Bắc Quang đẩy mạnh huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ Tiết kiệm và Vay vốn

19:46, 12/12/2015

BHG- Nhằm tạo cho người nghèo ý thức dành tiền tiết kiệm (TTK) trong chi tiêu để tạo lập nguồn vốn tự có, thời gian qua, Ngân hàng CSXH huyện Bắc Quang đã không ngừng đẩy mạnh thực hiện chương trình huy động TTK thông qua các Tổ tiết kiệm (TK) và vay vốn (TK&VV). Việc làm này, không chỉ giúp ngân hàng huy động tiền gửi tiết kiệm từ cộng đồng dân cư, mà còn giúp người dân; nhất là những hộ nghèo, quen dần với hoạt động tín dụng và tài chính ngân hàng.

Bác Nguyễn Văn Thuận, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Phúc cho biết: “Hiện nay, thôn Vĩnh Xuân có 162 hộ với 2 Tổ TK&VV. Với mức tiền từ 10 nghìn đồng trở lên, không có ngân hàng nào chấp nhận cho dân tích TK. Mới đầu, mọi người cũng băn khoăn sợ không có hiệu quả và thâm hụt; nhưng được sự hướng dẫn của cán bộ tín dụng, mỗi tổ viên góp vốn đều có tờ phiếu ghi và nhập vào sổ tín dụng TK để quản lý. Dần thấy hiệu quả, nên bà con ngày càng tích cực tham gia”. Không chỉ ở xã Vĩnh Phúc mà đến nay, hầu hết các xã, thị trấn trong huyện Bắc Quang đều thực hiện khá tốt chương trình huy động vốn từ các Tổ TK&VV. Chị Hoàng Thị Lan ở thôn Minh Tiến, xã Quang Minh vay vốn Chương trình hộ nghèo sản xuất của Ngân hàng CSXH Bắc Quang cho biết: “Được Tổ trưởng Tổ TK&VV vận động, hướng dẫn, tôi đã gửi TK tại Tổ TK&VV với số tiền 50.000 đồng/tháng. Sau gần 4 năm, số tiền hơn 2 triệu đồng từ vốn tiết kiệm đã giúp tôi giảm nhẹ gánh nặng trong việc trả nợ gốc và lãi.

Đồng vốn vay từ Ngân hàng CSXH giúp bà con yên tâm lao động sản xuất, chăn nuôi.  Trong ảnh: Mô hình nuôi gà nhốt của hộ đoàn viên Đỗ Đình Huân thôn An Xuân, xã Đồng Yên vay vốn 20 triệu từ Ngân hàng CSXH Bắc Quang.
Đồng vốn vay từ Ngân hàng CSXH giúp bà con yên tâm lao động sản xuất, chăn nuôi. Trong ảnh: Mô hình nuôi gà nhốt của hộ đoàn viên Đỗ Đình Huân thôn An Xuân, xã Đồng Yên vay vốn 20 triệu từ Ngân hàng CSXH Bắc Quang.

Phương thức huy động hàng tháng của Ngân hàng CSXH là người tham gia Tổ TK&VV sẽ gửi TK với mức do tổ thống nhất từ vài chục nghìn đồng; tuỳ khả năng, hoàn cảnh. Người gửi cũng được áp dụng lãi suất như gửi không kỳ hạn. Việc tham gia không chỉ giúp các hộ nghèo, cận nghèo hình thành ý thức TK trong chi tiêu, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay mà còn tăng cường tương trợ lẫn nhau và tạo sự gắn bó giữa các thành viên. Đồng thời góp phần giảm gánh nặng về thu nợ cho ngân hàng. Nguồn vốn huy động, sẽ được Ngân hàng CSXH bổ sung vào nguồn cho vay cho một số đối tượng khó khăn khác có nhu cầu được vay, trong khi điều kiện nguồn vốn cấp của Chính phủ ngày càng hạn chế. Hằng tháng, ngân hàng xây dựng kế hoạch phổ biến, tuyên truyền, tổ chức tập huấn nội dung, quy trình huy động TK, lựa chọn Tổ TK&VV có đủ điều kiện để ủy nhiệm huy động TK của tổ viên. Đối với những Tổ TK&VV hoạt động kém, chưa đủ điều kiện triển khai huy động TK, ngân hàng sẽ củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, đảm bảo tất cả các Tổ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ huy động tiền gửi TK của tổ viên. Đến nay, toàn huyện Bắc Quang đã có 350 Tổ TK&VV. Tổng số tiền huy động đạt trên 2,6 tỷ đồng với 12.118 thành viên tham gia gửi TTK, chiếm 68 % số thành viên của Tổ TK&VV. Trong đó có 227 Tổ hoạt động xếp loại tốt, 90 Tổ khá và 33 Tổ trung bình.

Hình thức huy động tiền gửi TK qua Tổ TK&VV đã mang lại lợi ích thiết thực cho cả ngân hàng và các hộ vay vốn. Với các hộ vay vốn, việc tham gia gửi TTK là tự nguyện, không cố định mức tiền gửi, giúp người nghèo hình thành thói quen tiết kiệm, sử dụng đồng vốn bảo đảm hiệu quả, tăng thêm sự đoàn kết giữa các thành viên trong tổ. Đối với ngân hàng, nguồn vốn huy động sẽ được bổ sung vào nguồn vốn cho vay, giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để thoát nghèo.

Bà Hoàng Thị Hới, Giám đốc NHCSXH huyện Bắc Quang cho biết: “Việc huy động tiền gửi TK thông qua Tổ TK&VV là có lợi cho đôi bên. Không chỉ giúp dân sử dụng đồng vốn phát triển kinh tế hiệu quả, hình thành ý thức TK mà còn giảm nhẹ gánh nặng trả nợ gốc, lãi của người vay, giúp ngân hàng giảm nợ quá hạn, bảo toàn nguồn vốn và nâng cao chất lượng tín dụng. Thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện sẽ tích cực tuyên truyền, phổ biến các chính sách mới liên quan đến việc gửi TTK; nhất là huy động tiền gửi TK của hộ nghèo, hộ cận nghèo, nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động tín dụng. Thường xuyên tuyên truyền rộng rãi đến người dân về các chương trình cho vay ưu đãi và chương trình huy động tiết kiệm, tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ, nâng cao trách nhiệm, năng lực cán bộ lãnh đạo hội, đoàn thể nhận uỷ thác cấp xã, kịp thời phát hiện tồn tại, sai sót để khắc phục, xử lý...”

Bài, ảnh: MỸ HẰNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Họp bàn triển khai kế hoạch Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

BHG- Chiều 11.12, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị họp bàn triển khai kế hoạch Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh; thường trực UBND các huyện, thành phố…

12/12/2015
Xã Tùng Bá tìm lời giải cho "bài toán" giảm nghèo

BHG - Cách trung tâm thành phố Hà Giang 15 km với nhiều tiềm năng, lợi  thế về khoáng sản, những năm gần đây, đời sống của nhân dân xã Tùng Bá (Vị Xuyên) không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo khá thấp, chiếm 12,2% năm 2014

10/12/2015
Nghị lực vươn lên thoát nghèo của nông dân Hò A Chung

BHG - Trong một chuyến công tác đến xã Đông Minh (Yên Minh), chúng tôi được lãnh đạo xã dẫn đến thăm gia đình anh Hò A Chung ở thôn Nà Noong, gương tiêu biểu thoát nghèo nhờ vào phát triển kinh tế gia đình. 

10/12/2015
Triển vọng từ cây Sơn ta ở Bắc Quang

BHG - Những năm gần đây, nhiều gia đình trên địa bàn huyện Bắc Quang đã trồng cây Sơn ta lấy nhựa. Mặc dù quá trình sản xuất còn nhỏ lẻ, thu hoạch chưa đúng quy trình kỹ thuật và chưa có đơn vị đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Nhưng nhựa sơn đã mang đến nguồn thu nhập từ vài chục, đến hàng trăm triệu đồng/hộ/năm. 

09/12/2015