêu rõ vị trí, diện tích, lý do cần phải xây dựng.

- Bảo tồn, tôn tạo hệ thống di tích, cảnh quan có giá trị, quy mô diện tích mở rộng.

- Đưa ra các giải pháp phòng chống bão lũ, sạt lở đất, hạn chế thiên tai…

b) Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

- Quy hoạch hệ thống giao thông nông thôn: Hệ thống giao thông xã, trục xã, liên xã; trục thôn, liên thôn, đường ngõ xóm, liên hộ gia đình, đường nội đồng. Tổ chức xây dựng mạng lưới đường giao thông trong xã trên cơ sở mạng lưới đường đã có và hình thành đường xây dựng mới. Quy cách, loại đường theo Quyết định số 315/QĐ-BGTVT ngày 23/02/2011 của Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020.

- Quy hoạch hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu: Hệ thống thủy lợi bao gồm đập, kênh mương (hoặc đường ống dẫn nước) tưới, tiêu; bờ đập, ao hồ; xác định cụ thể công trình cần cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới đáp ứng yêu cầu tưới tiêu, cấp thoát nước. Xác định chỉ tiêu và tiêu chuẩn thiết kế; dự báo nhu cầu dùng nước và lựa chọn nguồn cấp nước; xác định quy mô các công trình cấp nước, biện pháp bảo vệ nguồn nước và các công trình cấp nước.

- Quy hoạch hệ thống thoát nước thải, vệ sinh môi trường: Dự báo nhu cầu thoát nước thải phải đảm bảo được xử lý không ngây ô nhiễm môi trường.

- Quy hoạch hệ thống cấp nước sạch sinh hoạtngười dân trong xã: Trong một xã có thể áp dụng nhiều loại hình cấp nước như cấp nước tập trung, cấp nước bằng giếng khơi, giếng khoan đường kính nhỏ, nước từ các khe núi… Tùy điều kiên cụ thể từng xã để lựa chọn áp dụng các loại hình cấp nước nói trên.

- Quy hoạch hệ thống cấp điện sinh hoạt và phụ vụ sản xuất: Dự báo nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất; xác định chỉ tiêu và tiêu chuẩn thiết kế; lựa chọn nguồn cấp điện; sơ đồ mạng lưới cấp điện. Xác định số lượng, quy mô các trạm biến áp và đối với vùng có địa hình khó khăn nên sử dùng nguồn điện như pin mặt trời, máy phát điện mi ni…

+ Quản lý chất thải rắn: thu gom và công nghệ xử lý chất thải rắn; Nghĩa trang: Dự báo quy mô diện tích nghĩa trang, công nghệ an táng.

+ Đối với nghĩa trang trong khu vực đồng bào dân tộc sinh sống cần bố trí phù hợp với phong tục tập quán và đảm bảo vệ sinh môi trường thôn bản.

+ Đánh giá tác động môi trường: Dự báo, đánh giá tác động, ảnh hưởng xấu đối với môi trường và đề xuất các biện pháp giải quyết các vấn đề môi trường còn tồn tại trong đồ án quy hoạch.

c) Quy hoạch xây dựng trung tâm xã nông thôn mới.

- Đồ án Quy hoạch xây dựng trung tâm xã:

Trên cơ sở các yêu cầu đã được xác định tại quy hoạch xây dựng xã để xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cụ thể.

+ Xác định ranh giới, quy mô diện tích và dân số, các chỉ tiêu về đất xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, dịch vụ, cơ cấu sử dụng đất.

+ Xác định giải pháp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bố trí các lô đất theo chức năng sử dụng với quy mô đáp ứng yêu cầu phát triển của từng giai đoạn quy hoạch và bảo vệ môi trường.

+ Xác định vị trí và quy mô các công trình công cộng, dịch vụ và môi trường được xây dựng mới như các công trình giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, thương mại, dịch vụ, điểm tập kết và trung chuyển chất thải rắn, nghĩa trang.

+ Các dự án ưu tiên của trung tâm xã được lập quy hoạch.

- Quy hoạch xây dựng cải tạo trung tâm xã và các điểm dân cư nông thôn tập trung hiện có:

+ Xác định mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật cần cải tạo, nâng cấp.

+ Xác định nội dung cần cải tạo, chỉnh trang, khu dân cư nông thôn, hệ thống công trình công cộng, dịch vụ. Các yêu cầu mở rộng đất đai xây dựng phải đáp ứng các chỉ tiêu về quy mô dân số, cảnh quan sinh thái, môi trường, phạm vi ranh giới.

+ Việc mở rộng trung tâm xã hoặc các điểm dân cư nông thôn tập trung phải phù hợp với quy mô dân số, khả năng, nguồn lực phát triển trong từng giai đoạn.

Lưu ý: Trong quá trình tổ chức lập quy hoạch theo nội dung quy định tại mục a,b,c tuỳ theo điều kiện kinh tế xã hội từng xã để thực hiện việc lập quy hoạch cho phù hợp, đáp ứng được yêu cầu xây dựng nông thôn mới.

d) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

- Tổng hợp và dự báo nhu cầu sử dụng đất trong kỳ quy hoạch của xã, trong đó làm rõ nhu cầu sử dụng đất phục vụ các mục tiêu công ích và chính sách xã hội;

- Xác định cụ thể diện tích các loại đất trên địa bàn xã đó được cấp huyện phân bổ;

- Xác định khả năng đáp ứng về đất đai cho nhu cầu sử dụng đất đã được xác định;

- Xác định diện tích đất để phân bổ cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của xã, phương án quy hoạch sử dụng đất cần xác định cụ thể: diện tích đất lúa nương, đất trồng cây hàng năm còn lại, đất nông nghiệp khác, đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp của xã, đất nghĩa trang, nghĩa địa do xã quản lý, đất sông, suối, đất phát triển hạ tầng của xã và đất phi nông nghiệp khác;

- Xác định diện tích các loại đất chuyển mục đích sử dụng phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đáp ứng nhu cầu của xã;

- Xác định diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng cho mục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp;

- Phân kỳ quy hoạch sử dụng đất và lập kế hoạch sử dụng đất.

e) Xác định rõ danh mục các dự án ưu tiên, công trình, hạng mục công trình kỹ thuật dự kiến đầu tư trên địa bàn xã theo phân kỳ quy hoạch để đạt tiêu chí xã nông thôn mới.

f) Đánh giá tác động của phương án quy hoạch đến kinh tế - xã hội của xã trong giai đoạn quy hoạch.

- Thời gian tiến độ, các giải pháp và tổ chức thực hiện đồ án quy hoạch như thế nào cho phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương.

- Nguồn kinh phí và cơ cấu đầu tư cho các giai đoạn (ngân sách, đổi đất, xã hội hóa, công cụ lao động, các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức…);

- Danh mục các dự án, công trình ưu tiên theo các giai đoạn đầu tư (giao thông, xây dựng…);

- Đề xuất các biện pháp tổ chức thực hiện.

8. Kết luận và kiến nghị:

a) Kết luận:

- Về kinh tế xã hội

- Về hạ tầng xã hội

- Về cơ sở hạ tầng

b) Kiến nghị:

9. Phần Phụ lục:

- Phụ lục 1: Các văn bản liên quan đến đồ án quy hoạch xây dựng xã NTM.

- Phụ lục 2: Các số liệu hiện trạng có chứng nhận của UBND xã.

- Phụ lục 3: Các biểu bảng phương pháp tính toán.

- Phụ lục 4: Tài liệu tham khảo khác có liên quan.

- Phụ lục 5: Hệ thống biểu mẫu phục vụ cho công tác đánh giá hiện trạng sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất (theo Thông tư số 19/2009/TT-BTNMT ngày 02/11/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường):

- Phụ lục 6: Hệ thống biểu mẫu phục vụ cho công tác thuyết minh các nội dung khác.

10. Bản vẽ thu nhỏ:

Các bản vẽ và sơ đồ thu nhỏ khổ giấy A3 đính kèm trong thuyết minh gồm các loại bản vẽ đồ án quy định ở phần bản vẽ đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Điều 8. Bản vẽ đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.

1. Nguyên tắc chung.

- Tuỳ theo mức độ phức tạp của đồ án quy hoạch, nội dung quy hoạch thể hiện các bản vẽ riêng hoặc thể hiện chung trong một bản vẽ nhưng đảm bảo thể hiện đầy đủ các nội dung của từng chuyên ngành trong bản vẽ đó.

- Các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật nằm ngoài phạm vi quy hoạch được thể hiện trên sơ đồ có mối liên hệ với quy hoạch này.

- Trên bản đồ, sơ đồ phải chú giải đầy đủ rõ ràng dễ hiểu, dễ xem các số liệu kinh tế, kỹ thuật có liên quan đến từng khu chức năng hoặc hạng mục công trình.

- Quy cách thể hiện bản đồ, sơ đồ (ký hiệu, đường nét, màu sắc, chú dẫn...) theo Quyết định số 21/2005/QĐ-BXD ngày 22/07/2005 của Bộ xây dựng, các Quyết định số 22/2007/QĐ-BTNMT và 23/2007/QĐ-BTNMT ngày 17/12/2007 của Bộ Tài nguyên& Môi trường và các văn bản có liên quan.

2. Tỷ lệ bản đồ hiện trạng và bản đồ quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới

Bản đồ quy hoạch xã nông thôn mới

Quy hoạch trung tâm xã

 Dưới 3.000 ha tỷ lệ1: 5.000

Tỷ lệ: 1:1.000

 Trên 3.000 ha  tỷ lệ1: 10.000

 

- Tài liệu bản đồ địa chính và bản đồ địa chính cơ sở (theo hệ tọa độ quốc gia VN 2000) và số liệu kiểm kê, thống kê đất đai hàng năm (sử dụng tài liệu của ngành Tài nguyên và Môi trường cung cấp làm cơ sở lập đồ án quy hoạch xây dựng xã NTM).

3. Số lượng và nội dung hồ sơ.

a) Bản đồ hiện trạng sử dụng đất: 07 bộ (gồm dạng giấy và dạng số), gồm:

- Hiện trạng sử dụng các loại đất theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

- Các điểm dân cư tập trung;

- Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội: thể hiện vị trí các công trình bao gồm: giao thông, thủy lợi, công sở, điện, bưu điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, nhà ở dân cư, các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh lộ, đường huyện, đường xã, đường thôn xóm, đường liên gia.

- Hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu:

- Hệ thống cấp nước sinh hoạt đến các điểm dân cư.

-Khu vực nghĩa trang, nghĩa địa, bãi chôn lấp chất thải rắn;

-Mạng lưới cấp điện sinh hoạt và sản xuất, trạm hạ thế

- Khả năng quỹ đất xây dựng và hướng mở rộng cho từng điểm dân cư, khu trung tâm xã;

- Môi trường: Các nguồn gây ô nhiễm trong khu vực và các khu vực ô nhiễm và suy thoái môi trường. Các hệ sinh thái nhạy cảm (rừng, cây xanh, mặt nước...)

b) Bản đồ quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới (quy hoạch chung): 07 bộ (gồm dạng giấy và dạng số), gồm:

- Quy hoạch sử dụng các loại đất theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

- Đất xây dựng mở rộng cho từng điểm dân cư, khu trung tâm xã và đất dự trữ phát triển;

- Quy hoạch sử dụng các loại đất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; đất ở, dịch vụ (cơ quan, giáo dục, y tế, thương mại...); đất các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối cho giai đoạn 2011-2015, 2016-2020;

- Các điểm dân cư cần mở rộng phát triển;

- Dân số, số hộ, diện tích của từng điểm dân cư;

c) Bản đồ hiện trạng trung tâm và Bản đồ quy hoạch trung tâm xã: 07 bộ (gồm dạng giấy và dạng số).

d) Báo cáo thuyết minh quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới: 07 bộ (gồm dạng giấy và dạng số).

e) Bản đồ quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới (Quy hoạch chung) phóng to, đóng khung: 01 bản (kích thước 2m x 3m treo tại trụ sở UBND xã).

Điều 9. Tổ chức lấy ý kiến tham gia đồ án quy hoạch xây dựng Nông thôn mới.

- Trước khi tiến hành lập nhiệm vụ thiết kế quy hoạch xã cần thảo luận trong nội bộ xã để có các yêu cầu chủ yếu cho quy hoạch xây dựng xã mình.

- Đại diện chủ đầu tư thảo luận về các yêu cầu trên với đơn vị tư vấn để đưa vào nhiệm vụ thiết kế quy hoạch.

- Trong quá trình lập quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới, Uỷ ban nhân dân xã phối hợp đơn vị tư vấn lập quy hoạch có trách nhiệm lấy ý kiến của các tổ chức (trong đó có ý kiến tham gia của cơ quan đơn vị phụ trách đỡ đầu xã), cá nhân trong xã theo các hình thức tổ chức hội nghị, trao đổi trực tiếp hoặc phát phiếu lấy ý kiến về nội dung quy hoạch để nhân dân dễ tiếp cận và góp ý. Nội dung cơ bản lấy ý kiến tham gia quy hoạch nông thôn mới gồm: quy mô, phương án quy hoạch, giải pháp tổ chức không gian sản suất, sinh sống, phân khu sản xuất, mạng lưới hạ tầng kỹ thuật – xã hội, giải phóng mặt bằng (nếu có), giải pháp huy động nguồn lực.

- Các ý kiến đóng góp phải được tổng hợp đầy đủ và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi phê duyệt.

Trên cơ sở hồ sơ nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng và kết quả lấy ý kiến, Uỷ ban nhân dân huyện quyết định lựa chọn phương án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.

Điều 10. Quản lý, cấp phát và thanh toán kinh phí lập quy hoạch xây dựng Nông thôn mới.

1. Nguồn kinh phí lập quy hoạch:

- Từ kinh phí Nhà nước được phân bổ hàng năm theo Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

- Các nguồn vốn khác.

2. Mức kinh phí cấp từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới cho công tác lập quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới không quá 150.000.000 đồng/xã (Một trăm năm mươi triệu đồng chẵn).

3. Thủ tục thanh toán:

a) Chủ đầu tư: UBND xã làm chủ đầu tư lập quy hoạch NTM

b) Hồ sơ để cơ quan kho bạc nhà nước tạm ứng gồm:

- Văn bản phê duyệt nhiệm vụ, dự án quy hoạch của UBND huyện, thành phố

- Quyết định giao ngân sách của UBND huyện;

- Quyết định giao nhiệm vụ cho đơn vị lập quy hoạch: Theo phương thức tự làm hoặc thuê tư vấn làm một số phần việc (Xây dựng KH, lập bản đồ, tổng hợp số liệu, viết thuyết minh quy hoạch...). Giao cho Ban quản lý xã trực tiếp làm một số phần việc (khảo sát, đo đạc, lấy ý kiến nhân dân...).

- Hợp đồng hoặc văn bản giao khoán công việc;

- Dự toán của nhiệm vụ, dự án quy hoạch;

- Báo cáo tiến độ thực hiện khối lượng; Lệnh chuẩn chi của chủ đầu tư (UBND cấp xã).

c) Hồ sơ để cơ quan KBNN thanh toán:

- Biên bản nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành;

- Biên bản thanh lý hợp đồng, bàn giao kết quả công việc hoàn thành và báo cáo quyết toán chi phí khối lượng hoàn thành được nghiệm thu;

- Các chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật: mua VPP, công cụ, dụng cụ, công tác phí...

d) Quyết toán:

- Lập báo cáo quyết toán về kinh phí quy hoạch theo nội dung dự toán được duyệt.

- Tổng hợp quyết toán chi phí quy hoạch chung với quyết toán hàng năm của UBND cấp xã

Điều 11. Lưu trữ hồ sơ quy hoạch xây dựng Nông thôn mới.

1. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ khi hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng Nông thôn mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ đầu tư phải hoàn thành việc nộp hồ sơ lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

2. Các cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới các cấp có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ về quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.

3. Cơ quan lưu trữ hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới có trách nhiệm cung cấp tài liệu lưu trữ về đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới cho cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Công bố quy hoạch.

a) Nội dung công bố quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới:

- Quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới;

- Quy hoạch xây dựng trung tâm xã;

- Vùng đất cấm xây dựng và vùng đất dự trữ phát triển;

- Hành lang bảo vệ hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các tuyến đường giao thông.

b) Công bố quy hoạch:

Ủy ban nhân dân xã quyết định công bố quy hoạch được duyệt theo các hình thức sau:

- Tổ chức hội nghị công bố quy hoạch có sự tham gia của đại diện các tổ chức, đoàn thể, Mặt trận tổ quốc, đại diện quần chúng nhân dân.

- Trưng bày công khai panô, bản vẽ tại nơi công cộng như trụ sở UBND xã, nhà văn hoá, thôn, xóm nơi tập trung đông dân cư.

- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

* Để nâng cao sự hiểu biết của nhân dân về quy hoạch xây dựng và có ý thức thực hiện, giám sát thực hiện quy hoạch, nên áp dụng cả 3 hình thức công bố quy hoạch xây dựng.

c) Trong quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các dự án đầu tư xây dựng đã và đang triển khai cần được cập nhật và công bố kịp thời, đầy đủ để các tổ chức, cá nhân biết và giám sát thực hiện.

 

CHƯƠNG III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 13. Thời gian lập, phê duyệt Quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.

- Thời gian lập quy hoạch là 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng.

- Thời gian thẩm định quy hoạch là 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

- Thời gian phê duyệt quy hoạch là 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Điều 14. Trách nhiệm thực hiện.

1. Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn xã theo quy hoạch đã được phê duyệt; cấp phép xây dựng theo thẩm quyền, thực hiện xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng, cưỡng chế tháo dỡ các công trình trái quy hoạch, xây dựng sai giấy phép xây dựng.

b) Tuyên truyền phổ biến pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân biết và thực hiện pháp luật về xây dựng nông thôn mới.

2. Đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố:

a) Phê duyệt đồ án quy hoạch theo quy định hiện hành.

b) Phối hợp với các ngành chức năng lồng ghép các chương trình đầu tư các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo dự án, đồ án Quy hoạch được duyệt trên địa bàn xã.

c) Ủy ban nhân dân huyện có trách nhiệm báo cáo về Ban quản lý Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh và Sở Xây dựng bằng văn bản theo định kỳ hàng năm về kế hoạch, chương trình lập quy hoạch xây dựng và tình hình quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn quản lý.

3. Các sở, ban, ngành liên quan.

Giao Ban quản lý chương trình xây dựng nông thôn mới, các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Công thương và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức hướng dẫn thực hiện Quy định này.    
       
 

                                TM. UBND TỈNH HÀ GIANG

                                           CHỦ TỊCH

 

 

                                              (đã ký)

 

 

                                        Đàm Văn Bông


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Triển khai nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới
HGĐT- Ngày 29.7, BCĐ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
29/07/2011
Triển khai Kế hoạch xây dựng nông thôn mới tại xã Phương Độ
HGĐT- Sáng 24.8, thành phố Hà Giang tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới tại xã Phương Độ giai đoạn 2011- 2020.
24/08/2011
Bắc Mê: Sơ kết Chương trình xây dựng nông thôn mới 7 tháng đầu năm
HGĐT- Sáng 23.8, UBND huyện Bắc Mê tổ chức Hội nghị sơ kết Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) 7 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 5 tháng cuối năm 2011. Đến dự có lãnh đạo Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện; lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện; lãnh đạo các xã, thị trấn, các đồng chí Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn bản làm điểm về XDNTM
24/08/2011
Xã Bằng Lang đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới
HGĐT- Bằng Lang là xã vùng thấp của huyện Quang Bình, cách trung tâm huyện 8km, với tổng diện tích tự nhiên 7.541ha, trong đó diện tích đất canh tác 1.378,6ha, tổng dân số 1.370 hộ với 6.134 khẩu với nhiều thành phần dân tộc cùng chung sống. Đời sống của bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là canh tác nông, lâm nghiệp.
22/08/2011