Hiệu quả mô hình chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt

12:56, 14/04/2023

BHG - Đi chợ 4.0, không cần dùng tiền mặt, chỉ cần quét mã Qrcode (QR) là có thể thanh toán dễ dàng, tiện lợi, nhanh chóng, chính xác. Đây là những lợi ích mà thời kỳ công nghệ số mang lại, góp phần thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số theo chủ trương, nghị quyết của tỉnh.

Tiểu thương và người dân mua sắm tại chợ Minh Khai, thành phố Hà Giang sử dụng mã QR thanh toán không dùng tiền mặt.
Tiểu thương và người dân mua sắm tại chợ Minh Khai, thành phố Hà Giang sử dụng mã QR thanh toán không dùng tiền mặt.

Từ tháng 6.2022, tỉnh ta bắt đầu thực hiện thí điểm mô hình chợ 4.0 tại chợ trung tâm thành phố Hà Giang. Sau một thời gian ngắn, mô hình này được đẩy nhanh và áp dụng rộng rãi tại 6/11 huyện, thành phố. Bằng nhiều cách làm cụ thể, sáng tạo như thông qua các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin về lợi ích, ưu đãi của dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; thành lập các nhóm zalo điều hành chợ 4.0; hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng Viettel Money trên điện thoại di động và tạo mã QR. Tính đến nay, có 980 trong tổng số 2.300 tiểu thương kinh doanh được tạo và bàn giao mã QR, đạt tỷ lệ 43%, tập trung chủ yếu là thành phố Hà Giang, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Xín Mần.

Là trung tâm của tỉnh, có hoạt động giao thương, kinh doanh, buôn bán sầm uất, nhộn nhịp nhất, người dân thành phố Hà Giang đã sớm bắt nhịp cùng chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua tìm hiểu thực tế tại chợ Minh Khai, ngay sau khi mô hình chợ 4.0 được khởi động, các tiểu thương đều hài lòng khi tiếp cận và sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Là hộ kinh doanh quần áo, chị Nguyễn Thị Thương cho biết: “Tôi đã bán hàng hơn chục năm nay và mới dùng mã quét QR mấy tháng nay. Tôi thấy hình thức này đơn giản, bảo mật, thuận tiện trong quá trình mua, bán, tránh rủi ro, nhầm lẫn khi trả lại tiền thừa cho khách hàng. Hiện nay, phần lớn các tiểu thương đều trang bị, cài đặt thanh toán điện tử, thích ứng yêu cầu của chuyển đổi số”.

Không chỉ người bán, người mua cũng đã có những trải nghiệm thiết thực, thú vị khi đi chợ 4.0. Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh, phường Quang Trung, thành phố Hà Giang chia sẻ: “Bây giờ, những cửa hàng buôn bán rau, thịt, quần áo, tạp hóa đều đã thực hiện số hóa trong thanh toán. Vì vậy, khi đi chợ tôi chỉ mang theo ít tiền mặt, đa số là chuyển khoản. Ngoài ra, nhờ các tiện ích của công nghệ số, tôi còn thanh toán các hóa đơn dịch vụ thiết yếu hằng ngày như tiền điện, tiền nước, mua sắm. Phương thức thanh toán này không khó, chỉ cần điện thoại được kết nối wifi, mạng 3G, 4G”.

Dù bước đầu nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của người dân nhưng mô hình chợ thông minh 4.0 còn khá mới mẻ, số lượng tiểu thương sau khi tạo mã QR phát sinh giao dịch đạt thấp. Nguyên nhân là do các tiểu thương kinh doanh tại chợ là các hộ mua, bán nhỏ lẻ, giao dịch thấp, nhiều tiểu thương là người lớn tuổi không sử dụng điện thoại thông minh. Ngoài ra, ở những nơi vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, người dân và hộ kinh doanh còn giữ thói quen sử dụng bằng tiền mặt, chưa am hiểu, thành thạo, lúng túng khi giao dịch trên môi trường điện tử.

Đồng chí Trần Việt Thế, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Việc xây dựng mô hình chợ 4.0 nằm trong xu thế tất yếu của chuyển đổi số. Trên cơ sở những kết quả đạt được ban đầu, Sở Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị quan tâm ưu tiên nhân lực, kỹ thuật hỗ trợ thiết lập phần mềm giao dịch và tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, tiểu thương kinh doanh nắm bắt chủ trương xây dựng chợ 4.0. Đồng thời, rà soát, lựa chọn các chợ đảm bảo đủ điều kiện để triển khai nhân rộng mô hình phủ sóng trong toàn tỉnh, mở ra những cơ hội giao thương, kinh doanh mới trên nền tảng số, xóa khoảng cách về địa lý lẫn công nghệ để người dân từ thành phố đến nông thôn mua bán, trao đổi hàng hóa thuận tiện”.

Bài, ảnh: MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hiệu quả thanh toán không dùng tiền mặt ở Mèo Vạc
BHG - Là địa phương nằm trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, mặc dù điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức của nhân dân về chuyển đổi số còn hạn chế, nhưng cấp ủy, chính quyền huyện Mèo Vạc luôn xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên hàng đầu.
31/03/2023
Yên Minh nỗ lực triển khai Đề án 06
BHG - Là huyện biên giới còn nhiều khó khăn, song với sự cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, huyện Yên Minh đang tích cực triển khai Đề án 06 của Chính phủ; bước đầu có những kết quả tích cực, tạo nhiều chuyển biến về chuyển đổi số.
30/03/2023
Ký kết quy chế phối hợp thực hiện chuyển đổi số ngành Y tế
BHG - Chiều 30.3, Sở Y tế cùng Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ ký kết quy chế phối hợp thực hiện chuyển đổi số trong ngành Y tế.
30/03/2023
Ứng dụng công nghệ số tại Di tích Lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia Căng Bắc Mê
BHG - Nhằm cung cấp nhiều tiện ích, tận dụng công nghệ một cách hiệu quả trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích, thu hút du khách bằng những sản phẩm mới lạ, hấp dẫn và hiện đại hơn. Thông qua ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 20 tỷ đồng, Di tích Lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia Căng Bắc Mê đã được đầu tư, tôn tạo với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, góp phần thay đổi phương thức bảo tồn, phát huy giá trị di tích một cách hiệu quả.  
28/03/2023