Trồng chuối ở Séo Hồ - mô hình mới cho phát triển kinh tế vùng biên

09:22, 14/12/2016

BHG - Sau một thời gian học hỏi và tích lũy được quy trình trồng chuối ở nước bạn Trung Quốc, hai hộ dân ở thôn biên giới Séo Hồ, xã Na Khê (Yên Minh) đã trở về địa phương, mạnh dạn đưa cây chuối vào trồng với diện tích lớn.

Tìm đến thôn biên giới Séo Hồ mới đây, đúng vào thời điểm diện tích trồng chuối của gia đình anh Vàng Khái Rèn và Lù Hồ Giáo đang đã ra quả và bắt đầu cho thu hoạch một phần, chúng tôi không khỏi bất ngờ về sự phát triển của cây chuối ở nơi đây. Cả một rừng chuối xanh ngát phủ kín một góc biên giới khu vực mốc 349. Cây chuối phát triển tốt, thân to, lá rộng, quả đều, buồng chuối lớn. Theo anh Vàng Khái Rèn, một trong hai chủ hộ trồng chuối ở đây cho biết: Tổng số diện tích chuối của gia đình tôi và anh Giáo là hơn 6ha. Tất cả các cây chuối đều đã có buồng và những cây ra quả sớm chúng tôi đã xuất bán từ tháng 8.

Anh Rèn (ngoài cùng bên trái) chia sẻ về cách chăm sóc chuối.
Anh Rèn (ngoài cùng bên trái) chia sẻ về cách chăm sóc chuối.

Anh Rèn tâm sự: Thôn của tôi là thôn giáp biên, năm ngoái, vào lúc nông nhàn, tôi có sang Trung Quốc trồng chuối thuê cho các ông chủ bên đó để có thêm thu nhập. Thời gian làm, tôi có học được một số kinh nghiệm trồng chuối. Sau khoảng nửa năm, thấy công việc vất vả mà tiền công cũng không nhiều, lại ít có thời gian ở nhà nên tôi quyết định không làm nữa. Về nhà, tôi cứ trăn trở mãi, hai địa phương giáp biên nên khí hậu, đất đai khá tương đồng. Họ thuê mình trồng chuối mà sau khi thu hoạch vẫn lãi cả tỷ đồng tiền Việt mỗi năm tại sao mình không làm được. Nghĩ vậy, nên tôi quyết định dành hết số tiền đi làm thuê và tiền bán gia súc của gia đình để trồng chuối.

Theo tìm hiểu, giữa năm 2015 anh Rèn và anh Giáo bắt đầu trồng chuối trên tổng diện tích trên 6ha, tương đương trên 9.000 cây. Dù cả hai đều có kinh nghiệm tích lũy được khi đi làm thuê bên Trung Quốc nhưng do chưa nắm được hết kỹ thuật nên hàng trăm cây chuối đã bị chết do các bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm trồng, số diện tích chuối còn sống của hai gia đình phát triển tốt và đều đã ra buồng. Riêng diện tích của gia đình anh Rèn đã cho thu hoạch từ tháng 8 đến nay được 2 lứa. Anh Rèn cho biết: Nhà tôi trồng sớm hơn nhà anh Giáo và bón phân nhiều hơn nên một số cây chuối ra quả và cho thu sớm. Đến nay tôi đã xuất bán được 300 buồng chuối, với sản lượng khoảng 12 tấn, giá trung bình khoảng 30.000 đồng/kg. Từ nay đến cuối năm, tôi sẽ bán hết vụ chuối đầu tiên với tổng sản lượng khoảng 200 tấn.

Anh Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Na Khê cho biết: “Mô hình trồng chuối ở Séo Hồ là mô hình rất mới trên địa bàn xã, đặc biệt lại ở một thôn biên giới. Theo như các hộ dân tính toán, tổng các loại chi phí đầu tư vào một cây chuối từ khi trồng đến khi thu hoạch vào khoảng 100.000 đồng. Cho đến nay, khi gia đình anh Rèn đã bán một số đợt chuối chín sớm, trung bình giá tại thời điểm bán mỗi buồng chuối trị giá khoảng 800 nghìn đồng. Như vậy các hộ thu lãi từ 600 – 700 nghìn đồng/buồng. Với số diện tích chuối của hai hộ hiện tại, nếu giá thành ổn định các hộ sẽ có lãi hàng tỷ đồng trong vụ chuối năm nay.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta, đã có một số mô hình trồng chuối  như ở xã Phong Quang (Vị Xuyên)... nhưng để so sánh hiệu quả kinh tế, có thể khẳng định mô hình trồng chuối ở Séo Hồ đang cho thấy giá trị kinh tế cao hơn hẳn. Có được kết quả này, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay Trung Quốc là nước có giá trị xuất khẩu chuối đứng hàng đầu trên thế giới. Họ đạt được thành công này bởi xây dựng được một quy trình trồng, chăm sóc chuẩn dành riêng cho cây chuối, với các loại thuốc phòng, chữa các loại bệnh trên cây chuối; sản xuất riêng các loại phân bón cho từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây chuối cho nên năng suất, sản lượng chuối rất cao. Giá thành thu mua chuối thương phẩm của Trung Quốc hiện nay so với nước ta cũng cao hơn nhiều. Vì thế, có thể hiểu tại sao mô hình trồng chuối của gia đình anh Rèn và anh Giáo ở Séo Hồ lại thành công như vậy.

Trao đổi về mô hình này với các phòng chức năng của Sở Nông nghiệp và huyện Yên Minh, được biết, đây là mô hình kinh tế mới nhất trong các thôn biên giới ở các xã biên giới của Yên Minh nói riêng và của tỉnh nói chung. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, việc trồng chuối kinh tế ở vùng biên giới đã được triển khai và mang lại hiệu quả cao trong xóa đói, giàm nghèo và làm giàu ở Lào Cai, một tỉnh lân cận tỉnh ta. Thiết nghĩ, có thể nhân rộng mô hình này ở các địa phương biên giới trên địa bàn tỉnh ta có điều kiện phù hợp, giúp người dân vùng biên sẽ có cơ hội thoát nghèo và làm giàu.

Bài, ảnh: Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vĩnh Hảo phát triển bền vững cây cam Sành

BHG - Lẫn trong sương nắng dịu nhẹ cuối Đông, những vườn cam Sành trĩu quả như tô đậm thêm thành quả ngọt ngào "một nắng hai sương" của bao nhà vườn nơi miền cam Vĩnh Hảo (Bắc Quang). Thêm một niên vụ mới, người trồng cam thêm niềm hân hoan về mùa vụ cam Sành bội thu... 

14/12/2016
Khai mạc Hội chợ Công nghiệp – Thương mại và Sản phẩm làng nghề Hà Giang 2016

BHG - Tối 13.12, tại Sân vận động C10 (TPHG), UBND tỉnh tổ chức Khai mạc Hội chợ Công nghiệp - Thương mại và Sản phẩm làng nghề Hà Giang năm 2016. 

14/12/2016
Công ty Điện lực Hà Giang tri ân khách hàng năm 2016 tại Vị Xuyên

BHG - Ngày 12.12 Công ty Điện lực Hà Giang phối hợp với Điện lực huyện Vị Xuyên tổ chức Hội nghị tri ân khách hàng năm 2016 tại huyện Vị Xuyên. Đây là hoạt động nằm trong tháng tri ân khách hàng do Tổng công ty Điện lực miền Bắc phát động. Tới dự có lãnh đạo huyện và gần 100 khách hàng trên địa bàn thị trấn Vị Xuyên.

13/12/2016
Hiệu quả từ mô hình trồng cam Vietgap ở Bắc Quang

BHG - Là huyện vùng thấp của tỉnh, những năm qua, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Bắc Quang đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây cam sành vào trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật, nên năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên, thương hiệu cam sành Hà Giang ngày càng được nhiều người biết đến. 

13/12/2016