Đổi mới hoạt động của các HTX "Bài toán" đang cần lời giải

15:52, 02/04/2016

BHG- Tính đến cuối năm vừa qua, toàn tỉnh có 714 HTX, nhưng có tới 315 HTX tạm ngừng hoặc không còn hoạt động, 49 HTX giải thể hoặc xóa tên. Các HTX rơi vào tình trạng trên có nguyên nhân từ tư duy làm ăn kiểu cũ, xã viên đều không góp vốn, không có quan hệ tín dụng với ngân hàng, thiếu định hướng sản xuất dẫn đến... đóng cửa. Thực trạng này đòi hỏi cần sớm có sự đổi mới, cơ cấu lại để các HTX thực sự phát huy vai trò trong nền kinh tế.

Năm 2008, Hoàng Ngọc Anh, xã Kim Ngọc (Bắc Quang) thành lập HTX Anh Lan, nhằm tập hợp và giải quyết công ăn, việc làm cho 23 xã viên gồm các hộ đồng bào dân tộc thuộc diện di dân hạ sơn. Ngay khi mới thành lập, HTX Anh Lan được ngành chức năng tin tưởng, giới thiệu liên kết với trường Đại học Nông - lâm Thái Nguyên thực hiện Đề tài khoa học Nghiên cứu, sản xuất giống cá Chép lai, loài cá sinh sản nhanh, giá trị kinh tế lớn. Sở hữu diện tích mặt nước gần 3 ha thuê của xã Kim Ngọc, lúc đầu mô hình nuôi trồng, khai thác, nhân giống thủy sản của HTX Anh Lan cung cấp lượng lớn cá thịt, cá giống ra thị trường, tạo nguồn thu ổn định cho xã viên. Thực hiện liên kết nghiên cứu khoa học, HTX được ngân sách đầu tư xây dựng hệ thống bể nuôi, ươm cá bố mẹ sinh sản, cá giống và nhận chuyển giao toàn bộ kiến thức nuôi cá sinh sản.

Bể dành cho cá bố, mẹ sinh sản lâu không sử dụng.
Bể dành cho cá bố, mẹ sinh sản lâu không sử dụng.

Tiếp đến, năm 2010 HTX được giao thực hiện Đề tài khoa học cấp tỉnh, Nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm gạch không nung bằng công nghệ thích hợp với nguồn vốn ngân sách cấp 525 triệu đồng. Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, Hoàng Ngọc Anh đã nghiên cứu, tìm ra công nghệ pha trộn thích hợp giữa đất và các chất phụ gia nhằm tạo thành gạch không nung vừa thân thiện môi trường, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, giá thành rẻ, phục vụ các công trình xây dựng trên địa bàn xã và vùng lân cận. Cũng với số tiền hỗ trợ trên, HTX đã dùng xây dựng nhà xưởng, mua máy ép, máy phối trộn, hệ thống phun sương, tập huấn kỹ thuật... sản xuất 2.000-2.500 viên/ngày. Khi mới đi vào hoạt động, các xã viên làm không hết việc, HTX Anh Lan và cá nhân Chủ nhiệm Hoàng Ngọc Anh nổi như cồn. Dường như hội nghị nào của huyện, tỉnh liên quan đến phát triển kinh tế, nhất là các mô hình mới nổi, Hoàng Ngọc Anh cũng được mời đến dự, báo cáo thành tích và được nhiều cấp, ngành tặng Bằng khen, Giấy khen.

Được nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ thông qua thực hiện hai đề tài khoa học đã giúp HTX Anh Lan tạo được tiếng vang, mở ra cơ hội cho không chỉ xã viên mà cả người dân nghèo xã Kim Ngọc. Bởi lẽ, xã Kim Ngọc và những vùng lân cận, có nhiều diện tích mặt nước, thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa. Sự ra đời của HTX với hoạt động sản xuất cá chép lại đã giúp người dân có thêm cơ hội tiếp cận nguồn cung cấp giống giá rẻ, chất lượng hơn so với các kênh phân phối khác. Bên cạnh đó, việc sản xuất gạch không nung với công nghệ mới, giá thành chỉ bằng 1/3 so với gạch nung, chất lượng tốt nên rất hữu ích, đáp ứng tốt nhu cầu xây dựng nhà cửa và các công trình dân dụng trên địa bàn... Thế nhưng, khi bầu sữa ngân sách không còn, HTX Anh Lan bắt đầu rơi vào tình trạng khủng hoảng và hiện chỉ còn thoi thóp, sống cũng như chết.

Dấu hiệu duy nhất cho thấy HTX còn… thoi thóp.
Dấu hiệu duy nhất cho thấy HTX còn… thoi thóp.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ được xây bằng chính những viên gạch không nung, tường mộc, không chát vôi vữa bên ngoài, ánh mắt Hoàng Ngọc Anh đượm buồn. “Ngôi nhà này được xây từ năm 2012 vừa để ở và làm văn phòng HTX, không phải nghèo không có tiền hoàn thiện, tôi để như vậy nhằm chứng minh chất lượng sản phẩm gạch không nung. Hơn nghìn ngày đã qua với nhiều gió mưa, bão tố, sự khắc nghiệt của thời tiết tác động, tường không hề có biểu hiện rêu mốc, gạch vẫn cứng, sản phẩm tốt như vậy, nhưng cũng không vào được thị trường” - Hoàng Ngọc Anh bùi ngùi. Quả thực, qua quan sát cho thấy, ngôi nhà tường xây mộc bằng gạch không nung có nét đẹp riêng và đã khẳng định sự bền bỉ với thời gian. Ngoài xây nhà, Hoàng Ngọc Anh còn dùng gạch không nung xây chuồng lợn, nhà tắm... những nơi thường xuyên tiếp xúc với nước nhưng nó vẫn thể hiện rõ sự vững trãi.

Dây chuyền sản xuất gạch không nung, được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, chỉ hoạt động rầm rộ một thời gian ngắn, sau đó phải cắt giảm sản lượng rồi dừng hẳn. Nguyên nhân do sản phẩm tồn đọng nhiều và cũng không tiêu thụ được viên nào ngoài thị trường nên đành phải chia cho các gia đình xã viên. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại, dây truyền gạch không nung đang được Chủ nhiệm HTX Anh Lan mang đi cầm cố để vay nợ lấy tiền trang trải.

Bể ấp cá con giờ là chỗ để vật dụng gia đình.
Bể ấp cá con giờ là chỗ để vật dụng gia đình.

Gạch không nung đã chết, hoạt động sản xuất cá giống cũng không hơn gì, cá không bán được, hệ thống ao hồ không đủ nước khiến việc nuôi ươm gặp nhiều khó khăn. Sản phẩm không có đầu ra, xã viên phải đi làm thuê, làm mướn khắp các xưởng sản xuất trong vùng nhằm ổn định cuộc sống. Những gì còn lại, cho thấy dấu hiệu sự sống của HTX Anh Lan nổi tiếng một thời chính là chút ít diện tích mặt nước thuê của xã Kim Ngọc, nhưng hệ thống van điều tiết hỏng lâu ngày không được sửa chữa, nước cạn đến đáy.

HTX Anh Lan nổi lên từ tiền Nhà nước hỗ trợ, nhưng nó cũng nhanh chóng thoi thóp khi bầu sữa ngân sách không còn. Thực trạng này, không chỉ của riêng Anh Lan mà còn diễn ra ở rất nhiều HTX trên địa bàn tỉnh hiện nay. Theo số liệu thống kê mới nhất của Liên minh HTX tỉnh, tính đến cuối năm vừa qua, trên địa bàn tỉnh có 714 HTX thì có tới 315 HTX tạm ngừng hoặc không còn hoạt động, chiếm trên 44% tổng số HTX hiện có; 49 HTX giải thể hoặc xóa tên, riêng huyện Bắc Quang đã rà soát, xóa tên 30 HTX, giải thể 1 HTX; chỉ có 43 HTX tiến hành củng cố tổ chức, kiện toàn và đăng ký lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Số bị xóa tên đều là những HTX nông nghiệp, hoạt động theo mô hình cũ, Ban quản lý và xã viên đã tự giải tán, không thông qua cơ quan quản lý Nhà nước, xã viên đều không góp vốn, HTX không điều lệ hoạt động và không hồ sơ pháp lý theo quy định.

); nhà ở cũng là… Văn phòng HTX được xây từ gạch không nung (Ảnh 4) – đó là tình cảnh của HTX Anh Lan hiện nay.
Nhà ở cũng là… Văn phòng HTX được xây từ gạch không nung.

Cũng theo ghi nhận của cơ quan chức năng, trong năm vừa qua, chỉ 49 HTX thường xuyên có quan hệ tín dụng, tham gia vay vốn tại các tổ chức tín dụng để đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, với tổng dư nợ ước đạt trên 33 tỷ đồng. Những HTX được ngân hàng giải ngân đều sử dụng hiệu quả đồng vốn, hoạt động có lãi, tạo ra nhiều việc làm cho xã viên. Tuy nhiên, tỷ lệ dư nợ của HTX tại các ngân hàng còn thấp, tổng nợ xấu của 11 HTX đã lên tới gần 2 tỷ đồng. Các HTX nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất, hiệu quả kinh doanh còn thấp... Khó khăn là vậy, nhưng cả năm vừa qua, Liên minh HTX cũng chỉ tư vấn được cho 11 HTX xây dựng phương án mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh và đăng ký tham gia vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Qua đó, có 10 HTX được hỗ trợ vay vốn ưu đãi với tổng số tiền giải ngân 2,8 tỷ đồng, nâng tổng số dư nợ từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của Liên minh HTX tỉnh lên 3,7 tỷ đồng.

Phát triển mô hình kinh tế hợp tác, HTX đang được Đảng, Nhà nước chú trọng với nhiều chủ trương, định hướng, tạo điều kiện thuận lợi hoạt động, nhằm đóng góp vào quá trình tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhìn vào thực tại hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh cho thấy, đã đến lúc cần phải đổi mới, sắp xếp lại theo hướng chuyên sâu, có liên doanh, liên kết hỗ trợ nhau phát triển, đặc biệt hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, tránh tình trạng đông nhưng không mạnh như hiện nay.

HỮU THỤY - THIÊN THANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sản xuất lâm nghiệp cơ hội và "rào cản"

BHG- Kỳ I: Cơ hội phát huy tiềm năng, thế mạnh

Trong những năm qua, đặc biệt là nhiệm kỳ 2010 – 2015, lĩnh vực lâm nghiệp nhận được sự quan tâm lớn từ người dân đến các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh. Sản phẩm từ rừng, nhất là gỗ rừng lâm nghiệp xã hội (rừng sản xuất) ngày càng đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân và sự phát triển của ngành Nông – lâm nghiệp tỉnh nhà. 

31/03/2016
Trồng rừng mà... chưa thành rừng!

BHG- Theo thống kê của Ban quản lý rừng phòng hộ Vị Xuyên, là đơn vị chủ đầu tư hợp đồng giao khoán cho các tập thể, cá nhân có đủ năng lực thực hiện trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, trên địa bàn toàn huyện có 584,0 ha rừng trồng bị thiệt hại. Trong đó, có 503,7 ha rừng trồng phòng hộ và 80,3 ha rừng trồng sản xuất (rừng lâm nghiệp xã hội). Diện tích bị thiệt hại chủ yếu tại các khu vực vùng cao của các xã: Lao Chải, Xín Chải, Thanh Đức, Thanh Thủy, Thượng Sơn, Kim Linh...

31/03/2016
Thiệt hại gần 6.000 ha Thảo quả... người dân điêu đứng!

BHG- Mất hơn nửa số diện tích Thảo quả, người dân ở các huyện Yên Minh, Quản Bạ, thành phố Hà Giang, Hoàng Su Phì, Xín Mần đang điêu đứng khi nguồn kinh tế chính của gia đình không cho thu hoạch. Đa số các hộ trồng Thảo quả đều là hộ dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Việc mất mùa và phải vài năm sau mới phục hồi lại rừng Thảo quả có thể làm một số gia đình tái nghèo.

31/03/2016
Xã Kim Ngọc phát triển thôn trung tâm theo hướng đô thị

BHG- Là xã "cửa ngõ" Khu di tích cách mạng Tiểu khu Trọng con và có lịch sử hình thành, phát triển từ lâu đời; xã Kim Ngọc (Bắc Quang) có điều kiện khá thuận lợi cho việc phát triển KT – XH. Gần đây, với sự tự thân nỗ lực và hỗ trợ từ tỉnh, huyện; diện mạo địa phương đang ngày càng đổi thay, đời sống nhân dân được cải thiện; xã đang hướng dần đến việc phát triển các thôn trung tâm (TTT) theo hướng đô thị (ĐT) gắn xây dựng Nông thôn mới (NTM).

31/03/2016