Sản xuất lâm nghiệp cơ hội và "rào cản"

07:59, 31/03/2016

BHG- Kỳ I: Cơ hội phát huy tiềm năng, thế mạnh

Trong những năm qua, đặc biệt là nhiệm kỳ 2010 – 2015, lĩnh vực lâm nghiệp nhận được sự quan tâm lớn từ người dân đến các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh. Sản phẩm từ rừng, nhất là gỗ rừng lâm nghiệp xã hội (rừng sản xuất) ngày càng đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân và sự phát triển của ngành Nông – lâm nghiệp tỉnh nhà. Trong giai đoạn tới, lĩnh vực này hứa hẹn đem lại giá trị kinh tế lớn khi nhận được sự quan tâm, đầu tư, vào cuộc của các doanh nghiệp. Để có cái nhìn rõ hơn về những cơ hội và khó khăn trong phát triển sản xuất lâm nghiệp của tỉnh hiện nay, chúng tôi xin gửi tới độc giả loạt bài viết “Sản xuất lâm nghiệp – cơ hội và “rào cản”.

Số lượng Xưởng bóc ván gỗ rừng trồng và Nhà máy chế biến gỗ công nghệ tiên tiến ngày càng được xây dựng nhiều trên địa bàn tỉnh trong những năm qua.Trong ảnh: Một Xưởng bóc gỗ tại xã Nà Trì (Xín Mần) mới được thành lập vài năm trở lại đây.
Số lượng Xưởng bóc ván gỗ rừng trồng và Nhà máy chế biến gỗ công nghệ tiên tiến ngày càng được xây dựng nhiều trên địa bàn tỉnh trong những năm qua.Trong ảnh: Một Xưởng bóc gỗ tại xã Nà Trì (Xín Mần) mới được thành lập vài năm trở lại đây.

310 cơ sở chế biến gỗ, ván nhân tạo, 5 cơ sở chế biến lâm sản ngoài gỗ, 1 nhà máy chế biến gỗ MDF với công suất 150.000m3/năm đã đi vào hoạt động dây chuyền đầu tiên với công suất 20.000m3/năm trong tháng 4.2015; doanh nghiệp chủ động hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn kinh nghiệm quản lý rừng bền vững và giúp đỡ cấp Chứng chỉ quản lý rừng FSC nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế trên cùng một diện tích rừng cho người dân: Cho thấy lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp của tỉnh những năm tới đang có cơ hội lớn phát huy tiềm năng, thế mạnh còn “bỏ ngỏ”.

Trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh đã đặt ra chỉ tiêu trồng gần 65.000 ha rừng, trong đó phần lớn là diện tích rừng sản xuất. Từ đó, tỉnh và các huyện đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân trồng, phát triển rừng bằng việc hoàn thành việc giao đất và hỗ trợ giá cây giống cho người dân trồng rừng. Diện tích rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh tăng cao qua các năm. Cho đến nay, toàn tỉnh có khoảng 191.000ha rừng sản xuất. Cùng với đó, những năm qua, số lượng các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng ngày càng tăng. Nhu cầu sử dụng nguyên liệu sản xuất, chế biến tăng cao. Hiện toàn tỉnh có 310 cơ sở chế biến gỗ, ván nhân tạo; 5 cơ sở chế biến lâm sản ngoài gỗ; 1 Nhà máy chế biến gỗ MDF với công suất tối đa 150.000m3/năm, đã đi vào hoạt động dây chuyền đầu tiên với công suất 50.000m3/năm... Ngoài ra, trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đảng bộ tỉnh cũng đưa vào Nghị quyết nâng mức che phủ rừng từ 54,84% lên 58%. Để đạt được chỉ tiêu này, chắc chắn tỉnh sẽ có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển diện tích rừng, đặc biệt là rừng sản xuất. Được biết, hiện nay diện tích đất trồng rừng sản xuất nhưng chưa có rừng trên địa tỉnh được kiểm kê còn trên 63.000ha.

Ngoài việc phát triển diện tích rừng và các xưởng, nhà máy chế biến gỗ rừng trồng, giá trị kinh tế rừng cũng đang ngày một tăng lên. Hiện nay, các loại gỗ rừng sản xuất như keo, mỡ, xoan ta,... đủ tuổi khai thác từ 7 năm trở lên, đường kính nhỏ nhất dưới 15cm có giá dao động từ 900.000 đồng đến 2 triệu đồng/m3 gỗ tròn, đường kính từ 15cm trở lên dao động từ 1 đến 10 triệu đồng/m3. Năng suất gỗ rừng trồng, theo Sở Nông nghiệp – PTNT báo cáo bình quân đạt khoảng 60m3/ha. Như vậy, giá trị kinh tế tính ra tương đương đạt từ 48 triệu đến hàng trăm triệu đồng/ha (tính theo giá gỗ rừng trồng loại rẻ nhất và đắt nhất). Tuy nhiên, năng suất gỗ của tỉnh vẫn đang thấp hơn một số tỉnh lân cận, bởi điều kiện, cách thức chăm sóc của người dân, nguồn giống chưa thực sự đảm bảo. Do đó, khi tăng được năng suất, chất lượng gỗ, giá trị kinh tế rừng sẽ tăng theo. Đây thực sự là tiềm năng lớn để người dân và tỉnh đẩy mạnh phát triển lĩnh vực lâm nghiệp, nâng cao giá trị từ rừng.

Theo tính toán của Sở nông nghiệp - PTNT, hiện với mỗi ha rừng trồng đủ tuổi khai thác sẽ đem lại thu nhập cho người trồng rừng khoảng 60 triệu đồng (tính theo loại gỗ có giá bán thấp nhất (keo) và sản lượng trung bình). Diện tích thu hoạch gỗ rừng trồng ước hiện nay 8.000ha/năm. Doanh thu tương đương trên, dưới 400 tỷ đồng (đối với các loại gỗ thông thường như keo, mỡ).

Ông Đoàn Bảo Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần công nghiệp và XNK lâm nghiệp Hà Giang - doanh nghiệp quản lý Nhà máy chế biến gỗ MDF - cho biết: Khi các dây chuyền chế biến hoạt động 100% công suất, với năng suất dự kiến khi xây dựng nhà máy sẽ tiêu thụ khoảng 270.000m3 gỗ nguyên liệu/năm. Tương đương mỗi năm diện tích rừng sản xuất của tỉnh đáp ứng nhu cầu của nhà máy khoảng 5.000ha (với năng suất gỗ hiện nay vào khoảng gần 300.000m3); mang lại hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho người dân và hàng chục tỷ đồng tiền thuế đóng góp cho tỉnh.

Một cơ hội lớn nữa để phát triển rừng sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm lâm nghiệp, cuối năm 2015, Công ty Cổ phần công nghiệp và XNK lâm nghiệp Hà Giang đã triển khai kế hoạch hỗ trợ quản lý rừng bền vững và xin cấp Chứng chỉ rừng FSC thí điểm tại 4 xã của huyện Bắc Quang gồm: Bằng Hành, Thượng Bình, Kim Ngọc, Đồng Yên với hơn 1.100ha rừng được các hộ đăng ký tham gia, làm cơ sở để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Chứng chỉ này sẽ khẳng định diện tích rừng đó được trồng bằng loại giống tiêu chuẩn, chăm sóc theo quy trình khoa học, năng suất, chất lượng gỗ đảm bảo theo tiêu chuẩn Quốc tế, giống như những chứng chỉ sản phẩm nông nghiệp VietGrap. Theo đại diện Công ty này cho biết, mỗi diện tích rừng khi được cấp Chứng chỉ FSC sẽ nâng được giá trị kinh tế cao hơn khoảng 10 - 15% so với những diện tích rừng không được cấp Chứng chỉ. Ví dụ: Hiện một mét khối gỗ nguyên liệu (gỗ tròn – chưa được cấp Chứng chỉ FSC) được thu mua khoảng 1 triệu đồng, nhưng với loại gỗ khai thác từ diện tích rừng được cấp Chứng chỉ FSC sẽ được các doanh nghiệp thu mua cao hơn, từ 1,1 – 1,2, triệu đồng/m3. Bên cạnh đó, trong tương lai gần, chỉ có các sản phẩm được chế biến từ gỗ vườn rừng có Chứng chỉ này mới có thể xuất khẩu sang các thị trường Quốc tế.

Hiện nay, việc thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp Chứng chỉ rừng FSC cho các chủ rừng đang được phía Công ty hỗ trợ, giúp đỡ thủ tục, hướng dẫn cách thức quản lý... với kinh phí được Công ty hỗ trợ 100%. Ngoài ra, trao đổi với Ban giám đốc Nhà máy chế biến gỗ MDF, để chủ động nguồn nguyên liệu, đảm bảo chất lượng, sản lượng đáp ứng nhu cầu sản xuất, nhà máy sẵn sàng hỗ trợ người dân giống, phương pháp thâm canh và cam kết thu mua sản phẩm với giá thành tương đương giá thị trường, thậm chí cao hơn nếu đáp ứng tiêu chuẩn.

Có thể thấy, cơ hội, điều kiện để người dân – những chủ rừng và doanh nghiệp phát triển lĩnh vực sản xuất, chế biến sản phẩm lâm nghiệp là rất lớn. Giá trị kinh tế từ vườn rừng nếu được khai thác đúng tiềm năng, hiệu quả, sẽ đóng góp không nhỏ vào sự phát triển KT – XH chung của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn rất nhiều “rào cản” khiến người dân và các địa phương thiếu quan tâm trong lĩnh vực này, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh sẵn có.

Kỳ II: Những “rào cản” và cách “tháo gỡ”

DUY TUẤN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thiệt hại gần 6.000 ha Thảo quả... người dân điêu đứng!

BHG- Mất hơn nửa số diện tích Thảo quả, người dân ở các huyện Yên Minh, Quản Bạ, thành phố Hà Giang, Hoàng Su Phì, Xín Mần đang điêu đứng khi nguồn kinh tế chính của gia đình không cho thu hoạch. Đa số các hộ trồng Thảo quả đều là hộ dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Việc mất mùa và phải vài năm sau mới phục hồi lại rừng Thảo quả có thể làm một số gia đình tái nghèo.

31/03/2016
Trồng rừng mà... chưa thành rừng!

BHG- Theo thống kê của Ban quản lý rừng phòng hộ Vị Xuyên, là đơn vị chủ đầu tư hợp đồng giao khoán cho các tập thể, cá nhân có đủ năng lực thực hiện trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, trên địa bàn toàn huyện có 584,0 ha rừng trồng bị thiệt hại. Trong đó, có 503,7 ha rừng trồng phòng hộ và 80,3 ha rừng trồng sản xuất (rừng lâm nghiệp xã hội). Diện tích bị thiệt hại chủ yếu tại các khu vực vùng cao của các xã: Lao Chải, Xín Chải, Thanh Đức, Thanh Thủy, Thượng Sơn, Kim Linh...

31/03/2016
Xã Kim Ngọc phát triển thôn trung tâm theo hướng đô thị

BHG- Là xã "cửa ngõ" Khu di tích cách mạng Tiểu khu Trọng con và có lịch sử hình thành, phát triển từ lâu đời; xã Kim Ngọc (Bắc Quang) có điều kiện khá thuận lợi cho việc phát triển KT – XH. Gần đây, với sự tự thân nỗ lực và hỗ trợ từ tỉnh, huyện; diện mạo địa phương đang ngày càng đổi thay, đời sống nhân dân được cải thiện; xã đang hướng dần đến việc phát triển các thôn trung tâm (TTT) theo hướng đô thị (ĐT) gắn xây dựng Nông thôn mới (NTM).

31/03/2016
Yên Minh, hiệu quả từ chủ động ứng phó hạn

BHG- Tình trạng hạn hán trên địa bàn huyện Yên Minh nói riêng và toàn tỉnh nói chung đã may mắn được "giải cứu" bởi đợt mưa lớn trên diện rộng trong ngày 23 - 24.3 vừa qua. 

30/03/2016