Triển vọng từ cây Sơn ta ở Bắc Quang

09:13, 09/12/2015

BHG - Những năm gần đây, nhiều gia đình trên địa bàn huyện Bắc Quang đã trồng cây Sơn ta lấy nhựa. Mặc dù quá trình sản xuất còn nhỏ lẻ, thu hoạch chưa đúng quy trình kỹ thuật và chưa có đơn vị đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Nhưng nhựa sơn đã mang đến nguồn thu nhập từ vài chục, đến hàng trăm triệu đồng/hộ/năm. Kết quả khả quan này, giúp nhiều gia đình nâng cao thu nhập và cũng là tiền đề quan trọng để huyện Bắc Quang triển khai kế hoạch trồng thử nghiệm cây sơn tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện.

Từ một hộ nghèo, vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn thu chính từ cây Sơn ta. Đó là câu chuyện điển hình của cựu chiến binh Nguyễn Anh Dĩa, tại thôn đặc biệt khó khăn – Khuổi Niếng của xã vùng 3 – Đông Thành. Năm 2007, 2008, cam sành – cây trồng chủ lực của gia đình ông cũng như nhiều hộ khác vào vụ thu hoạch liên tục mất giá, chỉ còn 500 đồng/kg, khiến ông trăn trở. Bởi nguồn thu này không đủ trang trải cuộc sống và đảm bảo nguồn vốn tái sản xuất. Cùng thời điểm đó, nhờ sự giới thiệu của người quen, ông về huyện Tam Nông (Phú Thọ), mảnh đất nổi tiếng với thương hiệu “Sơn Tam Nông”, để học tập kinh nghiệm và mua hạt sơn giống về trồng. Thực tế cho thấy, chỉ với 700.000 đồng/kg hạt sơn và đầu tư khoảng 1 tạ phân đạm, NPK bón lót, sau gần 3 năm trồng, chăm sóc, rừng Sơn ta trên 2.000 cây của gia đình ông Dĩa đã chứng minh hiệu quả và trở thành cây trồng chính, mang lại thu nhập khá cho gia đình. Bởi, cây sơn có thể cho thu hoạch nhựa quanh năm, không tốn nhiều chi phí đầu tư mà công chăm sóc đơn giản (chỉ cần thường xuyên phát, dọn sạch cỏ). Thời điểm lý tưởng để thu hoạch nhựa sơn chất lượng bắt đầu từ 3 giờ đêm đến khoảng 9 giờ sáng. “Khi chính vụ Hè – thu, gia đình tôi thu khoảng 4 kg nhựa sơn/ngày và được thương lái đến mua tại nhà, với giá từ 270 đến 300.000 đồng/kg. Hơn nữa, nhựa sơn dùng để gắn, mài mỹ nghệ; tạo độ bóng, bền, đẹp cho bề mặt vật liệu (tre, gỗ, thủy tinh,...) cùng nhiều công dụng khác nên nhựa Sơn ta được ưa chuộng và có chỗ đứng trên thị trường”, ông Dĩa chia sẻ.

Trồng sơn lấy nhựa góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều nông hộ của xã Đông Thành.
Trồng sơn lấy nhựa góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều nông hộ của xã Đông Thành.

Trồng sơn lấy nhựa, từng bước nâng cao thu nhập như ông Dĩa cũng là câu chuyện chung của nhiều gia đình khác trên địa bàn huyện Bắc Quang. Điển hình như gia đình ông: Mai Thanh Trọng (xã Vô Điếm), Đặng Hà Sằm (xã Hữu Sản) ... Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn huyện Bắc Quang: Sơn ta là cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện nên năng suất nhựa khá cao, trung bình ước đạt 80 kg/ha/tháng và đạt từ 30 đến trên 40 tạ/ha/năm trong chu kỳ 8 năm. Mặc dù nhựa sơn đã được xuất ra thị trường ngoài tỉnh nhưng sản lượng còn ít, chưa tập trung và chưa có đơn vị đầu tư phát triển, bao tiêu sản phẩm. Mặt khác, các hộ trồng, khai thác nhựa sơn chưa thực hiện theo quy trình kỹ thuật. Diện tích trồng sơn ta tại 10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bắc Quang mới dừng ở con số khiêm tốn, khoảng 25 ha. Huyện Bắc Quang đã xây dựng kế hoạch trồng thử nghiệm 10 ha cây Sơn ta tại 5 xã: Vô Điếm, Kim Ngọc, Thượng Bình, Hữu Sản và xã Quang Minh.

Thực hiện kế hoạch trên, cây giống được huyện Bắc Quang lựa chọn tại các vườn ươm uy tín của huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Đồng thời, hỗ trợ 100% giá giống và 50% giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ tham gia trồng sơn thử nghiệm. Mặt khác, do tính chất đặc thù, sản phẩm nhựa sơn sau thu hoạch phải được bảo quản đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo chất lượng nhựa tốt nhất. Do vậy, huyện Bắc Quang có cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển trồng sơn, bằng cách: Đầu tư cho vay ứng trước có thu hồi, bố trí quỹ đất và hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng để các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở thu mua, kho bảo quản nhựa sơn tại địa phương. Từ tháng 8.2015 đến nay, huyện Bắc Quang đã hoàn tất việc lập danh sách thẩm định đất của các hộ tham gia trồng Sơn ta; ký cam kết thực hiện giữa các hộ trồng với đơn vị thu mua sản phẩm. Đồng thời, tập huấn kỹ thuật và đôn đốc các hộ chuẩn bị xong khâu làm đất và phần vật tư đối ứng để trồng Sơn ta trong thời gian tới.

Hiện nay, huyện Bắc Quang có khoảng 300 ha đất lâm nghiệp có thể trồng cây Sơn ta hoặc trồng xen trên đồi chè để mở rộng diện tích lên đến 100 ha. Sau quá trình trồng khảo nghiệm để có căn cứ đánh giá hiệu quả kinh tế, thị trường, sự thích nghi của cây sơn với các tiểu vùng khí hậu... Huyện Bắc Quang sẽ có khuyến cáo về tổ chức sản xuất, kỹ thuật trồng cây Sơn ta để nhân rộng trong tương lai gần. Qua đó, góp phần đa dạng hóa thu nhập từ kinh tế rừng, giảm nghèo bền vững để tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân – Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Nguyễn Trung Hiếu cho biết.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xín Mần chọn "5 đột phá" để thúc đẩy phát triển kinh tế

BHG - Cải cách hành chính nâng cao chất lượng phục vụ công; Tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi chiếm 35% giá trị sản xuất nông nghiệp; Phát triển hạ tầng giao thông; Phát triển kinh tế biên mậu và Phát triển du lịch, đó là Quyết nghị của Đảng bộ huyện Xín Mần, nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định thực hiện.

09/12/2015
Cây cam "lại về" với đồng đất Trung Thành!

BHG - Chỉ từ năm 2010 đến nay – khi người dân bắt đầu quay lại trồng cam, diện tích cam ở Trung Thành đã tăng từ gần 60 ha lên 243 ha. Trong đó, có khoảng hơn 50% đã cho thu hoạch. Với thực tế thu nhập khá của một số hộ trồng cam trong 2, 3 năm qua; những chính sách hỗ trợ của tỉnh cho người dân phát triển cây cam và quảng bá thương hiệu cam sành Hà Giang, người dân Trung Thành có thể yên tâm, tiếp tục tin tưởng vào sự trở lại của cây cam sẽ giúp họ vươn lên khá giả và làm giàu.

09/12/2015
Trí thức trẻ Góp phần cùng địa phương phát triển

BHG - Sau một thời gian thực hiện Đề án 07 của BTV Tỉnh ủy, đến nay 32 trí thức trẻ (TTT) theo sự phân công về làm nhiệm vụ tại 16 xã của huyện Vị Xuyên đã phát huy năng lực trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra nhiều giải pháp chỉ đạo phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo tại địa bàn công tác.

09/12/2015
Đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Cốc Pài

BHG - Cầu Cốc Pài có tổng vốn đầu tư trên 143 tỷ đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Châu Á (ADB) do Chính Phủ Nhật Bản tài trợ. Công trình do Ban quản lý 6, Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Cầu Cốc Pài là cây cầu bắc qua sông lớn nhất các tỉnh vùng núi phía Bắc Việt Nam. Hiện nay, cây cầu đang được Ban quản lý 6, Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành trong thời gian sớm nhất kịp thời phục vụ nhân dân .

08/12/2015