Hà Giang

Nghị quyết 209 - công cụ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp

07:41, 13/12/2016

BHG- Đó là phát biểu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến trong nhiều buổi làm việc với các ngành và các địa phương về tiến độ thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong thời gian qua. Kết quả sau một năm triển khai chính sách này càng khẳng định: Nghị quyết 209 đang trở thành công cụ hữu hiệu góp phần đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp ở các địa phương.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Đức Vinh (bên trái) kiểm tra tình hình giải ngân hỗ trợ mua trâu, bò theo Nghị quyết 209 ở xã Quyết Tiến (Quản Bạ).
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Đức Vinh (bên trái) kiểm tra tình hình giải ngân hỗ trợ mua trâu, bò theo Nghị quyết 209 ở xã Quyết Tiến (Quản Bạ).

Để hiểu Tái cơ cấu nông nghiệp là gì? Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT Nguyễn Đức Vinh đã giải nghĩa: “Tái cơ cấu nông nghiệp đơn giản là trên những nguồn lực hiện có ở các địa phương (tài nguyên đất, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, trình độ sản xuất của người dân) sẽ bố trí, cơ cấu lại các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp và có tiềm năng, lợi thế, có thị trường tiêu thụ để tập trung nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, trở thành hàng hóa, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân”. Vì vậy, để đạt được mục tiêu này, với điều kiện về tự nhiên và sự phát triển kinh tế gần tương đồng của các địa phương là: 4 huyện động lực, 4 huyện phía Bắc và 2 huyện phía Tây; Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh ta ban hành đã lựa chọn tập trung hỗ trợ để nâng cao giá trị và hình thành chuỗi liên kết sản xuất của 3 cây: Cam, chè, dược liệu và 3 con: Trâu, bò, ong. Từ đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 209 với nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm hiện thực hóa một số mục tiêu lớn mà Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh đặt ra. Một năm qua, từ chính sách của Nghị quyết 209, người dân đang tiếp cận hiệu quả nguồn vốn vay, phát triển sản xuất, chăn nuôi hàng hóa, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp.

Nghị quyết 209 được ban hành ngày 10.12.2015, tính đến ngày 25.11.2016, toàn tỉnh có 14.532 lượt hộ đăng ký vay vốn theo Nghị quyết 209, với tổng số vốn là 1.077.118 triệu đồng. Các huyện, thành phố đã tổ chức thẩm định hồ sơ đủ điều kiện vay vốn 2.634 hộ, đạt 18% so với tổng số hộ đăng ký; nhu cầu vay vốn là 213.034 triệu đồng, chiếm 19,8% so với tổng nhu cầu đăng ký vay; giải ngân được 153.861 triệu đồng cho 1.775 hộ/2.634 hộ đủ điều kiện vay vốn. Nguồn vốn giải ngân trong thời gian qua tập trung chủ yếu vào các nội dung như: Hỗ trợ trồng và chế biến chè; trồng cam; trồng cây dược liệu; chăn nuôi trâu, bò và làm chuồng; nuôi ong. Trong đó, cho vay nuôi trâu, bò và trồng cam đang được giải ngân lớn nhất, cụ thể: Đã giải ngân được 106.433 triệu đồng, cho 1.328 hộ vay vốn mua trâu bò, với tổng số 5.282 con; giải ngân được 227 hộ vay trồng cam với số tiền 28.113 triệu đồng, trồng được 552 ha.

Yên Minh là một trong những huyện được xem là có nhiều điều kiện để phát triển nông, lâm nghiệp nhất so với 4 huyện vùng Cao nguyên đá. Tuy nhiên, những năm qua, Yên Minh lại được đánh giá là có sự chuyển biến về kinh tế nông nghiệp chậm hơn trong số các huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh. Nhưng, từ chính sách của Nghị quyết 209, huyện vùng cao, biên giới này đã và đang thực hiện tái cơ cấu mạnh lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi trâu, bò hàng hóa và nuôi ong, thúc đẩy KT – XH của huyện nhà. Tính đến hết tháng 11, huyện Yên Minh đã giải ngân được 156 hộ vay vốn nuôi trâu, bò, ong theo Nghị quyết 209, với tổng số vốn vay trên 10 tỷ đồng. Nâng tổng đàn gia súc cả năm ước đạt trên 103 nghìn con, tăng trên 6 nghìn 700 con so với năm trước và đã hình thành một trang trại chăn nuôi bò theo nhóm hộ với quy mô từ 60 – 100 con; đàn ong đạt trên 3.800 tổ, tăng 725 tổ so với năm 2015.

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Minh Nguyễn Đình Duẩn cho biết: Thực sự Nghị quyết 209 đã tác động lớn tới tư duy sản xuất hàng hóa của người nông dân ở Yên Minh. Với chính sách hỗ trợ lãi xuất trong 3 năm, nhiều gia đình đã rất mạnh dạn đăng ký vay số vốn lớn để chăn nuôi trâu, bò hàng hóa và nuôi ong lấy mật. Điều mà trước đây họ chưa mạnh dạn làm. Từ đó góp phần thúc đẩy thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của huyện.

Ngoài Yên Minh, trong đánh giá thực hiện chính sách theo Nghị quyết 209, Sở nông nghiệp và PTNT nhận định: 11/11 huyện, thành phố đều triển khai tốt và đi vào nề nếp việc tuyên truyền Nghị quyết 209 cũng như kết quả thực hiện các chính sách của Nghị quyết. Bên cạnh đó, lãnh đạo các huyện, thành phố đều cho rằng: “Nghị quyết 209 mới ban hành được 1 năm nhưng đã đến được với hàng nghìn hộ dân”. Điều này càng khẳng định chính sách thực sự đã đi vào cuộc sống và là công cụ đắc lực giúp thúc đẩy thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

DUY TUẤN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vốn tín dụng chính sách giúp người dân Quang Bình xóa đói, giảm nghèo bền vững

BHG- Những ngày cuối năm, công việc kiểm tra, quyết toán, thẩm định, giải ngân,... của cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Quang Bình càng bận rộn. Đồng hành cùng Ngân hàng CSXH huyện trong hành trình đưa vốn vay ưu đãi đến từng thôn, bản của huyện là những Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), những cán bộ đoàn thể của thôn, xã...; những "cánh tay nối dài" ấy đã và đang đưa các hoạt động của Ngân hàng CSXH đến gần hơn với người dân nghèo ở Quang Bình.

13/12/2016
Quản Bạ đưa Chỉ thị 40 CT/TW vào cuộc sống

BHG- Là một trong những huyện nghèo của cả nước, cuộc sống của người dân nơi đây quanh năm dựa vào nông nghiệp; đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn. Song những năm qua, nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa; Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo như: Chương trình 135, 30a,... nhằm giúp nâng cao cuộc sống của người dân vùng đặc biệt khó khăn.

13/12/2016
Hình thành thói quen tiết kiệm cho người nghèo ở Mèo Vạc

BHG- Đối với huyện nghèo như Mèo Vạc, tỷ lệ hộ nghèo còn cao thì việc tạo cho người dân có ý thức và thói quen tiết kiệm để đề phòng rủi ro là việc làm cần thiết. Thời gian qua, Ngân hàng CSXH huyện Mèo Vạc đã triển khai chương trình tiết kiệm qua Tổ TK&VV; huy động tiết kiệm qua các tổ chức kinh tế và dân cư tại điểm giao dịch xã. Qua đó, góp phần hình thành nên thói quen tiết kiệm cho người dân nghèo. 

13/12/2016
Huyện Quang Bình tạo chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào huyện

BHG - Quang Bình là huyện vùng thấp, nằm trên Quốc lộ 279 và Tỉnh lộ 183 nên rất thuận lợi trong việc giao thương trao đổi hàng hóa giữa các vùng. Những năm qua, huyện Quang Bình đã tạo nhiều cơ chế, cải cách thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư vào huyện.

12/12/2016