Giải pháp nào để công tác nghiên cứu khoa học phát triển theo chiều sâu?

17:34, 23/07/2008

(HGĐT)- Đối với Hà Giang, điều kiện KT-XH còn khó khăn, khoảng cách phát triển so với các tỉnh lớn...thì việc nghiên cứu khoa học, tập trung trí tuệ nâng cao giá trị sản xuất, chất lượng sản phẩm là rất cần thiết. Để khoa học công nghệ (KHCN) phát triển theo chiều sâu đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, nhất là việc đào tạo, bố trí, sắp xếp nguồn lực KHCN.


Đề tài Khoa học chủ yếu...ứng dụng

Đến thời điểm hiện nay, thị trường KHCN của tỉnh vẫn chưa thực sự phát triển. Công tác nghiên cứu khoa học vẫn chủ yếu là…ứng dụng và mở rộng kết quả các đề tài. Mặc dù vậy, hoạt động nghiên cứu KHCN đã đóng góp rất lớn vào tiến trình phát triển KT-XH của tỉnh, đặc biệt việc ứng dụng các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp. Tuy tỉnh ta còn nghèo, nguồn ngân sách eo hẹp nhưng mỗi năm tỉnh cũng bố trí từ 5 - 8 tỷ đồng cho sự nghiệp KHCN và số tiền này tăng theo từng năm. Triển khai các đề tài khoa học trong nông-lâm nghiệp, ngoài việc tìm ra những bộ giống mới phù hợp điều kiện canh tác của địa phương còn góp phần bảo tồn, phát triển các nguồn gen quý và nâng cao giá trị nông sản địa phương. Đã có nhiều giống lúa đặc sản như: Già Dui (Xín Mần), Khẩu Mang (Đồng Văn), Bao Thai (Yên Minh) được khôi phục, nhân rộng, trở thành hàng hoá, giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm khác trên thị trường. Việc ứng dụng các đề tài khoa học trong nông nghiệp đã làm thay đổi quan niệm, phương thức sản xuất của người dân.


Năm 2003, huyện Hoàng Su Phì phối hợp với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) thực hiện Đề tài Khảo nghiệm một số giống lúa mới. Trong đó, giống HT1 được đánh giá cao, có thể mở rộng diện tích để chế biến gạo xuất khẩu. Kết quả khảo nghiệm tại xã Nam Sơn cho thấy: Giống HT1 có khả năng chống chịu điều kiện ngoại cảnh tốt, mức độ nhiễm sâu bệnh nhẹ, năng suất trung bình 55 tạ/ha. So với giống Khang Dân đang được gieo cấy, HT1 cho năng suất cao, ổn định, chất lượng gạo ngon hơn. Năm 2007 huyện tiếp tục triển khai dự án mở rộng đối với giống lúa này tại 3 xã: Bản Nhùng, Ngằm Đăng Vài, Tân Tiến với tổng diện tích 29 ha. Kết thúc vụ sản xuất, tổng mức đầu tư 1 ha lúa HT1 hết 9,575 triệu đồng, năng suất bình quân đạt 54,8 tạ/ha, bình quân 1 ha thu được 27,4 triệu đồng, trừ chi phí, nông dân lãi 17,825 triệu đồng/ha. Từ kết quả đó, năm 2008 Hoàng Su Phì quy hoạch, mở rộng vùng sản xuất lúa HT1 lên 500 ha.


Việc ứng dụng tiến bộ KHKT mở rộng mô hình thâm canh lúa nếp Nàng Hương của huyện Xín Mần cũng góp phần thay đổi tập quán sản xuất của người dân. Nếp Nàng Hương là giống thuần cổ truyền của địa phương, được gieo cấy ở các xã Cốc Rế, Tả Nhìu. Giống lúa này có chất lượng gạo thơm, ngon, dẻo nhưng người dân gieo cấy manh mún nên sản phẩm chưa trở thành hàng hoá. Trước thực trạng đó, năm 2006 BQL Dự án DPPR xã Cốc Rế xây dựng thành công mô hình thâm canh lúa nếp Nàng Hương tại thôn Sung Lặm. Các tiến bộ KHKT được ứng dụng vào quá trình sản xuất nên đã cho năng suất 50 tạ/ha. Sau đó nếp Nàng Hương được mở rộng tại 2 xã Cốc Rế, Tả Nhìu với quy mô 40 ha. Việc đầu tư, kỹ thuật chăm sóc đã nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người dân trên cùng đơn vị canh tác so với các giống lúa khác… Đây chỉ là 2 trong số nhiều dự án, đề tài khoa học được ứng dụng thành công và đã đưa sản phẩm của nó trở thành hàng hoá.


Nguồn lực KHCN…bất cập

Trong những năm gần đây, việc ứng dụng các đề tài, dự án khoa học ở nhiều lĩnh vực đời sống xã hội đã tạo ra những chuyển biến to lớn, góp phần thay đổi tập quán, nhận thức, phương thức sản xuất, bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc. Nhưng công tác nghiên cứu khoa học của tỉnh còn nhiều hạn chế. Gần như đội ngũ nghiên cứu khoa học của tỉnh chưa có đề tài, sáng kiến phát minh mới nào. Thực trạng này có nguyên nhân sâu xa đó là nguồn lực KHCN của tỉnh còn hạn chế. ở nước ta, nguồn lực KHCN gồm: Cán bộ các viện, trường đại học; cán bộ kỹ thuật, công nghệ làm việc trong các doanh nghiệp; cá nhân thuộc mọi tầng lớp xã hội yêu thích KHKT, có sáng kiến cải tiến, ứng dụng KHKT vào cuộc sống; cán bộ quản lý các cấp tham gia hoặc chỉ đạo công việc nghiên cứu phục vụ hoạch định các quyết sách, quyết định quan trọng thuộc thẩm quyền: Trí thức Việt Nam ở nước ngoài và các chuyên gia nước ngoài làm việc ở Việt Nam.


Xét theo các tiêu chuẩn trên, nguồn lực KHCN của tỉnh liên tục được bổ sung về số lượng. Sau 17 năm tái lập, tỉnh ta có hàng nghìn cán bộ tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học thuộc mọi lĩnh vực, hàng chục thạc sỹ, tiến sỹ được đào tạo bài bản có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Mỗi năm tỉnh cũng cử nhiều cán bộ đi đào tạo các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn. Nhưng, theo ông Nguyễn Thế Dũng, Phó giám đốc Sở KHCN: Đội ngũ cán bộ có trình độ, trực tiếp tham gia nghiên cứu khoa học của tỉnh rất khiêm tốn. Nguyên nhân do việc bố trí cán bộ còn nhiều điểm chưa phù hợp nên họ chưa phát huy hiệu quả cao trong công việc. Nhiều cán bộ được cử đi đào tạo các lớp chuyên sâu, thạc sỹ, tiến sỹ sau đó bổ nhiệm, giữ cương vị quản lý, họ không còn thời gian để nghiên cứu. Một số cơ quan cử cán bộ đi học thạc sỹ, tiến sỹ nhưng khi tốt nghiệp, có bằng cấp trở về họ vẫn làm ở vị trí cũ, vẫn công việc đó, sức ép công việc không cao hơn các chuyên viên khác. Như vậy cũng không phát huy hiệu quả, đấy là chưa muốn nói nhiều người sau khi có bằng liền nảy sinh tâm lý kiêu căng, tự cho rằng mình có trình độ cao, không nghe ý kiến đóng góp của mọi người. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ tuyến cơ sở chưa phát huy được năng lực trong nghiên cứu khoa học. Vừa qua, Sở KHCN đã đẩy mạnh công tác phân cấp cho các huyện nhưng qua kiểm tra, việc thực hiện rất lúng túng… Đây là những “rào cản” không nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển KHCN theo hướng chuyên sâu.


Đảng, Nhà nước xác định đến năm 2010 công tác nghiên cứu KHCN phải bảo đảm cung cấp luận cứ khoa học cho quá trình CNH, phát triển bền vững theo định hướng XHCN, hội nhập thành công với nền kinh tế thế giới; nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế và năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá; xây dựng và phát triển năng lực KHCN đạt trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực… Như vậy, sự phát triển KHCN của tỉnh ta cũng không nằm ngoài dòng chảy đó. Để phát triển được đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, có sự đầu tư và lộ trình thực hiện cụ thể. Làm được điều này, sự nghiệp nghiên cứu khoa học của tỉnh sẽ phát triển theo chiều sâu, thị trường KHCN sẽ được hình thành. Và khi đó ta có quyền hy vọng sẽ có những phát minh, sáng chế do các nhà khoa học của tỉnh nghiên cứu thành công, ứng dụng vào thực tế sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, tạo đà thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển.


Thiên Thanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Viettel đạt 20 triệu khách hàng
(HGĐT)- Chiều 26.6, Chi nhánh Viễn thông Quân đội tại Hà Giang (thuộc Tổng Công ty Viễn thông Quân đội) tổ chức Lễ công bố mạng di động Viettel đạt 20 triệu khách hàng.
29/06/2008
Một số cách thức đưa các dự án phát triển nông thôn miền núi về các tỉnh miền núi
(HGĐT)- Về một số vấn đề chung cần lưu ý trong CGCN cho khu vực nông thôn miền núi.Trước hết, để công nghệ được chuyển giao sớm phát huy tác dụng và đưa lại lợi ích kinh tế-xã hội (KT-XH) thiết thực cho người dân, các kênh CGCN cần đặc biệt lưu ý xem xét/ thẩm định “tính phù hợp” của công nghệ.
28/06/2008
Windows XP được hỗ trợ đến 2014
Microsoft quyết định gia hạn cho hệ điều hành XP do có quá nhiều yêu cầu từ phía khách hàng, đồng thời khẳng định Windows 7 sẽ có mặt vào đầu năm 2010.
27/06/2008
Cả thế giới đang dùng hơn 1 tỷ PC
Theo hãng nghiên cứu Gartner, với mức tăng trưởng mạnh tại các thị trường mới nổi, con số đó sẽ là 2 tỷ vào năm 2014. Hiện nay, các thị trường đã trưởng thành chiếm 58% trong con số 1 tỷ PC đầu tiên, nhưng họ sẽ chỉ chiếm 30% trong 1 tỷ thứ hai, Gartner cho biết.
25/06/2008