Thành công bước đầu nghiên cứu quy trình trồng, chăm sóc cây Bạc hà

10:06, 13/04/2018

BHG - Mật ong Bạc hà là sản phẩm đặc hữu, riêng có của tỉnh ta, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý và hiện đang là sản phẩm có tiếng trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, những năm qua, việc khai thác mật ong Bạc hà chưa gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, chủ yếu người dân nuôi ong theo kỹ thuật truyền thống, ong lấy mật hoàn toàn từ những diện tích cây Bạc hà dại; đồng thời cũng chưa có nghiên cứu cụ thể để ban hành quy trình hướng dẫn trồng, thâm canh cũng như quy hoạch vùng Bạc hà nguyên liệu phục vụ nuôi ong lấy mật.

Cây Bạc hà dại ở Việt Nam duy nhất chỉ có trên Cao nguyên đá Đồng Văn.
Cây Bạc hà dại ở Việt Nam duy nhất chỉ có trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

Năm 2017, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) triển khai thực hiện dự án: “Nghiên cứu xây dựng quy trình trồng, chăm sóc cây Bạc hà trên địa bàn tỉnh” từ sự hỗ trợ của Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa với những nội dung như: Điều tra hiện trạng phân bố và các yếu tố ảnh hưởng đến sự phân bố của cây Bạc hà tại các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ; nghiên cứu một số đặc điểm nông, sinh học của cây Bạc hà và chỉ ra các giống cây nguồn mật Bạc hà hiện có trên địa bàn 4 huyện; nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật nhằm mục đích thâm canh cây Bạc hà gắn với phát triển du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn; nghiên cứu xây dựng vùng nguyên liệu, quy trình thâm canh cây Bạc hà phục vụ phát triển đàn ong mật cũng như quy hoạch vùng và đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ cho phát triển vùng nguyên liệu Bạc hà trên địa bàn theo chủ trương của tỉnh. Đồng thời, bổ sung thêm thông tin vào các dữ liệu khoa học về cây Bạc hà.

Điểm nghiên cứu cây Bạc Hà tại xã Sủng Máng (Mèo Vạc).
Điểm nghiên cứu cây Bạc Hà tại xã Sủng Máng (Mèo Vạc).

Theo nghiên cứu, cây Bạc hà tại các huyện vùng Cao nguyên đá là cây cỏ dại, thân thảo, mọc tự nhiên trên đất nương khô, ở những nơi có độ cao từ 1.000 - 1.500 m so với mực nước biển; cây thường mọc trong giai đoạn tháng 6 - 7 dương lịch, xen lẫn với vụ ngô Xuân - hè. Hoa Bạc hà có màu tím, tím nhạt và trắng, nở vào cuối tháng 10 đến tháng 1 năm sau (trong mùa sinh trưởng gần như không có mưa) và là nguồn thức ăn chủ yếu của ong mật. Theo thống kê, diện tích cây Bạc hà tại 4 huyện vùng cao có trên 4.125,45 ha, trong đó: Huyện Đồng Văn có khoảng trên 1.000 ha; Mèo Vạc 1.244 ha; Quản Bạ 732 ha và Yên Minh 1.149,45 ha. Nghiên cứu cũng chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng đến sự phân bố của cây Bạc hà như địa hình, đất đai và khí hậu; phân tích rõ các chỉ tiêu sinh trưởng ở từng thời điểm, từng địa phương, đặc điểm nông, sinh học; tình hình sâu bệnh hại, thời gian thu hoạch, bảo quản… Đồng thời xác định cây Bạc hà trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn được chia làm 3 giống.

Có thể khẳng định, đây là nghiên cứu chuyên sâu, bài bản, khoa học đầu tiên từ trước đến nay về đặc tính, sự sinh trưởng và phát triển của cây Bạc hà. Đồng chí Giang Đức Hiệp, Phó Chi cục Trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Từ kết quả của Dự án, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã ra quyết định ban hành quy trình tạm thời trồng, chăm sóc cây Bạc hà phục vụ nuôi ong lấy mật. Đây là cơ sở để tiếp tục nhân rộng diện tích cây Bạc hà. Năm 2018, Chi cục tiếp tục triển khai các nghiên cứu để đưa ra quy trình chính thức.

Tính đến cuối tháng 3 năm nay, tổng đàn ong tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn là 33.251 tổ, với 2.522 tổ chức, cá nhân nuôi ong; trong đó, có 38 Tổ hợp tác, Nhóm sở thích nuôi ong và 13 HTX, doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến mật ong Bạc hà. Năm 2017, tổng sản lượng mật ong Bạc hà đạt 138.519 lít, đem lại giá trị gần trăm tỷ đồng. Từ kết quả bước đầu nghiên cứu quy trình trồng, chăm sóc cây Bạc hà vừa qua và những nghiên cứu sâu hơn trong năm nay của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; tin tưởng rằng, diện tích và mật độ cây Bạc hà sẽ ngày càng tăng lên, góp phần nâng cao chất lượng và khẳng định hơn nữa thương hiệu mật ong Bạc hà Hà Giang.

Bài, ảnh: Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội nghị phối hợp hoạt động Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển KT – XH tỉnh Hà Giang

BHG - Chiều 31.1, tại Hà Nội, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị phối hợp hoạt động KH&CN phục vụ phát triển KT – XH tỉnh Hà Giang. Đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN và đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì Hội nghị. 

31/01/2018
Công an tỉnh tập huấn sử dụng, quản trị hệ thống một cửa điện tử và tiếp nhận, giải quyết TTHC qua dịch vụ Bưu chính công

BHG - Ngày 30.1, Công an tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố tập huấn, hướng dẫn sử dụng, quản trị hệ thống một cửa điện tử; tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ Bưu chính công. Dự hội nghị có lãnh đạo Công an tỉnh; các sở, ngành liên quan. Tại hội nghị, các đại biểu được tập huấn về các chuyên đề: Hướng dẫn tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC trong các lĩnh vực: Quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; cấp, quản lý chứng minh thư nhân dân; phòng cháy chữa cháy...

30/01/2018
Hội thảo xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè Shan tuyết tỉnh Hà Giang

BHG - Ngày 29.3, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè Shan tuyết tỉnh Hà Giang. Tham dự có lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Ban điều phối Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP); lãnh đạo UBND các huyện, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình, Bắc Quang, Vị Xuyên, TP. Hà Giang; lãnh đạo các xã trên địa bàn tỉnh và đại diện các doanh nghiệp và HTX sản xuất chè Shan tuyết trên địa bàn tỉnh.

 

29/03/2018
Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý thuế

BHG - Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động quản lý thuế (QLT), gắn với quá trình cải cách hành chính thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động QLT có tính liên kết, tự động hóa cao, điều này thể hiện rõ trong ứng dụng QLT điện tử, đã khắc phục cơ bản những bất cập, sai sót về số liệu khi thực hiện thủ công; thực hiện minh bạch thủ tục hành chính (TTHC) thuế, cung cấp dịch vụ thuế điện tử phục vụ người nộp thuế và doanh nghiệp thuận lợi khi thực hiện nghĩa vụ thuế; thực hiện liên kết thông tin với các ngành, đơn vị liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả trong quản lý.

27/12/2017