Đạo Đức phấn đấu "Xã điển hình mẫu về phát triển kinh tế nông nghiệp"

14:38, 03/09/2019

BHG - Đạo Đức là một trong những xã có vị trí giao thương thuận lợi và điều kiện về phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng của huyện Vị Xuyên; những năm qua, xã đã tập trung lồng ghép các nguồn lực và phát huy thế mạnh địa phương để phấn đấu trở thành “Xã điển hình mẫu về phát triển kinh tế nông nghiệp” vào năm 2020.

Anh Hỗ Sỹ Đức phát triển nuôi cá lồng mang lại hiệu quả.
Anh Hỗ Sỹ Đức (bên phải) phát triển nuôi cá lồng mang lại hiệu quả.

Trước năm 2016, mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế;  nhưng sản xuất nông nghiệp ở Đạo Đức vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ mang tính  tự cung, tự cấp và chưa trở thành hàng hóa; đời sống của người dân chưa được nâng cao. Để phát huy thế mạnh của địa phương và thúc đẩy kinh tế phát triển; thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện, xã đã triển khai Đề án “Xây dựng xã Đạo Đức thành xã điển hình mẫu về phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020” với mục tiêu: Áp dụng KHKT vào sản xuất,  với 100% diện tích lúa, ngô được áp dụng quy trình thâm canh cho năng suất, chất lượng và giá trị cao; diện tích trồng cây vụ Đông lớn, ổn định và dần trở thành vụ sản xuất chính; sản xuất rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP; phát triển chăn nuôi hướng trang trại, gia trại; nâng cao hệ số sử dụng đất; nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả; hoàn thành xây dựng Nông thôn mới (NTM).

Bắt tay vào thực hiện Đề án, Đảng ủy – HĐND - UBND xã đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, phương án chỉ đạo và tổ chức sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các nguồn vốn chính sách ưu đãi của T.Ư, của tỉnh, huyện về khuyến khích phát triển kinh tế; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Mô hình trồng nấm của gia đình anh Đàm Văn Tam tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Mô hình trồng nấm của gia đình anh Đàm Văn Tam tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Sau 3 năm triển khai thực hiện đề án, với sự lồng ghép hiệu quả từ các nguồn vốn đầu tư; kinh tế nông nghiệp của xã đã phát triển mạnh mẽ, thu nhập của người dân không ngừng nâng cao. Toàn xã đã phát triển và nhân rộng gần 20 mô hình kinh tế hiệu quả, cho thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm; tiêu biểu như: Mô hình sản xuất lúa gạo chất lượng cao J02 tại thôn Làng Cúng gắn với sự ra đời của HTX Đức Tiến. Việc áp dụng KHKT vào sản xuất bằng phương pháp mạ khay, máy cấy và phương pháp “5 cùng” đã giúp tăng năng suất và sản lượng lúa; năng suất bình quân đạt 62 tạ/ha, giá trị kinh tế đạt 45 – 50 triệu đồng/ha/vụ; sản phẩm gạo J02 thơm, ngon được người tiêu dùng ưa chuộng. Trên nhiều cánh đồng của xã Đạo Đức giờ đây, người ta không còn thấy xuất hiện những diện tích lúa kém chất lượng, mà thay vào đó là toàn bộ diện tích đất khô hạn, kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang trồng cây ngô hàng hóa; trong đó, mô hình trồng ngô nếp chuyên canh đang mang lại giá trị kinh tế cao, với quy mô 15 ha, giống ngô nếp HN88 giúp người dân có thu nhập 60 – 80 triệu đồng/ha/năm.

Đặc biệt, tận dụng lợi thế giao thông thuận lợi, diện tích đất nông nghiệp lớn và hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn; xã đã chỉ đạo nhân rộng mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, toàn xã có 21 nhà lưới với diện tích trên 2 ha và 1 HTX Tân Đức thường xuyên sản xuất các loại rau, dưa chất lượng cao; giá bán ra thị trường ổn định, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha mỗi năm.

Theo chân cán bộ xã Đạo Đức thăm một số mô hình kinh tế đang mang lại hiệu quả trên địa bàn; nghe người dân tâm sự về quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, chúng tôi cảm nhận những bước đi trong phát triển kinh tế của địa phương này đang rất đúng hướng. Anh Hỗ Sỹ Đức, chọn bắt những con cá Chiên to nhất trên lồng cá đang chuẩn bị đến ngày xuất bán, phấn khởi khoe: “Tận dụng lợi thế có lòng hồ Thủy điện Sông Lô 2, xã tạo điều kiện để phát triển nuôi cá lồng; nên từ năm 2018, tôi mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng trên lòng hồ. Đến nay, đã mở rộng quy mô được 9 lồng cá, chủ yếu nuôi các loại cá Chiên, Trắm và hiện đang thử nghiệm nuôi cá Bỗng. Vụ đầu tiên, tôi thu về 6 tạ cá các loại, đây là hướng đi mới nhưng hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển”.

Còn anh Đàm Văn Tam, thôn Làng Mới bắt tay vào thực hiện mô hình trồng nấm từ năm 2018; đến tháng 3.2019, anh đã cho ra thị trường những sản phẩm nấm hàng hóa đầu tiên. Anh Tam cho biết: “Tôi từng làm đủ nghề để kiếm sống, nhưng không ổn định; tôi nghĩ phát triển kinh tế trên chính quê hương là hướng đi lâu dài nhất, nên tôi quyết định đi học hỏi kinh nghiệm và bắt tay vào trồng nấm. Hiện nay, tôi đang trồng trên 30.000 bầu nấm, trung bình cho thu hoạch 6 tạ/lứa; với giá bán trên thị trường hiện nay là 40.000/kg, mỗi lứa nấm, tôi thu về trên 20 triệu đồng và tạo việc làm theo thời vụ cho 5 lao động trong thôn”. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đang thực hiện các mô hình kinh tế hiệu quả như: Phát triển chăn nuôi lợn địa phương theo quy mô gia trại từ 50 – 1.000 con; chăn nuôi tổng hợp; trồng rừng kinh tế…

Bí thư Đảng ủy xã Đạo Đức, Lục Chí Việt cho biết: “Thực hiện Đề án “Xây dựng xã Đạo Đức thành xã điển hình mẫu về phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020”, xã đã lồng ghép các nguồn lực phát triển kinh tế gắn với xây dựng NTM. Cuối năm 2017, xã Đạo Đức về đích NTM; hiện nay, thu nhập bình quân của người dân đạt 29,5 triệu đồng/người/năm; nhiều chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đã đạt và vượt. Việc nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả đã góp phần nâng cao thu nhập và tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức của người dân về phương thức sản xuất, chuyển từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, hàng hóa. Trong giai đoạn tiếp theo, xã tiếp tục xây dựng các phương án phát triển kinh tế nông nghiệp trọng tâm dựa trên thế mạnh của địa phương như: Phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện; nhân rộng diện tích trồng rau trong nhà lưới; mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao; phát triển chăn nuôi giống lợn địa phương; nuôi nhốt gia súc tập trung; thành lập các nhóm sở thích phát triển kinh tế…”. 

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quần thể chè Shan tuyết cổ thụ ở Hoàng Su Phì được công nhận Cây Di sản Việt Nam

BHG - Ngày 30.8, tại thôn Nậm Piên, xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì), Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và UBND huyện Hoàng Su Phì tổ chức Lễ Công nhận Cây Di sản Việt Nam cho "Quần thể chè Shan tuyết Hoàng Su Phì". Hiện nay, tổng diện tích chè trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì có 4.542 ha; Diện tích chè đang cho thu hoạch 3.252 ha. Sản lượng chè búp tươi đạt 12.880 tấn với tổng giá trị thu nhập khoảng 115,92 tỷ đồng.

30/08/2019
Quang Bình tổ chức Hội thi Tổ trưởng tổ TK&VV giỏi Ngân hàng CSXH

BHG - Ngày 29.8, UBND huyện Quang Bình tổ chức Hội thi Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) giỏi Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện lần thứ II năm 2019. Tham gia Hội thi có 15 đội, với 60 tổ trưởng tổ TK&VV đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Các đội thi lần lượt trải qua 3 phần thi gồm: Màn chào hỏi, kiến thức và tiểu phẩm. Nội dung phản ánh thực trạng, vai trò, trách nhiệm của tổ trưởng tổ TK&VV trong việc tuyên truyền các chủ chương, chính sách vay vốn đến hội viên các hội Phụ nữ...

30/08/2019
Hội nghị đánh giá, phân cấp quản lý, bảo vệ rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán

BHG - Chiều 29.8, UBND huyện Mèo Vạc tổ chức hội nghị chuyên đề đánh giá, phân cấp quản lý, bảo vệ rừng Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Chí Sán năm 2019. Tới dự có đồng chí Trần Quang Minh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy; lãnh đạo Chi Cục Kiểm lâm và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh; lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và bí thư, trưởng thôn, bản, đại diện các chủ rừng 6 xã, thị trấn thuộc Khu BTTN.

 

30/08/2019
Bắc Mê trồng rừng mới năm 2019 vượt kế hoạch

BHG - Theo kế hoạch năm 2019 của huyện Bắc Mê trồng mới 625 ha rừng, nhưng tính đến cuối tháng 8 toàn huyện đã trồng được 809,1 ha, đạt 129,5% kế hoạch năm. Trong tổng số 809,1 ha rừng trồng mới có 118 ha rừng trồng được nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng/ha để mua giống, phân bón theo Nghị quyết số 29, ngày 7.12.2018 của HĐND tỉnh; 691 ha do người dân tự trồng. Rừng trồng mới chủ yếu là cây keo Úc...

30/08/2019