Nguyễn Văn Tới làm du lịch

08:14, 26/03/2019

BHG - Sau bao năm đèn sách, tốt nghiệp Trường Trung cấp chuyên ngành Công nghệ thông tin (IT), chàng trai Nguyễn Văn Tới, thôn Hạ Thành, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) đã từ bỏ ước mơ trở thành “dân IT” để làm du lịch. Và nay, homestay của anh đã trở thành địa chỉ quen thuộc của rất nhiều du khách trong nước và quốc tế trên hành trình khám phá mảnh đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc.

Hoa, cây cảnh được anh Nguyễn Văn Tới chăm sóc, tạo không gian thân thiện cho homestay.
Hoa, cây cảnh được anh Nguyễn Văn Tới chăm sóc, tạo không gian thân thiện cho homestay.

 Năm 2011, đúng thời điểm nhận Chứng chỉ IT, thì quê hương Hạ Thành của Tới vinh dự trở thành làng văn hóa du lịch cộng đồng (VHDLCĐ). Khép lại ước mơ nơi giảng đường, Tới quyết định khởi nghiệp ở lĩnh vực hoàn toàn mới - dịch vụ homestay. Bước vào khởi nghiệp, Tới học thêm tiếng Anh để có thể giao tiếp cơ bản với khách nước ngoài; tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ du lịch, nấu ăn… sẵn sàng phục vụ du khách khi họ dừng chân tại homestay của mình. Cùng với sự trang bị kiến thức cơ bản về du lịch; năm 2012, ngôi nhà sàn 5 gian, 2 trái của gia đình Tới khoác lên mình diện mạo của một homestay. Phía chân cầu thang, Tới đặt tấm biển lớn giới thiệu Bản đồ du lịch Hà Giang bằng tiếng Việt và tiếng Anh, giúp du khách dễ dàng lựa chọn địa điểm khám phá. Trong đó, có rất nhiều hình ảnh giới thiệu các địa điểm du lịch hấp dẫn ngay tại xã Phương Độ, như: Làng VHDLCĐ tiêu biểu thôn Tha gắn với xây dựng Nông thôn mới theo tuyên bố Panhou, Làng VHDLCĐ thôn Hạ Thành; tuyến du lịch khám phá 3 thôn vùng cao Nà Thác, Khuổi My, Lùng Vài…

Bà Nguyễn Thị Mệ (bà nội anh Tới) giới thiệu trang phục của đồng bào Tày với du khách.
Bà Nguyễn Thị Mệ (bà nội anh Tới) giới thiệu trang phục của đồng bào Tày với du khách.

Anh Trần Văn Duyên, Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại và Du lịch thân thiện Việt Nam (Hà Nội), cho biết: Tôi từng dẫn nhiều đoàn khách quốc tế đến thăm Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn. Khi đến thành phố Hà Giang, chúng tôi đều chọn homestay của gia đình anh Tới – một địa chỉ lưu trú thân thiện, chất lượng và có nhiều trải nghiệm thú vị. Còn chị Kristin Riddington, du khách Anh không giấu được sự thích thú: Ở homestay nghĩa là “ăn bản, ngủ bản”; được tìm hiểu bản sắc văn hóa địa phương. Đặc biệt, tôi còn được gia chủ đưa đi tham quan chợ Phương Độ vào đúng dịp diễn ra Hội Lẩu then Pjoóc mạ - nét độc đáo trong sinh hoạt văn hóa của đồng bào Tày xã Phương Độ. Tất cả những điều đó đã cho tôi những trải nghiệm khó quên…

Qua nhiều năm làm dịch vụ lưu trú, bằng uy tín của mình, “tiếng lành đồn xa”, homestay của anh Tới mỗi năm lại thêm đông khách. Ngôi nhà sàn 4 thế hệ cùng sinh sống bắt đầu trở nên chật hẹp, chỉ có thể phục vụ tối đa 10 khách lưu trú/lần. Giải quyết khó khăn trên, năm 2016, anh Tới mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT Chi nhánh tỉnh số tiền 500 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, anh Tới dựng thêm ngôi nhà sàn 4 gian khang trang, xây mới 6 nhà vệ sinh hiện đại; nâng cấp bếp nhằm mang đến cảm giác thân thiện, đầm ấm cho du khách. Đến nay, 2 ngôi nhà sàn của gia đình anh Tới có thể đáp ứng nhu cầu lưu trú cho 30 khách/lần; những tháng cao điểm mùa du lịch, gia đình đón bình quân 10 – 15 khách/ngày... đã giúp gia đình anh có nguồn thu nhập không nhỏ. Đi liền với quy mô homestay được mở rộng, nhiều thế hệ trong gia đình anh Tới cùng nhau tạo ấn tượng cho homestay của mình. Trong đó, bà nội và mẹ anh giúp khách trải nghiệm nét đẹp hát Then, đàn Tính của đồng bào Tày; còn bố và vợ của Tới cùng tham gia nấu ăn, tạo cho khách bữa cơm đầm ấm với nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, như: Rau, thịt lợn, gà, cá… do chính gia đình tăng gia sản xuất.

Chia sẻ về kỷ niệm trên hành trình làm dịch vụ du lịch của mình, anh Tới cho biết, homestay của gia đình từng đón tiếp các nguyên thủ Quốc gia đến thăm, như: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Niềm vinh dự này cũng là động lực thôi thúc gia đình không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, để mỗi du khách khi lưu trú sẽ không thể quên hình ảnh tốt đẹp về đất và người Hà Giang.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÙY


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vĩ Thượng nhân rộng mô hình kinh tế gia trại

BHG - Những năm gần đây, nhờ nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 209 và 86 của HĐND tỉnh, người dân xã Vĩ Thượng (Quang Bình) đã và đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. 

 

26/03/2019
Lão nông Mua Seo Dì làm giàu trên vùng đất khó

BHG - Được cán bộ xã đưa chúng tôi đến gặp lão nông Mua Seo Dì, ông là điển hình về phát triển kinh tế của thôn Ngài Là Thầu, xã Lao Chải (Vị Xuyên) - xã biên giới còn nhiều khó khăn... Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới, ông Dì chia sẻ về những thành quả từ sự lao động của bản thân và các thành viên trong gia đình. Trước đây, gia đình lão nông người Mông này cũng thuộc diện khó khăn của thôn, nhà đông con, đất đai khô cằn nên chỉ làm ruộng được một vụ....

26/03/2019
Hiệu quả từ vốn vay Agribank

BHG - Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) huyện Quản Bạ về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp;  cuộc sống của người dân thôn Vĩnh Tiến, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) đã có nhiều đổi thay. Nhiều hộ dân đã có tiền sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa kiên cố; một số hộ bước đầu có "của ăn, của để"; đời sống ngày càng khá giả. Đến thăm thôn Vĩnh Tiến, một thôn chuyên canh tác rau ở Quản Bạ;  chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về việc người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi... 

26/03/2019
Hội thảo chia sẻ phương pháp bảo vệ rừng

BHG - Sáng 25.3, tại Sở Nông nghiệp và PTNT đã diễn ra Hội thảo Chia sẻ phương pháp bảo vệ rừng thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải CO2 (Dự án KfW8). Đồng chí Nguyễn Đức Vinh, Tỉnh ủy viên – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì Hội thảo. Dự Hội thảo có Thường trực UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; đại diện Ban Quản lý Dự án KfW8 T.Ư và tỉnh Lào Cai…

 

25/03/2019