Trồng rừng, trồng cây làm thuốc theo lời Bác dạy nơi địa đầu Tổ quốc

06:51, 05/07/2017

BHG- “Phải chú ý hơn nữa bảo vệ rừng và trồng cây gây rừng. Trồng cây ăn quả và cây làm thuốc” - lời Bác Hồ căn dặn khi lên thăm cách đây hơn nửa thế kỷ vẫn được Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc tỉnh ta khắc cốt, ghi tâm. Thực hiện lời dạy của Người, tỉnh ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng, không những bảo vệ tốt rừng mà rừng còn đang mang lại nguồn thu lớn cho người dân. Bên cạnh kinh tế rừng, tỉnh ta cũng làm tốt công tác bảo tồn, lưu giữ nhiều cây thuốc quý, đồng thời đang hiện thực hóa quyết tâm trở thành “Vương quốc” dược liệu.

Chăm sóc cây Keo lai giống Úc trồng bằng hạt tại xã Kim Ngọc (Bắc Quang).
Chăm sóc cây Keo lai giống Úc trồng bằng hạt tại xã Kim Ngọc (Bắc Quang).

Kỳ I: Người dân sẽ giàu từ trồng rừng

Tỉnh ta có gần 793 nghìn ha đất tự nhiên, trong đó diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp gần 567 nghìn ha, chiếm trên 71%, diện tích quy hoạch rừng sản xuất trên 260 nghìn ha. Từ những lợi thế về đất lâm nghiệp, tỉnh ta đã, đang triển khai nhiều giải pháp phát triển, quản lý rừng bền vững, nhằm bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị đóng góp của lâm nghiệp cho phát triển KT-XH. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020, độ che phủ của rừng đạt 58%, trong đó độ che phủ rừng tự nhiên trên 40%, nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn các nguồn gen quý. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng, tiến hành giao, cho thuê, khoán bảo vệ toàn bộ diện tích rừng, đất lâm nghiệp; tạo việc làm, thu hút đầu tư trong nhân dân, tăng thu nhập ổn định cho người dân. Từ đó, đưa tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 1.080 tỷ đồng/năm vào năm 2020; giá trị dịch vụ môi trường đạt 57 tỷ đồng/năm, giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 14% trở lên; năng suất rừng trồng mới tăng ít nhất 1,2-1,5 lần so với năm 2015, đạt 60-70m3/ha/chu kỳ 7 năm; tỷ lệ sử dụng giống lâm nghiệp tốt trên 30%.

Nhằm từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, từ năm 2015, tỉnh ta đã hỗ trợ nhiều hộ dân xây dựng các mô hình thử nghiệm, trình diễn, tuyên truyền, đưa giống tốt, kỹ thuật thâm canh vào sản xuất như: Mô hình trồng cây Keo lai nuôi cấy mô tại huyện Bắc Quang, Vị Xuyên; trồng Keo tai tượng giống Úc từ hạt tại xã Kim Ngọc (Bắc Quang) và huyện Xín Mần. Qua theo dõi cho thấy, rừng keo trồng theo phương pháp mới đều tăm tắp, phát triển mạnh về chiều cao trong khoảng 4 năm đầu, sau đó sẽ phát triển mạnh về đường kính. Các rừng keo trồng theo phương pháp mới được gần 2 năm tuổi, cây đã cao tới 6m, ước tính mô hình Keo tai tượng hạt Úc sẽ đạt năng suất trên 120 m3/ha/7 năm, đem lại thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha, bình quân đạt 21 triệu đồng/ha/năm. Đối với Keo lai nuôi cấy mô sẽ đạt năng suất 100 m3/ha/7 năm, đem lại thu nhập khoảng 110 triệu đồng/ha, bình quân là 15 triệu đồng/ha/năm... Như vậy, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh đang làm nghề lâm nghiệp, hoàn toàn có thể làm giàu chính đáng, có thu nhập ổn định thông qua hoạt động trồng rừng sản xuất.

Cùng với việc đưa giống tốt, phương thức canh tác tốt vào sản xuất lâm nghiệp, tỉnh ta cũng đã giải thành công bài toán nâng cao giá trị kinh tế rừng thông qua xây dựng chứng chỉ FSC. Theo anh Đồng Anh Đài, cán bộ Chi cục Lâm nghiệp tỉnh: Quản lý rừng bền vững (FSC) là sự quản lý đất và rừng theo bộ tiêu chuẩn nhất định - tiêu chuẩn của Hà Giang là GFA (tổ chức của Đức, được Hội đồng quản trị rừng thế giới ủy nhiệm), nhằm quản lý và kinh doanh rừng lâu dài, liên tục. Quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng là một trong 3 chương trình của chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đang được Bộ NN-PTNT đẩy mạnh thực hiện, nhằm quản lý, phát triển, sử dụng rừng bền vững, có hiệu quả, đáp ứng cơ bản nhu cầu lâm sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo đó, tỉnh ta đặt mục tiêu đến năm 2020, có ít nhất 30 nghìn ha rừng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC thế giới; nâng cao năng lực cho cán bộ lâm nghiệp và người làm nghề rừng về quản lý rừng trồng bền vững; xây dựng, hoàn thiện hệ thống các cơ sở dữ liệu liên quan đến việc quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng đến từng chủ rừng. Việc triển khai cấp chứng chỉ FSC sẽ tăng cường bảo vệ, quản lý bền vững, bảo tồn các loại rừng, phủ xanh diện tích bị thoái hóa thông qua phục hồi rừng, trồng rừng; góp phần duy trì vai trò, chức năng đa dạng sinh học của các loại rừng, đất rừng và vùng rừng; giúp giảm bớt thiên tai, hạn hán. Những khu rừng được cấp chứng chỉ FSC, giá trị gỗ sẽ tăng thêm 15-20% so với giá gỗ chưa có chứng chỉ. Đồng thời, thông qua đó sẽ thúc đẩy thương mại, lâm sản phù hợp với yêu cầu của thị trường quốc tế, hỗ trợ tích cực hoạt động xuất khẩu lâm sản nước ta vào các thị trường chính trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản... Tính toán của các chuyên gia cho thấy, với 30 nghìn ha nhận chứng chỉ rừng, giá trị tăng lên khoảng 30 tỷ đồng/5 năm; cải thiện sinh kế cho các hộ gia đình nghèo sống ở vùng sâu, vùng xa với thu nhập tăng từ 5-7%.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 316 cơ sở chế biến lâm sản, trong đó có 310 cơ sở chế biến gỗ, ván nhân tạo; 5 cơ sở chế biến lâm sản ngoài gỗ, 1 nhà máy sản xuất gỗ công nghiệp tại Khu công nghiệp Bình Vàng với công suất 150 nghìn m3/năm... Điều này đã mở ra nhiều cơ hội để tỉnh ta vững bước đi lên từ kinh doanh rừng trồng theo hướng sản xuất liên kết, có hiệu quả cao và bền vững. Và như vậy, đến năm 2020, tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp của tỉnh có thể đạt tối thiểu 1.080 tỷ đồng; tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm 14-16%; năng suất rừng trồng mới tăng ít nhất 1,2 - 1,5 lần vào năm 2020, 1,5 - 1,8 lần vào năm 2025 so với năm 2015. Và điều quan trọng hơn cả, hơn 80% dân số sống ở vùng nông thôn của tỉnh, nhiều đời gắn bó với rừng, bảo vệ rừng, nay hoàn toàn có thể làm giàu chính đáng, có nguồn thu nhập ổn định thông qua hoạt động trồng rừng sản xuất.

Kỳ cuối: Hiện thực hóa ước mơ “Vương quốc” dược liệu

THIÊN THANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội thảo đánh giá mức độ phù hợp của tài liệu "Hướng dẫn hoạt động khuyến nông"

BHG- Ngày 29.6, Sở NN&PTT tổ chức Hội thảo đánh giá mức độ phù hợp của tài liệu "Hướng dẫn hoạt động khuyến nông" thuộc chương trình dự án JICA giai đoạn I (2016 - 2017) tại tỉnh Hà Giang. 

30/06/2017
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến làm việc với Đoàn tư vấn JICA Nhật Bản

BHG- Sáng 29.6, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Đoàn tư vấn JICA Nhật Bản do ông Takuy Nakagawa làm Trưởng đoàn về các công tác chuẩn bị thực hiện Dự án vay vốn phát triển nông thôn dựa vào kết quả. Dự buổi làm việc có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

29/06/2017
Bắc Quang tìm các giải pháp tiêu thụ lạc cho nông dân

BHG- Lạc được mùa là niềm vui lớn của nhà nông hiện nay tại Bắc Quang. Làm thế nào để lạc bán được giá mới đem lại niềm vui trọn vẹn cho những người nông dân chân lấm, tay bùn. "Bài toán" tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch cho nhà nông năm nào cũng là nỗi trăn trở của các cấp chính quyền!

29/06/2017
Xã Lũng Cú nỗ lực xây dựng Nông thôn mới

BHG- Là một trong 2 xã điểm của huyện Đồng Văn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Tính đến hết năm 2016, xã Lũng Cú đạt 11/19 tiêu chí và với mục tiêu sẽ đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2018. 

29/06/2017