Xã Tùng Bá tìm lời giải cho "bài toán" giảm nghèo

08:25, 10/12/2015

BHG - Cách trung tâm thành phố Hà Giang 15 km với nhiều tiềm năng, lợi  thế về khoáng sản, những năm gần đây, đời sống của nhân dân xã Tùng Bá (Vị Xuyên) không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo khá thấp, chiếm 12,2% năm 2014. Nhưng, bước sang năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã đều tăng đáng kể. Làm thế nào để giảm nghèo một cách bền vững đang là bài toán khó với Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây.

Xã Tùng Bá hiện có 15 thôn, bản với trên 1.500 hộ, chủ yếu là dân tộc Tày. Theo số liệu điều tra mới nhất thì hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 18,3%, tăng 6,1% so với năm 2014; hộ cận nghèo chiếm 17,3%, tăng 9,3% so với 2014. Vậy, nguyên nhân nào khiến tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của Tùng Bá có sự tăng đột biến như vậy? Đem thắc mắc này trao đổi với chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND xã Trương Văn Cao cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng nguyên nhân chủ yếu là do 2 doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn là Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản An Thông và Công ty Cổ phần khoáng sản và năng lượng Hoàng Bách tạm dừng hoạt động từ tháng 10.2014. Điều này đã khiến trên 500 lao động địa phương đang làm việc trong các công ty bị mất việc và không có thu nhập...”.

Hoạt động khai khoáng đã làm ảnh hưởng gần 200 ha đất canh tác của người dân. Trong ảnh: Thửa ruộng trước đây vốn trồng lúa và hoa màu của bà con thôn Nà Lòa giờ đây biến thành bãi cát.
Hoạt động khai khoáng đã làm ảnh hưởng gần 200 ha đất canh tác của người dân. Trong ảnh: Thửa ruộng trước đây vốn trồng lúa và hoa màu của bà con thôn Nà Lòa giờ đây biến thành bãi cát.

Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân là 2 Công ty khai khoáng tạm dừng hoạt động thì cũng còn nhiều nguyên nhân khác mà thời gian tới xã Tùng Bá cần tập trung giải quyết. Đó là tình trạng thiếu đất sản xuất, thiếu vốn đầu tư, sử dụng vốn vay không hiệu quả, thiếu kiến thức, đông con... Thực tế, việc tiếp cận vốn vay để đầu tư sản xuất của các hộ nghèo hiện nay gặp nhiều khó khăn. Mỗi hộ nghèo chỉ được vay tối đa được 30 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, còn nguồn vốn của các ngân hàng thương mại thì họ ít tiếp cận được vì các ngân hàng này “ngại” cho hộ nghèo vay. Trong khi đó, để đầu tư phát triển sản xuất, người dân cần số vốn lớn hơn rất nhiều so với con số 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, một số hộ nghèo sử dụng vốn vay không đúng mục đích. Khi vay được vốn, họ lại mua sắm vật dụng trong nhà hay chăm lo cho con cái ăn học hoặc có đầu tư sản xuất nhưng không phát huy hiệu quả từ đó dẫn đến việc trả lãi cũng như nợ gốc cho ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, công tác hướng dẫn, chuyển giao KHKT cho nhân dân cũng như công tác giám sát nguồn vốn vay của chính quyền địa phương và các ngành đoàn thể chưa kịp thời và quan tâm đúng mức... Ngoài ra, việc thiếu đất sản xuất, giảm năng suất, sản lượng cây trồng do hoạt động khai khoáng cũng khiến địa phương gặp nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất. Năm 2014, có khoảng 200 ha đất sản xuất, canh tác của bà con ở 8 thôn của xã bị ảnh hưởng do đất, đá vùi lấp, sạt lở, lũ quét do hoạt động khai thác của các công ty đóng chân trên địa bàn. Hoạt động khai thác khoáng sản còn tác động tiêu cực đến môi trường sống của người dân bởi khí bụi, tiếng ồn, ô nhiễm môi trường đất, nguồn nước và “băm nát” đường giao thông. Hiện nay, tuyến đường từ thành phố Hà Giang vào trung tâm xã bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại cũng như hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa của bà con.

Hiện nay, xã Tùng Bá đang tập trung mọi nguồn lực, đưa ra các giải pháp trọng tâm nhằm đẩy nhanh quá trình XĐGN. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế, tập trung vào chăn nuôi như nuôi trâu hàng hóa, nuôi lợn đen, vịt bầu... Tăng cường tập huấn, chuyển giao KHKT cho người dân; đưa các giống mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; thực hiện tốt chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo. Về đường giao thông, chính quyền địa phương và người dân rất mong mỏi các cấp, các ngành chức năng sớm có phương án sửa chữa, nâng cấp tuyến đường vào trung tâm xã để thuận tiện cho việc đi lại cũng như hoạt động giao thương, buôn bán của nhân dân, qua đó góp phần thúc đẩy KT – XH địa phương phát triển.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nghị lực vươn lên thoát nghèo của nông dân Hò A Chung

BHG - Trong một chuyến công tác đến xã Đông Minh (Yên Minh), chúng tôi được lãnh đạo xã dẫn đến thăm gia đình anh Hò A Chung ở thôn Nà Noong, gương tiêu biểu thoát nghèo nhờ vào phát triển kinh tế gia đình. 

10/12/2015
Xín Mần chọn "5 đột phá" để thúc đẩy phát triển kinh tế

BHG - Cải cách hành chính nâng cao chất lượng phục vụ công; Tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi chiếm 35% giá trị sản xuất nông nghiệp; Phát triển hạ tầng giao thông; Phát triển kinh tế biên mậu và Phát triển du lịch, đó là Quyết nghị của Đảng bộ huyện Xín Mần, nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định thực hiện.

09/12/2015
Cây cam "lại về" với đồng đất Trung Thành!

BHG - Chỉ từ năm 2010 đến nay – khi người dân bắt đầu quay lại trồng cam, diện tích cam ở Trung Thành đã tăng từ gần 60 ha lên 243 ha. Trong đó, có khoảng hơn 50% đã cho thu hoạch. Với thực tế thu nhập khá của một số hộ trồng cam trong 2, 3 năm qua; những chính sách hỗ trợ của tỉnh cho người dân phát triển cây cam và quảng bá thương hiệu cam sành Hà Giang, người dân Trung Thành có thể yên tâm, tiếp tục tin tưởng vào sự trở lại của cây cam sẽ giúp họ vươn lên khá giả và làm giàu.

09/12/2015
Triển vọng từ cây Sơn ta ở Bắc Quang

BHG - Những năm gần đây, nhiều gia đình trên địa bàn huyện Bắc Quang đã trồng cây Sơn ta lấy nhựa. Mặc dù quá trình sản xuất còn nhỏ lẻ, thu hoạch chưa đúng quy trình kỹ thuật và chưa có đơn vị đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Nhưng nhựa sơn đã mang đến nguồn thu nhập từ vài chục, đến hàng trăm triệu đồng/hộ/năm. 

09/12/2015